Thực hành Kim cương thừa lấy kết quả làm con đường | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Thực hành Kim cương thừa lấy kết quả làm con đường

Cuộc đời của mỗi con người bao gồm trước tiên là sự sinh ra, sau đó lớn lên, già đi và cuối cùng là chết. Hàng năm, hàng tháng, hàng ngày và từng khoảnh khắc, chúng ta đều đang thay đổi, đang sinh ra và chết đi. Những quá trình này luôn xảy ra.  Thế nhưng tất nhiên, chúng ta không hiểu theo cách đó. Khi nghĩ về cuộc đời, chúng ta luôn tin là nó kéo dài ít nhất năm mươi, sáu mươi hay bảy mươi năm. Mục đích của tất cả sự thực hành trong giai đoạn Phát sinh và Hoàn thiện chính là để tịnh hóa cái nhìn sai lệch của chúng ta về sinh và tử, giúp mỗi người vượt qua nỗi sợ chết của chính mình, qua đó tiếp cận với bản chất đích thực của chính mình, bản chất này không sinh ra và không mất đi.

Kết quả của sự thực hành này là hành giả có thể buông bỏ mọi thứ. Thông thường, chúng ta bám chấp vào quá nhiều thứ, quá nhiều các khuôn mẫu, bao gồm cả những khái niệm tiêu cực. Chúng ta không thể rời bỏ ký ức, tổn thương hay hy vọng. Chúng ta bám chấp vào chúng một cách đau đớn đến nỗi chúng biến thành bản thể của chúng ta. Cảm giác đau đớn, khổ sở và không thỏa mãn hầu như trở thành trung tâm để chúng ta xoay quanh đó. Chúng tích tụ lại nhiều đến độ khiến chúng ta hoàn toàn mắc kẹt trong đó. Do đó, việc học cách để buông xả là rất cần thiết.

Thực hành sinh ra và chết đi nhiều lần

Khi chúng ta thấy mình có thể biến thành nhiều thứ, bằng cách nhiều lần được sinh ra và chết đi, xuất hiện và hòa tan, hết lần này đến lần khác, ta sẽ thấy không cần phải bám chấp vào một bản thể. Ta có thể thay đổi nó liên tục và có thể trở thành vị Bản tôn. Đây là một trong những sự thực hành chính dẫn tới nhận thức rằng điều mà ta thường nghĩ về bản thân chỉ là một sự lựa chọn. “Tôi không còn là tôi thường chấp nữa. Tôi là một điều gì khác hẳn, như là Bản tôn Chakrasamvara, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Phật Dược Sư, hay Đức Quan Âm. Sau đó tôi tự đồng nhất mình với Bản tôn hay Đức Phật đó. Khuynh hướng bám chấp vào chính mình như một thực thể, rồi bận rộn với đủ thứ vấn đề và những sự thiếu hụt sẽ dần tan biến. Điều này mở đường cho cảm giác và sự tự vấn: “Ai là tôi cơ chứ? Tôi phải làm gì với cái thân giả hợp này?”.

Thực hành Kim Cương thừa lấy kết quả làm con đường

Vì lý do này, người ta nói rằng việc thực hành Kim Cương thừa lấy kết quả làm con đường. Điều mà ta muốn trở thành hay muốn nhận thức được sử dụng làm con đường và sự tu tập của chúng ta. Nếu chúng ta muốn trở thành một chúng sinh giác ngộ, đầy lòng từ bi, trí tuệ, và sự tốt lành, ta phải bắt đầu bằng việc cảm giác về mình như thế. Thông thường, ta bắt đầu nghĩ: “Vào lúc này, tôi chẳng có một phẩm chất nào trong những phẩm chất này, nhưng tôi mong đạt được chúng. Tôi muốn được thông minh, từ bi, tràn đầy năng lượng tốt và niềm vui, tất cả những gì tôi không là trong thời điểm này”. Thay vì nuôi dưỡng ao ước này cho những thành tựu trong tương lai, một hành giả Kim Cương thừa phát triển một kết luận sâu sắc: “Tôi đã có tính Phật trong mình, tinh túy của một chúng sinh giác ngộ, tôi chỉ hơi bị nhiễm ô ở bề ngoài, quá nhiều bụi đóng ở trên. Những nhiễm ô không chạm vào sự thanh tịnh vốn là bản chất của tôi. Tôi chỉ cần làm sạch xung quanh, quét sạch bụi đi”. Đây là triết lý tinh túy của thực hành Kim Cương thừa! 

Sự giác ngộ không phải là nằm bên ngoài mà ta cần đạt được. Nó vốn là điều đã tồn tại sẵn, chỉ cần mở ra để tìm thấy, là bản chất đích thực của chúng ta, vốn thanh tịnh và sẵn có mọi phẩm chất hoàn hảo của giác ngộ. Bản chất đó chỉ bị che dấu bởi những nhiễm ô bất tịnh, do vậy có thể được quét sạch, giống như lớp bụi phủ trên mặt tiền đá hoa cương của một tòa nhà ở đô thị. Tất cả phẩm chất mà ta ao ước đạt được như trí tuệ, từ bi, vui vẻ,... không đến từ nơi nào khác bên ngoài. Chúng là biểu hiện của bản chất đích thực trong chúng ta, một khi giác ngộ sẽ được hiển lộ và phơi bày hoàn toàn. Theo cách hiểu này, ta có thể cố gắng thật sự cảm nhận giác ngộ, ta có thể trở thành như người đã giác ngộ. Ban đầu, cố gắng có thể hơi nông cạn, nhưng với sự thực hành nó sẽ trở thành một phương pháp thiện xảo.

Kết quả của sự thực hành này là hành giả đạt được khả năng chủ định tái sinh trong cõi luân hồi, thành một bậc hóa thân của trí tuệ giác ngộ để lợi ích chúng sinh. Hành giả đạt được khả năng quyết định sẽ tái sinh ở đâu và ai là cha mẹ trong đời kế tiếp, tất cả điều này để thực hiện công hạnh vi diệu vì sự lợi ích giải thoát cho chúng sinh. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một ví dụ hoàn hảo của một bậc đạt được những kết quả đó. Ngài đã có đời sống với mười hai công hạnh vi diệu. Đây là loại kết quả đến từ việc thực hành và thực hiện các giai đoạn của sự tịnh hóa. 

Là những hành giả thực hành Phật pháp, chúng ta hãy cố gắng phát triển và áp dụng sự thực hành để khai mở bản chất giác ngộ đã sẵn có nơi mỗi người. Đây là vấn đề cốt yếu của bất kì pháp thực hành Kim Cương thừa nào!

(Trích ấn phẩm “Bản tôn – Chân ngôn – Trí tuệ”

Nhà xuất bản Tôn giáo, 2011)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5697294
Số người trực tuyến: