4 Đại giới nguyện khi hành thiền | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

4 Đại giới nguyện khi hành thiền

Nếu chúng ta phân biệt giữa Thiền Chỉ và Thiền Quán hay Thiền Minh Sát, thì sẽ có những giai đoạn khác nhau, tùy vào những căn  cơ, điều kiện, hoàn cảnh của hành giả. Nhưng bất kỳ ai có động cơ nghiêm túc và tha thiết muốn đạt tới giác ngộ mà không có những ý niệm phức tạp, loạn động thì họ không cần phải lo lắng về sự dịch chuyển qua những giai đoạn khác nhau này, giống như việc leo lên một chiếc cầu thang.

Những phạm trù phức tạp này đến từ sự phân biệt giữa chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối. Với bậc hành giả có thể thiền định một cách tự nhiên, thì không có sự khác biệt nào giữa người nhận thức, đối tượng được nhận thức và sự nhận thức. Với họ cũng không có khác biệt nào giữa ngồi thiền hay thiền động cả, không có sự khác biệt nào giữa chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối.

Với những hành giả như vậy thì không có cả khoảng giữa nữa. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy: “Chân lý đích thực thì bất sinh nhưng chúng sinh lại bám chấp vào Tứ Diệu Đế (4 Chân Lý: Khổ, Tập, Diệt, Đạo) bằng những giọng nói khàn đục. Với những ai đã đi vào bản chất tinh túy của Niết bàn thì thậm chí ngay cả tên gọi của một chân lý cũng không có nữa. Vậy thì lấy đâu ra Tứ Diệu Đế chứ? Không ở đâu hết cả!”.

Theo quan điểm Đại Toàn Thiện, thì ngay từ vô thủy vốn đã không có sự phân biệt giữa Thiền Chỉ Shamatha và Thiền Quán Vipasyana, và chúng ta cần thiết lập 4 Đại Giới nguyện Samaya là:

1. Samaya Không Hiện Hữu

Chúng ta không thể tìm thấy những phẩm chất tiêu cực của vòng luân hồi sinh tử cũng như những phẩm chất tích cực của Niết bàn ở bất kỳ đâu, bởi vì từ vô thủy đến nay, tâm thức đã không hiện hữu và tồn tại một cách vật lý, có chất thể. Nó chưa từng hiện hữu, ngay lúc này đây nó không hiện hữu và trong tương lai nó cũng sẽ không bao giờ hiện hữu. Dù cho những đám mây đen hay trắng có xuất hiện đi chăng nữa thì chúng cũng không hiện hữu và tồn tại, bởi vì hư không thì vốn luôn trống rỗng.

2. Samaya Duy Nhất

Tâm thức chúng ta luôn là một, nó là nguồn gốc duy nhất cho bất kỳ hiện tượng bất tịnh nào từ vòng luân hồi sinh tử xuất hiện hay cho bất kể hiện tượng thanh tịnh nào từ Niết bàn khởi sinh. Vô số những vì sao tinh tú, hành tinh, mặt trăng và mặt trời đều được phản chiếu trong một đại dương vĩ đại.

3. Samaya Tự Do Tự Tại

Những hiện tượng của vòng luân hồi sinh tử không thể bị nhiễm nhơ và những hiện tượng của Niết bàn không thể được ích lợi, bởi vì tâm thức vốn tự do, tự tại khỏi tất cả mọi thái cực cùng giới hạn. Trong bầu trời thì không có những phương hướng và những mặt phẳng.

4. Samaya Tự Nhiên

Vô số những phẩm chất đáng khao khát của vòng luân hồi sinh tử và vô hạn những phẩm chất vô dục của Niết bàn luôn luôn sinh khởi một cách không ngăn ngại. Đây là bản chất, tinh túy cùng sự phô diễn, hiển bày từ vũ điệu huyền diệu của vị Bản Tôn Trí Tuệ bản lai. 

Bất kể ai có thể thực hành được 4 Đại giới nguyện Samaya này thì người đó đã giác ngộ rồi, kể cả dù cho thân thể vốn tập hợp bởi duyên và là kết quả từ sự chín mùi nghiệp trước đó của người đó khiến anh ta xuất hiện như là sắc tướng bình phàm. Vào lúc cuối đời, nhiều hành giả bình phàm hy vọng mình sẽ có một cái chết cát tường, nên họ được vây quanh bởi gia đình, thân quyến cùng chúng đệ tử than khóc, cầu nguyện và thờ phụng trong kiểu cách thiêng liêng.

Nhưng khi những hành giả siêu phàm viên tịch, họ không quan tâm đến thân thể mình có được đặt vào một cái ngai bằng vàng ròng, hay được trang hoàng với một vương miện châu báu, rồi được tán thán và thờ phượng hay không, mà kể cả nó có bị ném vào vũng bùn của một nghĩa địa hoang tàn, rồi bị lăng mạ thì các ngài cũng không bận tâm.

Như Đức Longchenpa từng dạy: “Bậc Thầy Trí Tuệ Hư Không Bao La Vĩ Đại Toàn Tri” đã nói, “Khi một hành giả đích thực viên tịch, ngài giống như một kẻ hành khất lang thang trên đường phố đơn độc, một mình, không chút hy vọng và không một ai chăm sóc, giống như một đứa trẻ thơ, ngài thậm chí không có cả những ý niệm về sinh và tử”.

Bất kể ai thực hành miên mật với tâm thanh tịnh nhờ sự chứng ngộ quan điểm Đại Toàn Thiện, thì họ đạt tới sự giác ngộ không còn lần giác ngộ nào nữa. Bậc hành giả đã an trụ với tín tâm sâu sắc vào tính không sâu thẳm, uyên thâm trong sự thong dong, thản nhiên bao la, vượt lên những ý niệm về chứng ngộ hay không chứng ngộ, vượt lên những ý niệm về giải thoát và không giải thoát, thì dẫu cho người ấy có sắc tướng của đời này, nhưng nó chỉ là tạm thời giống như vỏ trứng của chim thần garuda (Kim Súy Điểu). Chim non garuda vốn đã sẵn có sự xác tín và khả năng bay được ngay khi còn ở trong bọc trứng, vì thế khi lớp vỏ bọc này vỡ ra, thì ngay lập tức, nó có thể bay vút lên sải cánh trong bầu trời.

Nếu có thể chứng ngộ được quan điểm Đại Toàn Thiện trong đời này, thì chúng ta sẽ hiểu được rằng, ngay từ vô thủy, chú garuda hoàn hảo, viên mãn của giác bản lai vốn đã cư trú và hiện diện ở ngay trong thân thể tập hợp bởi duyên nghiệp này của mình. Và rồi khi bỏ lại thân thể tập hợp bởi duyên nghiệp này của mình, chú garuda trí tuệ vốn sẵn bên trong của chúng ta sẽ tung bay, sải cánh vút lên trong bầu trời Pháp thân.

(Lược trích ấn phẩm: “Vũ Điệu Huyền Diệu - Sự Hiển Lộ Tự Tánh của Ngũ Trí Dakini”

Nguyên tác: “Magic dance – The display of the self-nature of the five wisdom Dakinis”)

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6447901
Số người trực tuyến: