Những nét đặc sắc trong đại lễ Phật Đản trên khắp thế giới | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Những nét đặc sắc trong đại lễ Phật Đản trên khắp thế giới

Phật Đản là ngày lễ kỷ niệm sự ra đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vesak là ngày lễ Tam hợp, mừng ba sự kiện Đản sinh, thành đạo và nhập Niết bàn của đức Phật Thích Ca và đã được Liên Hợp Quốc tôn vinh. Hiện nay, lễ Phật Đản không chỉ là một đại lễ quan trọng đối với tín đồ Phật giáo mà đã trở thành một nét văn hóa dân tộc ở nhiều quốc gia.

Việt Nam

Tuần lễ Phật Đản tại Việt Nam thường bắt đầu từ ngày 08/04 ÂL đến ngày 15/04 ÂL. Phật tử Việt Nam nhân dịp lễ Phật Đản thường thiết trí lễ đài, huyền môn tại các ngôi chùa, tự viện… và lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động phong phú như lễ tắm Phật, diễu hành, rước xe hoa,… mừng ngày đức Phật Đản sinh.

Các quốc gia vùng Himalaya

Lễ Tam hợp Vesak ở khu vực Himalaya như Ấn Độ được tổ chức ở Sikkim, Ladakh, Arunachal Pradesh, đặc biệt là Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo tràng) và các nơi khác tại Bắc Bengal như Kalimpong, Darjeeling, Kurseong và Maharashtra (nơi có hơn 70% số lượng tín đồ Phật giáo tại Ấn Độ). Phật tử thường mặc trang phục màu trắng tinh khiết đến tịnh xá để đảnh lễ và nghe kinh Phật. Tại tịnh xá, trong ngày lễ, họ được phục vụ một loại cháo ngọt, gọi là Kheer nhằm nhớ lại chuyện nàng Sujata đã dâng một bát cháo sữa cho đức Phật trước khi Ngài thành đạo. Vào ngày Phật Đản, văn phòng Chính phủ, bưu điện và ngân hàng đều đóng cửa.

Ngoài ra, tại các quốc gia khác theo truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa như Bhutan, Nepal…, tháng Phật đản được gọi là tháng Saga Dawa. Trong tháng này, bất kỳ hoạt động nào cũng tăng trưởng gấp hàng trăm ngàn lần. Bởi vậy người dân cùng nhau vân tập về các tự viện để cầu ngyện, quay kinh luân, chiêm ngưỡng các vũ điệu Kim Cương thừa linh thiêng hay cúng dàng đèn bơ ở các thánh địa. Người dân nơi đây tin rằng tháng Saga Dawa là phúc duyên thù thắng để tích lũy công đức bằng cách thực hiện các hành động như:

- Phóng sinh, ăn chay

- Trì giữ Ngũ giới

- Bố thí, cúng dàng như cứu giúp người, chữa bệnh, phân phát thuốc men, chu cấp đồ ăn, quần áo, hỗ trợ giáo dục hay các hoạt động nhân đạo khác hướng tới những cảnh đời khốn khó.

Miến Điện

Ngày Phật Đản cũng gọi là ngày của Kason. Kason là tháng thứ 2 trong 12 tháng theo lịch Myanmar. Vào ngày này, khắp đất nước Myanmar từ thôn quê cho đến thành thị đều tổ chức lễ hội tưới cây bồ đề. Ở Yangon, lễ Phật Đản được tổ chức quy mô nhất tại chùa Shwedagon với cờ Phật giáo, đèn, hoa được treo và trang trí quanh cội bồ đề. Ở các vùng thôn quê, những làng mạc xa xôi, người dân làng với những chum nước thơm trên bờ vai, lần lượt đến các tự viện trong làng, nơi có cây đại thọ bồ đề tưới cội cây thiêng. Họ làm vậy để cảm ơn loài cây này đã che chở cho đức Thế Tôn trong những ngày thiền định trước khi Ngài chứng đạo.

Sri Lanka

Tại Sri Lanka, Phật giáo là Quốc giáo. Thời gian diễn ra lễ hội Vesak, người dân được nghỉ lễ. Trong những ngày lễ hội, tất cả quán bia rượu và lò giết mổ phải đóng cửa. Người dân phóng sinh số lượng lớn thú vật, chim, cá… Việc bố thí cũng được xem trọng, họ thường đến thăm và phát quà cho trẻ mồ côi và người già neo đơn. Người dân thường mặc áo trắng và đi đến tu viện, tham gia vào các nghi lễ truyền thống tại đó, nhiều người còn ở lại đền thờ cả ngày và thực hành Bát giới. Hầu hết tư gia phật tử đều trang trí cờ Phật giáo, lồng đèn và đèn nến… Trong chương trình lễ hội, màn diễu hành xá lợi gây ấn tượng và tạo nên xúc cảm nhất đối với người tham dự. Xá lợi Phật được tôn trí trên lưng những chú voi được trang điểm lộng lẫy với màu sắc mang phong cách Nam Á, theo sau là hàng nghìn phật tử, diễu hành khắp những con phố.

Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, Phật Đản là ngày lễ quốc gia và là một trong những quốc gia tổ chức lễ Phật Đản long trọng nhất thế giới. Lễ hội diễn ra tại nhiều nơi công cộng và trên những đường phố. Trưng bày và diễu hành lồng đèn là một trong những chương trình ấn tượng nhất trong lòng phật tử và người dân Hàn Quốc.

Thái Lan

Tại quốc gia Thái Lan mà Phật giáo là quốc giáo, hầu hết dân chúng đều tới các đền chùa trong ngày lễ Phật Đản để cúng dường lễ vật, thực phẩm và đốt hương trầm, đèn nến lễ bái và dâng lời cầu nguyện lên đức Phật. Vesak là ngày quốc lễ truyền thống ở Thái Lan. Trong ngày lễ Vesak, các tín đồ Phật giáo tại Ayutthaya cầm nến nhiễu quang đền Wat Yai Chai Mongkol ba vòng và cầu nguyện.

Lào

Lễ Phật Đản ở Lào được gọi là Vixakha Bouxa. Một phần của lễ hội Vixakha Bouxa được gọi là Boun Bang Fay, hoặc lễ hội Tên lửa. Đây là thời gian nóng và khô nhất trong năm, tên lửa tự chế lớn này với mục đích cầu mưa. Tên lửa được làm bằng 6 đến 24 kg thuốc nổ và có thể bay xa tới vài trăm mét.

Ngoài ra, Phật tử tại rất nhiều quốc gia khác trên thế giới như Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia, Cam-pu-chia ... cũng tùy theo nhân duyên mà quy hướng về ngày kỷ niệm Phật Đản theo phong tục, điều kiện và hoàn cảnh riêng của đất nước mình.

(Kim Tâm tổng hợp

Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 5/2017)

Phật Đản là ngày kỷ niệm đức Phật Thích Ca sinh ra tại vườn Lumbini vào năm 624 trước Công nguyên và diễn ra vào ngày 15/04 Âm lịch hàng năm. Theo đề nghị của 34 quốc gia, để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của đức Phật, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tại phiên họp thứ 54 chính thức công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hợp Quốc. Từ năm 2000, những hoạt động kỷ niệm sẽ được diễn ra hàng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên Hợp Quốc trên thế giới.

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6315643
Số người trực tuyến: