Công hạnh của vị đại thí chủ quan trọng nhất trong cuộc đời Đức Phật | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Công hạnh của vị đại thí chủ quan trọng nhất trong cuộc đời Đức Phật

Vị đại thí chủ (dayaka) quan trọng nhất thời Đức Phật còn tại thế là ông Anathapindika (Cấp Cô Độc), một trưởng giả triệu phú. Tên tộc của ông là Sudatta (Tu Đạt). Về sau, do lòng quảng đại vô song của ông, người đời tặng ông danh hiệu Anathapindika, có nghĩa là "nuôi ăn những người không được giúp đỡ", hay "trợ cấp những kẻ cô đơn hiu quạnh". Savatthi (Xá Vệ) là nơi chôn nhau cắt rốn của ông.

Một ngày kia, ông có việc đi từ Savatthi đến Rajagaha (Vương Xá) để gặp người anh rể. Hôm ấy ông anh rể không ra tận cửa để đón ông như thường lệ mà ông Sudatta phải vào tận phía sau nhà để gặp anh, lúc ấy đang bận rộn lo chuẩn bị một bữa tiệc. Khi hỏi ra, Sudatta lấy làm vui được biết rằng người anh rể đang sửa soạn để đón tiếp Đức Phật vào ngày hôm sau.

Thoáng nghe đến danh từ "Buddha" - Phật, trong lòng Sudatta đã chớm nở một hứng thú lạ thường và ông hết lòng mong mỏi được gặp Đức Phật. Ông cũng được biết rằng lúc ấy Đức Phật đang ngự trong cụm rừng Sitavana, gần đấy, và khi nghĩ rằng qua hôm sau sẽ được cơ hội quý báu yết kiến Ngài thì ông lấy làm hoan hỷ, yên tâm đi ngủ. Nhưng lòng vẫn nôn nao mong gặp Đức Phật, đến độ không làm sao ngủ được. Trong đêm khuya, ông dậy sớm và đi lần đến rừng Sitavana, xuyên qua một nghĩa địa. Lúc ấy một hiện tượng mới lạ xảy đến cho ông. Khi ra đi trong đêm tối, đức tin của ông với Đức Phật thật vô cùng thanh tịnh. Do đó, có những tia sáng phát ra từ thân. Thấy ánh sáng tự nhiên phát sinh, ông đâm ra sợ hãi và muốn quay trở về. Bấy giờ vua Trời Yakkha (Đế Thích) khuyến khích ông hãy tiến bước.

Được khích lệ, trưởng giả Sudatta hết sợ, can đảm bước tới, và đức tin trở lại trong sạch. Ánh sáng do đó phát sinh lại. Ông sợ. Ánh sáng mất. Trời Đế Thích khuyến khích. Và như vậy đến lần thứ ba. Rốt cục ông đến rừng Sitavana nhằm lúc Đức Phật đang đi kinh hành ngoài trời. Biết rằng lúc ấy ông sẽ đến, Đức Phật gọi ông lại gần.

Trưởng giả Anathapindika lấy làm hoan hỷ được yết kiến Đức Phật và cung kính hỏi thăm Ngài có yên vui không. Đức Phật trả lời:

Chắc chắn lúc nào cũng yên vui

Vì bên trong một vị A La Hán

Mọi thứ lửa đều được dập tắt.

Không còn đeo níu dục vọng,

Hoàn toàn mát mẻ.

Dứt bỏ mọi mầm mống tạo đời sống mới,

Cắt đứt mọi trói buộc phiền phức,

Chế ngự mọi đau khổ và phiền não

Một vị A La Hán luôn luôn được an tĩnh vắng lặng

Vì tâm đã thành tựu trạng thái thanh bình an lạc".

Tinh xá Kỳ Viên 

Sau khi nghe Pháp, ông Anathapindika đắc Quả Tu Đà Hoàn (Sotapatti, Nhập Lưu), và cung thỉnh Đức Phật nhập Hạ tại Savatthi. Đức Phật chấp thuận và gợi ý rằng chư Phật chỉ thích ở nơi vắng vẻ. Trưởng giả Cấp Cô Độc trở về Savatthi mua một thửa đất của hoàng thân Jeta. Chuyện tích thuật rằng giá tiền của thửa đất ấy được phân định bằng cách sắp tiền vàng trên mặt đất. Tiền trải ra đến đâu là đến đó đất đã được bán. Trên đất ấy, Trưởng Giả Anathapindika kiến tạo ngôi tịnh xá trứ danh Jetavana (Kỳ Viên). Nơi đây Đức Phật nhập Hạ mười chín lần. Phần lớn các bài Pháp cũng được Đức Phật thuyết giảng tại đây. Đa số các bài Pháp có liên quan đến hàng cư sĩ là do Đức Phật giảng cho ông Anathapindika, mặc dầu nhiều lần ông muốn mà không dám hỏi vì sợ làm phiền Đức Phật.

Đức Phật dạy Trưởng giả Anathapindika từ hạnh bố thí đến sự chứng ngộ về vô thường

Lần nọ, khi thuyết giảng về pháp bố thí cho ông Anathapindika, Đức Phật dạy rằng dâng cúng đến chư Tăng hay Đức Phật tạo rất nhiều phước báu. Nhưng kiến thiết tu viện, giúp chư Tỳ Kheo có chỗ tu hành càng được nhiều phước báu hơn. Càng nhiều phước hơn xây cất tu viện là quy y Tam bảo. Càng nhiều phước hơn quy y Tam Bảo là nghiêm trì Năm Giới. Càng nhiều phước báu hơn Trì giới là hành Thiền một lúc về tâm Từ. Và cuối cùng, hơn tất cả các phước báu, là phát triển sự chứng ngộ tính cách vô thường của vạn hữu (Vipassana - Minh Sát Tuệ).

Vậy theo tinh thần bài Pháp này, bố thí là bước đầu tiên trên đường tu tập của người Phật tử. Quan trọng hơn bố thí là nghiêm trì ít nữa là năm giới căn bản, tức tự khép mình vào kỷ cương có khuynh hướng kiểm soát hành động và lời nói. Quan trọng và hữu ích hơn nữa là trau dồi những đức tính cao thượng như tâm Từ bi (Metta). Nhưng trên tất cả, quan trọng và hữu ích hơn tất cả mọi kỷ cương mà mình tự đặt cho mình là thành thật cố gắng, kiên trì tận lực chuyên cần để thấu triệt sự vật, thông hiểu thực tướng của đời sống.

Trưởng giả Anathapindika dạy người thân quy ngưỡng chính pháp

Vợ Trưởng Giả Cấp Cô Độc, Bà Punnalakkhana, là một người hiền lương đạo đức. Maha Subhadda, Cula Subhada, và Sumana, ba người con gái ông đều có tâm đạo rất nhiệt thành. Hai chị đắc Quả Tu Đà Hoàn. Người em út đắc Quả Tu Đà Hàm. Con trai duy nhất của ông, Kala, lúc ban đầu không thích đi chùa lễ Phật và không chịu ghép mình vào nếp sống đạo hạnh nhưng về sau, nhờ sự khéo léo của cha, nghe lời dạy của Đức Phật và đắc Quả Tu Đà Hoàn.

Bài pháp cuối cùng

Lúc cảm thấy không còn sống được lâu ngày nữa, ông gửi người đến báo tin cho Đức Phật hay rằng bệnh tình ông đã đến hồi trầm trọng, xin kính cẩn đỉnh lễ Đức Phật và cung thỉnh Đức Sariputta (Xá Lợi Phất) mở lượng bi mẫn, quang lâm đến viếng trước khi ông nhắm mắt.

Theo lời thỉnh cầu, Đại Đức Sariputta đi cùng với Đại Đức Ananda (A Nan) đến nhà Trưởng Giả Anathapindika và hỏi thăm về bệnh trạng ông. Ông Cấp Cô Độc bạch rằng mình đang đau đớn vô cùng và không thấy dấu hiệu thuyên giảm.

Đức Xá Lợi Phất liền thuyết giảng cho ông một bài Pháp cao siêu. Khi nghe xong, nước mắt ông ràn rụa trào ra. Đức Ananda thấy vậy hỏi có phải ông lo sợ nên tinh thần trở nên suy nhược không? Ông trả lời:

- Kính bạch Đại Đức, thật không phải vậy, tinh thần con không chút giảm suy. Ấy chỉ vì mặc dầu đã nghe nhiều bài Pháp do Đức Tôn Sư thuyết giảng, con chưa hề được nghe Pháp cao siêu như thế này.

Đại Đức Xá Lợi Phất giải thích rằng:

- Những Pháp cao siêu như thế này chỉ để giảng cho các đệ tử thượng căn chứ không cho hàng cư sĩ, bởi vì họ sẽ không thể thấu hiểu.

- Bạch hai vị tôn giả! Hàng đệ tử cư sĩ chúng con cũng có người có thể nghe, hiểu và hành trì được giáo pháp sâu xa nhiệm mầu này. Xin hai vị tôn giả bạch với đức Thế Tôn, xin Ngài cho phép giới cư sĩ chúng con được nghe và hành trì giáo pháp xâu xa mầu nhiệm đó.

Khi hai vị đệ tử của Đức Phật ra về thì ông Cấp Cô độc trút thở hơi cuối cùng và tức khắc tái sinh vào cung Trời Tusita (Đâu Suất).

(Nguồn: "Đức Phật và Phật pháp"

Tác giả: HT. Narada

Việt dịch: Phạm Kim Khánh)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6340388
Số người trực tuyến: