Chiếc gương soi mặt | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Chiếc gương soi mặt

Xưa, có một anh nhà quê lên phố chơi. Ðến hàng bán gương soi mặt, cầm lấy một tấm, thấy gương mặt của mình phản chiếu trong đó, anh ngạc nhiên thầm nghĩ:

- Hay là ta mua chú chàng này về để sai vặt vậy!

Và anh liền mua tấm gương.

Về đến nhà, anh vội vàng gọi vợ:

- Bu nó ơi! Ra mà xem. Tôi lên phố mua được cái này hay lắm!

Chị vợ tất tả chạy ra, anh mở giấy bọc, chìa tấm gương cho chị vợ xem. Nhác trong thấy chị đã ngồi bệt xuống nền nhà, bù lu bù loa khóc kể ầm ĩ:

- Hu hu… hu hu…! Anh đi lên phố rước con quỷ cái đó về đây để tôi tự vẫn, tôi chết, cho anh rảnh rang mà sống với con quỷ cái đó.

Anh chàng chưng hửng, không biết nói gì thì bà mẹ chồng ở nhà sau, nghe tiếng ồn ào, chạy ra, cầm lấy tấm gương nguýt con dâu:

- Mụ già đó đáng tuổi mẹ mà mày còn ghen tuông nỗi gì không biết!

Bạn thân mến!

Ðây là một câu chuyện vui mà chúng ta nghe kể thường trong những lúc trà dư tửu hậu. Nhưng có bao giờ bạn thấy rằng, mỗi người chúng ta đều lầm lẫn giống hệt các nhân vật trong câu chuyện trên chăng?

Trong cuộc tương giao với bạn, tôi ít khi nào được nhìn bạn như hiện diện trước mắt tôi, hồn nhiên, vui tươi, trong sáng như tiếng nói nụ cười, khuôn mặt của bạn đang hiện hữu. Mà dường như bao giờ, tôi cũng phủ chụp lên hình ảnh bạn những bóng dáng của quá khứ, trong những lần tương giao trước, khi bạn xúc phạm hay làm vừa lòng tôi ra sao đó. Hay nói đúng hơn là tôi chỉ nhìn bạn bằng những gì trong tâm thức tôi phóng chiếu ra. Và theo hình ảnh phóng chiếu đó, tôi sẽ mỉm cười như anh chồng hoặc bù lu bù loa khóc như chị vợ trong câu truyện trên đây.

Ngược lại, bạn cũng nhìn tôi bằng tất cả những gì bạn nghĩ hay tưởng tượng về tôi, rồi buồn thương giận ghét tiếp liền theo đó. Sự lầm lẫn này, danh từ chuyên môn của Duy thức học gọi là “BIẾN KẾ SỞ CHẤP”. Do cái tình chấp này mà tôi cũng như bạn, sống giữa cõi đời đầy trăng thanh gió mát nhưng muộn phiền khôn nguôi.

Hiểu rõ những hình ảnh đó chỉ tùy duyên thôi, không có tính cách cố định, nhất thời chứ không vĩnh cửu trường tồn thì chúng ta cũng sẽ đỡ khổ ghê lắm. Hiểu như thế, duy thức học gọi là “Y THA KHỞI”.

Và cho đến khi nào, chúng ta gỡ hết những hoài niệm, ngôn từ, không để chúng xen vào giữa ta và nhân vật đối diện. Vẫn thấy nghe, hiểu biết, lĩnh hội rất rõ ràng nhưng không còn dấu vết của tình chấp  nữa. Cái nhìn này được gọi là “VIÊN THÀNH THẬT”, đó bạn!

Như thế, trong sự tương giao, nhìn ai, ta cũng thấy sự phản chiếu của chính mình. Do đó mà Đức Từ phụ của chúng ta nhìn thấy chúng sinh nào Ngài cũng bảo: “Các con đều có đầy đủ Phật tính”. Còn chúng ta thì luôn luôn cằn nhằn: chị này sân, anh nọ tham, bà kia xảo quyệt, chanh chua… Trời đất ơi! Làm sao tôi ở với mấy người cho nổi? Cây muốn lặng mà sao gió chẳng ngừng…”.

Vì thế, chúng ta chỉ còn một lối thoát cuối cùng là cầu về cõi Cực Lạc để câu hội cùng Phật và thánh chúng Bồ Tát mà thôi.

(Trích ấn phẩm: “Hư hư lục”

Tác giả: Thích Nữ Như Thủy)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6433632
Số người trực tuyến: