Lễ kính chư Phật theo hạnh nguyện của Đức Phổ Hiền
Ai từng làm thủy thủ mới thấy giá trị của la bàn. Ai có tắm mình trong biển Phật pháp mênh mông mới công nhận Đức Phật là đại từ, đại bi. Ngày nay, chúng ta được thấm nhuần mưa Pháp, và được tháo gỡ phần lớn hệ lụy của cuộc đời là nhờ ơn sâu dày của chư Phật. Bởi thế, hạnh nguyện đầu tiên của Phổ Hiền Bồ Tát là “Lễ kính chư Phật”.
Phần “lễ’ trong pháp giới như Ngài Phổ Hiền thuộc về lý tính tuyệt đối, được kinh Hoa Nghiêm diễn tả như sau:
Nhất thân phục hiện sát trần thân
Nhất nhất biến lễ sát trần Phật
Nghĩa là trong pháp giới mười phương, tất cả Phật nhiều như bụi trần đã ra đời, thành Vô thượng Chính đẳng giác hoặc chưa ra đời còn ở trong tâm niệm chúng sinh, cùng một lúc Ngài biết rõ tất cả và hiện đủ thân đến trước tất cả, đỉnh lễ không sót. Chắc chắn Ngài Phổ Hiền không dùng thân để lễ như chúng ta, Ngài sử dụng lực phát xuất từ tâm Chân như đi vào pháp giới lễ ba đời chư Phật, trong đó có pháp thân của chúng ta, giúp cho pháp thân lớn lên.
Bởi vì Bồ Tát Phổ Hiền là vị cổ Phật, hiện thân lại để tạo điều kiện cho chúng sinh thành Phật tương lai. Thế nên, sự lễ lạy của Ngài là nhằm vào vị Phật tương lai, nhờ đó ngày nay chúng ta tu được, chúng ta có tương quan tương duyên với Ngài. Trong lúc chúng ta lạy Ngài bằng tượng xi măng, cốt thép, bằng gỗ, bằng giấy…., còn Bồ Tát Phổ Hiền lại là pháp thân của chúng ta.
Bồ Tát Phổ Hiền nhập pháp giới đứng trong tâm trạng từng người một mà cảm thông nhịp nhàng từ thấp lên cao, nên Ngài lễ ba đời các Đức Phật mới trọn vẹn. Bồ Tát Phổ Hiền nhìn xuống chúng sinh thấy từng lớp người tiến về Vô thượng Chính đẳng giác, chúng sinh hôm nay là Nhị thừa, ngày mai là Bồ Tát và ngày mốt là Phật. Dưới lăng kính của Ngài Phổ Hiền, mỗi ngày đều thấy có người phát tâm, sẽ thành Phật hay không thành Phật đều do Ngài giáo hóa. Cách lễ theo Ngài Phổ Hiền thuộc lộ trình tu chứng của Bồ Tát đã ngộ Tỳ Lô Giá Na tự tính, nên Ngài điều động trí thân thấu suốt tất cả hiện tượng đến độ trả vật về hư không hội nhập pháp giới. Đạt đến cảnh giới Bất Tư Nghì, khả năng này thuộc phần lý sâu xa của Đại Bồ Tát.
Mỗi chúng ta nương lực Phổ Hiền, không phân thân khắp mười phương được thì trước tiên chúng ta phải hiểu thế nào là “lễ kính chư Phật” và cách lễ Phật sao cho có kết quả.
Lễ là gì?
Lễ là phép tắc, lễ tiết, là noi theo hay làm theo, như nói chúng ta đối với người phải có lễ. Trong Phổ Hiền hạnh nguyện, chẳng những Phật dạy chúng ta đối với mọi người phải có lễ, còn đối với vật chúng ta cũng phải có lễ, đối với mọi sự cũng phải lễ. Có thể thấy được cảnh giới hạnh Phổ Hiền vô cùng rộng lớn, vô cùng vi tế. Cho nên theo pháp tu Phổ Hiền: lễ thuộc bên ngoài, kính thuộc nội tâm, tâm phải chí thành cung kính, còn bên ngoài nhất định phải hợp với lễ tiết.
Chữ “lễ” này là tiết độ, không thể thoái chuyển, cũng không thể quá độ. Chúng ta phải thanh tịnh thân, khẩu, ý mà thanh tịnh tức hiện chân tâm, chân tâm là thanh tịnh, chân tâm xưa nay không nhiễm. Cái tâm nhiễm ô đó là vọng tâm, còn chân tâm không nhiễm. Nhất tâm không nhiễm, nhị tâm mới nhiễm ô. Chúng ta phải biết nhất tâm đó là chân tâm, nhị tâm là vọng tâm. Khi khởi tâm động niệm thì rơi vào tâm không thanh tịnh, vậy thì nhất tâm không khởi vọng niệm.
Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, khi không khởi tâm động niệm, tâm sẽ rõ ràng, minh bạch. Lúc đó, chúng ta dụng tâm cùng với chư Phật Như Lai không có khác biệt. Chư Phật Bồ tát thường trụ chân tâm, còn chúng ta niệm trước là chân tâm, niệm sau là vọng tâm rồi. Thị phi, nhân ngã, phân biệt, chấp trước là vọng tâm. Bồ tát dùng tâm thanh tịnh thường tu lễ kính.
(Trích ấn phẩm: “Mười hạnh Phổ Hiền trong kinh Hoa Nghiêm”
Tác giả: Thích Chí Giác Châu
NXB Phương Đông, 2008)
- 448
Viết bình luận