Nghi lễ Phật giáo có thực sự tốn kém?
Dù nghi lễ bạn thực hiện có hoành tráng và quy củ bao nhiêu, cũng sẽ không thể tích lũy trọn vẹn công đức nếu bị nhiễm ô hoặc nhiễu nhương bởi xúc tình như tham ái hay bám chấp. Vì thế, bí quyết quan trọng để thành tựu tích lũy công đức trong một nghi thức không phải là sự tốn kém tài bảo, mà động cơ thanh tịnh và tâm chí thành.
Nghi thức Phật giáo là sự thực hành dựa trên ba tinh túy của Phật pháp, bao gồm: (i) làm tất cả việc thiện, (ii) đoạn tất cả việc ác và (iii) điều phục tâm ý mình, nhờ đó chúng ta (i) tịnh hóa mọi nghiệp bất thiện; (ii) tích lũy công đức thiện nghiệp; và (iii) điều phục tâm để khám phá tự tính chân thật của tâm. Bởi vậy, mọi nghi lễ Phật giáo, bất kể theo hình thức nào, đều phải có đầy đủ ba phẩm chất này. Dù nghi lễ có hoành tráng và quy củ bao nhiêu, cũng sẽ không thể tích lũy trọn vẹn công đức nếu bị nhiễm ô hoặc nhiễu nhương bởi xúc tình như tham ái hay bám chấp. Vì thế, bí quyết quan trọng để thành tựu tích lũy công đức trong một nghi thức không phải là sự tốn kém tài bảo, mà động cơ thanh tịnh và tâm chí thành.
Nếu bạn nghĩ mình không có tiền để thực hành Phật Pháp, thì bạn cần phải suy ngẫm lại xem tiền có phải là động cơ khiến bạn thực hành tâm linh.
Thời nay, có rất nhiều băn khoăn thắc mắc nảy sinh về việc có đủ khả năng tài chính để thực hành nghi lễ Phật giáo, hoặc cho rằng những chuyến hành hương rất tốn kém, hoặc những áp lực xã hội hay việc phải cố gắng tuân thủ nghi thức dành cho người mới qua đời. Nếu bạn gặp những vấn đề kể trên, thì bạn cần phải tìm hiểu kỹ càng hơn xem thực hành Phật Pháp thực sự nghĩ là gì, vì sao sự thực hành Phật Pháp lại bị liên hệ với những áp lực xã hội hay những nghi thức, tập quán như vậy. Chẳng hạn, khi chúng ta muốn đi neykor (hành hương) tới những thánh địa để trực nhận giáo pháp từ các bậc Thượng sư tâm linh, chúng ta có cầu kỳ đòi hỏi quá không. Chúng ta muốn đi tới đó bằng máy bay, chúng ta muốn ở trong những nơi đàng hoàng sang trọng, muốn ăn ngon, tóm lại là muốn có một chuyến hành hương thoải mái tiện nghi. Tất cả những thứ này liệu có thực sự cần thiết để thực hành Phật Pháp ? Thời xưa, hầu hết các chuyến hành hương đều chỉ đi bộ. Thực chất khi đi bộ hành hương, chúng ta sẽ tịnh hóa tốt hơn bởi sẽ phải vất vả nỗ lực và chí thành hơn, chúng ta sẽ biết trân trọng hơn những tán cây tỏa bóng hay dòng nước mát lành sau nhiều giờ đi bộ dưới ánh mặt trời đổ lửa chói chang.
Tương tự như vậy, khi thực hành nghi lễ dành cho người quá cố, thay vì chuẩn bị đầy đủ phẩm vật tốt nhất, bạn không nên lãng quên những phẩm chất quan trọng như lời Phật dạy, bởi chỉ những điều này mới thực sự lời lạc cho người đã khuất. Nếu chạy theo những chuẩn mực xã hội để cử hành tang lễ lớn, tính toán ai đến hoặc ai không đến, những điều đó thực sự chẳng giúp ích gì cho người mất, mà chỉ nhằm đánh bóng tên tuổi cho gia đình và dễ khiến chúng ta bị xao nhãng, khi mục đích chính thực sự lợi lạc trong lúc này tích lũy và hồi hướng công đức cho người mới mất.
Thí dụ Nuyngney là một pháp thực hành có năng lực mạnh mẽ với sự cầu nguyện cúng dường lên Đức Avaloketeshvara. Tương truyền chỉ cần thực hành một khóa Nuyngney cũng có năng lực đóng lại cửa tái sinh cõi thấp và trợ duyên tái sinh vào cõi người. Nuyngney giúp tích lũy vô lượng công đức và có thể gọi là một trong những pháp thực hành ít tốn kém nhất, bởi lẽ bạn sẽ phải đoạn thực hoàn toàn, không được phép ăn hay uống. Bạn không được phép nói chuyện, như vậy bạn còn tiết kiệm luôn cả chi phí điện thoại hay nhắn tin. Điều tôi muốn nói ở đây là thay vì cố gắng bắt chước những gì người khác đang làm, cố làm tốt hơn hay nghĩ mình thua kém, điều quan trọng bạn cần thấu hiểu là động cơ chính của sự thực hành – tích lũy công đức và tịnh hóa bất thiện nghiệp.
Những câu chuyện về các bậc Thượng sư đều chứng minh rằng, khi chư Bồ Tát giàu có về tài bảo, các Ngài cúng dường cung điện và mọi thứ phẩm vật tối thắng; khi các Ngài thị hiện bậc trung lưu, các Ngài chúng dường cháo súp và thực phẩm; còn khi các Ngài thị hiện nghèo khó và không có tiền bạc, các Ngài cúng dường hương đốt và đèn nến. Điều này chứng tỏ không phải hình tướng hay quan niệm của người đời quyết định cách thức thực hành Phật Pháp, mà cốt lõi của sự thực hành là hạnh bố thí xả ly. Nếu hiểu rõ về tinh túy của giáo lý Phật, chúng ta có thể thực hành hạnh cúng dường với tâm thanh tịnh, bất kể năng lực tài chính có hạn chế tới đâu.
Chúng ta cần luôn ghi nhớ rằng khi làm bất cứ điều gì để tích lũy công đức, chúng ta cần bắt nguồn từ động cơ chuyển hóa tâm, chứ không phải do bị thúc ép hay sai khiến bởi bất cứ động cơ nào khác. Bất cứ nghiệp dù thiện hay bất thiện đều không bắt nguồn từ việc ai đó nói hay không nói, mà chỉ bắt nguồn từ tâm bạn, và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sau của bạn.
(Trích bài giảng của Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa - Buổi tọa đàm tại trường Đại học Kỹ thuật Jigme Namgyal, Dewathang, Bhutan, 2017)
- 377
Viết bình luận