Lời đàm tiếu bằng một liều thuốc độc | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Lời đàm tiếu bằng một liều thuốc độc

Đã có lúc nào bạn ngồi lại và ngẫm xem mình đã từng vào hùa với việc chỉ trích hay đàm tiếu thị phi về người khác chưa? Thật ra, hầu hết chúng ta đều rất thích thú việc này. Bất cứ khi nào bàn luận về một điều gì, chỉ sau vài phút, chúng ta bắt đầu phán xét, chê bai, bình phẩm. Chúng ta không cưỡng lại được thói quen tập khí này. Thế nhưng, làm sao ta có thể chắc chắn rằng mình đã hiểu thấu đáo về đối tượng bị chỉ trích? Rất có thể đó là một Bồ tát hay bậc Thầy đang thực hành mật hạnh, hoặc có thể đối tượng bị chỉ trích chẳng làm gì thực sự sai trái? Bởi vì những gì họ làm vốn ngoài phạm vi hiểu biết của mình nên chúng ta hãy để họ yên ổn. Chúng ta cần từ bỏ thói quen đàm tiếu người khác. Tốt nhất chúng ta hãy học cách tự xét mình và giữ im lặng không xét lỗi người khác.

Đàm tiếu có liên quan tới một trong Bát chính đạo - Chính ngữ.  Bởi đó là một loại lời nói có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới người khác một cách trực tiếp hoặc gián tiếp: trực tiếp bằng việc lan truyền những điều sai sự thật về một người, làm ảnh hưởng tới danh tiếng và uy tín của người đó, còn gián tiếp bằng cách góp phần tạo nên một môi trường cho phép và thậm chí khuyến khích hành động tiêu cực đó.

Mọi người đều tưởng rằng bạn bè bàn tán đôi câu chẳng phải chuyện gì xấu, thậm chí lại còn khá vui. Thế nhưng bạn hãy tự hỏi bản thân, liệu bạn có thích người khác nói những lời như vậy sau lưng mình hay không? Liệu bạn có buồn giận khi biết rằng người khác đã làm vậy với bạn không? Đương nhiên rồi. Lời đàm tiếu có thể ảnh hưởng tới nhiều người cùng một lúc. Xưa nay người đời vẫn có câu nói: vạ miệng hại thân. Điều ấy có nghĩa là những lời đàm tiếu, ngồi lê đôi mách về người khác có thể đến tai những người không nên nghe và ảnh hưởng tới cuộc sống, thậm chí mạng sống con người. Chúng ta luôn luôn phải cẩn trọng khi ăn nói.

Tại sao con người lại có thói quen đàm tiếu?

Thói quen này thường mang lại cảm giác vượt trội hơn người khi ta chưa hài lòng với bản thân. Về mặt lý thuyết, bằng cách hạ bệ người khác, chúng ta có thể nâng cao thể diện của chính mình. Nhưng thực tế cho thấy chuyện sẽ xảy ra ngược lại.

Tu theo chính ngữ và không tham gia đàm tiếu dưới bất kỳ hình thức nào là điều đặc biệt quan trọng đối với các Phật tử đã nguyện đạt tới giác ngộ vì lợi ích của mọi chúng sinh. Người Phật tử chỉ nên quan tâm tới thiếu sót của bản thân, chứ không phải của những người khác.

Đức Phật từng từng dạy trong bài kinh Anguttara Nikaya: “Nếu lời nói có đủ năm đặc tính thì đó không phải lời nói dở mà là lời nói hay, trong sạch và người khôn cũng không thể khiển trách. Vậy năm đặc tính ấy là gì? Đó là lời nói đúng lúc, đúng sự thật, nhẹ nhàng, có chủ tâm và xuất phát từ tấm lòng nhân hậu yêu thương”.

Một đệ tử của Đức Phật không nên tán tụng bản thân mà đàm tiếu về người khác, hoặc khuyến khích người khác làm như vậy. Người ấy không được tạo nên nguyên nhân, điều kiện, hay nghiệp của việc tán tụng bản thân và gièm pha người khác. Là đệ tử của Đức Phật, người ấy phải sẵn lòng thay mọi chúng sinh hứng chịu sự ô nhục và vu cáo – nhận trách nhiệm về mình và để cho chúng sinh hưởng trọn vinh quang. Nhưng nếu thay vì đó, người ấy lại khoe khoang những đức hạnh của mình mà giấu đi điểm tốt của người khác, khiến họ phải chịu vu khống, thì người ấy đã phạm vào một trong mười bất thiện nghiệp.

(Nguyên tác: “Karma of gossip”

Tác giả: Jetsunma Ahkon Lhamo)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6328865
Số người trực tuyến: