Người mất sau bao nhiêu ngày mới nên hỏa táng? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Người mất sau bao nhiêu ngày mới nên hỏa táng?

Đối với người mới mất, điều quan trọng hàng đầu là người thân phải biết chắc chắn rằng thần thức đã chuyển di ra khỏi thân xác và được giải thoát, lúc đó mới có thể tùy chọn hình thức mai táng nào cho người ra đi cho phù hợp. Trường hợp không chắc thần thức đã được chuyển di ra ngoài thân xác, việc vội vã đem người quá cố đi hỏa táng có thể là nguyên nhân gây cho thần thức vô cùng đau đớn, đọa lạc thành các loài quỷ ma.


Nghi thức Trà tỳ theo truyền thống Kim Cương thừa (Ladakh, Ấn Độ)

Người mất tùy thời tiết nóng lạnh mà lựa chọn cách hỏa hóa không giống nhau. Nếu gặp thời tiết lạnh, trong vòng 7 ngày, thân thể vẫn không biến sắc, nếu chưa đủ 7 ngày đem thiêu thì e rằng họ bị thống khổ, cho nên phải mãn 7 ngày. Khi thời tiết nóng nếu để qua 7 ngày mà thi thể thối rữa, ở trường hợp này tuy chưa đủ 7 ngày mà đem đi thiêu, thì người mất cũng không đến nỗi quá đau khổ!

Tôi nhớ lúc mới xuất gia tại núi Long Phụng, Quảng Xương, tỉnh Giang Tây, có vị sư viên tịch vào buổi sáng tháng 4, các thầy liền cho tắm rửa và thay y phục, để ngồi vững trên ghế. Đệ tử của Ngài mở sách ra xem và nói rằng: “Hôm nay thiêu thầy tôi rất tốt”. Thế là sau khi ăn cơm trưa, nhục thể Ngài được đưa đến lò thiêu. Lúc ấy tôi bận chút việc nên phải đi qua chùa Đại Thừa, vài ngày sau mới trở lại và nghe mọi người nói rằng: “Đang lúc thiêu, hai tay của Thầy từ từ đưa lên ngang cổ”.

Sau này, tại chùa Thừa Ân – Nam Xương, vào một buổi chiều ngày rằm tháng 8, có một Tỳ kheo vừa viên tịch. Ngay lúc ấy, thầy giám viện pháp danh là Hiền Mậu cho lấy ván đóng một chiếc quan tài, bên trong thì đổ tro củi vào. Thầy cùng một Tỳ kheo khác hè nhau ráp lại, khi ráp xong thì đậy nắp quan tài. Đến chập tối, mọi người thay phiên nhau niệm Phật. Hôm sau, quan tài được chuyển đến khu đất trống ở ngoại thành để thiêu. Tôi theo mọi người đưa quan tài ra khỏi chùa rồi trở về. Sau nghe thầy giám viện nói rằng: “Ngay trong lúc thiêu, hai tay của thầy ấy bỗng dưng hướng hai bên quan tài mà đẩy bật ra”. Qua đó, ta cũng cảm nhận được sự đau khổ biết nhường nào rồi.

Xem hai việc này, có thể biết rằng nếu trời không nóng, chưa đầy bảy ngày mà đem đi thiêu khi thần thức chưa được chuyển di ra ngoài thì người mất sẽ còn cảm giác rất đau đớn. Chẳng những không được vãng sinh Tây phương mà e rằng vì một niệm sân giận khiến họ phải bị đọa lạc vào đường ác.

Lại nữa, lúc tôi triều bái núi Phổ Đà, nghe nói có pháp sư Duy Sùng (người ta gọi Ngài là Ma Vương) ở núi Liên Hoa, Ninh Đô, Giang Tây. Tháng 10 năm ấy, Ngài chết đã 6 ngày. Lúc đầu, liệm ở liêu Như Ý và để nơi ấy 3 ngày, sau đại chúng đưa đi thiêu, lại quàn ở lò thiêu thêm 3 ngày nữa. Nửa đêm ngày thứ 6, pháp sư Duy Sùng bỗng dưng sống lại, nhưng không người nào biết cả. Đến ngày thứ 7, pháp sư Thông Huệ đem Ngài đi hỏa táng. Khi vừa định châm lửa, pháp sư Thông Huệ chợt nghe trong lò có tiếng nói rằng: “Đừng! Xin đừng! Tôi chưa chết, không thể thiêu được!”.

Pháp sư Thông Huệ nghe xong liền thốt lên: “Này Ma Vương! Ngươi chớ có dọa người nghe!”.

Pháp sư Duy Sùng đáp: “Pháp sư Thông Huệ! Tôi chưa chết, không thể thiêu được!”. Mọi người đều nghe, bèn mở cửa lò ra, rồi đưa về điều dưỡng. Không bao lâu, Ngài mạnh khỏe như thường. Bảy năm sau, vào tiết tháng 6, pháp sư Duy Sùng đích thân triều bái núi Phổ Đà. Nhân lúc Ngài lên núi, tôi gặp Ngài và hỏi lại chuyện xưa thì Ngài nói rằng: “Tất cả đều là sự thật!”.

Tôi hỏi: “Ngài có thấy chuyện gì lạ không?”.

Ngài đáp: “Tôi thấy có một cái cổng thật to, nhiều người chen lấn ra vào. Tôi cũng theo họ vào. Lúc bấy giờ, người giữ cửa cầm roi ngăn không cho tôi theo vào, tôi mới giật mình tỉnh dậy. Ngay lúc ấy, lưng tôi rất lạnh. Tôi dùng tay sờ bốn bên thì thấy đều là ván cây, ở phía dưới lại lót bằng tro củi. Tôi mới ngồi dậy, cố thoát thân ra khỏi lò. May nhờ các thầy đưa tôi về”.

Xét hai việc này, có thể biết rằng nếu trời không nóng, người chết trong 7 ngày có thể hồi dương. Sau khi pháp sư Duy Sùng hồi dương, Ngài lại sống thêm mười mấy năm nữa. Nếu thiêu sớm thì thật oang uổng cho một kiếp người. Cẩn thận thay!

(Trích ấn phẩm: “Hành trang cho ngày cuối”

Tác giả: Pháp sư Thế Liễu

Dịch giả: HT. Thích Thiện Phước

NXB Hồng Đức, 2015)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6339157
Số người trực tuyến: