Nguồn gốc và ý nghĩa Sáu sức trang hoàng của Naropa | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Nguồn gốc và ý nghĩa Sáu sức trang hoàng của Naropa

 

Nguồn gốc Sáu Sức Trang Hoàng của Naropa bắt đầu từ thế kỷ thứ XI. Vào thời gian đó, Đại dịch giả Marpa Choekyi Lodroe xứ Lhodrak (Tây Tạng) viếng thăm Ấn Độ ba lần và Nepal bốn lần. Tại đây, Ngài hạnh ngộ hàng trăm đại Thượng sư uyên thâm thành tựu. Hai Thượng sư chính là Đức Naropa, Đức Maitripa uyên thâm đã trao truyền cho Ngài các pháp quán đỉnh cùng tất cả giáo pháp tinh yếu về những nghĩa lý tối thượng của Kinh thừa và Mật thừa, các giáo pháp siêu phàm Đại Thủ Ấn và Sáu Pháp Yoga của Naropa. Nhờ thành tựu viên mãn các pháp tu trên, Ngài đã thực chứng đại giác hoàn hảo tối thượng.

 

Cuối cùng, Đức Naropa tuyên bố với ngài Marpa rằng: "Sự gia trì của Thượng sư Krishnacharya đã thổi sức sống cho các dòng phái phía Đông, Thượng sư Aryacharya ban phước cho các dòng

phái ở phía Nam, Đức Vua Indrabhodi truyền pháp cho các dòng phái ở phía Tây, còn ta gia trì cho các dòng phái ở phía Bắc nơi Miền Đất Tuyết. Con không còn việc gì ở đây nữa, hãy trở lại Tây Tạng. Ta trao truyền uy lực di sản cho con, trách nhiệm của con phải trông nom Nóc nhà của Thế giới - Miền Đất Tuyết nơi rất nhiều đệ tử có căn khí đón nhận giáo pháp của ta”.

Sau đó, đức Naropa ban cho Marpa các trang sức bằng xương đang đeo trên mình, một chuỗi  tràng bằng ngọc ruby và nhiều pháp khí khác. Tiếp đến, Ngài đặt đôi bàn tay tôn quý của mình lên đầu Đức Marpa ban gia trì, dặn dò, rồi Ngài nhập hành động chiến thắng siêu việt bất khả tư nghì khắp mười phương.

Đức Marpa quay trở về Tây Tạng, hoằng truyền tinh túy của giáo pháp, chuyển bánh xe Pháp vô thượng diệu đem lại lợi ích cho vô số đệ tử. Có ‘Bốn Đại Đệ tử’ được Ngài truyền trao toàn bộ bốn dòng pháp khẩu truyền, trong đó có một vị tài năng thuyết pháp tuôn châu nhả ngọc là Đức Ngok Toen Choeku Dorje (1036 - 1102). Vị đệ tử này được Marpa truyền lại bốn lớp Mật điển đặc biệt: các kinh điển gốc, các nghi quỹ, các luận tạng và giáo pháp tinh yếu, nhiều pháp khí hỗ trợ thực hành pháp tu của Naropa và Sáu Sức Trang Hoàng. Đồng thời, Đức Marpa huyền ký với Đức Ngok Toen rằng: "Con hãy gìn giữ những di bảo này. Với những đệ tử của con từ nay đến đời thứ bảy, người Thầy chỉ cần gia trì cách thức sử dụng linh chử thế nào đã là đủ ".

Đúng theo lời huyền ký, Sáu Sức Trang Hoàng được kính ngưỡng là những pháp khí thể hiện lòng sùng kính chí thành do chư Thượng sư dòng Ngok phát tâm bảo hộ cho tới đời thứ VII. Đến thời Tổ sư Ngok Toen Jangchub thứ đờimVII của dòng Ngok (1360 –1446), Ngài hạnh ngộ Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ II Kunga Paljor và nhận ra bậc Thắng giả Thiên long này chính là chân hóa thân của Đức Naropa. Theo lời huyền ký thuở trước, Ngài truyền lại cho Đức Pháp Vương toàn bộ giáo pháp của dòng Ngok, cúng dường Sáu Sức Trang Hoàng, bình quán đỉnh của Thượng sư Ngok cùng nhiều bảo vật khác. Ngài tuyên bố Bậc Thắng Giả Thiên Long chính là Hóa thân đức Naropa và hoan hỷ tán thán: “Lành thay, nay Giáo pháp cùng các Pháp bảo trân quý độc nhất lại trở về với Đức Thiên Long Chí Tôn!"

Trong Sáu Sức Trang Hoàng có chiếc mũ được bện bằng tóc của một trăm ngàn vị Dakini, Ngài Jamyang Chokyi Drakpa Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ III (1478 - 1522) đã nhận phẩm vật cúng dàng này từ tay Dakini Sukhasiddihi. Sau đó, Ngài liền làm một vương miện giống như chiếc mũ Dakini cúng dàng. Tiếp đến, Đức Pháp Vương đời thứ IV là Đức Pema Karpo (1527 - 1592) tập hợp sáu sức trang hoàng làm bằng ngọc báu. Vì vậy, những Sức Trang Hoàng oai nghiêm mà các Đức Pháp Vương đeo trên mình không chỉ là Sáu Sức Trang Hoàng của Naropa, chiếc mũ đội đầu Dakini cúng dàng mà còn bao gồm vương miện và sáu sức trang hoàng làm bằng ngọc trai được làm bởi các đời Pháp Vương Gyalwang Drukpa. Khi tất cả bảo báu này được khoác lên mình các Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, những năng lực tâm linh kỳ diệu tỏa ra từ các sức Trang hoàng này hòa hợp bất khả phân.

Kể từ đó, sau quá trình tu học nghiêm mật và thành tựu thực chứng tối thắng, các đời hóa thân chuyển thế của Đức Pháp Vương đều từng khoác lên mình Sáu Sức Trang Hoàng vô cùng trân quý. Trong hiện đời, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa từng ba lần khoác lên mình Sáu Sức Trang Hoàng của Naropa, mỗi lần cách nhau 12 năm, lần đầu vào năm 1980, lần thứ hai năm 1992 và lần thứ 3 vào năm 2004 tại tự viện Naro Photang, Ladakh. Các Pháp hội vô cùng hy hữu này thu hút hàng chục vạn người từ khắp vùng miền Himalaya và trên toàn thế giới tới vân tập để thụ nhận ân phước gia trì từ bậc chân hóa thân của Đức Quan Âm và Đức Naropa. Khi tất cả bảo báu được khoác lên mình Đức Pháp Vương, vô số điềm lành thù thắng tức thì xuất hiện. Những năng lực tâm linh kỳ diệu tỏa ra từ các sức Trang hoàng hòa hợp bất khả phân, mang lại kiến tức giải thoát cho những đệ tử tín tâm và ban gia trì cho cho đại chúng có phúc duyên chiêm bái.
 

Nguồn: Yêu thương trong hành động - Drukpa Việt Nam

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6333243
Số người trực tuyến: