Những lợi ích không thể bỏ qua khi thực hành chuyên tu
Mọi người khi chuyên tu đều gặp phải một số vấn đề, nhưng họ lại cho rằng ngoài mình ra chẳng còn ai gặp vấn đề như vậy. Họ cho rằng những người khác cứ ngồi xuống tụng kinh niệm Phật hay hành thiền là đã đạt tới trạng thái Định, rằng chỉ có họ mới hay suy nghĩ lan man khi đang cố gắng tập trung, rằng họ là những người đầu tiên bị đau nhức lưng và đầu gối. Nhưng khi chuyên tu cùng đạo tràng, họ phát hiện ra rằng ai cũng gặp khó khăn như vậy dù là về thể xác hay tinh thần. Điều này sẽ động viên khích lệ họ không nản lòng.
Những khó khăn tưởng chừng khó vượt qua khi chuyên tu
Với sự nhẫn nại và kiên trì, bạn có thể vượt qua những rào cản ban đầu. Giả sử bạn muốn trở thành một nhạc công. Chẳng có ai vừa ngồi xuống đàn piano là đã chơi ngay được một khúc nhạc. Việc ấy là không thể. Đầu tiên, bạn phải đặt tay lên bàn phím và tập một số bài đơn giản. Ngón tay bạn lướt nhầm phím và bạn cảm giác rằng mình quá vụng về, không thể nào làm được, nhưng bạn vẫn tiếp tục tập luyện. Nếu bạn có một người thầy giỏi thì người ấy sẽ động viên bạn. Rồi chợt một ngày bạn nhận ra rằng mình có thể chơi những bản nhạc ngắn đơn giản, rồi bạn cứ tiếp tục và dần dà chơi được những bản nhạc phức tạp hơn. Cuối cùng, bạn bỗng dưng chơi được một bản Sonata. Nhưng quá trình này không diễn ra chỉ trong một ngày, và nó đòi hỏi bạn phải hết sức nhẫn nại, hết sức kiên trì.
Chỉ khi nào thực sự ngồi xuống đối diện với tâm và nói rằng: “Hãy ở nguyên đây và quên tất cả những thứ khác đi” thì ta mới nhận ra rằng tâm trí sẽ chẳng bao giờ chịu làm vậy. Nó sẽ nghĩ tới đủ thứ trên đời ngoại trừ thứ ta muốn nó nghĩ, bởi vì nó như một chú ngựa hoang. Ngựa hoang sẽ cất vó đi bất cứ nơi đâu ngoại trừ nơi ta muốn nó đi. Chúng ta thường không nhận thức được vấn đề này cho đến khi ta tìm cách thuần phục tâm trí. Khi ta nỗ lực thuần phục tâm trí và thấu hiểu nó, ta sẽ thấy mình đang ở trong tình thế nghiêm trọng như thế nào.
Sự chuyển hóa tư duy từ não đến tâm
Nhưng tin tốt là mọi tâm trí đều có thể thuần phục được. Khi tâm trí đã thuần phục và nằm trong tầm kiểm soát, chúng ta sẽ nắm quyền làm chủ thay vì trở thành nô lệ của tâm trí và cảm xúc. Điều đó sẽ mang lại sự giải phóng hoàn toàn cho chúng ta. Bạn không phải thay đổi cả thế giới, không phải thay đổi tất cả những người khác mà chỉ cần phải thay đổi bản thân. Thật tuyệt vời đúng không?
Một vấn đề khác khi chuyên tu là nếu ta chỉ thực hiện trong một thời gian ngắn thì pháp tu và tâm trí sẽ chỉ là hai thể đối diện nhau. Tất cả nằm ở trong đầu ta. Chúng ta suy nghĩ trong đầu và do đó cũng thiền định trong đầu. Chúng ta thiền trong đầu bằng tâm phân biệt của mình, và tâm phân biệt theo định nghĩa đã mang tính chất nhị nguyên. Vậy nên chúng ta thấy người đang thiền và sự thiền định. Hai bên như đang đối diện nhau. Bạn ngồi đây chứng kiến hơi thở đi vào; bạn chứng kiến hơi thở đi ra; có một người đang nhìn và có một hơi thở. Họ là hai thể tách biệt.
Trong thời gian chuyên tu, bởi vì bạn liên tục thực hành một pháp tu (không chỉ trong các thời khóa chuyên tu mà tận dụng tối đa cả thời gian nghỉ), sẽ đến một thời điểm mà sự phân tách giữa người tu và pháp tu sụp đổ và người đó trở thành chính pháp tu của mình. Khi đó, pháp tu chuyển từ não xuống con tim. Khi người tu hành và pháp tu hòa làm một, ta sẽ trở thành pháp tu.
Tình huống này thường đi kèm với một sự chuyển hóa. Sự chuyển hóa đó không diễn ra trong đầu mà là trong tim. Khi con tim thay đổi thì tự nhiên cách nghĩ phát sinh từ con tim cũng sẽ thay đổi. Nhưng không chỉ là thay đổi lối tư duy của bản thân mà bạn phải đào sâu hơn nữa. Tâm trí biết tư duy thông thường của chúng ta giống như một máy tính nhưng nguồn năng lượng cho chiếc máy ấy ở đâu và ai là người lập trình cho nó? Thay đổi bề mặt chương trình chưa đủ, bạn phải thay đổi nó ở mức độ thật sâu. Chuyên tu mang lại cho bạn cơ hội để làm điều này.
(Nguồn: Hiệp hội giáo dục Phật pháp - Buddha Dharma Education Association Inc.)
- 625
Viết bình luận