Không tu từ căn bản, bạn sẽ vẫn trôi lăn trong sinh tử luân hồi | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Không tu từ căn bản, bạn sẽ vẫn trôi lăn trong sinh tử luân hồi

Trong đời quá khứ, bạn đã từng tu học và thực hành niệm Phật, đã dụng công nghiên cứu Kinh sách; thậm chí có thể còn trong vai trò của một pháp sư… Vậy nguyên nhân nào khiến bạn mãi trôi lăn trong luân hồi sinh tử mà chưa thể siêu việt (vãng sinh) về cảnh giới Tịnh độ? Vì sao hiện nay bạn vẫn rơi vào cảnh sống này? Thành hình dáng này? Nguyên nhân do đâu? Đó là vì không tu từ căn bản.

Căn bản là gì? Chúng ta nói một cách đơn giản nhất là tâm chân thành. Chúng ta không dùng tâm chân thành, lại còn xen lẫn lừa mình dối người, cho nên mới rơi vào tình trạng hôm nay, là những việc như thế này.

Nói chung hiện nay chúng ta đã minh bạch, đã rõ ràng, chúng ta không dùng giả nhân giả nghĩa đối xử với mọi người, mà dùng một tấm chân thành, có thể tiếp nhận hay không là việc của họ, không phải là việc của ta. Họ biết hay không biết sự chân thành của chúng ta cũng là việc của họ. Chúng ta thật lòng đối đãi với họ, “giả chứ không phải là chân”, đó là cách nghĩ của họ, chúng ta không có cách nghĩ này, như thế mới có thể thành tựu. Nếu không thể quay đầu lại từ chỗ này, sửa sai từ chỗ này, thì một đời này của chúng ta vẫn sống vô ích như trong đời quá khứ. Sau khi chết rồi, nhất định chúng ta vẫn theo nghiệp lưu chuyển, vẫn cứ trôi lăn trong lục đạo luân hồi, không trông mong thoát khỏi.

Trong một đời này, thật sự muốn thoát khỏi, muốn thoát khỏi lục đạo, thoát khỏi thập pháp giới, không có cách gì khác là phải chân thành. Dùng tâm chân thành, dùng thái độ hiếu kính, hiếu thuận với tất cả chúng sinh, tôn kính tất cả chúng sinh, bản thân mình phải khiêm nhường, phải khiêm hạ, mới có thể làm tốt sự tình này.

Ở đâu cũng muốn đứng trên người, ở đâu cũng muốn đi trước người, đó là sai lầm lớn, đó là chướng ngại nghiêm trọng, phiền não tập khí vô lượng vô biên bất giác lại khởi hiện hành. Cho nên quí vị mới biết được đức tính khiêm hạ, có thể thành tựu công hạnh của chúng ta. Vì vậy quí vị phải khiêm nhường, phải khiêm hạ, không dám ở trước người khác, không dám đứng trên người khác. Vì sao vậy? Vì vô lượng kiếp đến nay tập khí phiền não rất sâu nặng, không cẩn thận một chút lại khởi hiện hành, tham sân si mạn bất giác khởi lên. Chúng ta tu hành lại bị nó phá hoại.

Chúng ta thử xem, đọc Luận Ngữ, quí vị thấy sự khiêm nhường của Khổng tử; đọc kinh Phật, quí vị thấy được sự khiêm nhường của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Các ngài không chỉ dùng ngôn giáo, hiện thân thuyết pháp, mà còn làm việc cho chúng ta xem.

Trong kinh có ghi: Đức Phật thấy một bà già hoa mắt đang xỏ kim, nhưng xỏ hồi lâu cũng không qua được. Thấy vậy, Ngài lập tức đến xỏ kim giúp bà ta. Thấy người tuổi đã cao vác củi gánh nước rất khổ cực, Ngài lập tức đến gánh thay cho họ. Đó là việc làm thật, không phải là chỉ nói suông.

Ngày nay chúng ta làm việc thường có tâm lẩn tránh, đùn đẩy cho người khác làm, đây là sai lầm. Trừ phi thể lực chúng ta suy yếu không làm được, mới bảo người trẻ tuổi làm. Nếu mình còn có thể làm được thì không nên gọi người giúp đỡ, đây gọi là học Phật.

Đây là làm mô phạm cho người khác. Quí vị nói quí vị thật sự có thể làm được điều đó, mọi người sẽ phục, quí vị nói quí vị không làm được, mọi người nghe sẽ không phục, không thể tin tưởng, không thể chấp nhận. Quí vị nhất định phải làm gương tốt cho chúng sinh, làm bậc mô phạm. Vì vậy chúng ta khởi tâm động niệm, nghĩ xem, suy nghĩ của ta, lời nói của ta, việc làm của ta, có thể làm điển hình cho chúng sinh hay không?

Phàm là việc không thể làm điển hình cho chúng sinh, nhất định không được làm, nhất định không được nghĩ tới, thì một đời tu hành này của chúng ta mới có kết quả. Không đến nỗi như đời đời kiếp kiếp trước kia đều không được kết quả. Đời này, nếu không nghiêm chỉnh tu hành, thì đời này vẫn không đạt được kết quả, cùng lắm quí vị chỉ được một ít phước báo hữu lậu trong tam giới lục đạo mà thôi! Điều này khẳng định sẽ đạt được. Nếu muốn ngay đời này liễu sinh tử thoát khỏi tam giới thì không được.

(Trích: “Kinh Địa Tạng Huyền Nghĩa”, tập 7

Tác giả: Pháp sư Tịnh Không)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6317751
Số người trực tuyến: