Thế nào là niềm tin chân chính khi niệm Phật? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Thế nào là niềm tin chân chính khi niệm Phật?

Tín lực là lòng tin sâu sắc và mạnh mẽ đối với chính Pháp của đức Phật Thích Ca. Lòng tin chân chính là chớ có vội tin mà hãy đến để mà thấy và tự mình chứng nghiệm, như đức Phật từng dạy: "Nhưng này các Kàlàmà! Khi nào tự mình biết rõ như sau: Các pháp này bất thiện, Các pháp này là có tội lỗi, Các pháp này bị người có trí chỉ trích, Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau. Thời này, Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng không nên tin theo”. Trong pháp môn Tịnh độ, để đến thế giới Tây Phương Cực Lạc bạn cần ba món tư lương, đó là: Tín, Nguyện, Hạnh, như người trước khi đi xa cần phải dự bị lộ phí và lương thực. Điều quan trọng trước tiên là phải Tín. Nếu không thì bạn sẽ không có duyên với thế giới Tây Phương Cực Lạc. Ngoài việc tin nơi chính mình (tin tự), bạn cũng phải tin ở lời dạy của chư Phật (tin tha), tin nhân, tin quả, tin sự và tin lý.

1. Thế nào là tin ở mình?

Người tu học mà tin ở mình là: tin ở cái tâm tính của mình, nó chỉ hiện ra trong một loáng (một niệm). Tâm tính của mình đây chẳng phải là trái tim thịt đâu, chẳng phải là những cái bóng trần duyên mình tưởng tượng thấy hiện ra ở trong khối óc, trái tim đâu. Tâm tính của mình đây: về thời gian, nó không có lúc nào là kiếp trước của nó, không có lúc nào là kiếp sau của nó; về không gian, nó không có chỗ nào là bến bờ của nó. Lúc nào cũng có nó, chỗ nào cũng có nó, nó tràn đầy khắp cả vũ trụ, khắp không gian vô biên, khắp thời gian vô tận. Tâm tính của mình, suốt ngày nó theo mọi trần duyên, suốt ngày nó chẳng hề biến đổi.

Cả quãng hư không mênh mông bát ngát khắp mười phương và bao nhiêu thế giới nhiều như vi trần đang quay cuồng ở trong đó, đều là những vật bị tạo ra ở trong tâm tính của mình trong một niệm hiện ra đây. Mặc dầu mình tối tăm điên đảo, mê hoặc, không nhận rõ được tâm tính của mình nó bao la rộng lớn như thế, nhưng nếu mình chịu hồi tâm trong một niệm (một loáng) thì quyết định là mình sẽ được sinh vào cái thế giới Cực Lạc, là cái thế giới vốn sẵn có đủ ở trong tâm tính của mình, không còn nghi ngờ gì nữa.

Tin như thế gọi là Tin ở mình (tức là tin ở cái tâm tính chân thực của mình, trong nó có sẵn mầm nhân để tạo ra thế giới Cực Lạc).

2. Thế nào là tin ở người?

Người tu học tin ở người, là tin Phật Thích Ca không nói dối, tin Phật A Di Ðà không nguyện suông, tin chư Phật ở sáu phương có tướng lưỡi rộng dài, quyết không nói hai lời. Phải thuận theo lời dạy bảo chân thực của chư Phật, quyết chí cầu sinh sang Cực Lạc, không còn nghi hoặc nữa.

Tin như thế gọi là tin ở người (tức là mình tin lời dạy bảo của người).

3. Thế nào là tin ở nhân?

Người tu học tin ở nhân là tin rất sâu rằng: Kẻ niệm Phật mà tâm tán loạn cũng còn tạo ra được hạt giống để thành Phật mai sau, huống chi là người niệm Phật nhất tâm bất loạn thì sao lại chẳng được sinh sang Tịnh Ðộ.

Tin như thế gọi là tin ở nhân (vì mình tin cái tiếng niệm Phật ấy tức là cái nhân thành Phật).

4. Thế nào là tin ở quả?

Người tu học tin ở quả là tin rất sâu rằng: Các vị thượng thiện nhân đang tụ hội ở cõi Tịnh Ðộ kia, đều là những người đã theo phép Niệm Phật Tam Muội mà được sinh sang đấy, giống như người trồng nhân dưa đã được quả dưa, trồng nhân đậu đã được quả đậu. Cũng giống như bóng phải theo hình, vang phải theo tiếng, quyết không hư hỏng chút nào.

Tin như thế gọi là tin ở Quả (vì mình tin sự kết quả của những người đã được sinh kia).

5. Thế nào là tin ở sự?

Người tu học tin ở sự là tin rất sâu rằng: Cái tâm tính của mình tuy nó chỉ hiện ra trong một niệm (một loáng), mà thực ra nó rộng lớn vô cùng, chẳng biết đến đâu là hết được; thế thì những thế giới khắp mười phương xuất hiện ở trong tâm tính mình cũng chẳng biết bao nhiêu là hết được. Vậy thời thế giới Cực Lạc ở cách đây mười vạn ức Phật độ là một thế giới có thực, rất thanh tịnh trang nghiêm, chứ chẳng phải thế giới tưởng tượng ở trong bài ngụ ngôn của Trang Tử.

Tin như thế gọi là tin ở sự thực (vì mình tin cảnh giới Tịnh Ðộ là một sự thực có).

6. Thế nào là tin ở lý?

Người tu học tin ở lý là tin rất sâu rằng: Mười vạn ức Phật độ tuy là nhiều lắm, xa lắm; mà thực ra nó chỉ ở trong tâm tính của ta hiện ra trong một niệm đây. Nó không thể ở ra ngoài tâm tính của ta được, bởi vì tâm tính của ta không có đâu là ngoài để cho nó ở. Vả lại tin rất sâu rằng: Ở Tây Phương, Tịnh Ðộ của thế giới Cực Lạc với tịnh thân của vị Giáo Chủ và của các bạn đều giống như những cái bóng hiện ra ở trong cái gương tâm tính của ta đây hiện ra trong một niệm.

Hoàn toàn những sự ấy tức là lý, hoàn toàn những vọng ấy tức là chân, hoàn toàn phần tu ấy tức là phần tính, hoàn toàn phần người khác ấy tức là phần mình; bởi vì tâm tính của mình tràn đầy khắp cả. Tâm tính của Phật cũng tràn đầy khắp cả. Tâm tính của hết thảy chúng sinh cũng tràn đầy khắp cả. Thí dụ như nghìn ngọn đèn cùng ở trong một căn nhà, ánh sáng của đèn nào cũng tràn đầy khắp cả nhà; ánh sáng này, ánh sáng khác nó giao chập vào với nhau chẳng hề chướng ngại gì cả. Tin sâu như thế gọi là tin ở Chính Lý (vì mình tin toàn thể cái khối Nhất Chân Pháp Giới ấy là chính lý).

(Lược trích ấn phẩm: “Kinh A Di Đà Yếu Giải

Nguyên tác: Ngẫu Ích Đại Sư

Hán dịch: Cưu Ma La Thập.

Việt dịch: HT. Thích Tuệ Nhuận)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6339191
Số người trực tuyến: