Gieo trồng ruộng phúc mùa an cư kiết hạ | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Gieo trồng ruộng phúc mùa an cư kiết hạ

Ba tháng an cư kiết hạ có ý nghĩa rất lớn đối với hàng xuất gia lẫn tại gia. Đó là thời điểm chư Tăng Ni dành trọn thời gian cho việc tu học, thúc liễm thân tâm, trau giồi Giới-Định-Tuệ, đồng thời đây cũng là cơ hội cho hàng Phật tử tại gia phát tâm gieo trồng ruộng phúc thông qua việc cúng dàng, ngoại hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho chư Tăng Ni an cư tu học. Kinh Trung bộ III - Phẩm Phân biệt cúng dàng - kể lại khi Di mẫu Kiều Đàm Di đem một cặp y mới đến cúng dàng Đức Phật,  Ngài đã dạy rằng: “Này Di mẫu Kiều Đàm Di, hãy cúng dàng Tăng chúng. Bà cúng dàng Tăng chúng, thời Ta sẽ được cung kính, và cả Tăng chúng cũng vậy".

Đến kỳ an cư, chư Tăng Ni từ khắp nơi dừng việc du hóa, quay về một trú xứ mà ngày nay gọi là “Tịnh nghiệp đạo tràng” hay “Đạo tràng an cư kiết hạ”, đó là một ngôi tùng lâm, già-lam, tịnh xá, tu viện để tu học.

Trong thời gian an cư, chư Tăng Ni không đi khất thực, các cận sự nam, cận sự nữ là hàng Phật tử tại gia dâng y phục, thuốc men (nếu có vị Tỳ-kheo bị bệnh) và sớt bát cúng dàng thức ăn mỗi ngày. Nói chung là hàng Phật tử chăm lo việc tứ sự (cơm nước; y phục; chỗ ngồi, giường nằm; thuốc men trị bệnh là các nhu cầu cơ bản cần thiết nhất của con người), tạo mọi điều kiện thuận tiện cho chư Tăng Ni an tâm tu học.

Duyên khởi ba tháng an cư của người tu sĩ

Từ thời Đức Phật tại thế, mùa hạ mưa nhiều, chư Tăng đi khất thực vất vả, ướt lạnh, có khi nguy hại tới sức khoẻ mạng sống. Lại thêm côn trùng sâu kiến sinh sản rất nhiều, khó tránh tội sát sinh. Nên Đức Phật dạy Tăng ni mùa hạ phải nhóm họp một chỗ tịnh tu, y chỉ những bậc tiên giác thượng toạ.

Mặt khác an cư kiết hạ còn có ý nghĩa là tụ hợp Tăng chúng ở chỗ thanh tịnh để cùng nhau tu hành, kiểm điểm hành vi, cử chỉ, y theo luật Phật mà hành trì. Trong một năm để 9 tháng truyền bá chính pháp, 3 tháng còn lại hoàn toàn dành cho sự tu học.

Duyên khởi để Đức Phật chế định pháp an cư là như vậy. Từ đó về sau, hàng năm cứ vào ba tháng mùa mưa, chư Tăng tập họp lại cùng một trú xứ để an cư.

Và sau ba tháng chuyên tu giới định tuệ, thượng căn chứng quả, trung căn hàng phục phiền não. Dù hạ căn mà giới luật thanh tịnh cũng tăng tiến đạo nghiệp. Nên Tỳ-kheo lấy kết hạ làm tuổi, gọi là hạ lạp. Niên thiếu Tỳ-kheo chưa đủ năm hạ phải y chỉ. Ai chưa đủ 12 hạ không được phép làm thầy. Trong khoá an cư, ai không được sự chấp thuận của đại chúng mà bước chân ra ngoài đại giới gọi là phá hạ, nghĩa là mất tuổi. Nên ngày rằm tháng Bảy, lễ tán hạ là ngày Tăng nhận tuổi, là ngày khánh Tuế của thiền môn.

Tại các đạo tràng an cư kiết hạ tập trung của chư Tăng Ni, vì chư vị chuyên tâm tu học, hạn chế tối đa sự hướng ngoại nên rất cần sự hộ trì về nhiều phương diện của hàng Phật tử. Vì thế, hàng Phật tử thường chung tay góp sức, kẻ góp của người góp công, tùy theo năng lực và hoàn cảnh của mình mà tận lực ủng hộ đạo tràng an cư để vun bồi phúc đức. Bởi chư Tăng Ni có đầy đủ giới pháp thanh tịnh, là phúc điền của chư thiên và nhân loại, cúng dàng lên chư Tăng Ni sẽ đem lại cho người thiện tín vô lượng vô biên công đức.

(Nhóm ĐBT biên soạn)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6333171
Số người trực tuyến: