Pháp vô ngôn tuyệt ngữ
Ở Ấn Độ xưa kia có người cha vì muốn con mình thành đạt đã gửi con tới một vị đạo sư rất giỏi. Người cha bảo con phải học hết tất cả những gì mà vị ấy có, nhưng quan trọng nhất là phải học được cái gì không thể dạy được, đó là pháp vô ngôn tuyệt ngữ. Người con chưa hiểu được thâm ý của người cha bèn lập tức khăn gói đi 3 năm. 3 năm sau trở về, người cha hỏi người con đã học được gì, người con kể lại tất cả những kiến thức được học và đắc ý nói: “Con học tất cả những gì bậc Thầy có và giỏi hơn luôn, con có thể thuyết giảng hơn cả bậc Thầy”.
Người cha thất vọng và đợi thêm 3 năm. Bởi điều cha mong đợi không phải là kiến thức. Những pháp ấy chỉ đưa con mình đọa lạc chứ chẳng có ý nghĩa gì. Người con lại quay trở lại gặp Thầy, và Thầy cũng ngạc nhiên nói rằng:
- Ta đã dạy cho con tất cả những gì ta biết, bây giờ con còn định học gì nữa?
- Thưa Thầy, cha muốn con học được những gì mà không thể nói được, những pháp vô ngôn tuyệt ngữ.
- Được rồi. Bây giờ con dắt 300 con cừu vào trong núi và ở đó 10 năm làm sao 300 con ấy sinh trưởng thành 1.000 con rồi sau đấy ta sẽ nói chuyện.
Người con trước đây là người hoạt khẩu, giờ đây vào núi không nói chuyện được với ai, toàn bộ thời gian đấy do không nói chuyện nên trải nghiệm nội tâm sâu sắc. Người con đã đạt được điều mà mình muốn đạt.
Bài học đạo lý
Bạn thân mến!
Tương tự như vậy, Tính không, tính Phật hay Đại Thủ Ấn là sự trải nghiệm bên trong. Chúng ta không thể dùng ngôn ngữ để đo lường bởi càng dùng tâm nhị nguyên để phân tích, chia chẻ bao nhiêu, càng có sở tri chướng bao nhiêu thì chướng ngại càng lớn hơn cả núi, chắc chắn sẽ không thể thành tựu được cái gì cả. Những cái mà chúng ta gọi là thành tựu chỉ là ảo tưởng. Chính tư tưởng nhị nguyên che chướng khiến chúng ta không chứng ngộ được tính Phật, không hiểu được lý duyên khởi của vạn pháp.
(Sưu tầm)
- 966
Viết bình luận