Đừng để tình yêu thương trở thành mù quáng | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Đừng để tình yêu thương trở thành mù quáng

Nếu tình yêu thương thiếu trí tuệ hiểu biết, nó sẽ trở thành tình yêu thương mù quáng, gây nên vô số vấn đề, thậm chí trở thành rất nguy hiểm. Tình yêu thương không bao giờ nên được hiểu thuần túy như sự thương cảm ủy mị hay một trái tim mềm yếu. Cũng không nên hình dung rằng bạn sẽ trở thành một người nhu nhược, dễ bỏ qua hơn, nếu vậy thì bạn chỉ là người vĩnh viễn thua cuộc. Kết quả của thành tựu, trưởng dưỡng tình yêu thương chính là bạn trở nên sáng suốt, giác ngộ hơn, bạn có được trí tuệ vô phân biệt giúp bạn chuyển hóa cuộc sống từ tăm tối, vô minh sang một trang mới tràn đầy ánh sáng giác ngộ.

Mặc dù chưa thành tựu được trí tuệ vô phân biệt này nhưng chúng ta phải hiểu rằng đó là cái đích mà chúng ta hướng đến. Vì lẽ đó, từ ngày hôm nay trở đi, chúng ta cần gieo trồng những nhân phù hợp để sau này sẽ cho quả của Trí tuệ giác ngộ bừng sáng. Việc vun bồi những nhân đó vô cùng quan trọng. Chúng ta không thể chỉ thực hành một cách mù quáng mà không biết đâu là nhân lành và những thiện hạnh mình cần làm để tiến bước trên con đường giải thoát giác ngộ.

Chúng ta luôn nói về từ bi, luôn đề cao lòng từ bi nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc thực sự thấu hiểu bản chất của từ bi. Về bản chất, từ bi chính là sự trưởng dưỡng trí tuệ hiểu biết. Trí tuệ ở đây không chỉ là tình yêu thương thông thường mà là toàn bộ vũ trụ hay chân lý vũ trụ. Phát triển trí tuệ hay trưởng dưỡng hiểu biết về chân lý cũng chính là trưởng dưỡng một trái tim rộng mở, cho phép bạn hòa nhập với tất cả mọi người, mọi chúng sinh. Bạn cần biết mọi người, mọi loài xung quanh mình thực sự cần gì. Hiểu biết như vậy chính là trí tuệ và điều này tạo ra sự rộng mở vô hạn của tâm, đối lập với trạng thái tâm đóng kín và chấp thủ, chỉ khư khư bám chặt vào bản ngã tạo nên vô vàn chướng ngại cho chính bạn.

Có rất nhiều điều để nói về trí tuệ hay sự hiểu biết chân thực. Chẳng hạn, khi nói rằng mình có hiểu biết chân thực về một ai đó, thì trong quan kiến Phật pháp, điều này có nghĩa là bạn cần hiểu biết tường tận, thấu đáo về con người này, không chỉ về mặt sự tướng hay cảm nhận bên ngoài mà bạn cần hiểu về bản chất rốt ráo của người đó là gì. Khi đấy, bạn đồng thời trưởng dưỡng trí tuệ chân thực về người này. Nếu không có hiểu biết thì dưới ảnh hưởng của vô minh và những sự chấp trước nhị nguyên ta-người, bạn sẽ hành xử theo cách thế gian thông thường và điều này sẽ không lợi ích cho bạn, cho người này và cho cả mối quan hệ đôi bên. Nếu phá bỏ được lớp màn vô minh, bạn sẽ có thể hành xử với người này bằng trí tuệ. Như vậy, mọi sự vật hiện tượng của vạn pháp thế gian đều có thể được soi sáng bằng trí tuệ hiểu biết. Một ví dụ khác là sát sinh. Trong quá khứ, bạn thường thích thú một cách ý thức hay vô ý thức với việc sát sinh. Bạn thường khoái chí với những việc vô cùng khủng khiếp như thú đi câu, săn bắn, băm, chặt, xào da nấu thịt chúng sinh... Nhưng giờ đây, vì bạn thấu hiểu những nỗi đau đớn mà con vật đáng thương kia phải trải qua, bạn bắt đầu có hiểu biết, phát khởi tình yêu thương nên tự nhiên, bạn sẽ không còn muốn sát sinh. Một cách nhậm vận tự nhiên, bạn trở nên từ bi, bác ái hơn. Ngay khi tâm vị kỷ, ngã ái suy giảm thì tình yêu thương sẽ được hiển lộ.

Nói cách khác, bạn cần trưởng dưỡng trí tuệ hiểu biết trước khi biến tâm từ bi thành hành động cụ thể của tình yêu thương. Lẽ dĩ nhiên, tình yêu thương thể hiện bằng hành động là vô cùng cần thiết, là điểm đến cuối cùng và mục đích của bạn. Điều này có nghĩa là, bạn trưởng dưỡng trí tuệ hiểu biết hay tâm từ bi đều nhằm mục đích rốt ráo là đem lại và chia sẻ tình yêu thương đối với tha nhân. Nếu chỉ từ bi ở trong tâm mà không làm gì để truyền tải tâm từ bi đó thì sẽ chẳng mấy ý nghĩa và lợi ích. Tất nhiên, bạn có tâm từ bi như vậy là rất tốt rồi, nhưng chỉ vậy thôi thì chưa đủ và chưa thể viên mãn sự thực hành tu tập của bạn. Bạn cần đem những hành động thiện hạnh với động cơ từ bi tâm của mình vào trong đời sống xã hội. Bạn cần hành động cho chính thế giới này, tới bất cứ nơi nào cần, với những hành động thiết thực như cứu trợ, chia sẻ, cho đi những gì mình có mà không cần đền đáp, biết thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ tình yêu thương với mọi người, mọi loài. Bạn có thể làm bất cứ điều gì dù rất nhỏ bé, nhưng thực sự đó là những thiện hạnh thể hiện tâm từ bi của bạn hướng tới cộng đồng và xã hội.

Như vậy, tình yêu thương chính là kết quả của trưởng dưỡng trí tuệ, là động cơ thiết yếu đi đến giác ngộ và là căn bản, cốt tủy của toàn bộ thực hành Phật pháp và Kim Cương thừa. Bởi thế, một hành giả tu tập nhất thiết phải trưởng dưỡng cả trí tuệ và tình yêu thương. Con đường thực hành sự hợp nhất của tình yêu thương và trí tuệ ấy được gọi là Bồ tát đạo. Trong Phật giáo, bất cứ ai cam kết vững chắc thực hiện con đường này một cách chân thành và tha thiết được gọi là Bồ tát. Chúng ta trở thành Bồ tát từ khoảnh khắc trái tim rộng mở, tâm luôn hướng đến việc làm thế nào để mang đến hạnh phúc đích thực cho tất cả chúng sinh. Một vị Bồ tát từ sâu trong đáy lòng luôn có mong nguyện: “Tôi mong nguyện được giải thoát và tìm thấy con đường để cứu giúp cả thế giới này. Nguyện giúp đỡ tất cả chúng sinh để có thể thực hiện con đường cứu độ đó. Nguyện đạt được hạnh phúc và sự an bình đích thực, xua tan mọi khổ đau nơi bản thân mình và tất cả chúng sinh khác”. Nếu bạn đi theo hướng này và có những cảm nhận như vậy có nghĩa bạn đã đi đúng đường. Giống như ánh bình minh sẽ đưa bạn đến với mặt trời tỏa nắng ấm áp, con đường này sẽ đưa đến giác ngộ chân thực sau quá trình tu tập trưởng dưỡng hiểu biết chân chính. Có thể con đường còn rất dài nhưng bạn cần phải đi trên con đường đó, bạn cần trưởng dưỡng tâm tinh tiến, niềm hoan hỷ và nguồn cảm hứng tiến tu.

Nói tóm lại, trí tuệ và tình yêu thương là chất liệu linh thiêng để tạo nên Đạo Phật, chất liệu chính giúp mỗi chúng ta vượt qua mọi khó khăn và chướng ngại trên con đường đạt đến chân lý cứu kính. Dù trí tuệ của bạn dù có siêu việt đến đâu, có giải thoát và giác ngộ đến đâu nhưng không được thêu dệt bằng chất liệu của lòng đại bi, của tình thương chân thành và tha thiết hướng đến những đau khổ tột cùng của vô lượng chúng sinh trong bể khổ luân hồi thì đó cũng chỉ là một hòn đá trơ lạnh và vô dụng. Hi vọng rằng tất cả chúng ta đều có thể thực tập song song hai khía cạnh là Từ bi và Trí tuệ, hòa nhập từ bi và trí tuệ vào đời sống thường nhật đem lại lợi ích cho vô lượng khổ não hữu tình.

(Trích ấn phẩm: “Bardo - Bí mật nghệ thuật sinh tử”

Nhà xuất bản Tôn giáo, 2012)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6471585
Số người trực tuyến: