Một câu niệm Phật thu nhiếp cả 3 bậc Thượng, Trung và Hạ căn | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Một câu niệm Phật thu nhiếp cả 3 bậc Thượng, Trung và Hạ căn

Pháp môn Tịnh Độ không phải chỉ để cho bậc trung, hạ căn, mà còn thâu nhiếp cả bậc thượng thượng căn. Bậc trung, hạ căn niệm Phật sẽ dứt được phiền não nghiệp chướng, phát sinh phúc đức trí tuệ, dần dần đi đến định cảnh, tùy công phu thấp cao mà vãng sinh về chín phẩm sen nơi Cực Lạc. Bậc thượng căn vừa đề khởi câu niệm Phật, liền thâm nhập vào cảnh giới định tuệ, đi đứng nằm ngồi đều ở trong Niệm Phật Tam Muội, khi lâm chung sinh về thượng thượng phẩm ở Liên Bang.

Trong hàng tiên đức đã có vị đi vào cảnh giới này, và trình thuật với câu:

Nắm lấy chuỗi tràng trần niệm dứt,

Nghiễm nhiên thành Phật đã từ lâu.

Cho nên, câu niệm Phật thu nhiếp hết ba căn, với người cao nó thành cao, với người thấp nó thành thấp.

Tại sao pháp Niệm Phật nhiếp cả bốn môn Thiền, Giáo, Luật, Mật?

Các bậc đại tri thức trong Phật Giáo thường phê luận: "Pháp môn Niệm Phật nhiếp cả Thiền, Giáo, Luật, Mật". Tại sao lại như vậy?

Sở dĩ có điều ấy, bởi khi niệm Phật dứt trừ cả vọng tưởng chấp trước, đó là Thiền. Sáu chữ hồng danh bao gồm vô lượng nghĩa mầu, vô lượng nghĩa đều ẩn một và xuất hiện từ nơi đấy, đó là Giáo. Niệm Phật đến cảnh giới sâu, ba nghiệp đều trong sạch vắng lặng, đó là Luật. Câu niệm Phật có công năng như một câu thần chú, có năng lực giải oan gỡ kết, tiêu trừ nghiệp chướng, hàng phục ma chướng, viên mãn mọi tâm nguyện thế gian và xuất thế gian, đó là Mật.

Như Liên Trì đại sư, trong một năm nắng hạn lâu ngày, thay vì niệm chú đảo võ, Ngài chỉ đi ngoài đồng gõ mõ niệm Phật, đi đến đâu trời mưa đến đó. Và Viên Chiếu Bản thiền sư, thay vì tham thiền, Ngài chỉ dùng sáu chữ hồng danh mà được ngộ tính bản lai, chứng vào Niệm Phật Tam Muội. Cứ như đây suy nghiệm rộng sâu thêm, câu niệm Phật cũng gồm thâu cả năm thời tám giáo, nhiếp luôn sáu pháp Ba La Mật, như Triệt Ngộ đại sư đã trình bày trong thiên Niệm Phật Bách Kệ.

Trong kinh lại nói: "Chí thành xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà, sẽ được tiêu tội nặng trong tám mươi ức kiếp sinh tử". Người niệm Phật nếu hằng giữ định tâm, tất sẽ phát tuệ đồng như lối tu của các pháp môn khác. Hơn nữa, trên định tâm mà xưng danh hiệu Phật A Di Đà, thì sự tiêu nghiệp chướng sinh phúc tuệ càng cao thắng chóng mau. Vì thế, Liên Trì đại sư đã khen pháp Niệm Phật là: đại thiền định, đại trí tuệ, đại phúc đức, đại thánh hiền.

Theo Quán Kinh: người tạo tội ngũ nghịch thập ác khi lâm chung tướng địa ngục hiện, nếu chí thành xưng danh hiệu Phật A Di Đà cho đến mười niệm, thì Ngài liền hiện thân tiếp dẫn sinh về Cực Lạc. Từ một kẻ cực ác, chỉ dùng mười niệm mà được vãng sinh, lên ngay ngôi Bất Thoái chuyển thật là điều rất hy hữu. Ấn Quang đại sư đã khen: "Pháp Niệm Phật bậc cực cao niệm đến một lòng không loạn, chứng vào Tam Muội, kẻ cực thấp chỉ dùng mười niệm thành công, là điểm đặc sắc mà chưa thấy pháp môn nào có."

(Lược trích ấn phẩm: “Niệm Phật thập yếu”

HT. Thích Thiền Tâm

Tịnh Liên Đồ Thư Quán Xuất Bản)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5697083
Số người trực tuyến: