3 nấc thang trong thực hành Yoga mộng | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

3 nấc thang trong thực hành Yoga mộng

Theo Daily Mail, nhiều chuyên gia về giấc ngủ đánh giá giấc mơ mang ý nghĩa về mặt chiêm tinh học hay là nguồn cung cấp những manh mối quan trọng về tình hình sức khỏe của bạn và thậm chí đưa ra cảnh báo sớm nhiều năm trước khi triệu chứng bệnh thể hiện ra ngoài. Các bác sĩ tâm lý cũng sử dụng giấc mơ để điều trị các bệnh về tâm thần, và nhiều nghệ sĩ, nhà khoa học gia dùng tính sáng tạo của giấc mơ để phục vụ cho công việc của họ. Tuy nhiên, đối với hành giả thực hành Phật pháp, mục đích của thực hành yoga mộng là giải thoát, là sự chứng ngộ điều hoàn toàn siêu vượt khỏi những giấc mộng.

Nếu bạn có thể phối hợp đồng bộ hoặc cân bằng giữa khi thức và lúc ngủ, điều này vô cùng hữu ích cho con đường thực hành tâm linh của bạn, bởi vì bạn có thể thực hành ngay cả trong giấc mơ. Sự thực hành của bạn không bị giới hạn, ngắt quãng dù ngày hay đêm. Ngay cả lúc ngủ bạn cũng không để lãng phí thời gian và biến giấc ngủ trở thành sự thực hành và giác ngộ. Nhờ thế, bạn có thể thực hành trong từng khoảnh khắc của cuộc sống cả khi thức lẫn khi ngủ. Sự tu tập thực hành của bạn sẽ rất hiệu quả nhờ sự phối hợp này.

Có ba loại giấc mộng tạo thành 3 nấc thang đánh dấu sự tiến bộ trong thực hành yoga mộng: (1) những giấc mộng sinh tử bình thường, (2) những giấc mộng của sự sáng tỏ, và (3) những giấc mộng tịnh quang. Hai loại đầu được phân biệt do những khác biệt về những dấu vết nghiệp thiện hay bất thiện. Ở mức độ cao nhất, những giấc mộng tịnh quang không có sự phân biệt chủ thể - đối tượng và xảy ra trong trạng thái tỉnh giác bất nhị.

Giấc mộng sinh tử

Hầu hết những giấc mộng chúng ta có trong đời sống là những giấc mộng sinh tử khởi sinh từ những dấu vết nghiệp. Ý nghĩa trong những giấc mộng này là ý nghĩa chúng ta phóng chiếu vào chúng; nó được người nằm mộng gán cho hơn là ý nghĩa nội tại trong giấc mộng. Điều này không làm cho những trải nghiệm trong giấc mộng không quan trọng và trải nghiệm của đời sống lúc thức quan trọng hơn. Tiến trình này tương tự với việc đọc một cuốn sách. Một cuốn sách chỉ là những dấu hiệu ngôn từ trên giấy, nhưng vì chúng ta đem cảm thức về ý nghĩa của chúng ta vào đó mà chúng ta có thể rút ý nghĩa từ nó.

Và ý nghĩa của một cuốn sách, cũng như một giấc mộng, tùy thuộc vào sự phóng chiếu của mỗi người. Hai người có thể đọc cùng một cuốn sách và có những kinh nghiệm hoàn toàn khác nhau: một người có thể thay đổi toàn bộ đời sống của anh ta dựa trên ý nghĩa đã tìm thấy trong những trang sách; trong khi người bạn của anh có thể chỉ thấy cuốn sách khá thú vị hay thậm chí không chút ấn tượng. Bản thân cuốn sách không thay đổi.

Giấc mộng của sự sáng tỏ

Khi có tiến bộ trong thực hành giấc mộng, những giấc mộng trở nên sáng tỏ hơn và chi tiết hơn, và một phần lớn của mỗi giấc mộng có thể được nhớ lại. Đây là kết quả của việc đem nhiều tỉnh giác hơn vào trạng thái mộng. Vượt lên sự tỉnh giác càng tăng trong những giấc mộng bình thường là một loại mộng thứ hai được gọi là giấc mộng của sự sáng tỏ. Nó khởi lên khi tâm thức và khí được quân bình và người nằm mộng đã phát triển khả năng trụ lại trong sự hiện diện vô ngã.

Khác với giấc mộng sinh tử trong đó tâm thức bị trôi dạt đây đó bởi khí nghiệp, trong giấc mộng của sự sáng tỏ, tâm thức người nằm mộng ổn định, vững chắc hơn. Giấc mộng của sự sáng tỏ bao gồm nhiều hiểu biết khách quan hơn, nó khởi từ những dấu vết cộng nghiệp và không bị ràng buộc với những dấu vết nghiệp cá nhân. Bấy giờ ý thức không bị trói buộc bởi không gian, thời gian và lịch sử cá nhân, và người nằm mộng có thể gặp những chúng sinh thực, đón nhận giáo lý từ những bậc thầy. Điều này cũng tương tự với những khác biệt trong khí nghiệp thô của kinh mạch trắng, nó nối kết với xúc tình tiêu cực, và khí trí tuệ của kinh mạch đỏ. Chúng cả hai đều là khí nghiệp – những năng lực tham dự vào những trải nghiệm nhị nguyên – nhưng một cái thì thanh tịnh và kém mê lầm hơn cái kia.

Những giấc mộng của sự sáng tỏ đôi lúc khởi lên đối với bất kỳ ai, nhưng chúng không thường xuyên cho đến khi nào sự thực hành được phát triển và vững chắc. Với hầu hết chúng ta, mọi giấc mộng đều là giấc mộng sinh tử đặt nền trên cuộc sống hàng ngày và những phiền não của chúng ta. Dù chúng ta có thể có một giấc mộng về giáo lý, về thầy chúng ta hay sự thực hành, hay chư Phật, hay chư Dakini, thì giấc mộng vẫn còn là cái gì gần giống như một giấc mộng sinh tử. Tuy là một dấu hiệu tích cực khi có những giấc mộng ấy vì như thế có nghĩa là chúng ta đang dấn thân vào thực hành, nhưng bản thân sự dấn thân ấy vẫn còn nhị nguyên và bởi thế vẫn nằm trong vòng quay sinh tử.

Bởi vậy, chúng ta không nên lầm lẫn tin rằng những giấc mộng sinh tử cho chúng ta sự hướng dẫn chân thật, rồi thay đổi đời sống hàng ngày của chúng ta, cố gắng theo những mệnh lệnh của của những giấc mộng. Điều này vô cùng nguy hiểm vì chúng ta bị mắc kẹt vào trong bi kịch cá nhân, tin rằng mọi giấc mộng của chúng ta là những thông điệp từ một tầng tâm thức cao hơn. Sự thật không phải như vậy. Chúng ta cần quán sát chặt chẽ vào những giấc mộng và trưởng dưỡng hiểu biết về những cái chỉ là sự phản chiếu của những xúc tình tiêu cực và những mộng tưởng của đời sống hàng ngày.

Giấc mộng tịnh quang

Có một loại giấc mộng thứ ba xảy ra khi hành giả đã đi có những bước tiến rất xa trên con đường đạo - giấc mộng tịnh quang. Nó khởi lên từ khí bản nguyên trong kinh mạch trung ương. Tịnh quang thường được nói đến trong những giáo lý về yoga mộng và chỉ ra một trạng thái thoát khỏi giấc mộng, tư tưởng, và hình ảnh, nhưng cũng có một giấc mộng tịnh quang trong đó người nằm mộng an trụ trong tự tính của tâm thức. Đây không phải là một thành tựu dễ dàng mà chỉ những hành giả cao cấp mới đạt đến cấp độ này.

Giấc mộng tịnh quang hoàn toàn khác với giấc mộng của sự sáng tỏ. Giấc mộng của sáng tỏ khởi lên từ những yếu tố tương đối thanh tịnh của tâm thức và những dấu vết nghiệp thiện lành. Tuy nhiên, những giấc mộng này vẫn không nằm ngoài tâm nhị nguyên. Giấc mộng tịnh quang không đưa đến trải nghiệm nhị nguyên và cũng không được định nghĩa bởi nội dung giấc mộng bởi không có một người mộng làm chủ thể, cũng không có một bản ngã nào trong tương quan nhị nguyên với giấc mộng hay nội dung giấc mộng.

(Lược trích từ nguyên tác: “The Tibetan Yogas of Dream and Sleep”

Việt dịch: Đương Đạo

NXB Thiện tri thức, 2000)

Tham khảo thêm

Phương pháp thực hành Yoga mộng

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6340040
Số người trực tuyến: