Bản tôn là gì?
Có lẽ đến lúc này chúng ta cần tìm hiểu rõ hơn về khái niệm Bản tôn. Trong Phật giáo Kim Cương thừa, các hành giả thực hành quán tưởng về Bản tôn dựa trên nền tảng tâm chí thành. Những pháp thực hành Bản tôn này bắt nguồn từ những giáo lý thâm sâu của Đạo Phật và sử dụng kỹ thuật vô cùng thiện xảo để đánh thức sự chứng ngộ ở cấp độ sâu sắc nhất.
Nhờ thực hành Yoga Bản tôn, trí tuệ bản lai hiển lộ, các hành giả trải nghiệm tính không một cách đầy đủ, viên mãn, không bị ngăn ngại. Tính không là phẩm chất quang minh, là bản chất thực của tâm được trải nghiệm khi các vọng tưởng và xúc tình phiền não đã được tiêu trừ. Bản chất này của tâm luôn tồn tại, chưa bao giờ bị hủy hoại mà chỉ tạm thời bị vô minh che chướng. Do vậy tính không là nền tảng, mục đích và kết quả của sự thực hành tâm linh. Vì lý do này, Mật thừa còn được gọi là Quả thừa bởi vì phương pháp tiếp cận khám phá chính là kết quả sẵn có nơi tự thân - Phật không ở đâu khác mà ở chính tâm của chúng ta. Nếu chia chẻ theo truyền thống Căn Đạo Quả thì Căn là tự tính của một hữu tình, Đạo là các phương pháp để trở về với tự tính đó, Quả là sự thực chứng của Căn hợp nhất với Đạo.
Các Bản tôn thiền định trong thực hành Mật thừa là thể hiện của tự tính thanh tịnh. Theo một cách hiểu, thực hành Yoga Bản tôn là phương pháp để tiêu trừ sự phóng chiếu của tâm vô minh coi bản thân, tâm và vũ trụ của chúng ta là không hoàn thiện. Thực hành Yoga Bản tôn là cách để liên hệ với Phật tính của chúng ta. Do vô minh, chúng ta chấp nhầm bản ngã và thế giới xung quanh là có thật và quên đi tự tính tâm của mình. Khi vô minh nhầm lẫn phát triển thì những vọng tưởng nhị nguyên, những tình cảm bám chấp, sân giận và những hành động cùng dấu ấn nghiệp là hệ quả sẽ tự lặp đi lặp lại. Vì vậy, đây gọi là vòng luân hồi, là trải nghiệm khổ đau. Chúng ta không nhận hiểu được rằng tính không luôn tồn tại, chưa bao giờ vắng mặt, dù trong một sát na cuộc sống.
Biện pháp tu tập Mật thừa là sử dụng bất cứ thứ gì chúng ta có, bất cứ điều gì chúng ta tạo tác để làm phương pháp tu tập. Do đó chúng ta sử dụng chính khả năng phóng chiếu và sáng tạo - vốn là ánh sáng trí tuệ không bị che chướng trở ngại của tâm - làm con đường tu tập thiền định chuyển hóa mạnh mẽ. Thay vì sự phân biệt có tính chất khiếm khuyết về dục tính nam nữ, chúng ta có những Phật Bản tôn phụ tính và mẫu tính thể hiện những phẩm chất Phật Từ bi và Trí tuệ. Thay vì những góc tối nhiễm ô trong luân hồi, chúng ta có những tòa cung điện Mandala rực rỡ chói lòa, biến cõi luân hồi thành cõi Phật thù thắng huy hoàng, trở thành Mandala của Tâm giác ngộ.
Bản tôn có thể là hiện thân của lòng bi mẫn hoặc niềm khát khao giác ngộ lợi ích chúng sinh, ví dụ như Bản tôn Thắng Lạc Kim Cương nêu biểu sự viên mãn của Từ bi và Trí tuệ hợp nhất, thể hiện sự chuyển hóa của các căn bản phiền não thành tự tính Phật. Điều này có nghĩa là mỗi sắc tướng, cử chỉ, vũ điệu, mật ấn của các Bản tôn đều nêu biểu cho phẩm tính giác ngộ. Các ngài chính là phẩm chất Phật tính. Thực hành như vậy dẫn tới chứng ngộ về thân, khẩu, ý giác ngộ vốn sẵn có nơi tự tính tâm của mỗi chúng sinh.
Mối liên hệ Thượng sư - đệ tử là điểm cốt yếu, không thể thiếu trong thực hành giai đoạn Phát triển cũng như giai đoạn Thành tựu. Trong giai đoạn Phát triển, mối liên hệ này tạo ra yếu tố kết nối với tự tính Phật của chúng ta với Bản tôn được quán tưởng và Bản tôn này luôn được hiểu là bất khả phân với Căn bản Thượng sư. Thượng sư trở thành sắc tướng Báo thân Phật. Mọi phẩm chất của Phật đều đồng nhất với Thượng sư. Tâm chí thành với Thượng sư cũng mạnh mẽ tới mức tâm Bản tôn và tâm đệ tử là một và tất cả những phẩm tính giác ngộ của Thượng sư bất khả phân với phẩm tính giác ngộ của đệ tử. Đây là Quả của việc thực hành hợp nhất với Bản tôn và chứng ngộ đạt được trong giai đoạn Thành tựu, là phần siêu việt rốt ráo của thực hành Mật thừa.
- 1791
Viết bình luận