Vua Ba Tư Nặc linh cảm về địa ngục khi khởi ý tà dâm | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Vua Ba Tư Nặc linh cảm về địa ngục khi khởi ý tà dâm

Vào một dịp lễ, vua Ba Tư Nặc ở xứ Câu Tát La (Kosala) cưỡi voi trắng Pundarika trang hoàng lộng lẫy diễu hành khắp thành. Ðến lúc sắp giải tán, dân chúng bị ném đất loạn xạ, đập bằng gậỵ lung tung, nhưng vẫn nghễnh cổ nhìn xem. Nhà vua được phước báo như thế do bố thí, giữ giới và làm nhiều công đức.

Trên tầng lầu chót một tòa nhà bảy tầng có thiếu phụ vợ một người nghèo, mở cửa sổ nhìn vua, xong lui vào. Cô ta hiện ra trước mắt nhà vua như vầng trăng rằm rồi lẫn vào đám mây. Quá say đắm, nhà vua suýt té nhào khỏi lưng voi. Kết thúc thật nhanh cuộc diễu hành, vua trở về hoàng cung hỏi viên quan thân tín có thấy thiếu phụ hay không, và ra lệnh đòi ông chồng. Ông ta hiểu ngay mạng sống bị đe dọa là vì cô vợ, nhưng không dám cãi lệnh. Ông ta đến hầu vua, và bị sung vào đội lính hầu. Ông ta từ chối, xin trả tiền sưu nhưng không được.

Nhà vua muốn kết tội và giết ông ta để đoạt cô vợ. Phần ông ta vì sợ chết, cũng hết lòng phục vụ nhà vua. Lửa ái nơi vua càng lúc càng tăng. Vì không tìm thấy chút lỗi nào, vua bèn sai ông ta tìm cho được đất đỏ với bông súng màu đỏ và màu xanh, nếu không có mang về kịp giờ vua tắm sẽ bị tội chết.

Ông ta hốt hoảng về nhà, hối vợ cơm nước. Không kịp chờ cơm chín, ông vội múc đại gạo vừa mới sôi, lỏng bỏng như cháo, thêm một ít cà-ri vào giỏ, vội vàng lên đường. Khi ông vội vàng đi như thế thì cơm cũng vừa chín tới. Ông để riêng một phần cơm ngon và bắt đầu ăn. Kịp có khách ông ta mời ăn luôn phần đã để dành. Ăn xong ông ta vứt một nắm cơm xuống hồ, súc miệng và lớn tiếng khấn nguyện long thần hồ này xin cho ngàn phước báo do bố thí thức ăn cho người khách và trăm phước báo do bố thí cơm gạo cho cá dưới hồ, tất cả đều hồi hướng đến long thần, và hãy mang đến cho ông đất đỏ với bông súng màu trắng và xanh. Ông lặp lại lời khẩn cầu đến ba lần.

Long vương ở đó nghe hết lời khấn, hóa thành ông lão đến gặp người lính hầu, hỏi lại kỹ. Sau khi nghe người lính hầu nói lại ba lần hồi hướng hết công đức bố thí, long vương bèn mang đất đỏ với bông súng đến. Nhà vua sợ người lính hầu hoàn thành sứ mạng, nên đã ra lệnh đóng cửa và niêm phong rất sớm. Do đó tuy người lính đến kịp lúc, vẫn không thể dâng vua đất và hoa được, dù đã xin lính gác mở cửa. Ông thất vọng, lòng ngổn ngang không biết tính sao.

Cuối cùng ông đặt tảng đất đỏ nơi ngạch cửa và treo bông súng lên cánh cửa, la to:

- Hỡi mọi người trong thành, xin làm chứng tôi đã hoàn thành sứ mạng vua giao phó. Vua đang tìm hết cách hại tôi một cách vô cớ.

Người lính hầu la lên ba lần như thế, bối rối không biết đi đâu ẩn trú; nghĩ đến chư Tăng giàu lòng nhân từ, liền đến tinh xá ngủ lại. Nhà vua suốt đêm không thể nào chợp mắt được vì lửa ái thiêu đốt tâm can. Vua chờ trời hé sáng để giết người chồng và mang người vợ về cung. Ðang trằn trọc vua nghe được bốn âm thanh. Nguyên do là có bốn người bị đọa vào địa ngục rộng đến sáu chục dặm, bị nấu sôi sục như hạt gạo nấu hầm trong nồi nung suốt ba chục năm, xuống tận đáy địa ngục và sau ba chục năm nữa trồi lên miệng địa ngục, nhìn lẫn nhau, muốn đọc một câu kệ cũng không nỗi, chỉ bập bẹ vài chữ, rồi lại rơi tõm vào địa ngục trở lại.

Vua nghe những âm thanh trên sau nửa đêm. Hốt hoảng và sợ hãi, vua hoang mang không hiểu có phải mình đã tới số, hay chánh hậu tận mạng, hay vương quốc tận diệt, và thức luôn đến sáng. Trời sáng rồi, vua cho mời vị tư tế đến hỏi xem đó là điềm báo gì qua bốn âm thanh đã nghe là "Du, Sa, Na, So". Vị Bà-la-môn tư tế hoàn toàn không biết gì về ý nghĩa, nhưng sợ lộ ra sự ngu dốt của mình sẽ mất hết lợi danh, nên đáp càn:

- Ồ! Trầm trọng lắm, tâu bệ hạ.

Vua hỏi dồn:

- Xin thầy nói rành mạch hơn!

- Có nghĩa là bệ hạ sắp lìa đời.

Vua càng kinh hãi, ú ớ hỏi tiếp:

- Không có cách nào ngăn được sao?

- Tâu bệ hạ, có. Xin Ngài đừng sợ. Trong ba bộ Vệ-đà chỉ rằng phải tế lễ nhiều sinh vật thì có thể cứu mạng bệ hạ.

- Ta phải tìm thứ gì?

- Một trăm voi, một trăm ngựa, một trăm bò đực, một trăm bò cái, một trăm dê, một trăm lừa, một trăm ngựa giống, một trăm cừu, một trăm gà, một trăm heo, một trăm con trai, một trăm con gái.

Sở dĩ vị Bà-la-môn đòi nhiều thứ như thế, vì chỉ nói tên thú rừng không, sẽ mang tiếng là muốn ăn thịt, do đó ông ta cần thêm voi, ngựa và người. Vua muốn cứu mạng mình với bất kì giá nào nên ưng thuận. (Theo Tương Ưng bộ kinh, mỗi loài lên đến năm trăm. Dân chúng xót thương la khóc nghe như tiếng trái đất nứt vỡ).

Hoàng hậu Mạt-lợi (Mallika) nghe tiếng kêu khóc inh ỏi, hỏi vua:

- Ðại vương, làm sao mà các căn của Ngài hỗn loạn và mệt mỏi thế?

- Mạt-lợi! Bà không biết một con rắn độc lọt vào tai ta sao?

Và vua kể lại mọi sự. Hoàng hậu bảo thẳng với vua:

- Bệ hạ quả là kẻ thiếu trí. Trong kho không thiếu chi các món ngon vật lạ, bệ hạ cai trị cả hai vương quốc, nhưng thật sự bệ hạ lại là kẻ thiếu trí.

Vua ngạc nhiên hỏi lại, và được hoàng hậu giải thích:

- Có bao giờ bệ hạ nghe rằng phải hi sinh mạng người khác để cứu sống mình không? Chỉ vì người Bà-la-môn ngu xuẩn kia đã nói xằng mà xuýt chút nữa bệ hạ đẩy dân chúng vào bể khổ. Ðức Ðạo sư đang ngụ trong tinh xá gần đây, bậc Thầy của trời và người, bậc Thắng trí của tam thế.  Bệ hạ hãy đến thỉnh cầu Ngài chỉ giáo.

Nhà vua và hoàng hậu đến tinh xá gặp Phật. Ðược Phật hỏi vì việc gì mà đến muộn, nhà vua vẫn còn ám ảnh về nỗi sợ chết không thốt nên lời, chỉ đỉnh lễ rồi đứng im đó, hoàng hậu Mạt-lợi thay lời trình bày và được Phật dạy:

- Âm thanh vua nghe được là tiếng rên siết của kẻ xấu ác bị khổ hình.

Rồi Đức Phật hỏi nhà vua:

- Bệ hạ nghe được chữ gì?

- Bạch Thế Tôn, chữ "Du".

Phật liền đọc hết câu kệ mà kẻ chịu tội muốn thốt lên. Sau đó, Ngài bảo vua nói tiếp các chữ còn lại, và bổ túc thành bốn bài kệ như sau:

Du: Tạo ác nghiệp một đời,

Có của chẳng thi ân,

Tài sản dù ức triệu,

Không cứu nổi mạng thân.

Sa: Sáu chục ngàn năm dài,

Tạo tác bao nghiệp ác,

Ðịa ngục nung nấu sôi,

Biết bao giờ được thoát?

Na: Chẳng có ngày được thoát,

Thoát từ đâu có được?

Do xa xưa mình đã,Gây bao điều ô trược.

So: Xin hứa chắc từ đây,

Nếu tái sinh làm người,

Quyết bố thí trì giới,

Làm việc thiện đời đời.

Thế Tôn đọc và giải thích từng câu kệ. Vua nghe qua chuyển động cả tâm can. Hiểu rằng tội tà dâm quả thật là nghiêm trọng, sẽ bị đọa địa ngục trong thời kỳ giữa hai đức Phật, rồi qua Thiết địa ngục chịu khổ hình thêm sáu chục ngàn năm chưa chắc đã mãn. Nhớ lại mình cũng sắp phạm tội, vua tự hứa từ đây dứt hết lòng tham dục vợ người, và thưa với Phật:

- Bạch Thế Tôn, hôm nay con mới biết đêm dài đối với kẻ thức.

Người lính hầu của vua ngồi gần đó cũng thưa:

- Bạch Thế Tôn, hôm qua con mới biết đường dài cho kẻ mệt.

Thế Tôn nối kết hai câu trên vào Pháp Cú:

(60) Ðêm dài cho kẻ thức,

Ðường dài cho kẻ mệt,

Luân hồi dài, kẻ ngu,

Không biết chân diệu pháp.

Vua đỉnh lễ Thế Tôn xong, trở về ra lệnh thả hết người và vật tế lễ. Họ được rưới nước trên đầu, trở về nhà và đồng thanh tán thán hoàng hậu Mạt-lợi, chúc bà được khang an trường thọ.

(Lược trích ấn phẩm: “Tích truyện Pháp cú”

Nguyên tác: "Buddhist Legends"

Eugène Watson Burlingame

Việt dịch: Thiền viện Viên Chiếu)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6489506
Số người trực tuyến: