Nguyên tắc chọn nghề để tránh tạo ác nghiệp | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Nguyên tắc chọn nghề để tránh tạo ác nghiệp

Trong xã hội, mỗi người đều có ít nhất một nghề, và dĩ nhiên nghề nào cũng có tạo nghiệp. Sự tạo nghiệp thiện ác và nặng nhẹ khác nhau là do ý thức mỗi người, đặc thù của mỗi nghề. Có những nghề rất cao quý, được xã hội tôn vinh là thầy (thầy thuốc, thầy giáo) nhưng nếu chỉ cần một sơ suất nhỏ là gây chết người, gây lầm lạc cho nhiều thế hệ.

Chọn nghề nghiệp hay công việc “sai lầm” không chỉ gây hại cho những chúng sinh liên quan mà sẽ cản trở ta trong quá trình tu tập, tinh tiến về tâm linh, tăng trưởng Phật tính và gây nên những nghiệp báo xấu về sau này. Khi đã lựa chọn được công việc phù hợp, bản thân hằng ngày, hàng giờ cần phải quán chiếu, không ngừng kiểm soát những hành động, lời nói của mình để không đi lệch hướng.

Chọn nghề theo nguyên tắc “Chính mạng”

Trong cuộc đời có vô vàn công việc khác nhau và không ai có thể phân loại từng công việc một, nhưng chúng ta cần nhớ trong lòng: bất cứ công việc, nghề nghiệp nào cũng có thể được coi là chính mạng nếu nó không đem lại tai hại cho bản thân người làm công việc đó hay gây tai hại cho bất cứ ai khác. Lựa chọn công việc đúng chính mạng không chỉ nhằm bảo vệ cho người khác mà còn bảo vệ cho chính chúng ta.

Bát chính đạo là những chỉ dẫn của đức Phật về cách thực hành tu tập nhằm đưa hành giả thoát khỏi mọi bám chấp và vọng tưởng mê lầm, giúp hiển lộ trí tuệ hiểu biết đúng đắn. Trong đó, Đức Phật từng chỉ dạy rằng: “Chính mạng là phương tiện sinh sống đúng đắn. Chính mạng dạy chúng ta phải kiếm sống bằng những nghề nghiệp lương thiện”. Một cách cụ thể, người tu tập Chính mạng phải cố gắng xa lìa công việc liên quan tới vũ khí, tới chất độc, chất gây nghiện (rượu, bia, ma túy, thuốc lá...) hay làm tổn hại mạng sống của chúng sinh (giết mổ…). Ngoài ra, những công việc mâu thuẫn với Chính ngữ, Chính nghiệp cũng cần phải từ bỏ vì không đem lại Chính mạng.

Lựa chọn công việc “Chính mạng” không chỉ nhằm bảo vệ cho người khác mà còn bảo vệ cho chính chúng ta. Bởi khi làm tổn hại đến người khác thì không chỉ tự hành động đó đã vi phạm căn bản đạo đức mà còn gây tổn hại cho bản thân người làm công việc này.

6 loại nghề bạn không nên làm

Trong kinh A Hàm và Nikaya, Đức Phật đã khuyên răn người cư sĩ không nên hành các nghề ác như sau:

1. Không làm nghề săn bắn.

2. Không làm nghề chài lưới.

3. Không làm nghề buôn bán thịt sống.

4. Không làm nghề buôn bán thịt chín.

5. Không làm nghề sản xuất và buôn bán rượu.

6. Không làm nghề buôn bán người.

Giữ chính niệm trong công việc

Chúng ta cần thực hành giữ chính niệm trong mọi hành động, trong cả công việc. Thực hành chính niệm giúp bạn vượt qua những tình huống xấu trong cuộc sống và công việc, như đồng nghiệp xấu, căn thẳng hay môi trường làm việc không thuận lợi. Hãy chú tâm vào việc ta làm, hãy giúp đỡ đồng nghiệp, hãy thực tập đức hạnh từ bi và trong giao tiếp cần phải giữ đúng lời nói trong chính niệm.

Và điều hơn cả, đó là việc trân trọng công việc của mình. Dù có làm nghề nghiệp gì thì cũng ta cũng đang góp phần vào việc xây dựng xã hội chung. Nghề nghiệp nào cũng có vai trò nhất định. Hãy trân trọng công việc của mình. Chúng ta làm việc bởi công việc của chúng ta có ý nghĩa, có đóng góp vào cuộc sống chung.

Cuộc sống luôn phức tạp, nhiều dèm pha…, nhưng khi biết tận dụng những hiểu biết Phật pháp thì chúng ta có thể suy ra điều gì là đúng, điều gì là không đúng. Chọn nghề nghiệp bằng cả lòng từ bi và trí tuệ để nghề nghiệp đó sẽ là nơi để mỗi chúng ta nuôi dưỡng chính niệm, Phật tính trên con đường tu tập đạt đến giải thoát giác ngộ.

(Nguồn: www.phatgiao.org.vn)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5697265
Số người trực tuyến: