Tìm về khoảng không bao la của tâm | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Tìm về khoảng không bao la của tâm

Nhiều người trong số chúng ta hoàn toàn bị cuốn mình theo những việc mình đang làm. Chúng ta đem những vấn đề của công việc về nhà, vì vậy không có cơ hội để hưởng thụ cuộc sống gia đình. Sau đó, lại đem những vấn đề ở nhà đến nơi làm việc, nên không thể tận tâm với công việc. Trong lúc thiền định, chúng ta vọng tưởng về mọi hình ảnh và cảm giác khiến không có cơ hội để tập trung. Rốt cuộc, chúng ta không có đời sống nào để sống vì luôn ở trong quá khứ hoặc tương lai.

Nếu đồ đạc trong nhà bừa bãi và nhiều quá, chúng ta không còn chỗ để sống. Nếu tâm trí đầy những chương trình, những bận tâm, những tư tưởng, những cảm xúc, chúng ta không còn khoảng trống cho chính cái thật sự là chúng ta.

Nhiều người cảm thấy cuộc sống họ quá hỗn độn để thiền định, thậm chí ngay cả khi họ có thời gian ở nhà để tập thiền, họ vẫn cảm thấy bị xao lãng. Để đem tất cả sự chú tâm và năng lực trong cuộc sống gia đình vào thiền định, chúng ta cần khoảng không tâm thức.

Chúng ta có thể tạo ra khoảng không cho mình một cách có ý thức. Quyết định gạt bỏ những lo nghĩ về công việc lại đằng sau. Nếu có thể được, hãy hình dung những lo nghĩ đó dưới dạng giấy tờ hay trong máy vi tính được cất giữ an toàn trong văn phòng hay hình dung ra ranh giới phân chia công việc và cuộc sống ở nhà. Hay chúng ta có thể tạo ra một chiếc lều bảo vệ bằng năng lực ánh sáng trong tâm bao quanh những vấn đề thường nhật trong gia đình và công việc, khiến cho chúng ta hoàn toàn tách biệt với những việc mình đang làm.

Trở về không gian lúc thơ ấu

Một cách để tạo cảm giác rộng mở và thoải mái là trở về không gian lúc ta còn bé. Từ lúc còn trẻ thơ, chúng ta đã học hỏi và trải nghiệm một số việc lạ lùng trong thế giới phong phú này. Tuy vậy, cũng thật dễ nhiễm thói quen sống điên cuồng như hiện nay. Chúng ta giống như con tằm nhả tơ tự trói mình, tiến đến giai đoạn tự làm ngộp mình với những cách nhìn, cảm giác, thói quen và phản ứng của riêng chúng ta.

Hồi tưởng lại lúc còn bé, một ngày kéo dài như một tháng của chúng ta bây giờ, một năm kéo dài như không có ngày cuối. Dần dần tri giác của chúng ta thay đổi, những lo lắng bận rộn, ý niệm, bám chấp của chúng ta tăng dần ngày này qua ngày khác. Giờ đây, khoảng không rộng mở không còn trong tâm trí ta nữa. Khi lớn lên, ta cảm thấy thời gian trở nên ngắn hơn và ngắn hơn nữa, và một năm trôi quatrong chớp mắt. Đó không phải là thời gian ngắn đi, mà vì ta không có khoảng trống trong tâm thức để cảm nhận sự rộng mở và tự do. Chúng ta thường chạy lòng vòng hết tốc độ và làm dầy đặc tâm trí mình với những tư tưởng, ý niệm và cảm xúc. Khi tâm thức tĩnh lặng, ta cảm thấy thời gian từng phút một, nhưng nếu tâm trí theo đuổi bất cứ việc gì xảy quanh ta, chúng ta cảm thấy ngày đã hết thậm chí trước khi nó thực sự bắt đầu.

Tiếp xúc với những hồi ức lúc còn bé có thể giúp ta rộng mở hơn. Khi thiền định, hãy nhớ lại lúc còn bé mình có ít lo nghĩ, đam mê hay căng thẳng như thế nào. Việc nhớ chính xác không quan trọng bằng việc cảm nhận khoảng không và tự do, hơn là đứng ngoài sự nhớ lại mà chỉ suy ngẫm về nó, hãy để cảm nhận sự trải rộng và thể nhập vào nó. Hãy trải nghiệm cảm nhận này và an trú trong nó, không có những niệm tưởng khác. Hãy cảm nhận và hòa nhập vào chính bạn lúc còn bé. Quá khứ và hiện tại, đứa trẻ và “tôi”, tất cả là một trong sự hợp nhất rỗng rang. Hãy tham thiền và nghỉ ngơi trong cảm giác rộng mở này nhiều lần. Cuối cùng, đem cảm nhận này vào khoảnh khắc hiện tại của cuộc sống.

Nếu có những kinh nghiệm xấu lúc còn bé đến với bạn thay vì những cảm giác an bình và rỗng rang, bấy giờ bạn có thể thực hành những bài tập để thanh lọc, nuôi dưỡng và chữa lành những hình ảnh bị thương tổn và quán tưởng đứa bé bên trong của bạn trở nên hạnh phúc, mạnh khỏe và hoan hỷ.

Chúng ta có thể đạt được cảm giác về khoảng không này bất cứ lúc nào: chẳng hạn, nếu chúng ta có khó khăn, hoặc bất kỳ lúc nào chúng ta muốn đem cảm giác tự do hay hoan hỷ vào cuộc sống, chúng ta đều có thể hành thiền. Để hòa nhập với đứa bé trong ta, có thể thưởng thức những hoạt động trẻ thơ như trò chơi nhảy bao, tung hứng... hoặc thưởng ngoạn cây cối, hoa quả, sông nước ... Chúng ta có thể ngắm sao trên bầu trời và thưởng thức không khí ban đêm, đem cảm giác này vào giây phút hiện tại. Làm như vậy giúp ta quên đi những lo nghĩ trong một lúc và hòa nhập vào trong không gian của tuổi bé thơ một lần nữa.

Dùng thời gian trong sự cô tịch với thiên nhiên, đặc biệt như đứng trên một đỉnh núi nhìn khoảng không gian vô tận của bầu trời sẽ giúp việc tạo khoảng không trong tâm thức. Nhưng cách hiệu quả nhất để mở ra không gian an bình trong tâm trí là thiền định. Thay vì nhồi nhét vào tâm trí bằng những cảm nhận và quan niệm tiêu cực, nếu chúng ta có thể trở về với tự tính như bầu trời của tâm, sự an bình và trí tuệ bấy giờ có thể hiện khởi.

Khi quen với việc thiền định, ý niệm về thời gian của bạn sẽ rộng mở, không còn những vội vã điên cuồng mà thay vào đó là sự thong dong tận hưởng từng khoảnh khắc đang qua của thực tại hiện hữu. Hãy thư thái và thả mình vào không gian bao la, rỗng rang, không thêu dệt ngụy tạo của tâm.

~ Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa ~

(Nguồn: “Năng lực chữa lành của tâm”

NXB Thiện tri thức, 2000)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6333984
Số người trực tuyến: