Làm gì để có giấc ngủ sâu và an lành? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Làm gì để có giấc ngủ sâu và an lành?

Đối với hành giả Kim Cương thừa, Yoga mộng là pháp thực hành đưa giấc ngủ vào con đường giải thoát. Tuy nhiên, ngay cả với người không thực hành Yoga mộng, vẫn rất lợi lạc khi chuẩn bị cho giấc ngủ, xem đây là việc nghiêm túc. Khi được hỏi về chính niệm, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đã trả lời rằng một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất trong ngày là lúc bạn đang lơ mơ, trước khi chìm vào giấc ngủ. Theo giáo pháp và từ trải nghiệm của bản thân, nếu bạn giữ được chính niệm trong khoảng khắc giữa trạng thái tỉnh và trạng thái chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, bạn sẽ có một giấc ngủ sâu và chính niệm. Các chuyên gia về giấc ngủ ngày nay cũng đã xác nhận rằng tâm chúng ta có khả năng tiếp tục xử lý những vấn đề chưa được giải quyết trong ngày ngay cả khi chúng ta đang ngủ. Do vậy, việc đi ngủ với một tâm trạng thoải mái để có một giấc ngủ sâu, sảng khoái và thư giãn mang lại rất nhiều lợi ích cho chúng ta.

Hành giả sơ cơ không biết những nguyên lý của thiền định nên thường mang những căng thẳng, phiền não, những rối rắm mê mờ của ban ngày vào ban đêm. Đối với một người như vậy, không có thực hành hay thời gian đặc biệt nào được đặt riêng ra để xử lý vào ban ngày hay giữ tâm bình lặng trước khi vào giấc ngủ. Với họ, giấc ngủ đến trong sự phóng dật, và những xúc tình tiêu cực được được giữ trong tâm thức suốt đêm. Khi cơn mộng khởi sinh từ những tiêu cực này, không có sự vững vàng ổn định trong sự hiện diện của tỉnh thức; cá nhân đó bị cuốn theo những hình ảnh và mê lầm của thế giới mộng.

Thường thì người ta cảm thấy chết đi một nửa sau một ngày căng thẳng. Rồi chúng ta thả mình xuống giường và trở nên hầu như đã chết. Chúng ta thậm chí không kịp dành vài phút để tiếp hợp thân và tâm trong sự hiện diện của tỉnh thức, mà tiêu phí buổi tối trong phóng dật và trôi dạt đi đâu đó trong giấc ngủ. Để bảo đảm sự tiến bộ của chúng ta trên con đường tâm linh, chúng ta cần một ít thời giờ để làm điều này mỗi đêm trước khi ngủ.

Khi chúng ta vào giấc ngủ với tâm và thân không nối kết, thì mỗi cái đi theo đường của nó. Thân thể bám vào những căng thẳng tích tụ trong suốt ngày, và tâm thức cũng tiếp tục như ban ngày, chạy từ chỗ này sang chỗ khác, một thời gian này sang thời gian khác, không có nền tảng vững chắc và sự an bình nào. Nó hiện hữu trong một trạng thái lo âu hay hôn trầm. Trong hoàn cảnh này, chúng ta mất quyền hành kiểm soát tâm thức và yoga mộng trở nên rất khó khăn.

Kết nối với Tam bảo, Tam căn bản

Hãy cố gắng nối kết với Thượng sư (Guru), Bản tôn (Yidam), Không Hành (Dakini); hãy cầu nguyện đến chư Phật Bản tôn; hãy phát khởi lòng từ bi. Hãy làm điều gì bạn có thể để gỡ thoát cho bạn khỏi căng thẳng trong thân thể và những thái độ tiêu cực trong tâm thức. Với một tâm thức nhẹ tênh và thoải mái, bạn sẽ trải nghiệm một giấc ngủ an lành hơn và phục hồi sức khỏe tốt hơn.

Những lời cầu nguyện và tình yêu thương sẽ thư giãn thân thể và làm dịu lại tâm thức, đem niềm vui và thanh bình đến cho bạn. Như đã gợi ý ở trước, hãy tưởng tượng bạn được bao quanh bởi những bậc giác ngộ che chở, đặc biệt là chư Dakini. Hãy tưởng tượng các Ngài che chở cho bạn như một người mẹ che chở đứa con nhỏ, tỏa chiếu tình thương và lòng bi đến bạn. Rồi, khi cảm nhận được sự an toàn và yên bình, hãy cầu nguyện: “Con mong nguyện có một giấc mộng quang minh, sáng tỏ. Mong nguyện con nhận ra mình đang trong giấc mộng”. Hãy lập lại nhiều lần những câu này, nhỏ giọng hay nghĩ thầm. Điều này rất dễ làm, nhưng nó sẽ thay đổi tính chất của giấc ngủ và tâm bạn sẽ an bình, ổn định hơn vào buổi sáng.

Những việc làm đơn giản nhưng hiệu quả

Bạn có thể làm sạch thân thể trước khi ngủ và thắp một cây đèn trong phòng ngủ. Nếu chúng ta đi ngủ mà cảm thấy dơ bẩn không sạch sẽ, giấc ngủ và những giấc mơ của chúng ta bị nhiễm ô. Chúng ta đều biết điều này về mức độ vật chất của cuộc sống, nhưng chúng ta thường quên rằng sự tươi mới và nối kết trong tâm thức quan trọng như thế nào. Có lẽ chúng ta cần viết một câu trên bàn chải đánh răng: “Sau đây, hãy gột rửa tâm thức của chính mình”. Một cây đèn sáp hay bóng đèn nhỏ để suốt đêm sẽ  giúp duy trì sự tỉnh táo trong tâm thức. Ánh sáng không chỉ giúp duy trì sự cảnh tỉnh, nó cũng tượng trưng cho trí tuệ của chư Bản tôn. Sự sáng tỏ và quang minh của ánh sáng thì gần gũi với tinh túy của các Ngài hơn bất cứ hình tướng nào khác trong thế giới sắc tướng. Khi ánh sáng bật lên, hãy tưởng tượng quang minh trong phòng là chư Bản tôn bao quanh bạn với tinh túy ấy. Hãy để ánh sáng bên ngoài nối kết bạn với ánh sáng bên trong, với quang minh là cái mà bạn thực sự là.

Bạn cũng có thể thực hành bài tập về hơi thở trước đi ngủ. Khi hít sâu vào, chúng ta quán tưởng tất cả mọi năng lượng và phẩm chất tích cực của vũ trụ đi vào trong thân thể mình như một luồng khí trắng tinh khiết. Khi thở ra chúng ta quán tưởng hết thảy mọi năng lượng tiêu cực trong chúng ta như sân giận, ghen tị, buồn chán… đi ra ngoài trong hình thức một làn khói đen. Hãy thực hành hơi thở như vậy 9 lần, trong tư thế ngồi thiền hay nằm trong tư thế sư tử.

Trên đây là vài chuẩn bị tổng quát cho ban đêm, nhưng chớ tự giới hạn mình trong những gợi ý ấy. Điểm quan trọng là tỉnh thức với cái mà bạn đang làm và hiểu việc làm đó nó ảnh hưởng tới bạn như thế nào, và dùng sự hiểu biết của bạn để làm bình an chính bạn. Điều này sẽ giúp bạn trở nên dần tỉnh thức trong giấc ngủ.

(Lược trích từ nguyên tác: “The Tibetan Yogas of Dream and Sleep”

Việt dịch: Đương Đạo

NXB Thiện tri thức, 2000)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6338714
Số người trực tuyến: