Pháp hoa thất dụ - Phẩm thứ năm: Ngọc trong áo
Trong kinh Pháp Hoa, mỗi phẩm hầu như đều đề cập đến một câu chuyện, một thí dụ để làm rõ Tích môn, Bản môn và Hạnh môn kinh. Tuy nhiên, Pháp Hoa nổi tiếng với 7 thí dụ, gọi là “Pháp Hoa thất dụ”. Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên xin nêu lại những thí dụ nổi tiếng đó - những thí dụ có tầm ảnh hưởng lớn đối với đời sống tu hành cũng như trong nhiều sáng tác văn chương Phật giáo - qua đó, chúng ta có thể rút ra một số bài học làm tư lương cho đời sống tỉnh thức, giác ngộ của mình.5. Dụ thứ 5: Ngọc trong áo (cũng gọi là Y châu dụ hay Hệ châu dụ - phẩm Ngũ bách đệ tử thọ ký)
Có kẻ đến nhà bạn thân, say rượu nằm ngủ. Người bạn sắp đi việc công, nên đem viên ngọc vô giá buộc vào áo trong của người ấy. Người ấy ngủ say, không hay biết gì cả. Tỉnh dậy thì lang thang đến xứ khác, làm ăn rất cực nhọc, và kiếm được chút ít tự cho là đủ. Về sau người bạn gặp lại, thấy mà phải kêu lên, sao anh đến nông nỗi này. Trước đây muốn cho anh vui thú nên tôi đã đem viên ngọc vô giá buộc vào áo trong của anh, nay đang còn kia. Sao anh không biết để phải tự kiếm sống khó nhọc. Anh thật khờ dại, hãy đem viên ngọc ấy đổi lấy những thứ cần dùng, thì không còn thiếu thốn gì nữa.
Đức Thế Tôn cũng vậy. Khi Ngài làm Bồ tát, đã gieo vào mỗi chúng ta chí nguyện tối thượng, chí nguyện cầu tuệ giác của Bậc Toàn giác. Nhưng chúng ta quên ngay, không hay biết gì hết. Được tuệ giác La hán là tự cho đã Niết bàn, như kẻ kiếm sống cực nhọc, có được chút ít tự cho là đủ. Trong khi đó chí nguyện nói trên vẫn còn y nguyên. Đến khi được Đức Thế Tôn thức tỉnh, chúng ta mới hay rằng cái mà chư vị Thanh văn, Duyên giác, ngay cả Bồ tát đạt được cũng chưa phải là Niết bàn. Nhưng qua đó, chúng ta cũng nhận ra rằng trong mỗi chúng sinh đều có tính giác, đều có hạt châu vô giá, đó chính là Phật tâm, là sự sáng suốt vô ngại.
Chính văn
Bấy giờ, năm trăm vị A-la-hán ở trước Phật được thọ ký xong, vui mừng hớn hở liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước Phật, đầu mặt lạy chân Phật ăn năn lỗi của mình mà tự trách: Thế-Tôn ! Chúng con thường nghĩ như vầy, tự cho mình đã được rốt ráo diệt độ, nay mới biết đó là như người vô trí. Vì sao? Chúng con đáng được trí huệ của Như-Lai mà bèn tự lấy trí nhỏ cho là đủ.
Thế-Tôn! Thí như có người đến nhà bạn thân say rượu mà nằm, lúc đó người bạn thân có việc quan phải đi, lấy châu báu vô giá cột trong áo của gã say, cho nó rồi đi. Gã đó say mèm đều không hay biết, sau khi dậy bèn dạo đi đến nước khác, vì việc ăn mặc mà phải gắng sức cầu tìm rất là khổ nhọc, nếu có được chút ít bèn cho là đủ.
Lúc sau người bạn thân gặp gỡ thấy gã bèn bảo rằng: “Lạ thay! Anh này sao lại vì ăn mặc mà đến nỗi này. Ta lúc trước muốn cho anh được an vui tha hồ thụ năm món dục, ở ngày tháng năm dó, đem châu báu vô giá cột vào trong áo anh nay vẫn còn đó mà anh không biết, lại đi nhọc nhằn sầu khổ để cầu tự nuôi sống thực là khờ lắm; nay anh nên đem ngọc báu đó đổi chác lấy đồ cần dùng thì thường được vừa ý không chỗ thiếu thốn”.
Đức Phật cũng lại như vậy, lúc làm Bồ-Tát giáo hóa chúng con, khiến phát lòng cầu nhất-thiết-trí, mà chúng con liền bỏ quên không hay không biết. Đã được đạo A-la-hán tự nói là diệt độ, khổ nhọc nuôi sống được chút ít cho là đủ, tất cả trí nguyện vẫn còn chẳng mất. Ngày nay Đức Thế-Tôn giác ngộ chúng con mà nói rằng: “Các Tỳ-kheo! Đạo của các ông không phải rốt ráo diệt. Ta từ lâu đã khiến các ông gieo căn lành của Phật, dùng sức phương tiện chỉ tướng Niết-bàn mà các ông cho là thật được diệt độ”.
Thế-Tôn! Chúng con nay mới biết mình thật là Bồ Tát được thọ ký sẽ thành đạo vô-thượng chính-đẳng chính-giác. Vì nhân duyên đó lòng rất vui mừng được điều chưa từng có.
(Lược trích: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
Hán Dịch: Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập
Việt Dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh)
Tham khảo thêm
Pháp Hoa thất dụ - Dụ thứ nhất: Ngôi nhà lửa
Pháp Hoa thất dụ - Dụ thứ hai: Đứa con bỏ nhà đi ăn xin
Pháp Hoa thất dụ - Dụ thứ ba: Cây thuốc
Pháp Hoa thất dụ - Dụ thứ tư: Hóa thành
- 195
Viết bình luận