Mượn cuộc sống hư ảo để trưởng dưỡng Trí tuệ thường hằng
Mượn cuộc sống hư ảo, thực tâm tu hành, mưu cầu lợi ích cho chúng sinh, đồng thời xây dựng tiền đồ tốt cho mình, đây mới là phước đức và trí tuệ chân thật mà thường hằng.
Trên lập trường trí tuệ của nhà Phật, mọi thứ trên thế gian, bao gồm cả vợ con, nhà cửa, đều là thứ tạm thời, hư ảo, chẳng chắc thật. Nhưng, hàng phàm phu chúng ta cần phải có để nương tựa. Nương tựa tạm thời vẫn tốt hơn chẳng có gì nương tựa; vả lại, mong muốn bình thường của cuộc sống người đời có thể thúc đẩy người ta cam tâm tình nguyện nỗ lực hướng thượng; bằng không, cuộc sống sẽ mất đi nhân dẫn dắt và động lực.
Một người sắp chết đuối, giữa biển nước mênh mông, nhìn xa xa thấy một cọng cỏ nổi lềnh bềnh, bị ánh nắng chiếu vào, trông giống như chiếc thuyền, dùng hết chút sức mòn bơi với tia hi vọng, nhưng hỡi ôi, tới nơi mới rõ chân tướng sự thật. Cho dù như thế, tia hi vọng mong được sống khích động nỗ lực không ngừng, như vậy con đường sống vẫn còn hướng mở. Còn nếu vừa mới bắt đầu đã chán nản, thối chí, không có tia hi vọng, người như thế chỉ buông xuôi chờ chết mà thôi.
Cho nên, đối với những người bình thường, hi vọng là một ảo cảnh xinh đẹp. Con người ra sức truy cầu, khi nắm được, mới phát hiện chỉ là mộng huyễn bọt bóng. Trong số họ, có người tỉnh ngộ dừng lại, song cũng có người tiếp tục truy cầu bọt bóng khác. Cuộc đời của ta, là khoảng trống giữa truy cầu, ảo diệt và tỉnh ngộ, ý nghĩa thực hành Phật pháp hình thành trong khoảng trống ấy. Do đó, nhà Phật không phản đối việc mọi người truy cầu các loại thành tựu. Chỉ là, từ xưa đến nay, bất luận anh để gì lại cho đời, có thể là những phát minh, sáng tạo nổi bật, hoặc là những cảnh tượng thê thảm không nói bằng lời, đều chỉ là ghi chép một đoạn ngắn của cuộc sống, chẳng có sự sai khác “tốt” hay “không tốt” tuyệt đối.
Trí tuệ của Phật pháp thức tỉnh mọi người rằng sự thành tựu của thế tục chỉ là chất xúc tác, là cây cầu để chúng ta nhập thế, giáo hóa. Nếu chấp chặt vào đó, cho thứ huyễn hóa ấy là thật, làm bàn đạp cho ta tiến tới, thì dù sức mòn lực kiệt, thân hoại mạng vong cũng không tiến thêm bước nào. Cho nên, nỗ lực xây dựng cuộc sống không bị chìm đắm trong thành tựu, không để tâm được hay mất, càng không nên lấy đó để hại người hại mình. Nếu xã hội có càng nhiều người thể nghiệm điều này, thì phiền não, khổ đau, ganh đua hơn thiệt sẽ giảm thiểu rất nhiều. Như vậy, chúng ta cũng mới có khả năng điều chỉnh định hướng nỗ lực, mượn cuộc sống hư ảo, thực tâm tu hành, mưu cầu lợi ích cho chúng sinh, đồng thời xây dựng tiền đồ tốt cho mình, đây mới là phúc đức và trí tuệ chân thật mà vĩnh viễn.
(Nguồn: “Nhận diện khổ đau”
Tác giả: Pháp sư Thánh Nghiêm
Nhà xuất bản Tôn giáo, 2017)
- 328
Viết bình luận