Những điều lưu ý khi nghe pháp để được trọn vẹn công đức - Phần 1 | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Những điều lưu ý khi nghe pháp để được trọn vẹn công đức - Phần 1

Phật dạy: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Có được thân người rồi mà lại gặp được Phật pháp nữa, đó là phúc nhiều đời của chúng ta. Tuy nhiên Phật pháp rất khó nghe, bởi vì sao? Bởi có nhiều người cả đời không biết đến hai chữ Phật pháp là gì, hoặc có nghe Phật pháp nhưng lại không hiểu, nên nói khó nghe. Phật pháp nói lẽ thật nhưng ngược lại với lòng tham lam ích kỷ của con người, nên chúng ta khó tiếp nhận, khó nghe là vậy. Phật pháp khó nghe, cho nên người thiếu phước duyên ít có cơ hội nghe pháp, nếu có nghe cũng không hiểu biết gì. Bây giờ có phúc duyên được gặp Phật pháp, chúng ta phải cố gắng học hỏi, khi nghe rồi chúng ta phải quán chiếu, chiêm nghiệm và sau đó biết áp dụng vào trong đời sống hằng ngày. Đó chính là tu.

Vậy khi lắng nghe giáo pháp, những điều gì nên tránh và những điều gì nên làm?

1. ĐIỀU NÊN TRÁNH

Những hành vi nên tránh  bao gồm (1) ba khiếm khuyết của chiếc bình chứa, (2) sáu điều ô nhiễm và (3) năm cách nhớ tưởng sai lạc.

1.1 Ba Khiếm Khuyết Của Chiếc Bình Chứa

Không nên lắng nghe như một chiếc bình bị lật úp. Không có khả năng nhớ được những gì bạn nghe thì giống như một cái bình bị thủng lỗ. Còn trộn lẫn những cảm xúc tiêu cực với những điều bạn đang nghe thì giống như một cái bình trong có chứa chất độc.

Bình lật úp

Khi bạn đang lắng nghe giáo pháp, hãy chú tâm lắng nghe những gì được nói ra và đừng để bất kỳ điều gì khác làm cho bạn trở nên xao lãng. Nếu không, bạn cũng sẽ như chiếc bình bị lật úp, không thể rót gì vào đó được. Mặc dù thân bạn đang hiện diện ở đó, nhưng bạn lại chẳng nghe được một lời nào của giáo lý đang được giảng dạy.

Bình thủng lỗ

Nếu bạn chỉ lắng nghe mà không nhớ được bất kỳ điều gì bạn đã nghe hoặc đã hiểu thì bạn sẽ giống như một cái bình có một chỗ rò rỉ: cho dù có đổ vào đó bao nhiêu nước thì cũng sẽ không giữ lại được chút gì. Dù bạn có được nghe bao nhiêu giáo lý chăng nữa thì bạn cũng chẳng bao giờ có thể thấm nhuần được những giáo lý ấy hay đưa được những giáo lý ấy vào thực hành.

Bình chứa chất độc

Nếu bạn lắng nghe giáo lý với thái độ (hay động cơ) sai lầm, chẳng hạn như bạn mang trong lòng tham vọng trở nên nổi tiếng hay vĩ đại, hoặc lắng nghe với một tâm thức tràn đầy năm độc, thì Giáo Pháp chẳng những không giúp được gì cho tâm bạn mà Giáo Pháp ấy cũng sẽ bị biến đổi thành một cái gì đó hoàn toàn không còn phải là Pháp nữa, hệt như chất cam lồ được rót vào một bình chứa chất độc.

Đó là lý do tại sao Ngài Padampa Sangye, một nhà hiền triết của Ấn Độ đã nói:

Hãy lắng nghe giáo lý giống như một con nai nghe nhạc;

Hãy suy niệm về giáo lý giống như người du cư phương Bắc xén lông cừu;

Hãy thiền quán về giáo lý giống như người câm thưởng thức thức ăn;

Hãy thực hành giáo lý giống như con trâu ‘yak’ háu đói đang ăn cỏ;

Hãy thành tựu giáo lý, giống như mặt trời lộ ra từ sau những đám mây.

Khi lắng nghe giáo lý, bạn phải giống như một con nai bị mê hoặc bởi âm thanh của đàn vīnā tới nỗi không hề chú ý tới người thợ săn ẩn núp đang bắn mũi tên có tẩm thuốc độc. Hãy chắp hai bàn tay lại và lắng nghe, để mỗi tế bào trên thân bạn cũng đều rung động, chớ để cho bất kỳ tư tưởng nào hiện ra làm cản trở việc lắng nghe.

Thật không lợi ích nếu chỉ có thân bạn là hiện diện ở đó, trong khi tâm bạn lại lang thang theo các niệm tưởng, buông thả lời nói của mình trong một kho chuyện phù phiếm, phát biểu bất kỳ điều gì bạn ưa thích và đưa mắt nhìn quanh quẩn khắp nơi. Thậm chí khi lắng nghe giáo pháp, bạn nên ngưng cầu nguyện, ngưng trì tụng các câu chân ngôn, hay làm bất kỳ một hành vi nào khác dù là phúc đức mà bạn có thể đang làm.

Sau khi lắng nghe giáo lý một cách đúng đắn theo cách thức như trên, thì còn một việc quan trọng không kém là phải nắm giữ lại được ý nghĩa của những điều đó, không bao giờ được quên những ý nghĩa đó, và liên tục áp dụng những gì đã được nghe vào thực hành. Như chính Đức Phật đã dạy:

Ta đã chỉ cho các ông phương pháp 

Đưa tới giải thoát

Nhưng các ông nên biết

Giải thoát tuỳ thuộc vào chính các ông.

Bậc Thầy ban truyền cho đệ tử những giáo huấn về cách lắng nghe Giáo Pháp và cách áp dụng Giáo Pháp, cách thức từ bỏ những ác hạnh, thực hiện những thiện hạnh, và cách thức tu tập. Người đệ tử có nhiệm vụ phải ghi nhớ những giáo huấn đó, không được lãng quên bất cứ điều gì; phải đem những giáo huấn đó vào thực hành và chứng ngộ được những giáo huấn đó.

Việc lắng nghe Giáo Pháp dù không chú tâm cũng có thể đem đến chút ít lợi lạc, giúp gieo vào Tạng thức những chủng tự thiện lành. Nhưng nếu bạn ghi nhớ giáo pháp nhưng lại trộn lẫn giáo pháp với những cảm xúc tiêu cực ô nhiễm của bạn, thì giáo pháp ấy sẽ không bao giờ là Giáo Pháp thanh tịnh. Hãy tự xả bỏ bất kỳ một vọng niệm sai lạc nào liên quan tới Bậc Thầy và Giáo Pháp, đừng phê bình hay phỉ báng các đạo hữu cùng những người bạn đồng hành của bạn, hãy dứt bỏ tâm kiêu mạn, hãy từ bỏ mọi niệm tưởng xấu. Bởi vì tất cả những điều này sẽ đưa bạn tới con đường tái sinh vào các cõi thấp.

(Nguồn: Ấn phẩm “Lời vàng của Thầy tôi”)

Còn tiếp

Tham khảo thêm

Hãy trân quý cơ hội được nghe Pháp!

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6409435
Số người trực tuyến: