Mối Pháp duyên Truyền thừa Drukpa với Tây Thiên, miền đất Dakini Không hành mẫu
Di sản 1.000 năm phụng sự nhân loại và vũ trụ
Đức Phật Kim Cương Tổng Trì
Lịch sử Truyền thừa Drukpa khởi nguồn từ Đức Phật Nguyên thủy Kim Cương Tổng Trì. Ngài là chủ của một trăm Phật Bộ và là hiện thân của tất cả chư Phật ba đời. Nguồn pháp mạch của Truyền thừa được ban truyền trực tiếp từ Đức Kim Cương Tổng Trì tới Đức Tilopa, một Đại thành tựu giả Ấn Độ vào thế kỷ thứ 10. Đức Tilopa tiếp tục truyền giáo pháp giác ngộ cho Đấng Chiến Thắng Mười Phương Naropa. Sau Đức Naropa, Truyền thừa được tiếp nối không gián đoạn đến Đại Thượng sư Marpa vào thế kỷ 11, rồi tiếp tục được truyền xuống Đại thành tựu giả Jetsun Milarepa, bậc thành tựu giác ngộ đại hợp nhất ngay trong một đời. Sau đó, Đức Milarepa truyền tiếp đến Đức Gampopa, là bậc đã được Đức Phật Thích Ca huyền ký trong nhiều Kinh điển và Mật điển. Từ Đức Gampopa, Truyền thừa tiếp tục được truyền xuống tới Đại thành tựu giả Phagmo Drupa vinh quang, hóa thân của Phật Ca La Ca Tôn Đại hay Đức Phật thứ hai của hiện kiếp này. Tiếp đó, pháp mạch Truyền thừa được truyền tới Đại Thành tựu giả Lingchen Repa, Đấng thành tựu hạnh xả ly với sự chứng ngộ cao quý tuyệt đối.
Đức Pháp Vương đời thứ I Drogon Tsangpa Gyare
Sự đản sinh và công hạnh của Đức Tsangpa Gyare được huyền ký tại nhiều Kinh điển, Mật điển. Trong Mật tụng Căn Bản Văn Thù Sư Lợi, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã huyền ký về sự xuất hiện của Ngài như sau:
“Hơn một ngàn năm sau khi ta Niết Bàn,
Khi nhân duyên cát tường hội đủ,
A La Hán Sonam Nyingpo
Sẽ thị hiện nơi miền đất tuyết
Trong gia đình quý tộc Trung Hoa,
Là bậc chân tăng sĩ đạo hạnh
Pháp danh “Tỳ kheo Yeshe Dorje”.
Ngài xả bỏ đam mê trần lụy,
Trọn đời tu hành cho chính pháp.
Chứng ngộ tâm bản lai bất nhị
Dìu dắt cứu độ chúng hữu tình,
Đưa họ tới bến bờ giải thoát”.
Xá lợi Thánh tượng Quan Âm của Đức Pháp Vương đời thứ I
Về mặt bản môn, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa là hóa thân từ bi của Đức Quán Âm cùng hết thảy Như Lai không phân biệt. Trước khi hiện thân là bậc đứng đầu Truyền thừa Drukpa, Ngài từng chuyển thế thị hiện trong lịch sử qua nhiều thân tướng khác nhau để lợi ích Phật pháp như Đại Thành tựu giả Naropa, Đức Gampopa, Đức Vua Kulika Pundarika xứ Shambala - bậc nắm giữ Truyền thừa Kalachakra, và Đức Vua vĩ đại Songsten Gampo - vị vua Phật tử đầu tiên tại Tây Tạng.
Truyền thừa Drukpa kể từ thời của Đức Pháp Vương đời thứ I Drogon Tsangpa Gyare được hoằng truyền vô cùng mạnh mẽ, nổi tiếng với sự thực hành thanh tịnh, đức chân tu khổ hạnh cùng những pháp tu trì thâm diệu thành tựu Phật quả ngay trong một đời. Các giáo pháp thù thắng của Truyền thừa gồm có: “Sáu Pháp Yoga của Naropa”, giáo pháp khẩu truyền tâm yếu “Đại Thủ Ấn”, “Sáu Pháp Vị Bình Đẳng”, “Bảy Pháp Duyên Khởi”.
Sáu Yoga của Naropa
Sinh thời, Đức Pháp Vương đời thứ I từng có vô số đệ tử là các thành tựu giả. Ngài từng ba lần yêu cầu các học trò mình phân chia đi khắp chốn để hoằng dương chính pháp. Mỗi lần như vậy, những đệ tử xuất chúng đã thành tựu thân cầu vồng lên cõi Thiên, một số xuống cõi Rồng và một số tới các cõi nhân gian. Các đệ tử bậc trung đến các vùng linh địa Oddiyana, Shambhala, Srilanka, Serling hay “Đảo Vàng” (Sumatra), Sangling hay “Đảo Đồng” (Java) và những miền xa xôi khác. Số đệ tử còn lại trải khắp những miền đất từ Jalandhara ở Ấn Độ tới những miền địa đầu Trung Hoa. Nhờ vậy mà di sản tâm linh của Truyền thừa Drukpa đã nhanh chóng phát triển mạnh mẽ và phân thành nhiều nhánh. Tương truyền, khu vực ảnh hưởng của Truyền thừa trong thời kỳ cực thịnh rộng lớn đến nỗi “chim linh thứu sải cánh bay mười tám ngày không ngừng nghỉ cũng chưa hết địa phận các trụ xứ”. Trong đó, dòng Thượng Drukpa ở phía Tây Tây Tạng thu hút chúng đệ tử nhiều như hằng hà sa số sao trên trời, dòng Hạ Drukpa ở miền Đông Tây Tạng chúng đệ tử nhiều như cây cối sống trên mặt đất, dòng Trung Drukpa ở miền Trung Tây Tạng cũng có vô số đệ tử, trong đó chỉ riêng những bậc hành giả đạt thành tựu tâm linh thượng thừa được tôn vinh là Bảo Cái Tối Thắng đã có tới hơn 2.800 vị. Truyền thừa không gián đoạn đã góp phần làm cho Phật pháp được tăng huy ở nhiều nơi, đặc biệt có tầm ảnh hưởng sâu rộng tại Nepal, Ấn Độ, Ladakh, Bhutan và nhiều vùng miền trên dãy Himalaya.
Vì thành tựu này, ngạn ngữ nhân gian vùng núi tuyết Himalaya còn lưu truyền câu kệ sau:
“Một nửa người dân là đệ tử Truyền thừa Drukpa,
Một nửa đệ tử Truyền thừa Drukpa là hành giả Yogi,
Một nửa hành giả Yogi là Đại Thành tựu giả”
Lịch sử Phật giáo Kim Cương thừa còn ghi lại vào thời kỳ Phật pháp bị suy vi do ngoại đạo tàn phá, các Thành tựu giả Truyền thừa Drukpa đã phô diễn vô số đại thần thông bất khả tư nghì, điều phục ngoại đạo và giáo hoá chúng sinh bằng hành vi, thái độ, cung cách phi thường cùng những phương tiện thiện xảo giúp chuyển hóa sâu sắc thế giới nội tâm, qua đó đánh đổ hủ tục và tập khí huân tập lâu đời, đồng thời tạo luồng sinh khí năng động, tích cực cho xã hội. Những bậc thành tựu siêu việt đã chứng minh rằng bản chất của sự vật hiện tượng chỉ là hư vô, bóng ảnh bởi các pháp lực thần thông ấy đều dựa trên nguyên lý cơ bản của “vạn pháp duy tâm tạo”.
Kể từ thời điểm Đức Tsangpa Gyare thành tựu đại giác ngộ rồi sáng lập Truyền thừa Drukpa, với tâm nguyện phụng sự nhân loại và vũ trụ, Ngài đã liên tục hóa thân chuyển thế 12 lần:
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ I, Drogon Tsangpa Gyare Yeshe Dorje (1161 - 1211).
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ II, Gyalwang Kunga Paljor (1428 - 1476).
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ III, Jamyang Choekyi Dragpa (1478 - 1523).
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ IV, Kunkhyen Pema Karpo, (1527 - 1592).
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ V, với hai hóa thân là Đức Pagsam Wangpo (1593 - 1653) và Đức Shabdrung Ngawang Namgyal (1594-1651).
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ VI, Gyalwang Mipham Wangpo (1654 - 1717).
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ VII, Gyalwang Thrinley Shingta (1718 - 1766).
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ VIII, Kunzig Mipham Chokyi Nangwa (1768 - 1822).
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ IX, Gyalwang Mipham Chokyi Gyatsho (1823 - 1883).
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ X, Gyalwang Mipham Chokyi Wangpo (1884 - 1930).
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XI, Gyalwang Tenzin Khenrab Gelek Wangpo (1931 - 1960), và
Đức Pháp Vương hiện đời, Pháp danh Gyalwang Drukpa Jigme Pema Wangchen hay Vô úy Liên hoa Quyền lực Tự tại.
Lịch sử 12 đời hóa thân của Đức Pháp Vương là tấm gương ngời sáng về những công hạnh cứu độ chúng sinh. Điều kỳ diệu linh thiêng nhất là khi Đức Pháp Vương đời thứ I thị tịch, sau lễ trà tỳ nhục thân Ngài, người ta đã chứng kiến vô số điềm cát tường như cầu vồng, mưa hoa, thiên nhạc, hương thơm lan tỏa khắp không gian. Ngài đã để lại nguyên vẹn xá lợi tim, lưỡi, đôi mắt, đặc biệt nơi đầu cốt của Ngài xuất hiện hình thánh tướng Đức Quan Âm, Văn Thù và Kim Cương Thủ, 21 đốt sống lưng của Ngài thành 21 xá lợi thánh tượng Đức Quan Âm như: Quan Âm nghìn tay, Quan Âm bốn tay, Quan Âm hai tay. Các đời hóa thân chuyển thế tiếp theo đó của Ngài sau khi thị tịch đều để lại xá lợi thánh tượng Đức Quan Âm với nhiều pháp tướng khác nhau. Nhiều xá lợi Pháp tướng Quan Âm của Đức Pháp Vương còn được trì giữ, thờ phụng cho đến ngày nay tại vô số tự viện và địa điểm khác nhau trên dãy Himalaya nêu biểu cho sự chứng ngộ trí tuệ đại bi vô lượng.
Công hạnh hiện đời của Bậc Hóa thân Phật Quan Âm
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa hiện đời
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa hiện đời đản sinh năm 1963 trong gia đình hành giả Kim Cương thừa có dòng dõi tôn quý. Phụ thân Ngài là Đức Kyabje Bairo Rinpoche, hóa thân đời thứ 36 của Đại dịch giả Vairochana - một đệ tử trứ danh của Thượng sư Liên Hoa Sinh. Thân mẫu là Bà Mayum-la Konchok Pema thuộc dòng dõi Thượng sư vĩ đại Nyadak Nyang của Truyền thừa Nyingmapa.
Địa điểm Ngài đản sinh là thánh địa hồ Tso Pema (hồ Liên Hoa) phía Bắc Ấn Độ, chính là nơi Đức Liên Hoa Sinh từng hiện sinh vào thế kỷ thứ 8. Thời điểm Ngài chào đời là ngày đản sinh của Đức Liên Hoa Sinh, cũng là lúc Tăng đoàn đang trình diễn vũ điệu Kim Cương mô tả Tám hóa thân Liên Hoa Sinh. Trong thời gian Thân mẫu Ngài hoài thai, nhiều người nghe thấy tiếng trì tụng tâm chú A Di Đà vang lên từ bụng bà. Vô số điềm lành vi diệu cũng đã xuất hiện vào thời điểm Đức Pháp Vương chào đời như sấm sét, mưa bão nổi lên, tuyết rơi rồi cầu vồng tuyệt đẹp cùng vô số điềm cát tường tối thắng khác xuất hiện để chào đón sự tái thế của bậc Thánh nhân giác ngộ.
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa thuở nhỏ
Trong hiện đời, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đạt được thành tựu lớn lao trong công hạnh hoằng dương Phật pháp vì lợi ích vô lượng hữu tình. Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của Ngài, Truyền thừa Drukpa vẫn thịnh vượng trong thời mạt pháp này với hệ thống khoảng một ngàn tự viện tại các vùng miền trên dãy Himalaya như Ladakh, Nam Ấn, Tây Bengal, Lahaul, Kinnaur, Nepal, Bhutan, Sikkim và còn được hoằng truyền rộng khắp với sự hiện diện của các Trung tâm Drukpa tại Châu Á (Hồng Kông, Đài Loan, Malaysia, Singapore, Việt Nam), Châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Monaco, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Ba Lan), Châu Mỹ La tinh (Argentina, Peru, Mexico) và nhiều nhóm thực hành tại Bắc Mỹ.
Đức Pháp Vương nhận Kỷ niệm chương “Vì Mục tiêu Phát triển Thiên Niên Kỷ” của Liên Hiệp Quốc
Mối pháp duyên Truyền thừa với Tây Thiên - miền đất thiêng Dakini Không Hành Mẫu
Cố Viện chủ Chùa Hương, Thượng tọa Thích Viên Thành
Nhân duyên kết nối giữa đất nước Việt Nam với Truyền thừa Drukpa được cố Viện Chủ Chùa Hương, Hòa Thượng Thích Viên Thành dày công gây dựng. Từ những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, Ngài đã phát nguyện kết nối với các bậc Thầy tu chứng của truyền thống Kim Cương thừa. Năm 1992, nhân duyên cát tường hội đủ, theo lời mời của Ngài John (Đại sứ Anh bấy giờ tại Vương quốc Bhutan), Ngài viếng thăm Bhutan và hạnh ngộ bậc Kim cương Thượng sư là Đức Giáo chủ Je Khenpo. Sau khi thọ nhận các Giáo pháp Quán đỉnh cốt tủy của Truyền thừa Drukpa từ bậc Thượng sư, Ngài quay trở về hướng dẫn các đệ tử và Phật tử, phát đại nguyện dành hết tâm sức đem sự thực hành truyền thống Kim Cương thừa góp phần phát triển Phật pháp, lợi ích người dân hữu tình Việt Nam. Tuy nhiên, Phật sự này sau đó dở dang do Ngài vô thường lâm bạo bệnh rồi viên tịch vào năm 2002, để lại tâm nguyện tha thiết hướng về sự phát triển của Truyền thừa Drukpa nơi quê nhà.
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa khoác 6 sức trang hoàng của Naropa năm 2004
Nương lòng từ và ân phúc gia trì của Đức Pháp Vương, hơn 10 năm qua, Truyền thừa Drukpa đã được hoằng truyền rộng khắp tại Việt Nam. Đặc biệt, Pháp mạch truyền thừa được các đệ tử chân truyền của Ngài là chư Ni trụ xứ Tây Thiên (Vĩnh Phúc) trì giữ và phát triển mạnh mẽ. Với lòng từ bi vô hạn, Đức Pháp Vương luôn tâm nguyện mang lại cơ hội bình đẳng cho các nữ hành giả trong đời sống và trong sự thực hành giáo pháp. Trong quan kiến của Ngài: “Giác ngộ không phân biệt giới tính, từ bi không phân biệt giới tính, trí tuệ không phân biệt giới tính vì về bản lai, chúng ta đều là Phật. Tất cả mọi người, bất kể là nam hay nữ đều có tiềm năng và có toàn quyền chứng đạt giác ngộ cứu kính”. Từ động cơ này, Ngài đã luôn hết lòng hỗ trợ chư Ni tại Ấn Độ, Nepal, Việt Nam, v.v… trong việc thụ nhận, tu tập mọi giáo lý căn bản và cao cấp Mật thừa, đồng thời khuyến khích họ tích cực tham gia các hoạt động xã hội và Phật sự thiện hạnh lợi tha.
Ngay trong lần đầu quang lâm miền đất Tây Thiên, Đức Pháp Vương đã nhận ra đây là chốn linh địa hội tụ sinh khí, tú khí, quý khí, vượng khí và tràn đầy năng lượng mẫu tính giác ngộ, vì thế Ngài gọi nơi này là “Miền đất thiêng Dakini Không Hành Mẫu”. Sau đó, từ năm 2011, với linh kiến và trí tuệ giác ngộ của mình, Ngài đã hướng đạo chư Ni Tây Thiên kiến lập một ngôi Bảo tháp Mandala trên mảnh đất linh địa nguyên khí để vân tập và đón nhận năng lượng gia trì của chư Phật, Bồ Tát, quy tụ linh khí trời đất, ban nguồn ân phúc gia trì tỏa khắp vùng miền tổ quốc. Những năm qua, Đức Pháp Vương liên tục quay trở lại Việt Nam, đến với Tây Thiên để trợ duyên cho chư Ni trong việc thiết kế, gia trì yểm tâm, hoàn thiện dự án. Tọa lạc trong khuôn viên hơn 10 hécta, với diện tích xây dựng 1.500m2, chiều cao 37 mét, Đại Bảo Tháp Tây Thiên là kiệt tác kiến trúc nghệ thuật Mandala và công trình kiến trúc tâm linh nổi bật nơi danh thắng Tây Thiên. Đây hiện cũng là Đại Bảo tháp lớn nhất Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á.
- 2085
Viết bình luận