Hạnh Tu Nói Lời Ái Ngữ Của Người Phật Tử
Người Phật tử nói những lời ái ngữ, dễ khuyến hoá mọi người tin sâu nhân quả, biết tôn kính Tam bảo và đạt được niềm vui theo con đường học Phật.
Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo là bản kinh Đức Phật thuyết giảng tại Long cung Sa Kiệt La, trước tám ngàn Đại tỳ kheo, ba vạn hai ngàn các vị Bồ tát. Trong Thập thiện nghiệp đạo, Đức Phật có đề cập đến bốn điều lành về khẩu nghiệp.
Ngoài ra Đức Phật còn nói về tu khẩu ngữ trong các pháp môn khác như trong Chính ngữ của Tứ Diệu đế, trong Ái ngữ của Tứ nhiếp pháp và trong các pháp Tứ Vô lượng tâm và Tứ Y pháp.
Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên xin giới thiệu với Quý vị bốn điều lành về khẩu nghiệp và phương pháp tu để diệt trừ nghiệp ác do lời nói gây ra.
Như trên đã nói, Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo mà Đức Phật đã thuyết giảng ở Long Cung bao gồm việc thực hành Mười điều lành trong đó có ba điều về thân nghiệp, ba điều về ý nghiệp và bốn điều về khẩu nghiệp. Bốn nghiệp lành về khẩu ấy bao gồm không nói dối, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời độc ác và không nói lời thêu dệt.
Muốn thực hành bốn nghiệp lành về khẩu, chúng ta phải thực hành hạnh lành khẩu ngữ, tức là nói những lời nói đúng chính pháp như Đức Phật đã chỉ dạy ở phần Chính ngữ trong Bát chính đạo, ở phần Ái ngữ trong Tứ Nhiếp pháp, ở phần Từ Bi Hỷ Xả trong Tứ Vô Lượng Tâm, ở phần Y nghĩa bất y ngữ trong Tứ Y Pháp.
Hiểu đúng về nói lời Ái ngữ
- Ái ngữ là lời nói chân thật: Những lời nói chân thật như không nói dối, không nói lời chia rẽ, không nói lời ác khẩu và không nói lời thêu dệt đều mang tính chất tốt đẹp của sự chân thành làm cho người nghe tin tưởng và cảm mến.
- Ái ngữ là lời nói của tấm lòng nhân ái: Những lời nói xuất phát từ tấm lòng nhân ái, thì bản thân nội dung lời nói đó đã mang một sức mạnh thuyết phục làm cho người nghe ấm lòng như lời khen ngợi, động viên, an ủi, lời tán thán, lời từ chối khéo, lời phân tích chân tình. Những lời nói ấy đem lại một kết quả tốt đẹp cho công việc vì đó là những lời nói của tấm lòng nhân ái. Những lời nói nhân ái thường mang sự tôn trọng, lòng khoan dung độ lượng và biết tùy hỷ, không đố kỵ với người khác.
Trong kinh Tạp A Hàm, Đức Phật đã từng khuyên đệ tử cần phải suy nghĩ trước khi nói, Người nói: “Nếu ta không thích bị người lừa dối, người khác cũng như thế. Vậy tại sao lại lừa dối người khác? Nếu ta không thích người khác chia lìa thân hữu, người khác cũng như thế. Vậy tại sao lại chia lìa thân hữu người khác? Nếu ta không thích người khác nói lời thô ác, người khác cũng như thế. Vậy tại sao đối với người khác, lại mạ nhục họ? Nếu ta không thích người nói lời thêu dệt, người khác cũng như thế. Vậy tại sao đối với người, ta lại nói lời thêu dệt? Cho nên đối với người khác, ta không nên nói lời lừa dối, ly gián, thêu dệt, ác khẩu”.
- Ái ngữ là lời nói vì lợi ích cho người khác: Nói vì lợi ích cho người khác là tạo được sự thuận lợi cho trong cuộc sống của người khác, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho họ, làm cho tâm hồn họ an lạc, thanh thản. Tuy nhiên, nói vì lợi ích cho người khác là điều không dễ bởi vì con người ta thường nặng về chấp ngã nên thường không muốn người khác hơn mình, không muốn người khác được lợi lạc hơn mình về vật chất cũng như tinh thần. Nói vì lợi ích cho người khác không những biểu hiện trong Ái ngữ mà còn là biểu hiện trong Lợi hành nhiếp pháp, cũng là một trong Tứ Nhiếp pháp mà Đức Phật đã giảng giải. Người nói được những lời nói vì lợi ích cho người khác cần phải biết diệt cái “ngã”, nghĩa là phải dẹp bớt cái “ta” và cái “của ta”, phải có tinh thần vô ngã trước mọi sự vật và hiện tượng.
- Ái ngữ là lời nói khuyến thiện: Lời nói khuyến thiện là lời nói đầy công đức và trí tuệ làm cho mọi người thành tựu công đức qua lời nói, việc làm và cả ý nghĩ của mình. Nói lời nói khuyến thiện là nói với cái tâm từ bi nhằm động viên khuyến khích người khác làm những việc tốt, việc thiện. Nói lời khuyến thiện là thúc đẩy sự phát triển tiến bộ, phát huy sự tu tập tinh tấn của người khác hoặc của cả một tập thể. Người nói lời nói khuyến thiện cần phải trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về quan điểm đạo đức xã hội nói chung và về quan kiến của đạo Phật và khi thể hiện người nói phải có phong cách nói thuyết phục và bản lãnh tư duy của mình.
- Ái ngữ là lời nói của cái tâm trong sáng. Nói Ái ngữ là lời nói không lừa lọc, không dối trá, không điên đảo, không ngoa ngoắt, không cường điệu, không phỉnh phờ, không nịnh bợ, không dèm pha chia rẽ. Và do có tâm trong sáng, hướng thiện, người nói lời ái ngữ thường thể hiện tứ vô lượng tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả. Do đó, lời nói của cái tâm trong sáng dễ dàng thuyết phục và thuần hóa tâm hồn người nghe.
(Trích ấn phẩm: "Hành Thập thiện và con đường giải trừ khẩu nghiệp"
Tác giả: Phạm Đình Nhân)
- 1902
Viết bình luận