Thiền định Bản tôn
Thiền định về Bản tôn là khi bạn không trong Pháp tướng Phật mà trong hình tướng phàm trần của mình và thực hành quán tưởng về Bản tôn. Khi đó điều quan trọng nhất là bạn phải định được. Chẳng hạn như khi thiền định về Thượng sư Liên Hoa Sinh, bạn bắt đầu thiền định từ hoa sen, Ngài sẽ từ từ hiện tướng lên, như vậy gọi là thiền định về Bản tôn.
Bước thứ hai là thiền định về ý nghĩa của những bảo báu trang sức trên thân của Bản tôn. Chẳng hạn như Thượng sư Liên Hoa Sinh có Chĩa Ba Kim Cương tượng trưng cho tam độc là Tham, Sân, Si. Các nghi quỹ Bản tôn khác nhau có những ý nghĩa khác nhau như vậy.
Cuối cùng như tôi đã nói ở trên, các Ngài hiện thân nhưng không phải bằng thân vật chất máu thịt chắc thật, mà là thân phi vật chất ánh sáng ngũ sắc cầu vồng giống như ánh trăng phản chiếu trên mặt nước.
Có thể nói khi thiền định về Bản tôn nghĩa là bạn đang đồng thời thực hành thiền Minh sát, tức là bạn cùng một lúc vừa thiền định và vừa quán tưởng về Bản tôn.
* Cách quán tưởng
Theo tôi, nếu có hiểu nhầm là do số lượng nghi quỹ được dịch sang tiếng Việt còn quá ít, vì khi đọc lời kinh trong nghi quỹ, chẳng hạn như khi đọc Nghi quỹ Tara, trong kinh đã chỉ dạy rất rõ ràng khi nào cần bắt đầu quán tưởng, khi nào kết thúc, tất cả mọi tiến trình đều được viết ra rất rõ ràng. Nhưng khi bạn thực hành những nghi quỹ giản lược, chính do đã giản lược đi nên mới có sự hiểu sai lệch. Chẳng hạn như khi bạn thực hành nghi quỹ Thượng sư Liên Hoa Sinh, bạn chỉ thực hành Quy y, tụng Bảy lời cầu nguyện, rồi liền theo đó bạn trì tụng chân ngôn và hồi hướng. Như vậy khi đó không có sự quán tưởng.
Quán tưởng Bản tôn có thể thực hiện theo bốn hình thức khác nhau. Lý do có bốn hình thức quán tưởng là bởi trong luân hồi có bốn cách tái sinh: (i) thai sinh tức sinh ra từ trong bào thai của người mẹ, (ii) thấp sinh tức sinh ra từ sự ẩm ướt như loài côn trùng, (iii) noãn sinh tức sinh ra từ trứng, và (iv) hóa sinh tức là theo nghiệp lực mà sinh như chư Thiên cõi trời, trường hợp đản sinh của Đức Liên Hoa Sinh cũng là hóa sinh trên hoa sen. Như vậy có bốn cách quán tưởng để tịnh hóa bốn cách thức sinh ra này. Cách quán tưởng để tịnh hóa thai sinh là đầy đủ nhất, bao gồm năm phần. Rồi có pháp tu đối với sự tái sinh từ trứng, chẳng hạn như trong Kim Cương Tát Đỏa hay Ngondro. Theo tôi cách này có ba bước, vì trước hết bạn quán tưởng chủng tử tự PAM, và rồi tiếp đến là chữ PAM hòa tan vào chày kim cương và chày kim cương mới hòa tan vào Đức Phật Kim Cương Tát Đỏa. Ngoài ra, còn có những pháp quán tưởng khác công phu hơn để trở thành Bản tôn, nhưng có lẽ bạn chưa thể thực hành ngay bởi lúc này bạn cần thực hành có thứ lớp.
Tiếp đến là cách để tịnh hóa việc hóa sinh bằng thần thông, tất nhiên Thượng sư Liên Hoa Sinh đã là bậc thanh tịnh, nhưng ngay cả những chư Thiên sinh ra trong Cõi Trời Đâu Xuất, họ không hề có cha hay mẹ sinh ra, cũng không nhờ nhiệt lượng, không sinh từ trứng, họ cứ thế mà sinh ra thôi (hóa sinh). Có ba mươi ba cõi Trời, khi một người mẹ ở cõi Thiên sinh con, người con sẽ chỉ tự nhiên hiện ra trong lòng người cha hoặc người mẹ, không hề có máu hay đớn đau gì cả. Như vậy để tịnh hóa sẽ chỉ cần tức khắc quán tưởng. Chẳng hạn như trong pháp tu Tara, Đức Tara tức thì hiện ra, ngay lập tức ta là Đức Tara. Nói đúng ra các Bậc Thầy thường chỉ dạy các bạn cần quán tưởng nhiều, và sự thực hành quán tưởng càng đầy đủ công phu bao nhiêu thì các bạn sẽ càng được tịnh hóa bấy nhiêu.
Tương tự như vậy cũng có ba loại Mandala: Mandala cát, Mandala thangka và Mandala ba chiều. Càng là Phật tử mới thì các bạn sẽ càng có nhiều nghiệp chướng cần được tịnh hóa và cần tích lũy được nhiều công đức, chẳng hạn tiến trình kiến lập Mandala cát cần có rất nhiều thời gian, công sức nên nhờ vậy cũng sẽ tích lũy được nhiều công đức. Quán tưởng cũng như vậy. Mặc dù hiện nay người ta chẳng muốn làm những việc mất nhiều thời gian, càng ngày mọi người càng muốn mọi thứ đều phải có được ngay. Thế nhưng đối với sự thực hành thì không có lựa chọn nào khác cả, hành giả vẫn cần phải kiên trì tu tập. Chẳng hạn như khi thực hành pháp tu Liên Hoa Sinh, bạn cần lần lượt thực hành Quy Y và Phát Bồ đề tâm, rồi bạn tụng Bảy Lời Cầu Nguyện, rồi tới lúc đó bạn mới quán tưởng Đức Liên Hoa Sinh hiện ra phía trên trước mặt bạn. Rồi khi bạn trì chân ngôn và kết thúc phần trì tụng, bạn quán tưởng Thượng sư Liên Hoa Sinh hòa tan vào bạn, rồi mới hồi hướng.
Song đối với các pháp tu bạn cũng không thể khái quát lại và nói rằng nhìn chung đều như nhau, vì trong Kim Cương thừa như tôi đã nói với các bạn, có nhiều cấp độ quán tưởng khác nhau. Có nghi quỹ cần năm bước, có nghi quỹ chỉ gồm bốn, có nghi quỹ lại chỉ có ba bước quán tưởng, nên bạn không thể khái quát hóa được. Vì thế nên có rất nhiều người có thể rất thuần thục về Kinh thừa hay Đại thừa, song để thuần thục về Kim Cương thừa thì rất khó, vì trong Kim Cương thừa có vô số phương tiện thiện xảo.
Nói thí dụ tới nay chúng ta đã thất lạc nhiều dòng Truyền thừa và nhiều pháp quán đỉnh. Nhưng ngay cả sau khi đã mất đi rất nhiều chúng ta vẫn còn tới khoảng 300 Bản tôn và các pháp quán tưởng của các Truyền thừa khác nhau. Trong Truyền thừa Drukpa, tôi nghĩ chỉ tính riêng trong Truyền thừa Khamtrul, Ngài Khamtrul đời thứ II đã thực hành tất cả 300 pháp quán tưởng, và tôi nghĩ ngoài Ngài ra cũng chưa có ai làm được như vậy. Thông thường thì chúng tôi tập trung nhiều vào pháp tu Chakrasamvara, Varja Yogini, đôi khi cả pháp tu Mahakala, rồi chúng tôi trưởng dưỡng sự hiểu biết rằng hết thảy chư Phật trong Pháp tướng của các Ngài đều như nhau. Như vậy chỉ cần thực hành một pháp thôi, chúng tôi cũng sẽ được phép tu tập các pháp khác nếu như cần thiết.
* Làm sao để vượt qua những khó khăn khi thực hành quán tưởng?
Tôi nghĩ cần thực hành từng bước một. Đầu tiên bạn sẽ không thể quán tưởng, vì vậy bạn cần tin tưởng chắc chắn rằng Thượng sư Liên Hoa Sinh đang hiển hiện nơi đây. Đồng thời luôn giữ bên mình một tấm ảnh và tập trung thật nhiều vào hình ảnh tòa sen, phải hình dung tòa sen thật rõ ràng, những chi tiết khác có thể lờ mờ cũng được không sao, nhưng tòa sen phải thật rõ ràng, tới khi thuần thục rồi bắt đầu đưa thêm mặt trăng và mặt trời vào, rồi dần dần quán tưởng đến các bộ phận ở phía trên, đến cuối cùng là toàn bộ Bản tôn và cảnh giới Mandala của vị Bản tôn.
Song bạn cũng phải hiểu rằng quán tưởng không hề giống như xem một bộ phim, trừ khi bạn là một hành giả rất cao cấp, nếu không thì mới đầu không ai có thể một lúc thấy được mọi thứ rõ ràng giống như xem phim hay nhìn ảnh, tôi nghĩ là không thể làm ngay được như vậy. Tôi đã từng hỏi các Bậc Thầy và các Ngài cũng nói rất khó, vì vậy bạn không nên nản chí.
* Có cần thiết phải tập trung vào hình ảnh Bản tôn trong suốt quá trình thực hành?
Đúng là bạn cần tập trung vào hình ảnh Bản tôn. Nhưng cũng như tôi đã nói, bạn cần hiểu rằng chúng ta chỉ mới bắt đầu tu tập. Khi bắt đầu thực hành nghi quỹ Tara, bạn có thể quán Đức Tara hiện lên trên không trung phía trước trán bạn, rồi sau đó triệu thỉnh hai mươi mốt Đức Tara. Chúng ta cần liên tục quán tưởng Đức Tara, quán tưởng toàn bộ cõi Tịnh Độ của Ngài, phải quán tưởng rằng chúng ta là hàng Bồ tát, chúng ta cũng là Tara. Điều này cần phải được duy trì, nhưng những hành giả mới bắt đầu thì khó có thể trì giữ được tất cả hình ảnh quán tưởng. Vì vậy khi tâm của bạn bắt đầu bị mất tập trung, bạn cần phải níu giữ tâm lại. Nếu tâm bạn lại bị tuột mất thì bạn phải kéo nó quay trở lại đề mục quán tưởng cũng giống như trong thiền Minh sát, khi bạn tìm cách đưa tâm quay trở lại, ở đây cũng như vậy, khi nó tuột đi thì bạn tìm cách đưa nó trở lại. Rồi dần dần quãng thời gian bạn an trụ trong sự quán tưởng sẽ kéo dài ra. Đó là nguyên lý của pháp thực hành.
* Những kỹ thuật nào có thể giúp duy trì việc quán tưởng về Bản tôn?
Cách thức tốt nhất là đừng nên quá căng thẳng, song cũng không nên quá buông lung, như vậy là tốt nhất. Đừng bắt mình căng thẳng quá mức giống như đôi khi bạn phải tập trung quá độ, cố gắng quá độ đến mức thành đau đầu. Bạn chỉ cần tập trung vào một chỗ, nhất là những khi mình ngồi đây và tâm vọng tưởng lang thang khắp mọi nơi. Các Bậc Thầy dạy rằng thiền định và quán tưởng phải giống như căng dây đàn, không được quá căng cũng không được quá chùng.
Thông thường trong Kim Cương thừa, quán tưởng tự thân là Bản tôn được gọi là phương tiện, và kết quả là tính không.
Như vậy Bản tôn giống như một tôn tượng, còn trí tuệ giống như những xá lợi, kinh điển và mật chú yểm ở trong lòng tôn tượng. Vì thế nên đa phần thời gian, trước khi quán tưởng, bạn cần thư giãn an trụ trong tự tính tâm của mình. Trong nghi quỹ thực hành Kim Cương thừa cũng thường có phần quán mở đầu theo đó chúng ta quán từ tính không hay trí tuệ bất nhị trở thành cảnh giới Tịnh Độ của chư Phật hay Bản tôn, và trong cảnh giới này hành giả quán tự thân trở thành Chakrasamvara hoặc một Bản tôn nào khác. Tương tự như vậy, tôi cũng đã nói ở trên, hình tướng cũng là không, âm thanh cũng là không, xúc tình cũng là không, những hiểu biết đó phải tồn tại song hành giống như trí tuệ với phương tiện phải luôn đi kèm với nhau.
* Làm thế nào để hợp nhất tâm với Bản tôn?
Tâm và Bản tôn không thể nào hợp nhất nếu bạn còn mang định kiến. Nếu vẫn còn tư tưởng nhị nguyên thì bạn sẽ không thể nào hợp nhất. Phải bằng tâm không tạo tác, tự tính tâm bất nhị, như vậy bạn có hợp nhất cũng giống như bạn không hợp nhất, vì hợp nhất có nghĩa là trước đó đã phải có sự phân tách rồi mới hợp lại thành một được. Nhưng theo chân lý tuyệt đối mà nói thì từ vô thủy đến nay, tâm của hết thảy chúng sinh và Bản tôn vẫn nhất như, bất khả phân, chỉ vì vô minh ám chướng che dầy nên chúng ta chưa thể nhận ra tự tính hợp nhất này.
Chẳng hạn như Bhutan có một bầu trời, Ấn Độ cũng có bầu trời. Nhưng khi bạn lên đến trên không trung, bạn sẽ hiểu ra rằng bầu trời chưa từng bao giờ bị phân chia. Đó chính là sự hiểu biết cần phải được áp dụng ở đây.
* Làm thế nào để thực hành về Bản tôn trong cuộc sống hàng ngày?
Câu hỏi này rất thú vị, điều này một lần nữa cũng còn tùy thuộc vào từng pháp tu. Chẳng hạn như trong Pháp tu Tara, cấp bậc đầu tiên của nghi quỹ là bạn sẽ quán hòa tan vào chính mình, và tôi nghĩ khi đó bạn chỉ đơn thuần ở trong hình tướng phàm của mình. Nhưng trong một số nghi quỹ Mật thừa khác, thoạt đầu bạn sẽ quán hòa tan hết thảy vào mình, rồi bạn sẽ tan vào hư không, rồi từ đó, vì lợi ích của hết thảy chúng sinh hữu tình, bạn sẽ hiện thân trở lại trong hình tướng của Ngài Heruka. Nhưng đó là dành cho các hành giả đã tu lâu, đây là điều các bạn nên biết nhưng không cần thiết phải làm theo.
Trong cuộc sống thế tục hàng ngày điều bạn cần làm là phải giữ gìn quan kiến thanh tịnh. Bạn không nên xét nét mọi người. Bạn cần phải nhìn nhận rằng tất cả mọi người đều là Bản tôn Chakrasamvara, là Daka hoặc Dakini. Bất cứ khi nào bạn mang một định kiến thế tục thì coi như bạn đã phạm giới và giới nguyện của bạn đã bị bể. Chính vì vậy mà tôi nói giới nguyện trong Kim
Cương thừa rất khó trì giữ. Mỗi âm thanh mà bạn nghe cần phải được chuyển hóa ngay thành chân ngôn và hoặc hiểu rằng đó chỉ là tính không của âm thanh. Mỗi xúc tình khởi lên trong bạn cần phải được chuyển hóa thành trí tuệ bằng cách để mặc cho nó tồn tại trong tính không không có tạo tác ban sơ. Nếu có thể thực hành quan kiến thanh tịnh như vậy rất nhiều lần thì bạn sẽ trở thành giống như một bậc thầy lão luyện. Tôi không thể nhớ ra được câu chuyện sau thuộc về đời hóa thân chuyển thế nào của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa. Chuyện kể rằng khi hành hương tới đỉnh Linh Thứu tại Ấn Độ, nơi Đức Phật từng thuyết giảng tâm Tâm kinh Bát nhã, Ngài đã không thể nào leo lên núi bởi Ngài nhìn thấy mỗi tảng đá trên núi đều là kinh điển. Sở dĩ có điều này vì quan kiến thanh tịnh của các Ngài đã đạt đến cấp độ vô cùng siêu việt. Chính vì vậy, nên có rất nhiều Bậc Thầy thành tựu trong quá khứ đã nói với tôi rằng dấu hiệu của một hành giả thực hành tinh tấn là không thể nhìn ra một lỗi lầm nào ở chúng hữu tình bởi sự quán tưởng của họ đã rất đúng đắn, hoàn hảo. Đối với họ, tất cả đều được hiện ra trong hình tướng của Hóa thân. Khi vượt qua cấp độ đó và đạt tới Thập địa, hành giả sẽ nhận ra hết thảy đều trong hình tướng Pháp thân. Khi đó thì đến cả sự nhìn nhận trong hình tướng Hóa thân cũng không còn tồn tại nữa
- 970
Viết bình luận