Những hình ảnh ẩn dụ thú vị về bản chất như huyễn của vạn pháp
Đức Phật Thích Ca từng dạy việc tích lũy hiểu biết tương đối về mọi điều trên thế giới này là không thể. Chỉ tính riêng ngôn ngữ, chúng ta đã không thể học hết các thứ tiếng. Điều chúng ta cần là hiểu biết tuyệt đối, trí tuệ giác ngộ về tự tính của vũ trụ, hiểu rằng vũ trụ vốn là tính không, huyễn ảo, vô thường giả tạm. Nếu hiểu được những đặc tính chung đó, bạn có thể dung hòa và sống hạnh phúc theo chân lý vũ trụ. Khi bắt đầu xoay tâm theo hướng này, bạn đã bước vào con đường của chư Bồ tát, các bậc có trí tuệ để sống thuận theo tự tính của vạn pháp.
Bạn cần hiểu rằng một viên pha lê không làm ra ánh sáng: chức năng tự nhiên của nó là đơn giản phát ra ánh sáng. Tấm gương không chọn lựa khuôn mặt để phản chiếu - bản chất của nó là phản chiếu mọi sự. Khi chúng ta hiểu rằng mọi sự đang sinh khởi, gồm cả cảm thức quy ước của chúng ta về bản ngã, chỉ là một phóng chiếu của tâm thức, ngay khi ấy chúng ta giải thoát. Không hiểu được như vậy thì cũng như chúng ta cho một ảo ảnh là thật, một tiếng vang là một âm thanh không phải của chúng ta phát ra. Cảm thức chia tách vạn pháp thật là mạnh mẽ và chúng ta trở thành người bị mắc kẹt trong cái bẫy nhị nguyên huyễn ảo.
Tâm là cửa ngõ vào vạn pháp
Siêu việt lưới tà kiến nhị biên
Trước bản tâm ban sơ giải thoát -
Đức Thượng sư tuyệt đối chân như
Con chí thành đỉnh lễ quy y.
Sau đây là những hình ảnh ẩn dụ hữu ích giúp bạn có thể suy nghĩ cân nhắc để hiểu tốt hơn bản chất huyễn ảo của cả giấc mộng và đời sống lúc thức, hay rộng ra là cả vạn pháp.
Bóng ảnh
Giấc mộng là một phóng chiếu của tâm thức của chính chúng ta. Nó không khác với tâm thức, như một tia sáng của mặt trời không khác với ánh sáng của mặt trời. Không biết điều này, chúng ta dấn thân vào giấc mộng như thể nó là thực, như một con sư tử gầm gừ với chính cái mặt của nó phản chiếu trong nước. Trong một giấc mộng, bầu trời là tâm thức chúng ta, núi non là tâm thức chúng ta; những bông hoa, sô-cô-la ta ăn, người khác, tất cả là tự tâm chúng ta phản ảnh trở lại cho chúng ta.
Sấm chớp
Trong bầu trời đêm, sấm chớp lóe lên. Thình lình những núi non được chiếu sáng, mỗi đỉnh núi có vẻ là một vật thể riêng biệt, nhưng cái chúng ta thực sự kinh nghiệm là một tia chớp độc nhất của ánh sáng phản chiếu trở lại mắt chúng ta. Cũng thế, những đối tượng có vẻ riêng biệt trong một giấc mộng thực ra là ánh sáng độc nhất của tâm thức chúng ta, ánh sáng của tự tính tâm.
Cầu vồng
Như một cầu vồng, giấc mộng có thể đẹp đẽ và hấp dẫn. Nhưng nó không có bản chất; nó là một sự phô diễn của ánh sáng và tùy thuộc vào vị trí gần xa của người quan sát. Nếu chúng ta đuổi bắt nó; không có cái gì ở đó cả. Giấc mộng giống như cầu vồng, là một phối hợp những điều kiện từ đó mọi ảo tưởng khởi sinh.
Mặt trăng
Giấc mộng giống như một mặt trăng phản chiếu trong nhiều chỗ có nước khác nhau – trong ao, giếng, biển, sông – và trong nhiều cửa sổ khác nhau của một thành phố, và trong nhiều bề mặt thủy tinh khác nhau. Mặt trăng không phân thành vô số. Duy nhất chỉ có một mặt trăng, cũng như nhiều đối tượng của một giấc mộng chỉ là một bản tính duy nhất.
Ảo thuật
Một nhà ảo thuật có thể làm cho một hòn đá độc nhất trước tiên xuất hiện như là một con voi, rồi một con rắn, rồi một con cọp. Nhưng những đối tượng khác nhau ấy chỉ là huyễn, như những đối tượng trong một giấc mộng được tạo ra từ ánh sáng của tâm thức.
Ảo ảnh
Do những nhân duyên, điều kiện, chúng ta có thể thấy những ảo ảnh là thành phố, lùm cây xanh mướt hay một cái hồ trên sa mạc. Nhưng khi đến gần chúng ta chúng ta không tìm thấy cái gì ở đó cả. Khi chúng ta quán xét những hình ảnh của một giấc mộng, chúng cũng như ảo ảnh, chỉ là những ảo tưởng không có bản chất, chỉ là trò chơi của ánh sáng.
Tiếng vang
Nếu chúng ta tạo ra một môi trường có điều kiện để âm thanh vang lại, chúng ta sẽ nhận một âm thanh ầm ĩ trở lại chúng ta thành một âm thanh ầm ĩ; một âm thanh êm ả trở lại thành một âm thanh êm ả; và một tiếng kêu lạ lùng trở về với chúng ta thành một tiếng kêu lạ lùng. Âm thanh chúng ta nghe trở lại là âm thanh chúng ta làm ra, cũng như nội dung của một giấc mộng có vẻ độc lập với chúng ta nhưng chỉ là nội dung phóng chiếu của tâm thức quay trở lại với chúng ta.
Như vậy, tất cả những gì chúng ta nghĩ về vạn pháp đều chỉ là những khái niệm do chúng ta gán ghép, vì thế chúng ta có thể loại bỏ những vọng tưởng đó để vạn pháp dần dần hiển lộ tự tính chân thật. “Tự tính chân thật của vạn pháp” là cách gọi trong thực hành Đại Toàn Thiện và Đại Thủ Ấn. Khi đã bóc tách những lớp vỏ khái niệm che phủ bên ngoài, vạn pháp để lộ ra tự tính chân thật. Đó là điều chúng ta có thể thực chứng được!
(Lược trích từ nguyên tác: “The Tibetan Yogas of Dream and Sleep”
Việt dịch: Đương Đạo
NXB Thiện tri thức, 2000)
- 623
Viết bình luận