Những ý tưởng tương đồng
Một hôm, đức vua Akba, vị vua thứ 3 thuộc triều đại Mogul (Ấn Độ) tranh luận cùng một nhà hiền triết. Nhà hiền triết thưa với vua:
- Muôn tâu! Giữa hàng trăm nghìn con người dị biệt, ta vẫn có thể tìm ra một ý kiến tương đồng.
Ðức vua không chấp nhận điều ấy và phải làm một cuộc trắc nghiệm theo lời đề nghị của nhà hiền triết.
Nhà vua cho đặt một cái bể chứa trước cung điện, trên chiếc bể được phủ một tấm vải trắng mỏng rồi truyền lệnh cho hết thảy thần dân trong kinh thành, mỗi người phải đổ một lít sữa vào bể trong đêm tối.
Nhận được lệnh ấy, các thần dân yêu quý của đức vua đều nghĩ bụng:
- Trong đêm nay có đến hàng khối người mang sửa đổ vào bể, mình có trút vào đấy một lít nước lã cũng chẳng ai biết!
Sáng hôm sau, đức vua cùng nhà hiền triết đến thăm chiếc bể. Sau khi lật tấm vải trắng lên, họ thấy bể chứa đầy nước lã. Ðức vua nhìn đăm đăm vào làn nước trong leo lẻo, gật gù:
- Khanh nói đúng, có khi hàng trăm hàng nghìn người lại suy nghĩ và hành động hệt nhau.
Bạn thân mến!
Thông thường, loài người chúng ta, do các môi trường sinh hoạt khác nhau, sự học tập, đào luyện đã khiến ta có những lề lối suy nghĩ nói năng theo kiểu “chín người mười ý.” Nhưng cũng lắm khi, ý kiến của chúng ta lại gặp nhau. Ðó là lúc chúng ta hành động để bảo vệ cái bản ngã và ngã sở của mình trong lúc tối lửa tắt đèn như câu chuyện trên đây vậy.
Dựa vào những điểm thống nhất này, các luận sư Phật giáo đã lập ra bộ môn Duy Thức học để giúp các hành giả theo dõi, quán sát và thấu đáo rõ đường đi lối về của tâm thức.
Quan sát, theo dõi và thấu đáo rõ ràng các hoạt dụng của tâm thức là một việc khó khăn nhưng không kém phần kỳ thú. Thật là ngỡ ngàng biết bao khi ta bắt gặp những con thú dữ đội lốt thánh thần trong khu rừng âm u của nội tâm. Ðó là một cuộc dạo chơi hoàn toàn không thể biết trước và đoán trước…, một nghệ thuật hơn là một kỷ thuật để truyền trao. 84.000 pháp môn của Phật đều chỉ nhằm một mục đích duy nhất là "Ngộ nhập Phật tri kiến", tức là đưa hành giả nhận ra và chuyển hóa những con thú dữ ấy để trở về với khu rừng tâm rộng rãi, khoáng đạt, không chút bợn nhiễm đó bạn.
(Tâm An lược soạn)
- 159
Viết bình luận