Thiết lập Mối liên hệ thiêng liêng Thượng Sư - Đệ tử | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Thiết lập Mối liên hệ thiêng liêng Thượng Sư - Đệ tử

Thiết lập mối quan hệ thiêng liêng Thượng sư - đệ tử

Sau nhiều thiện xảo công phu tìm cầu được Thượng sư bên ngoài, bạn phải nhất tâm tinh tiến theo những khai thị của các Ngài. Bạn không được có những hoài nghi về việc thực hành hay việc tuân theo lời giáo huấn của các Ngài, bởi nếu bạn khởi nghi ngờ thì đó sẽ là một chướng ngại to lớn trên con đường tu tập. Vì vậy, sau khi tìm cầu được Thượng sư bên ngoài chúng ta phải nhất tâm chí thành hướng về giáo pháp và Thượng sư.

Để có thể tuân theo những giáo huấn của Thượng sư chứ không phải diện mạo hay hành vi của các Ngài, chúng ta phải chí thành tập trung vào tinh hoa chân chính và vẻ đẹp của giáo pháp. Vì giáo pháp chính là thứ sẽ nâng đỡ, trợ giúp cho chúng ta nên bạn phải tri ân giáo pháp ban truyền từ bậc Thượng sư với tâm chí thành cung kính nhất. Tất nhiên, sự tri ân cũng phải hướng đến nhục thân của các Ngài, bởi vì nếu không nhờ hình tướng này thì giáo pháp khẩu truyền và những khai thị, giáo huấn không thể được trao truyền. Mặc dù vậy, sự tri ân và tâm chí thành vẫn phải chủ yếu hướng tới những giáo pháp và những khai thị mà Thượng sư truyền thụ.
 

Chúng ta hãy bàn về một vài khía cạnh của chữ “Vâng theo”. Mỗi đệ tử đều có căn cơ khác nhau. Một vài đệ tử có thể thực hành theo Thân Giác ngộ của Thượng sư, một số khác có thể theo Tâm Giác ngộ của Ngài, một số khác nữa lại theo Ngữ Giác ngộ và một số có thể tuân theo cả ba khía cạnh trên cùng một lúc. Tuân theo Ngữ Giác ngộ của Thượng sư là phương pháp tốt vì nương vào những giáo lý mà Ngài truyền trao, bạn mới thực hành con đường đạo chân chính. Việc tuân theo Thân Giác ngộ của Thượng sư không có ý nghĩa thâm sâu trừ khi bạn đã đạt được mức độ tu tập cao cấp do thiện căn huân tập từ nhiều đời trước. Còn việc gắng sức thực hành theo Tâm Giác ngộ mà không tuân theo Thân và Khẩu của Ngài thì chẳng khác nào một vận động viên bơi lội bị mù chẳng đi đến đâu cả!

Trên thực tế, người đệ tử chân chính cần đồng thời tuân theo cả thân, ngữ và tâm của Thượng sư. Một Thượng sư thiện xảo luôn có những cách thức khác nhau để truyền trao giáo pháp, không chỉ qua phương pháp khẩu truyền mà còn có thể được trao truyền thông qua sự hiện diện của Thân cũng như Tâm Thượng sư. Tất nhiên, bạn có quyền đặt câu hỏi là trong tình huống Thượng sư yêu cầu đệ tử làm một vài thứ nhưng anh ta cảm thấy không thể làm được, ví dụ yêu cầu đệ tử mình nhảy xuống từ đỉnh núi, thì người đệ tử phải làm gì. Trong trường hợp như vậy, người đệ tử biết rằng anh ta không thể thực hiện được yêu cầu của bậc Thầy vì điều đó vượt ngoài khả năng của mình. Khi đó, anh ta có quyền thỉnh lại với Thượng sư: “Con có thể không làm việc này được không?” Một Thượng sư chân chính sẽ thấu hiểu được tình huống này và miễn cho đệ tử khỏi yêu cầu bắt buộc đó. Tuy nhiên, lời thỉnh cầu như vậy phải bắt nguồn từ một thái độ chân thành và thanh tịnh. Ngoài ra, đệ tử nên thực hành mọi điều được truyền trao từ Thượng sư, bao gồm cả những khẩu truyền và khai thị từ tâm của Thượng sư. Điều này được gọi là hợp nhất với Tâm Giác ngộ của Thượng sư. Một hành giả cao cấp có khả năng hợp nhất với Tâm Giác ngộ của Thượng sư như là kết quả tự nhiên của sự hợp nhất của Tâm Giác ngộ nơi Thượng sư với tâm thanh tịnh của hành giả.

 

Bởi vậy, có thể kể ra những cấp độ kết quả khác nhau của việc vâng theo Thượng sư. Cấp độ thứ nhất, khắc sâu và quán tưởng hòa nhập với sự hiện diện của Thượng sư, ở cấp độ này hành giả sẽ được kết quả là liễu ngộ khía cạnh Hóa thân của Tâm Giác ngộ. Ở cấp độ thứ hai, khi tuân theo giáo pháp Thượng sư, hành giả sẽ nhận ra khía cạnh Báo thân. Cao hơn nữa, tuân theo Thượng sư trong sự thực hành thiền định dựa vào Tâm Giác ngộ của Ngài, hành giả sẽ được kết quả là liễu ngộ được khía cạnh Pháp thân của Tâm Giác ngộ. Bởi vậy, việc tuân theo bậc Thượng sư chân chính như ba cách trên đây là con đường tu tập vô cùng đúng đắn và thiện xảo.

 

Một số người muốn biết có thể theo nhiều Thượng sư hay không? Theo quan điểm của tôi thì họ có thể thoải mái làm việc đó nếu như các Thượng sư mà họ theo đều chân chính. Mặc dù hình thức có thể khác nhau nhưng những khai thị và hướng đạo của các Ngài sẽ có sự tương đồng bởi các Thượng sư tồn tại trong trạng thái hợp nhất hoàn hảo. Mặc dù vậy, hành giả nên luôn nhận ra khả năng của chính mình về việc nên hay không cùng lúc đi theo sự hướng đạo của nhiều bậc Thượng sư khác nhau, phải suy xét liệu việc này có dẫn tới sự rối loạn và bế tắc sau này không? Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải luôn biết sáng suốt lựa chọn.

 

Mối liên hệ với Thượng sư dựa trên căn bản Phật tính

Như vậy là chúng ta đã hạnh ngộ bậc Thầy và chính thức hóa mối quan hệ Thượng sư - đệ tử. Sau khi đã phát tâm đi theo Thượng sư, bạn phải loại bỏ tất cả tâm nhị nguyên để nhất tâm thành tựu Mật thừa và phụng sự Ngài hoằng dương giáo pháp. Sự trải nghiệm tâm linh của bạn từ nay sẽ dựa trên căn bản Phật tính, được trao truyền hướng đạo từ bậc Thầy và pháp tu, dựa trên nền tảng sự chứng ngộ Phật tính để khỏi lầm đường lạc lối. Bạn cần nỗ lực trưởng dưỡng mối liên hệ với bậc Thượng sư bên ngoài để thỉnh cầu sự gia trì giác ngộ Thượng sư bên trong và Bí mật. Mối liên hệ này được thể hiện rõ ràng qua từng lời kinh câu kệ mà bạn trì tụng hàng ngày, hàng giờ với tâm chí thành hướng về bậc Thượng sư:

Kính lễ Đức Pháp Vương

Nguyện xót thương!

Gia trì con thực chứng bản tâm,

Gia trì con muôn niệm tự tại,

Ngay vạn pháp chứng ngộ Tam Thân!

Khi đã trưởng dưỡng tâm chí thành và lòng thành kính với bậc Kim cương Thượng sư, người đệ tử sẽ có sự kết nối chặt chẽ và dễ dàng chứng đạt giác ngộ. Nếu thiếu tâm dâng hiến và kính trọng Thượng sư, ngay cả việc thực hành nhiều lần giai đoạn Thành tựu dành cho Bản tôn của bốn Tantra, bạn cũng sẽ vẫn không đạt được bất cứ thành tựu chứng ngộ nào.

Mặt khác, nếu như bạn phát triển được tâm chí thành đích thực và lòng tôn kính, tất cả mọi chướng ngại trên con đường đạo sẽ được tiêu trừ. Chỉ bằng phương pháp đó, bạn sẽ đạt được thành tựu tâm linh. Vì vậy, lòng dâng hiến với Thượng sư là nền tảng của con đường thực hành Guru Yoga.

Trong kinh dạy rằng:
 

“Nếu biết coi Thượng sư là Phật, bạn sẽ nhận được ân phúc gia trì của Phật. Nếu biết coi Thượng sư là Bồ tát, bạn sẽ nhận ân phúc gia trì của Bồ tát. Nếu coi Thượng sư là thành tựu giả, bạn sẽ nhận được ân phúc gia trì của thành tựu giả. Nếu coi Thượng sư là một người bạn đạo, bạn sẽ nhận được ân phúc gia trì của bạn đạo. Nếu không có tâm dâng hiến và lòng thành kính với Thượng sư, bạn hoàn toàn không nhận được ân phúc gia trì”.

 

Đức Phật sẽ không ở đâu cả mà ở ngay Căn bản Thượng sư của bạn. Ngài là sự hợp nhất của mười phương ba đời chư Phật. Vô số những phẩm chất giác ngộ của chư Phật được hội tụ và thị hiện một cách sống động nơi bậc Căn bản Thượng sư. Tâm nguyện và lòng từ vĩ đại của Ngài mang lại sự sống an lành cho muôn loài hữu tình, cũng giống như mặt trăng, mặt trời, thuốc trường sinh, y dược, con thuyền và cầu bè, tất cả đều là sự thị hiện sáng tạo của Căn bản Thượng sư

 

Nguồn: Drukpa Việt Nam

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6377732
Số người trực tuyến: