Những điều kiêng kị khiến người lâm chung khó siêu thoát | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Những điều kiêng kị khiến người lâm chung khó siêu thoát

Kinh chép: “Lìa 3 đường ác, được thân người là khó”. Chúng ta tuy may mắn được sinh làm thân người, nhưng mạng sống khó bảo tồn trăm năm. Sắc thân tứ đại rồi cũng hoại diệt, chỉ có thần thức lại theo nghiệp duyên mà thọ sinh, như kẻ thiếu nợ, người mạnh lôi đi trước. Cho dù lúc còn sống, nghiệp lành mạnh mẽ, siêng tu giới định, sau khi chết đi, thác sinh vào cõi trời, sống lâu muôn kiếp, nhưng đến khi hưởng hết phước trời thì vẫn phải bị trôi giạt luân hồi, trọn kiếp chẳng hết. Ngay cả những người một đời tinh tấn tu niệm Phật cầu vãng sinh Tịnh độ nhưng đến lúc lâm chung gặp chướng duyên cũng không thể về cõi Phật được.

Phật diệt độ đã lâu, thời Phật đã cách xa. Chúng sinh phần nhiều nghiệp chướng nặng nề, căn cơ cạn mỏng, ít người tu tập. Nếu có tu tập đi chăng nữa thì cũng khó chứng quả. Nhân vì họ còn dục vọng, nên việc liễu sinh thoát tử siêu phàm nhập thánh không thể đạt được.

Nhân duyên gì khiến người lâm chung không thể vãng sinh?

Nếu có người niệm Phật mà chưa được vãng sinh, vì các nhân duyên khác chưa đầy đủ, có sự sai lầm khiến cho họ mê man mất đi chính niệm, có sự ngăn cách với Phật, cuối cùng không được vãng sinh chứ chẳng phải Phật không đến tiếp dẫn. có người lúc bình sinh, tuy phát tâm niệm Phật, nhưng chỉ mong cầu phước báo, không biết phát nguyện cầu sinh Tây phương.

Có người thường ngày tuy tín nguyện nhưng không tha thiết và không thường xuyên niệm Phật. Có người vì lúc lâm chung không được trợ niệm hộ trì đúng pháp. Có người tuy được trợ niệm nhưng quyến thuộc ở bên cạnh cứ nói lời nhảm nhí khiến họ phiền não bất an. Có người vì thân bằng quyến thuộc thương xót, khóc lóc, tình ái trói buộc, khó mà xa lìa dứt bỏ.

Có người lúc sắp qua đời, mời thầy thuốc đến tiêm thuốc, hi vọng được sống lại, khiến họ phải chịu sự đau khổ. Có người vì khi tắt hơi, toàn thân chưa lạnh, thần thức chưa lìa khỏi xác, người còn sống lại dùng tay sờ mó để xem rõ việc nóng lạnh. Hoặc có người sau khi chết, thân thể còn ấm, lại cho tắm rửa, thay y phục, gắng gượng xoay xở….

Các thứ nhân duyên chưa hoàn bị nói trên và những sự mê lầm khác đều khiến cho người bệnh mê mờ mất đi chính niệm và không được vãng sinh. Người niệm Phật phải hiểu biết điều đó.

Một câu chuyện có thật

Thuở xưa, có một cư sĩ làm quan ở Phủ Đài, Giang Tô, sau phát tâm xuất gia trong một ngôi chùa nhỏ, gần Linh Nham. Vợ ông cũng rất tin Phật, thường đi cúng dường và khuyên bảo ông hãy trở về nhà. Bà nói: “Nay ông đã là Bồ Tát xuất gia thì phải cứu độ chúng sinh, không nên tu một mình. Nếu ông trở về nhà, cần dùng gì tôi đều cung phụng”.

Bà vợ nhiều lần khuyên bảo, vì không từ chối được nghĩa cũ tình xưa, và một phần do nơi ấy không được yên tĩnh lắm, sợ có sự nhiễu hại, nên lòng ông cảm thấy khó chịu, luôn nghĩ tới sự nguy hiểm. Cuối cùng, ông quyết định về nhà, nhưng may được bà vợ lo lắng nên ông chu toàn mọi thứ, yên tâm niệm Phật.

Một hôm, ông nói với vợ:

- Phật A Di Đà đã đến rước. Tôi phải về Tây phương thôi.

Người vợ bèn lễ bái ông và khóc lóc:

- Bồ Tát ơi, nay ông đi rồi, bỏ tôi ở lại cõi đời này một mình biết nương nhờ ai để sống?

Chợt bị tình ái của người vợ quyến luyến, nên ông khó mà giải thoát được. Thế là ngay lúc ấy ông mất chính niệm, đôi mắt rơm rớm tuôn dòng lệ. Sau lại cầu mong Phật A Di Đà đến tiếp dẫn nhưng không thấy nữa. Câu chuyện này chính tôi được nghe cư sĩ Hồ Tùng Niên kể.

(Trích ấn phẩm: “Hành trang cho ngày cuối”

Tác giả: Pháp sư Thế Liễu

Dịch giả: HT. Thích Thiện Phước

NXB Hồng Đức, 2015)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6339149
Số người trực tuyến: