Từ lâu, dâng y cúng dàng đã trở thành truyền thống thiêng liêng đối với người Phật tử. Truyền thống tốt đẹp này có từ thời Đức Phật còn tại thế. Hàng năm, khi mùa Vu lan báo hiếu về, trong khi những bậc xuất gia chuẩn bị cho ngày lễ Tự tứ trọng đại, thì người cư sĩ Phật tử tại gia lại cẩn thận lựa những nếp vải hoại sắc, xếp thành hình hoa sen dâng lên cúng dàng chư Tăng Ni, hồi hướng trọn vẹn công đức báo hiếu cha mẹ nhân ngày Vu Lan thắng hội, Tự tứ mãn hạ.
Trong kinh Vu Lan bồn, Đức Phật dạy rằng:
Rằm tháng Bảy là ngày Tự tứ,
Mười phương Tăng đều dự lễ này,
Phải toan sắm sửa chớ chầy,
Thức ăn trăm món, trái cây năm màu.
Lại phải sắm giường nằm nệm lót,
Cùng thau, bồn, đèn, đuốc, nhang, dầu,
Món ăn tinh sạch báu mầu,
Đựng trong bình bát vọng cầu kính dâng.
Chư Đại đức mười phương thọ thực
Trong bảy đời sẽ được siêu thăng,
Lại thêm cha mẹ hiện tiền,
Đặng nhờ phước đức tiêu khiên ách nàn…
Truyền thống dâng y cúng dàng đã có từ thời Đức Phật còn tại thế. Tuy nhiên, không phải ngay từ những ngày đầu thành lập Tăng đoàn.
Luật Tứ phần ghi rằng, sau khi Đức Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên tại vườn Nai, độ năm anh em ông Kiều-trần-như, họ kiến đế, đắc giới, thành Tỳ-kheo. Đó là những thầy Tỳ-kheo đầu tiên trong Tăng-già Phật giáo. Năm vị Tỳ-kheo này liền bạch Đức Thế Tôn: “Chúng con nên thọ trì y gì?”. Đức Thế Tôn bảo: “Nên thọ trì y phấn tảo và những loại y đã nhuộm thành màu ca-sa”.
Y phấn tảo, tiếng Phạn là pāṃsu-kūla, có nghĩa là những tấm vải người ta vứt ở ngoài đường, trong đống rác, hay ở nghĩa trang, lấm lem bụi đất và bất tịnh, người xuất gia nhặt lấy đem về giặt sạch, rồi cắt rọc may thành y áo để mặc. Luật Ma-ha tăng kỳ, quyển 16, nói: “Y phấn tảo là những tấm vải dơ, xấu người ta vứt bên đường, lượm lấy đem về giặt, khâu vá lại thành y áo mà mặc”.
Y còn gọi là ca-sa, tiếng Phạn là kaṣāya, có nghĩa là những loại vải đã không còn giữ được màu sắc chính, bằng cách dùng các vỏ cây giã ra lấy nước rồi nhuộm vải. Những tấm vải này có màu vàng nâu, người ta gọi là hoại sắc y (không còn chính sắc vàng, trắng, v.v…).
Kinh Mười hai hạnh đầu-đà ghi rằng, mặc y phấn tảo là một trong mười hai hạnh đầu đà ấy. Kinh Đại bảo tích, quyển 114, cho biết người mặc y phấn tảo sẽ đạt được phước đức lớn là đắc pháp tràng, đắc chủng tính, được an trụ, được chuyên niệm, được thiện hộ, được hướng môn và được thuận pháp.
Luận Thập trụ Tỳ-bà-sa, quyển 16, cho biết người đắp y phấn tảo được mười điều lợi, đó là: tàm quý; ngăn ngừa nóng, lạnh, muỗi mòng; biểu thị nghi pháp của Sa-môn; hết thảy trời người nhìn thấy pháp y đều cung kính, tôn trọng; tâm lìa nhiễm trước, không còn ham thích cái đẹp; tùy thuận tịch diệt, không bị phiền não thiêu đốt; khi mang pháp y, làm điều ác dễ thấy; không thể dùng đồ trang sức lên pháp y; tùy thuận Bát Thánh đạo; tinh tấn hành đạo, không để tâm ô nhiễm dù chỉ trong giây lát mang y hoại sắc.
Luật Tứ phần cho biết, lúc đầu, các Tỳ-kheo thường lượm những tấm vải xấu xí và cũ rách người ta vứt bỏ ở những bãi rác, hoặc ở bãi tha ma đem về giặt sạch may thành y để mặc. Các Phật tử thấy thế sinh lòng cung kính, tâm từ niệm phát sinh, lấy vải tốt quý xé ra đem bỏ ở bãi rác để cho các Tỳ-kheo nhặt lấy đem về dùng. Nhưng các Thầy không dám nhặt. Việc ấy Đức Phật biết, Ngài dạy: “Nếu họ vì các thầy Tỳ-kheo thì nên lấy”.
Đó có thể xem là hình thức cúng dàng y đầu tiên của các Phật tử.
Về sau, Kỳ-đà đồng tử, một bác sĩ nổi tiếng, là cư sĩ tại gia, đến bạch với Đức Thế Tôn rằng: “Con trị bệnh cho quốc vương, trị bệnh cho đại thần, hoặc được một quốc độ, hoặc được một tụ lạc. Cúi xin Đức Thế Tôn cho con một ước nguyện”. Đức Phật nói Ngài không hề cho ai ước nguyện mà vượt quá điều nguyện. Kỳ-đà đồng tử nói rằng: “Con xin một ước nguyện thanh tịnh”.
Đức Phật hỏi ước nguyện thanh tịnh ấy là gì? Kỳ-đà đồng tử thưa: “Chiếc y quý giá này, con nhận được từ vua Ba-la-thù-đề, giá trị bằng phân nửa giang sơn. Cúi xin Đức Thế Tôn ai mẫn, vì con nạp thọ. Từ nay về sau, nguyện xin Đức Thế Tôn cho phép các thầy Tỳ-kheo nào muốn khoác y của đàn việt dâng cúng, hay y phấn tảo, thì tùy ý được mặc”. Đức Thế Tôn nhận lời bằng cách im lặng. Nhân dịp này, Đức Phật tập hợp các Tỳ-kheo lại, cho phép họ từ nay về sau được phép khoác y của Phật tử dâng cúng.
Từ đó, các Phật tử thường tận tay dâng y cúng dàng chư Tăng, trong đó phải kể đến kỹ nữ Am-bà-la-bà-đề, đã dâng y và thực phẩm cúng dàng Đức Thế Tôn cùng với 1.250 vị Tỳ-kheo, khiến cho chủ nhân thành Vesāli, bộ tộc Licchavī hùng mạnh phải kính nể!
Các Phật tử nhân ngày này, với tất cả lòng thành hộ trì Chính pháp, kính cẩn dâng lên chư Tăng Ni tấm y vàng giải thoát cũng đủ lay động bao trái tim người con Phật trong mùa báo hiếu.
(Trích bài giảng: "Ý nghĩa lễ hội dâng y trong mùa Vu lan báo hiếu"
HT. Thích Nguyên Hùng)
CHƯƠNG TRÌNH LỄ VU LAN - TỰ TỨ 2019
Địa điểm: Tịnh thất Tây Thiên
Thời gian: Thứ 4 ngày 14/8/2019 tức ngày 14/7 Âm lịch
Buổi sáng
8h30: Đại chúng vân tập
8h45: Dâng lục cúng
- Tán Phật-Lễ Phật
- Phật tử dâng cỏ Cát tường
- Khai kệ tụng kinh Vu Lan
- Thuyết pháp ý nghĩa Vu Lan
- Chương trình “Bông Hồng cài áo”
10h45: Phật tử tác bạch cúng dường Trai tăng, cúng Y công đức và phẩm vật Vu lan.
11h00: Lễ “ Cổ Phật khất thực” Ngọ trai
11h45: Khai kinh Đại báo phụ mẫu trọng ân
Buổi chiều
13h00: Nghi lễ thọ y công đức.
- Thỉnh Thầy Giáo thọ giảng ý nghĩa thọ y công đức
- Yết ma thọ y công đức
- Toàn chúng thọ y công đức và cho các Phật tử kết duyên cùng y công đức.
Xin kính mời Quý Phật tử có đủ nhân duyên đến tham dự hoạt động vô cùng ý nghĩa này để thêm hiểu và hồi hướng công đức nhằm báo đáp ân nghĩa sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ nhiều đời, ông bà nhiều kiếp.
Nam mô Đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát tác đại chứng minh!
Viết bình luận