Mang ác nghiệp về cõi Cực Lạc có trái lý nhân quả? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Mang ác nghiệp về cõi Cực Lạc có trái lý nhân quả?

Không tu tam nghiệp thanh tịnh, tất khó vãng sinh, đó là điều chắc chắn. Nhưng tại sao hàng phàm phu nghịch ác khi lâm chung cũng có thể vãng sinh? Liệu điều này có trái lý nhân quả không? Trong Quán Kinh đã dạy: “Hạ phẩm hạ sinh là như có người tạo tội ngũ nghịch, thập ác, làm đủ các việc không lành, do vì ác nghiệp, nên đáng lẽ phải bị đọa vào ác đạo, trải qua nhiều kiếp, chịu khổ vô cùng! Nhưng khi lâm chung, kẻ ấy được gặp thiện tri thức an ủi và thuyết pháp cho nghe, khuyên phải nhớ tưởng đến Phật; song đương nhân vì bị sự khổ bức bách nên không nhớ tưởng được. Thiện hữu lại bảo: “Nếu ông không thể nhớ Phật, thì hãy chí tâm xưng Nam Mô A Di Đà Phật âm thanh liên tiếp nhau cho đủ mười niệm”. Người ngu ác kia vâng lời hết lòng xưng danh, nên trong mỗi niệm diệt được tội nặng nơi đường sinh tử trong tám mươi ức kiếp. Khi người ấy niệm Phật, bỗng thấy hoa sen vàng chói sáng như vầng nhật hiện ra ở trước, trong khoảng một niệm, đương nhiên liền được sinh về thế giới Cực Lạc và kế tiếp đó phải ở trong hoa sen mãn mười hai đại kiếp. Khi hoa sen nở ra, kẻ ấy thấy Đức Quán Thế Âm, Đại Thế Chí dùng tiếng đại bi, vì mình nói thật tướng của các pháp và cách trừ diệt tội chướng. Đương nhân nghe pháp rồi tự nhiên vui vẻ, phát tâm Vô Thượng Bồ Đề”.

Đoạn kinh trên chỉ rõ cảnh tướng của bậc hạ phẩm hạ sinh. Mười hai đại kiếp ở trong hoa sen, tuy thời gian có lâu xa, nhưng người vãng sinh thấy mình ở trong một bầu thế giới riêng biệt, hưởng thọ sự vui như chư thiên nơi cung trời Đao Lợi. Vì thế cổ đức đã bảo: 'Trong hoa vui vẻ như Đao Lợi. Khác hẳn thai phàm của thế gian.

Theo Quán Kinh Sớ, thì người nghịch ác mà được vãng sinh, là do khi lâm chung, kẻ ấy chí tâm niệm Phật, nên tội chướng được tiêu trừ. Thế thì ý của Sớ Văn cho sự niệm Phật là thắng duyên vãng sinh. Riêng tôi, sau khi tham khảo các kinh luận và sớ giải về Tịnh Độ, lại ước kết trong ba nghĩa:

Điều thứ nhất, hành nhân chỉ niệm Phật trong thời gian ngắn ngủi mà có thể thắng nổi nghiệp ác trọn đời, là do nhờ tâm lực rất mạnh mẽ ý chí cực quyết định; đó gọi là đại tâm. Tình cảnh ấy ví như người bị quân giặc vây khổn, đang lúc nguy cấp, do liều chết không kể đến thân mạng, nên phát được sức dũng mãnh cùng cực, xông phá vượt ra khỏi trùng vi.

Điều thứ hai, kẻ ấy tuy tạo ác, song hoặc hiện đời đã có tu Tam Muội, nên khi lâm chung nghe người nhắc bảo, định lực được dễ thành. Nếu đương nhân hiện đời không tu Tam Muội, tất đời trước cũng đã có huân tu. Hạt giống lành ấy nay đã đến thời kỳ thuần thục, nên khi lâm chung gặp thiện tri thức khuyên bảo, kẻ đó nương nơi túc thiện nghiệp, trong mười niệm mà được thành công.

Điều thứ ba, nếu không phải do công tu trong hiện đời hay nghiệp lành về kiếp trước, tất khi lâm chung kẻ ấy đã niệm Phật với lòng sám hối tha thiết cùng cực. Nên ngài Vĩnh Minh nói: “Vì thể nhân duyên vốn không, nên nghiệp thiện ác chẳng định; muốn rõ đường siêu đọa, phải nhìn nơi tâm niệm kém hơn. Cho nên một lượng vàng ròng thắng nổi bông gòn trăm lượng, chút lửa le lói đốt tiêu rơm cỏ muôn trùng”.

Một trong ba nhân duyên trên, cộng thêm công đức của Phật hiệu, nguyện lực của Di Đà, nên khi lâm chung kẻ nghịch ác mới thắng được tội khiên, sinh về Cực Lạc.

Nếu sám hối mà tội chưa tiêu hết có vãng sinh được không?

Sống trong đời ác năm trược, mỗi người đều có tội; giả sử không tạo tội nặng ngũ nghịch, thì cũng vương vào các lỗi khác. Nếu có người sám hối mà tội chưa tiêu diệt hết, khi bình thời và lúc lâm chung đều chí tâm niệm Phật, thì đều được vãng sinh, do nhờ sức đại nguyện không thể nghĩ bàn của Đức A Di Đà. Kinh Na Tiên nói: “Như đem tảng đá thật to để trên thuyền, do nhờ sức thuyền nên đá không bị chìm và được chuyển sang bờ bên kia. Nếu không có thuyền thì dù đem hạt cát để xuống nước, hạt cát ấy cũng vẫn bị chìm”.

Tảng đá to dụ cho người nghiệp nặng, hạt cát dụ cho người nghiệp nhẹ, chiếc thuyền dụ cho nguyện lực của Phật. Người dù nghiệp nặng bao nhiêu mà biết ăn năn chí tâm niệm Phật thì cũng được Phật tiếp dẫn, ví như tảng đá to được thuyền chở qua bờ bên kia. Kẻ nghiệp tuy nhẹ mà không niệm Phật, khi mạng chung sẽ tùy nghiệp chịu khổ luân hồi, ví như hạt cát bị chìm, bởi không thuyền chuyên chở. Cho nên trong nhà Phật có thuyết đới nghiệp vãng sinh, là còn mang nghiệp mà được sinh về Tây Phương, chính ý nghĩa đó. Trong Tịnh Độ văn, đoạn nói về bốn cõi cũng bảo: “Người còn đủ hoặc nhiễm, vẫn được sinh về Đồng Cư Tịnh Độ”. Như Hùng Tuấn, Trương Chung Quỳ, và một người ở Phần Châu đều lấy nghiệp đồ sát làm nghề sinh sống; khi lâm chung cả ba người kẻ thì thấy bầy trâu ồ ạt kéo đến muốn chém, kẻ lại thấy thần nhân đuổi bầy gà đến mổ khắp cả mình và đôi mắt, làm cho máu chảy ướt giường. Nhưng nhờ chí tâm niệm Phật, nên cả ba đều thoát khỏi nghiệp Nê lê (địa ngục), được sinh về Cực Lạc. Sự tích này có chép rõ trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục. Những việc trên đây không phải bằng chứng của Phật lực là gì?

Xin đem một thí dụ nữa để nói rõ: Như có người phạm pháp quan đáng lẽ phải bị tù ngục, nhưng kẻ ấy biết cầu cứu với vua, nhờ che chở cho để chờ lúc lập công; do vua tuyên triệu nên quan không thể gia hình. Đương nhân nhờ đó mà đi thẳng đến đế kinh, không ai cầm bắt được. Cho nên bộ Tây Tư Sao nói: “Chúng sinh được về Tịnh Độ là do nhờ Đức Thích Ca chỉ đường, Phật A Di Đà tiếp dẫn, và chư Phật mười phương đều hộ niệm. Như người qua biển cả, đã được thuyền to, lại nhờ tay lương đạo, thêm vào đó sức gió thuận, nên có thể mau đến bờ bên kia. Nếu còn không chịu bước lên thuyền, lưu liên nơi miền ác địa, đó là lỗi của ai ư?”.

(Lược trích: “Tịnh Độ hoặc vấn”

Thiền sư Thiên Như Duy Tắc thuật

Việt dịch: HT. Thích Thiền Tâm)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6409385
Số người trực tuyến: