Những mùa an cư đáng nhớ trong cuộc đời Đức Phật
Trong suốt những năm hoằng pháp, Đức Phật không ở suốt nơi nào trong thời gian lâu, đó là thông lệ ba đời chư Phật, Ngài thường du hành khắp nơi để tiếp độ chúng sinh, đến khi mùa mưa đến thì Ngài cùng với chư Tăng mới an cư tại một địa điểm suốt 3 tháng mùa mưa. Rồi sau đó, khi mãn hạ thì Ngài lại cùng với chư Tăng lại tiếp tục công cuộc hoằng pháp độ sinh.
1. Mùa an cư đầu tiên: Đức Phật chuyển bánh xe pháp lần thứ nhất
Vào ngày rằm tháng 6, sau khi thành đạo được hai tháng, Đức Phật chuyển bánh xe pháp tại vườn Lộc Uyển, ở Isipattana để tiếp độ cho nhóm 5 anh em của Ngài Kiều Trần Như (Koṇḍañña) với bài pháp đầu tiên là bài Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattanasutta). Với bài pháp này, Ngài Kiều Trần Như đã thành tựu được Thánh quả Nhập lưu và xuất gia Tỳ kheo, trở thành vị Thánh Tăng đầu tiên trong Phật giáo.
Vào ngày 16 cho đến ngày 19 tháng 6 thì lần lượt các Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji cũng đắc được Thánh quả Nhập lưu và cũng được xuất gia nhập vào hàng Tỳ kheo.
Sau đó, ngày 20 tháng 6 thì Đức Thế Tôn thuyết bài Kinh Vô Ngã Tướng (Anattalakkhaṇsutta) đến cho 5 vị Tỳ kheo và cuối thời pháp các Ngài đã thành tựu được Thánh quả A-la-hán. Như vậy là chỉ 5 ngày đầu tiên của mùa an cư thứ nhất, Đức Thế Tôn đã thuyết pháp tiếp độ được 5 vị Thánh Tăng đầu tiên để mở đầu cho công cuộc hoằng pháp của Ngài.
Sau đó, Đức Phật còn tiếp độ cho thanh niên Yasa cùng với 54 người bạn xuất gia và trở thành những vị Thánh Tăng. Như vậy, ngay lúc này trên thế gian đã có được 61 vị Thánh vô lậu thị hiện.
2. Mùa an cư thứ 2-3-4: Đức Phật an cư tại ngôi Tịnh xá đầu tiên trong lịch sử Phật giáo
Sau khi tiếp độ đức vua Bimbisāra (Bình Sa Vương) và tiếp nhận ngôi Tịnh xá Trúc Lâm (Veḷuvanavihāra – ngôi Tịnh xá đầu tiên trong Phật Giáo) gần thành Rājagaha (Vương Xá thành), chính tại nơi này, Đức Thế Tôn đã cùng với chư Tăng nhập hạ suốt 3 mùa an cư. Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu là không phải Ngài ở suốt nơi này 3 năm, mà Ngài chỉ ở suốt 3 tháng mùa mưa thôi rồi Ngài tiếp tục du hành thuyết pháp cho đến khi mùa mưa thì Ngài lại trở về Trúc Lâm Tịnh xá an cư mùa mưa.
3. Mùa an cư thứ 5: Thành lập Ni đoàn
Đức Phật đã nhập hạ tại ngôi Trùng Các Giảng đường (Kūṭāgārasālā) ở Đại Lâm (Mahāvana) gần kinh thành Xá Vệ (Vesāli). Trong mùa an cư này, Di mẫu Mahāpajāpatigotamī cùng với 500 Thích nữ đã tự cạo tóc đắp y, đi bộ từ Kapilavatthu đến Vesāli để xin Đức Phật cho nữ giới xuất gia. Ngài đã ban hành 8 trọng pháp (Garudhamma) đến cho Dì mẫu như là sự xuất gia Tỳ kheo ni của bà. Như vậy, đến mùa an cư này thì hội chúng Tỳ kheo ni đã xuất hiện, Giáo hội Tỳ kheo ni đã được thành lập, tứ chúng đã có mặt đầy đủ kể từ đây.
4. Mùa an cư thứ 7: Đức Phật thuyết pháp cho thân mẫu trên cung trời Đao Lợi
Vào mùa hạ này, Đức Phật đã ngự lên cung trời Tāvatiṃsā để thuyết giảng Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) cho thân mẫu của ngài, là vị thiên tử ở cõi trời Đâu Suất (Tusita) trong suốt 3 tháng mùa mưa (tính theo thời gian cõi nhân loại). Sau khi nghe xong thời pháp, vị thiên tử đắc được Thánh quả Tu-đà-hoàn.
Mỗi ngày, Đức Phật dùng thần thông hóa hiện ra một vị Phật nữa để thuyết pháp, còn Ngài đi khất thực tại xứ Bắc Cưu Lưu Châu, sau khi khất thực xong thì Ngài trở về Saṅkassa tóm tắt lại những gì Ngài đã thuyết cho Tôn giả Sāriputta nghe. Rồi sau đó Ngài trở lại cõi trời Tam Thập Tam để tiếp tục thuyết pháp.
Vào ngày mãn hạ, Đức Thế Tôn từ cung trời trở về địa cầu bằng chiếc thang ngọc do Thiên chủ Sakka hóa dựng, bên phải co chiếc thang bằng vàng cho chư thiên và bên trái có chiếc thang bạc cho chư đại Phạm thiên. Cổng thành Saṅkassa nơi Phật ngự xuống là một trong số những địa điểm sẽ không bao giờ thay đổi của thế gian này, và tất cả chư Phật đều giáng trần tại đây sau khi thuyết Abhidhamma.
5. Mùa an cư thứ 15: Mùa an cư duy nhất của Đức Phật tại quê hương
Đức Phật về lại kinh thành thăm cố hương. Vua cha Tịnh Phạn không hoan hỷ khi thấy Ngài đi chân trần khất thực
Đức Thế Tôn cùng với chúng Tỳ kheo nhập hạ tại ngôi chùa Nigrodhārāma, gần kinh thành Kapilavatthu. Ngôi chùa này do đức vua Mahānāma kiến lập để cúng dường và cung thỉnh Đức Phật với Chư Tăng trú ngụ. Sử sách cũng ghi nhận là Đức Thế Tôn chỉ nhập hạ duy nhất một mùa an cư tại quê hương của mình.
Một sự kiện cũng đáng lưu ý là việc đức vua Thiện Giác (Suppabuddha) vì hận Đức Phật đã bỏ rơi con gái mình (công chúa Yasodharā) và làm cho con trai của mình (Devadatta) đi xuất gia nên vua đã ngăn cản Đức Phật khi ngài đi khất thực. Do hành động này, vua đã bị đất rút một cách thê thảm và đau đớn.
6. Mùa an cư thứ 19-20: Tôn giả A Nan chính thức trở thành vị thị giả của Đức Phật
Hai mùa an cư liên tiếp, Đức Thế Tôn nhập hạ tại tại Trúc Lâm Tịnh xá (Veḷuvanavihāra).
Một sự kiện quan trọng xảy ra trong mùa hạ là sự kiện Tôn giả Ānanda chính thức trở thành vị thị giả hầu cận bên Đức Thế Tôn. Suốt 20 năm, Ngài không có vị thị giả cố định thường túc trực để hầu cận nên vào mùa hạ này, Đức Thế Tôn cũng đã lớn tuổi nên Ngài muốn có một vị thị giả hầu cận phục vụ. Tôn giả Ānanda trở thành vị Tỳ kheo thị giả của Đức Phật kể từ mùa hạ này trở đi.
7. Mùa an cư cuối cùng: Đức Phật thị hiện Niết Bàn
Mùa an cư cuối cùng của Đức Thế Tôn diễn ra tại ngôi làng Beluva gần kinh thành Vesāli. Trong mùa hạ này, Ngài lâm trọng bệnh nhưng vẫn duy trì mạng quyền để tiếp tục công cuộc hoằng pháp độ sinh. Đức Thế Tôn nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại đây rồi tiếp tục du hành về nhiều nơi và cuối cùng là Kusinārā để thị hiện Niết Bàn vào ngày trăng tròn tháng Vesak.
(Nhóm ĐBT biên soạn)
Từ thời Phật còn tại thế, hàng năm Tăng đoàn đều an cư vào mùa mưa với nhiều lý do, như khó thực hiện công việc du hóa hoằng pháp trong mùa mưa (mưa gió, thời tiết khắc nghiệt, đường sá bùn sình lầy lội, ngập nước khó đi, nhiều loài côn trùng, bò sát sinh sôi nảy nở có thể gây hại, không có nơi trú ngụ khi mưa gió trên đường khất thực, du hóa…); vì lòng từ bi thương tưởng đến các loài côn trùng, các sinh vật nhỏ bé sinh trưởng trong mùa mưa nên không đi lại để tránh giẫm đạp gây hại cho chúng; tránh những chỉ trích và đàm tiếu của ngoại đạo; nhưng điều quan trọng nhất vẫn là mục đích thúc liễm thân tâm, trau dồi tam vô lậu học Giới-Định-Tuệ, tấn tu đạo nghiệp.
Đối với Phật tử tại gia, cúng dàng Trường hạ mùa an cư tạo cơ hội cho mỗi người gieo trồng phúc duyên, ngõ hầu tích luỹ công đức làm tư lương trên con đường tu tập vì lợi ích chúng hữu tình.
- 678
Viết bình luận