Hé lộ những nghiên cứu lịch sử về người mẹ của tất cả vũ trụ
Hồng danh “Tara” có nghĩa là “ngôi sao” hay “hành tinh” và vì thế Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara có sự kết nối với hàng hải và sự du hành cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng như linh hồn vượt qua “bên kia” của đại dương của sự tồn tại (sự giác ngộ). Do đó Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara được biết đến theo nghĩa đen là “Bậc thả thuyền cứu vớt chúng sinh” theo tín ngưỡng của người dân vùng Himalaya. Trong 108 danh xưng của Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara linh thiêng, Ngài là “Người dẫn dắt các đoàn lữ hành/thương gia/hành hương” và được gọi là Dhruva, theo tiếng Phạn có nghĩa là ngôi sao phương Bắc.
Theo Miranda Shaw, “Chức năng làm mẹ là trọng tâm trong quan niệm về Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara”. Danh hiệu của Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara hàm nghĩa “người mẹ yêu thương”, “người mẹ tối cao”, “mẹ thế giới”, “mẹ vũ trụ/vạn vật” và “mẹ của tất cả chư Phật”.
Phần lớn các hình tượng khắc họa về Ngài thường được thể hiện với hoa sen xanh (utpala). Đóa hoa tỏa hương thơm ngát khi mặt trăng xuất hiện và do đó Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara cũng gắn liền với biểu tượng mặt trăng dịu mát.
Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara cũng là một vị Bản tôn trấn giữ rừng rậm, đặc biệt là dưới hình thức Khadiravani (người sinh sống trong khu rừng Khadira) và thường được kết nối với đời sống thực vật, hoa, cây keo (khadira) và gió. Bởi vì sự kết nối với thiên nhiên và cỏ cây hoa lá, Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara còn được biết đến như vị Bản tôn có năng lực chữa lành và nuôi dưỡng phẩm chất/tài năng và sự màu mỡ, phì nhiêu. Cõi Tịnh độ của Ngài được miêu tả là “Bao bọc bởi những tàng cây Như ý tỏa tán lá trang nghiêm và rất nhiều dây leo, pháp âm vang rền với âm thanh của nhiều loài chim, với tiếng róc rách của những thác nước; trăm hoa đua nở, quả thơm đầy khắp”. Ngài nối kết với nguyên tố gió – phong đại (vaayu) cũng có nghĩa rằng Ngài nhanh chóng đáp lại những lời khẩn cầu giúp đỡ. Bởi vậy, khi xảy ra đại dịch do mất cân bằng về phong đại, thực hành pháp tu Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara sẽ giúp chúng ta nhanh chóng vượt qua các chướng ngại và viên mãn tâm nguyện.
Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara cũng thể hiện nhiều phẩm chất giác ngộ mẫu tính. Ngài được biết đến như là Người Mẹ nhân từ và trắc ẩn. Ngài là nguồn cội về năng lượng mẫu tính của vũ trụ/vạn vật. Ngài sinh ra, nuôi dưỡng sức sống của sự sáng tạo, và ra tay cứu giúp tất cả chúng sinh như một bà mẹ làm mọi điều vì những đứa con của mình. Trong hình tướng Đức Phật Quan Âm Lục Độ Mẫu Tara, Ngài thị hiện để bảo vệ chúng sinh thoát khỏi những nỗi sợ hãi, hiểm họa, ách nạn trong thế giới luân hồi. Trong khi đó, Đức Phật Quan Âm Bạch Độ Mẫu Tara thị hiện là người mẹ chữa lành bệnh cho những đứa con bị tổn thương cả về tinh thần lẫn tâm linh. Trong hình tướng Đức Phật Quan Âm Hồng Độ Mẫu Tara, Ngài chỉ dạy chúng sinh có nhận thức đúng đắn/sáng suốt về vạn pháp, làm thế nào để chuyển hóa tam độc thành từ bi và trí tuệ.
Như John Blofeld phát triển trong cuốn “Bodhisattva of Compassion” (Bồ-tát của lòng từ bi), Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara thường được miêu tả là một thiếu nữ mười sáu cực kỳ xinh đẹp. Trong “Magic Dance: The Display of the Self-Nature of the Five Wisdom Dakinis” (Vũ Điệu Huyền Diệu - Sự Hiển Lộ Tự Tính của Ngũ Trí Dakini), Ngài Thinley Norbu khám phá rằng sự đại hỷ lạc phương tiện thiện xảo của Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara có thể làm an bình tâm trí thường ngày khi nó trở nên xơ cứng nghiêm trọng hoặc bị câu thúc bởi sự phân biệt nhị nguyên. Khi tâm rộng mở và có thể đón nhận gia trì từ Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara, các năng lượng vi tế tích cực sẽ thúc đẩy sự phát triển tinh thần.
Khi việc thờ phụng Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara phát triển, nhiều bài kệ cầu nguyện, tụng ca được nối kết với Ngài. Những điều này xuất phát từ nhu cầu kính ngưỡng dân gian, và nguồn cảm hứng khiến các bậc thầy tâm linh chấp tác và ghi chép lại các Nghi quỹ thành tựu pháp. Hai cách tiếp cận về Bản tôn Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara bắt đầu xuất hiện. Trong cộng đồng dân gian và các tín đồ thế tục, người dân đơn giản là trực tiếp cầu khẩn Ngài xoa dịu bớt những nhọc nhằn của cuộc sống thế gian. Hai là, Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara trở thành một Bản tôn thực hành để hành giả trưởng dưỡng những phẩm chất của Tara trong chính bản thân họ, cuối cùng chứng đạt giác ngộ.
Pháp thực hành Đức Phật Quan Âm Hồng Độ Mẫu Tara do Thượng sư Liên Hoa Sinh truyền trao cho công chúa Yeshe Tsogyal. Ngài đã thỉnh cầu Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu cất giấu nó như một kho báu. Cho đến thế kỷ XX, bảo báu tàng thư đó mới được khám phá.
Martin Willson trong cuốn “In Praise of Tara - Songs to the Saviouress” (Cầu nguyện Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara - Bài ca dâng lên Bậc cứu độ chúng sinh) đã truy nguyên kinh tạng về Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara của nhiều dòng truyền thừa khác nhau. Ví dụ, một Nghi quỹ Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara nói rằng Ngài Atisha (A Đề Sa) cũng chọn Đức Tara là Bản tôn thiền định chính. Ngài Atisha đã chấp tác một bài tán tụng Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara và ba Nghi quỹ thành tựu pháp. Tác phẩm của Martin Willson cũng đưa ra các biểu đồ cho thấy nguồn gốc của các Mật điển về Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara trong các dòng truyền thừa khác nhau, và các tài liệu đó đủ để minh chứng rằng thực hành Tantra Tara nhanh chóng lan rộng từ khoảng thế kỷ VII trở đi, và vẫn là một pháp tu quan trọng của Phật giáo Kim Cương thừa cho đến ngày nay.
(Nhóm ĐBT biên soạn)
- 1169
Viết bình luận