Để tâm vui đùa – Lợi hay hại? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Để tâm vui đùa – Lợi hay hại?

Sự vui đùa của người này là sự nghiêm trọng của người khác, và sự nghiêm trọng của người khác lại là sự đùa bỡn của người kia. Với những người trưởng thành, thì những thanh thiếu niên mới lớn dường như là thiếu nghiêm túc và ham chơi, nhưng với những thanh thiếu niên mới lớn thì những hiện tượng riêng của họ lại là nghiêm túc. Có những điều này là do từ vô số những kiếp sống trước, tất cả chúng sinh đã bị lừa dối với tâm thức phân biệt, chia tách các hiện tượng thành các nguyên tố thô nặng và vi tế, họ cho rằng vở kịch và trò chơi của mình là quan trọng bởi vì họ tin rằng nó là thật.

Ví dụ, đối với trẻ em, do không hiểu được bản chất của đồ chơi, chúng sẽ phát triển một thói quen bực tức, thất vọng khi không được chơi và rồi chúng sẽ mang theo thói quen này vào cuộc sống trưởng thành của mình, rồi chúng sẽ thay đổi đối tượng bực tức, thất vọng của mình từ đồ chơi sang tới một người khác. Nếu ngay từ lúc sinh ra mà chúng nhận ra rằng trò chơi chỉ là sự vui đùa thôi và không cần phải nghiêm trọng, thì lũ trẻ và những người trưởng thành sẽ không bao giờ phải thất vọng hay bực tức.

Tuy nhiên, nhờ thoải mái, thư giãn mà năng lượng tâm linh có thể được duy trì, kéo dài, và như vậy chúng ta không nên nghĩ rằng vui chơi lúc nào cũng là xấu. Dù cho tâm trưởng thành chai cứng của chúng ta có từ chối sự vui chơi hay không thì mọi sự vẫn là sự phô diễn, hiển bày từ bản chất, tinh túy bí mật tự nhiên của các đại. Nếu tâm thức điềm tĩnh, bao la và biết vui đùa, thì chúng ta có thể luôn luôn nhận ra sự phô diễn tinh túy này. Trong hư không rộng mở thì không bao giờ có sự hỗn loạn và mất cân bằng giữa các nguyên tố thô và vi tế.

Khi học tập, nếu có một tâm hân hoan, rộng mở thì chúng ta có thể dễ dàng tiếp thu những gì được học. Với một tâm thức cứng nhắc và nghiêm trọng, chúng ta không thể học được, vì tâm chúng ta bị bó chặt và mất cân bằng.

Khi làm việc, nếu chúng ta có một tâm thức thoải mái, vui vẻ và rộng mở thì chúng ta sẽ không có những nỗi sợ hãi về việc mất mát bất cứ thứ gì, vì vậy chúng ta có thể làm việc liên tục cho đến khi đạt được thành quả. Với sự tự tin đến từ tâm vui vẻ, chúng ta không bao giờ do dự và phạm những sai lầm. Những sự hoài nghi và lưỡng lự thường đến từ một tâm thức quá nghiêm trọng, quá chai cứng.

Nếu tâm vui vẻ, thoải mái, thì thông qua thiền định, chúng ta có thể thấy được rằng vạn pháp giống như phép lạ. Dù bất cứ nơi đâu chúng ta tới, chúng ta đều vô úy, tự tại. Thậm chí nếu có tiếp chuyện với những nhà lãnh đạo kiệt xuất, thì chúng ta vẫn có thể nói năng, hành xử mạnh mẽ, tự tin giống như họ, bởi vì tâm thức chúng ta tự tại và vô úy, và chúng ta thấy vạn pháp chỉ là sự phô diễn, hiển bày của tự tính tâm không che chướng.

Khi thực hành, chúng ta cần tâm thư thái. Mọi phẩm chất tâm linh là vô hình, phi vật chất và vốn sẵn đủ bên trong mỗi người. Nếu quá căng thẳng, nghiêm trọng hóa vấn đề, đối tượng thiền định của chúng ta sẽ ngày càng trở nên xa vời, ngăn cách và bị che chướng. Giống như một ao nước sẽ trở nên trong veo khi để nó lại được một mình, được tự do khỏi những xao động.

Thời Đức Phật còn tại thế, một đệ tử của Ngài là người không thể ngơi nghỉ tâm thức mình dù chỉ trong một thời khắc giữa sự tập trung quá căng và sự tập trung quá chùng. Đức Phật đã hỏi ông:

- Trước khi trở thành đệ tử của Ta, có phải ông đã từng chơi nhạc?

Vị đệ tử đáp:

- Dạ vâng, con đã từng là một người chơi đàn sitar rất hay

Đức Phật hỏi tiếp:

- Có phải một âm thanh mượt mà, du dương sẽ ngân lên khi những sợi dây đàn được lên dây quá căng không?

- Thưa, không ạ.

- Có phải một âm thanh mượt mà, du dương sẽ ngân lên khi những sợi dây đàn được lên dây trong tình trạng quá chùng không?

- Thưa, không ạ.

- Vậy làm thế nào ông có được một âm thanh du dương, mượt mà?

- Một âm thanh du dương, mượt mà được ngân lên khi cây đàn sitar được lên dây không quá căng mà cũng không quá chùng ạ!

- Vậy ông có thể thiền định trong cùng cách này, với sự tập trung không quá căng cũng không quá chùng được không?

Khi người đệ tử đã thiền định với một tâm thức cân bằng như lời Đức Phật dạy nhờ ví dụ về cây đàn sitar và ông đã chứng ngộ được tự tính tâm Trí tuệ của mình.

Nếu chúng ta đang thực hành quán tưởng Bản tôn với tâm không mong cầu, thì bất kỳ hình thức nào chúng ta quán tưởng đều sẽ thành tựu. Sự tập trung căng thẳng quá mức là nguyên nhân khiến tâm thức loạn động bám chấp. Nếu chúng ta cố gắng quán tưởng Bản Tôn Trí Tuệ với đôi mắt thiên lệch, thái quá và nghiêm trọng cùng với một tâm thức loạn động, bám chấp thì điều đó chỉ trở thành một dạng ma quỷ vì nguồn gốc của nó là sự nhị nguyên. Ở đâu có chủ nghĩa nhị nguyên thì ở đó có sự chối bỏ và chấp nhận. Ở đâu có sự chối bỏ và chấp nhận thì ở đó có sự của luyến ái. Ở đâu có luyến ái thì ở đó có nguyên nhân của vòng luân hồi sinh tử.  

Vì vậy, dù thực hành pháp tu nào, chúng ta cũng cần giữ tâm hoan hỷ, vui chơi, bao la, rộng mở và không mong cầu này. Tâm vui đùa không có những nỗi sợ hãi vì nó không có đối tượng. Vì hoàn toàn tự nhiên và rộng mở nên nó luôn luôn mang đến sự an lạc. Còn sự nghiêm trọng, căng thẳng là một biểu hiện của các nguyên tố thô, nên cái gì càng nghiêm trọng thì nó càng trở nên nặng nề, dễ bị mắc kẹt và dễ bị chia tách khỏi các nguyên tố vi tế thanh nhẹ hơn.

(Lược trích ấn phẩm: “Vũ Điệu Huyền Diệu - Sự Hiển Lộ Tự Tánh của Ngũ Trí Dakini”

Nguyên tác: “Magic dance – The display of the self-nature of the five wisdom Dakinis”)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6447837
Số người trực tuyến: