Suy ngẫm để nhận ra hành động thiện và bất thiện | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Suy ngẫm để nhận ra hành động thiện và bất thiện

Bàn luận về tham muốn và nhu cầu thiết yếu dưới góc độ thiện và bất thiện là một chủ đề khá thú vị. Ví dụ như chúng ta có thể muốn nhiều hơn nhu cầu thực sự. Dĩ nhiên là có nhiều mức độ về nhu cầu, nhưng chỉ một số là nhu cầu thực sự, còn phần lớn những nhu cầu chúng ta coi là rất cần thiết thì thực ra lại không có thật. Đó chỉ là sự thể hiện của tham muốn, sự phóng chiếu từ tâm mà thôi.

Vọng tưởng tham muốn nói rằng chúng ta rất cần thứ này hay thứ kia. Ngay cả những thứ như nhà cao cửa rộng cũng chưa chắc đã phải là nhu cầu thực sự cần thiết vì loài người chúng ta đã sống không biết bao nhiêu thế hệ trong hang động hay dưới những tán cây mà vẫn hạnh phúc. Ngày nay chúng ta có nhiều cảm xúc buồn rầu, sân giận, bất như ý. Chúng ta không cần bất kỳ ngôi nhà nào cả, nhưng suy nghĩ tham muốn xuất hiện và khiến chúng ta vọng tưởng rằng chúng ta thực sự cần có nhà, nếu không có nhà thì không được. Nhưng đó chỉ là sự phóng chiếu của tâm chúng ta. Chúng ta cũng phóng chiếu ra cả nhu cầu về quần áo. Chúng ta dành rất nhiều thời gian và tiền bạc để sắm sửa các loại quần áo thời trang khác nhau. Nếu thực sự suy ngẫm kỹ càng thì chắc chắn chúng ta không cần đến những thứ này. Dĩ nhiên đây là cách nói trừu tượng. Ở khía cạnh tương đối, chúng ta vẫn cần có quần áo. Làm sao chúng ta có thể không mặc gì mà đi ra ngoài đường được? Nhưng xét về bản chất thì đó không phải là nhu cầu thực sự mà là sự hiện bày của tham muốn.

Những nhu cầu thực sự có thể là ăn uống, đi vệ sinh và ngủ – đây là ba nhu cầu chính yếu. Có những hành giả Yogi chỉ có ba loại nhu cầu này. Ba loại nhu cầu này có thể là cần thiết, nhưng cũng có thể chưa thực sự là cần thiết, vì có những hành giả Yogi thậm chí còn không cần ăn, đi vệ sinh, hay ngủ mà vẫn sống được. Thế nhưng nhìn chung thì mọi người cần đến ba nhu cầu này. Phần lớn những nhu cầu phức tạp còn lại trên thế gian đều không thực sự cần thiết, đó chỉ là những tham muốn.

Nhìn nhận quả của tham muốn dưới góc nhìn động cơ và mục đích

Chúng ta hãy cùng lấy ví dụ về cơn khát. Khi bạn cầm cốc nước lên để uống, hành động được thúc đẩy bởi động cơ là khát. Khát là một trạng thái tham nhưng vì thiếu sự tỉnh thức nên bạn không nhận rõ được thực chất của cơn khát ấy chính là ái dục. Lúc này, tâm không tỉnh thức nên bạn cầm cốc nước uống ừng ực để làm đã cơn khát. Và vì không nhận rõ bản chất nên chúng ta uống một cách vô thức để thỏa mãn cơn khát của mình, và chúng ta tạo ra một bất thiện nghiệp. Thay vì để cơn khát hoành hành, bạn sẽ tỉnh thức để nhận biết rằng cơn khát này chỉ là một trạng thái tâm thức. Bạn không phải nhịn uống nhưng uống trong sự tỉnh thức.

Vì con người có quá nhiều tham muốn, nên xúc tình tham muốn rất mạnh mẽ. Đó là lý do tại sao Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy rằng cõi giới chúng ta đang sống thuộc về dục giới. Điều này thực sự đúng bởi 99% các hoạt động của chúng ta đều bắt nguồn từ tham muốn chứ không phải là nhu cầu thực sự. Vì tham muốn mạnh mẽ mà chúng ta phạm phải nhiều ác nghiệp. Đồng thời chúng ta cũng có thể nói rằng việc thực hành một số thiện nghiệp cũng là tham muốn. Ví dụ vì muốn đạt giác ngộ mà chúng ta cố gắng tích lũy công đức, thực hành triều bái thánh địa, các hoạt động từ thiện, thiền định... Tất cả những thiện nghiệp này cũng bắt nguồn từ tham muốn.

  Nếu xét theo góc độ tham muốn thì tất cả đều như nhau, nhưng mục đích lại khác nhau, vì thế quả của những hành động đó lại khác nhau. Ví dụ như chúng ta muốn đạt được giác ngộ thì mục đích là giác ngộ; chúng ta muốn đạt được những đối tượng thế gian thì mục đích của tham muốn là thế gian. Vì thế nếu chúng ta muốn đạt được giác ngộ thì sẽ gặt hái quả thiện lành.

Tâm nguyện đạt được giác ngộ

Khi muốn đạt được giác ngộ, chúng ta cần có hiểu biết nhất định về giác ngộ – sự giải thoát hoàn toàn khỏi vọng tưởng chấp ngã. Vì thế, chúng ta cần có đôi chút hiểu biết về tâm vô ngã, hay trạng thái vô ngã của thực hành Trí tuệ Bát nhã. Khi bắt đầu có tâm nguyện đạt giác ngộ thì ít nhất chúng ta cũng đã hiểu được con đường đạo thực hành vô ngã, thực hành Trí tuệ Bát nhã, thực hành Đại Thủ Ấn. Đây là lý do tại sao mong muốn đạt được giác ngộ lại có sự khác biệt to lớn. Tâm nguyện đó thoạt nhìn dường như là một tham muốn, nhưng lại không hề tiêu cực, vì hiểu biết trực tiếp hay gián tiếp về vô ngã là nhân của những thay đổi và khác biệt. Nhiều người quan tâm đến vấn đề này của nghiệp và cùng đặt ra một câu hỏi như nhau: “Tại sao chúng ta phải tu tập để đạt được giác ngộ? Tại sao chúng ta cần thực hành nếu không có thứ gì là thực chắc? Giác ngộ có thể cũng không thực chắc?” hay “Muốn đạt được giác ngộ là sự tham muốn – điều này không tốt. Vì thế chúng ta không nên có ý muốn đó”.

Mọi người nói vậy vì không hiểu được ý nghĩa bí mật ở đây. Chúng ta có mong nguyện đạt giác ngộ ngay khi có hiểu biểu đúng đắn về giác ngộ. Hiểu biết học thuật không có gì sai, nhưng cách tiếp cận theo lối học thuật đối với những vấn đề này đôi khi không thực sự hữu ích vì có thể tạo ra nhiều nghi ngờ, tức là chướng ngại, khiến chúng ta không còn nền tảng để thực hành tâm linh. Đó chính là một lý do tại sao nhiều truyền thống Phật giáo nhấn mạnh rằng chúng ta không nên thiên quá về học thuật và tri thức thế gian. Nếu vậy, chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội thực hành thực sự vì có quá nhiều nghi ngờ. Nhìn chung nghi ngờ khiến chúng ta lãng phí nhiều thời gian. Bởi vậy, chúng ta cần tập trung vào thực hành suy ngẫm thực sự để có thể đạt được các thành tựu tâm linh.

(Khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa về Pháp tu Quan Âm tại Plouray, Cộng hòa Pháp, 2007)

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6340346
Số người trực tuyến: