Đố vui Phật pháp cho bé | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Đố vui Phật pháp cho bé

1. Chữ Đạo nghĩa là gì?

Chữ Đạo có ba nghĩa:

1. Con  đường: như  nhân đạo, thiên đạo, địa ngục đạo, súc sinh đạo v.v...

2. Bổn phận: như đạo thầy trò,  đạo  vợ  chồng,  đạo làm người v.v...

3. Chân  lý  tuyệt đối, cái sáng suốt sẵn có nơi mỗi chúng  sinh:  còn  gọi  là  tánh Phật, Chân  như… Chúng ta  thường hiểu chữ Đạo  trong Phật giáo theo nghĩa này.

2. Chữ Phật nghĩa là gì?

Phật là bậc đã giác ngộ, sáng suốt hoàn toàn. Chữ Phật không chỉ riêng một đức Phật nào, mà là danh từ chung chỉ cho tất cả những ai đã tu hành đạt đến sự giác ngộ sáng suốt.

3. Giác ngộ có mấy bậc?

Giác ngộ có ba bậc:

a. Tự giác: là tự mình giác ngộ do công phu tu tập, thoát khỏi sự si mê tăm tối trong cõi trần.

b. Giác tha: nghĩa là mình đã giác ngộ rồi lại đem những phương pháp tu tập dạy cho chúng sinh khác cũng được giác ngộ như vậy.

c. Giác hạnh  viên mãn:  là  sự  giác ngộ hoàn  toàn và thành tựu đầy đủ mọi hạnh nguyện, lợi mình và lợi người. (Bồ Tát cũng là bậc đã giác ngộ cho mình  và  cho người nhưng  chưa  trọn  vẹn,  chỉ  có Phật mới được gọi là giác hạnh viên mãn).

4. Người khai sáng đạo Phật là ai? Ý nghĩa của tên Ngài?

Người khai sáng đạo Phật là đức Phật Thích-ca Mâu-ni.

- Thích-ca: nghĩa là hay phát khởi lòng từ bi.
- Mâu-ni: nghĩa là tâm hồn luôn luôn yên tĩnh.

Thích-ca Mâu-ni nghĩa  là người hay  phát khởi lòng từ bi mà tâm hồn luôn luôn yên tĩnh.

5. Trước khi xuất gia, Ngài tên là gì? Con của ai? Ở nước nào?

- Trước khi xuất gia, ngài là Thái tử Tất-đạt-đa,

- Con của vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma-da,

- Ở nước Ấn Độ.

6. Khi một người phàm ra đời thì gọi là “đầu thai”, nhưng Phật  Thích-ca ra đời người ta dùng những chữ gì? Ýnghĩa thế nào?

Người ta dùng những chữ:

- Đản sinh: là sự ra đời vui vẻ, làm xán lạn cõi đời.

- Thị hiện: là hiện ra bằng xương bằng thịt cho người đời thấy được.

- Giáng sinh: là từ chỗ cao quý mà hiện xuống một chỗ thấp kém hơn để sinh ra.

Ý nghĩa  là ca ngợi sự tôn quý của Đức Phật. Ngài không phải  xuống trần để trả nghiệp như chúng ta mà để đem lại niềm an lạc hạnh phúc cho chúng ta, giúp chúng ta tìm được con đường giác ngộ.

7. Đức Phật đản sinh ngày nào?

Ngày rằm tháng 4 âm lịch, gọi là ngày Phật Đản.

8. Ý nghĩa thờ Phật là gì?

Chúng ta thờ Phật để tỏ lòng biết ơn Ngài đã dẫn dắt chúng ta đi theo con đường sáng suốt.

Thờ Phật để luôn nhìn thấy gương mẫu của Ngài, với các đức t ính từ bi, trí tuệ, thanh tịnh, từ đó nhắc  nhở  chúng  ta  làm  điều  thiện,  không  làm việc sai trái.

9. Ý nghĩa cúng Phật là gì?

Ngày xưa, các thí chủ cúng dường để phụng dưỡng Đức Phật. Ngày nay chúng ta vẫn cúng dường như thế để xem như Phật vẫn  còn bên  cạnh  chúng  ta, dạy dỗ chúng ta tu tập.

10. Lạy Phật mấy lạy là đúng? Tại sao?

Lạy 3 lạy là đúng nhất. Đó là lạy Phật, lạy Pháp, lạy Tăng (Tam bảo).

Nhưng  thật ra, vì  lòng  thành kính đối với Phật, ta lạy bao nhiêu cũng được, càng lạy nhiều càng tăng phước đức.

Khi lạy 5 vóc phải sát đất (đầu, hai tay, hai gối), nếu không sẽ mắc tội ngã mạn lễ Phật. Nhưng với người bệnh hoạn, hoặc già yếu không lạy được đúng phép thì cũng không có tội, miễn sao giữ tâm thành kính hướng về Phật là tốt.

11. Chúng ta nên cúng Phật món gì?

Đúng  phép  là  cúng  Phật 5  món:  hoa,  đèn,  hương, trái cây, nước trong (có thể thêm cơm trắng).

Nhưng  với  lòng  thương kính,  hình  dung  như  Phật  còn  sống  bên  ta,  có  thể cúng những món mà  ta nấu nướng  thanh  tịnh, như cháo, chè, bánh, cơm chay v.v... Ví như nhà có ông bà tôn quý, ta có món gì ăn cũng thành kính “dâng mời” một  tiếng. Ta  cũng  “dâng mời” Phật như thế để tỏ tấm lòng của ta, chứ Phật nào có ăn!

12. Gia đình nghèo không đủ tiền mua hoa và trái cây thì sao?

Không sao cả! Một nhánh hoa dại hái ngoài đồng đem cúng Phật cũng tốt, một trái mận trong vườn cũng  tốt.  Tấm  lòng  tôn  kính mới thật là quý giá.

13. Cao cả nhất là cúng Phật những gì?

Tốt nhất  là  chúng  ta giữ giới  thanh  tịnh,  tập  cho tâm hồn đừng xao động, mê nhiễm, và cố gắng học hỏi giáo pháp của Phật.

14. Khi đến chùa, chúng ta thường nghe nói Cúng dường Tam bảo, vậy Phật tử hiểu nghĩa như thế nào?

Cúng dường có nghĩa là cung cấp và nuôi dưỡng.

Chúng ta cung cấp và nuôi dưỡng Tam bảo để Tam bảo được trường tồn làm lợi ích cho chúng sinh. Phải cúng dường với lòng thành kính, tôn trọng, tuyệt đối tránh thái độ kiêu căng, cầu phước.

15. Mục đích của sự cúng dường?

Có 3 mục đích:

- Duy trì ngôi Tam bảo được tồn tại để tiếp tục giáo hóa chúng sinh.

- Phát triển ngôi Tam bảo cho phù hợp với thời đại mới, không bị mai một, lạc hậu.

- Bảo vệ Tam bảo khỏi những thế lực quấy phá, mưu hại.
 

16. Định nghĩa thập thiện nghiệp là gì?

Thập  là  10;  thiện  là  tốt  lành;  nghiệp  là  hành động. Thập thiện nghiệp là 10 hạnh lành, có lợi cho chúng sinh trong hiện tại và tương lai.

17. Nơi đâu là chỗ phát khởi của các nghiệp?

Nghiệp  lành  hay  nghiệp  dữ  của  chúng  ta  đều phát khởi ở 3 nơi là thân, khẩu và ý.

Thân là thân thể của ta, sinh ra những việc làm tốt xấu.

Khẩu là miệng của ta, sinh ra những lời nói lành dữ

Ý là suy nghĩ của ta, sinh ra những tư tưởng thiện ác.

18. Hãy kể những nghiệp lành của thân?

Thân có 3 nghiệp lành:

- Không sát sinh
- Không trộm cắp
- Không tà dâm

19. Hãy kể những nghiệp lành của khẩu?

Khẩu có 4 nghiệp lành:

- Không nói dối
- Không nói lưỡi đôi chiều
- Không nói thêu dệt
- Không nói lời hung ác, tục tĩu

20. Hãy kể những nghiệp lành của ý?

Những nghiệp lành của ý:

- Không tham lam
- Không sân hận
- Không si mê

21. Tham là gì?

Tham là khao khát, mong muốn, còn gọi là ái dục.

Tham là tâm bị thu hút vào một đối tượng cần được thoả mãn. Lòng  tham  là cái  túi không đáy, không biết bao nhiêu cho đủ.

22. Ở đời người ta thường tham lam những gì?

Người ta thường tham lam 5 món tài, sắc, danh, thực và thùy, gọi chung là ngũ dục.

- Tài: là tiền bạc, của cải (nhà cửa,ruộng vườn, vật dụng...)

- Sắc: là sắc đẹp (vật dụng, người đẹp, quần áo thời trang, sửa mắt, sửa mũi v.v...)

- Danh: là địa vị, quyền chức, tiếng thơm

- Thực: là món ăn ngon, cao lương mỹ vị, rượu thịt tràn trề.

- Thùy: là chỉ chung sự ngủ nghỉ cho sướng thân

23. Sân hận là gì? Nó có tác hại như thế nào?

Sân hận là giận hờn, hung dữ.

Sân hận có tác hại rất lớn. Nhẹ thì gây buồn khổ, mất ăn mất ngủ, mất cả nét đẹp, mất năng lực làm việc. Nặng thì đốt cháy cả công lao, sự nghiệp, giết người trong chớp mắt.

24. Si mê là gì?

Si mê là không biết nhận định đúng đắn, không phân biệt  tốt xấu, cố chấp  theo ý riêng của mình, hoặc nghe theo những điều mê tín dị đoan.

25. Tam độc là gì? Trong đó, món nào quan trọng nhất?

Tam độc  là 3 thứ độc  làm hại chúng sinh trong nhiều đời nhiều kiếp, chính là 3 món tham, sân, si vừa kể trên.

Trong 3 món đó thì si là quan trọng nhất. Bởi vì si mê không thấy được sự đúng đắn nên tham lam và sân hận mới phát khởi. Nếu tham và sân vừa phát khởi mà trí sáng suốt nhìn ra được, ngăn chặn lại, thì tham, sân sẽ bị dập tắt, chúng ta không gây ra điều xấu.

26. Trong Thập thiện nghiệp, thì vai trò của thân, khẩu và ý nơi nào quan trọng nhất?

Ý là quan trọng nhất. Vì ý dẫn dắt thân và khẩu.

Có phát khởi ý nghĩ xấu thì con người mới làm việc xấu, nói điều xấu. Nếu giữ gìn cho ý được trong sạch thì thân và khẩu sẽ chỉ  làm những điều thiện mà thôi.

27. Hãy đọc một bài kệ liên quan đến nghiệp của thân, khẩu và ý?

Đừng làm những việc ác,
Làm tất cả việc lành.
Giữ tâm ý trong sạch,
Đó là lời Phật dạy.


(Kinh Đại Bát Niết-bàn)

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo.
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng không rời hình.


(Kinh Pháp Cú - Hòa thượng Thích Minh Châu dịch)

28. Định nghĩa Tứ nhiếp pháp là gì?

Tứ là 4; nhiếp là thu phục; pháp là phương pháp.

Lợi tha là làm lợi ích cho người khác. Tứ nhiếp pháp là 4 phương pháp  lợi  tha để  thu phục chúng sinh quay về với Phật pháp.


29. Tứ nhiếp pháp gồm những phương pháp nào?

Tứ  nhiếp  pháp  gồm  4  phương  pháp  là:  Bố  thí nhiếp, Ái  ngữ  nhiếp, Lợi  hành  nhiếp  và Đồng  sự nhiếp.

30. Bố thí nhiếp là gì?

Bố thí nhiếp là đem những gì mình có để cứu giúp người khác, cảm phục họ, để họ thân mến mình mà quay về với đạo.

31. Bố thí có mấy phần?

Bố thí có 3 phần: Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí.

a. Tài thí: (tài là tiền của, vật chất) là đem tiền của, vật chất mà bố thí, để cứu giúp người đang nghèo khổ, hoạn nạn.

b. Pháp  thí:  (Pháp  là giáo pháp  của Đức Phật)  là đem  những  giáo  pháp  quý  báu  của  Đức  Phật mà bố thí, giảng dạy cho chúng sanh. Hoặc đem những phương pháp làm ăn, nghề nghiệp dạy cho người khác, giúp họ sinh sống một cách ổn định.

c. Vô úy  thí:  (vô úy  là không  sợ hãi)  là mang đến sự không sợ hãi cho chúng sanh, che chở, bảo vệ, giúp họ được bình tĩnh, yên ổn.

32. Trong tài thí có mấy phần?

Tài thí có 2 phần là ngoại tài và nội tài.

Ngoại tài là tiền bạc, vật chất mình sở hữu.

Nội  tài  là  tài  sản ngay  nơi  tự  thân của  chính  mình, như  thân  thể,  công sức.  Người  nghèo không có tiền bố thí thì vẫn giúp đỡ được người  khác  bằng công  sức  và  thân thể  của  mình,  như hiến máu nhân đạo, hiến xác cho khoa học, hoặc bỏ công ra đắp lại đoạn đường hư, dắt cụ già qua đường v.v...

33. Ái ngữ nhiếp là gì?

Ái ngữ nhiếp là khéo léo dùng lời hòa nhã, an ủi, khuyên lơn, làm cho chúng sanh mến phục, rồi từ đó họ mới theo ta về với đạo.

34. Lợi hành nhiếp là gì?

Lợi hành nhiếp  là  làm  lợi  ích  cho người bằng ý nghĩ, lời nói, hay hành động, khiến người sinh lòng cảm mến mà theo ta học đạo.

Thí dụ: đắp đường, bắc cầu, đẩy giúp cỗ xe nặng, giới thiệu giúp công ăn việc làm, xây nhà mồ côi, viện dưỡng lão, nấu cơm từ thiện cho bệnh viện...

35. Đồng sự nhiếp là gì?

Đồng sự nhiếp  là tạo điều kiện cùng  làm chung một công việc, xem công việc như một phương tiện để gần gũi, giúp đỡ cho những người làm công việc ấy, để họ cảm phục ta mà về với đạo.

Đồng sự nhiếp là phương pháp hiệu quả nhất vì úng ta có thể làm thường xuyên mỗi ngày, và nhờ   chung  đụng  với họ  trong  cùng một môi  trường ng việc nên hiểu tâm tư, ước muốn của họ hơn, có thể giúp đỡ một cách thiết thực hơn. Và mỗi ngày  đều nêu tấm gương tốt của người Phật tử cho họ hìn thấy, họ sẽ rất cảm kích.

36. Tứ nhiếp pháp có những lợi ích gì?

- Về  phương  diện  cá  nhân: Ta  sẽ  gieo  những  hạt giống thiện lành cho chính ta sau này gặt hái kết quả tốt đẹp.

- Về phương diện gia đình: Mọi người đều vị  tha, đức độ, thì gia đình sẽ trong ấm ngoài êm.

- Về phương diện xã hội: Ta sẽ gây được ảnh hưởng tốt lành và hoán cải được phần nào hoàn cảnh xã hội. Số người  tu  tập Tứ nhiếp pháp  càng nhiều thì xã hội càng thuần lương, thịnh trị.

37. Luân hồi là gì?

Luân là bánh xe; hồi là xoay tròn; luân hồi là sự xoay chuyển,  lên xuống của mỗi chúng sinh trong 6  cõi, khi đầu  thai  cõi này, khi đầu thai  cõi khác, tiếp nối  tử sinh, sinh  tử không ngừng. Hình ảnh bánh xe xoay tròn là hình ảnh rất rõ  ràng mà Phật  dùng  để  chỉ  sự xoay chuyển, lên xuống ấy.


38. Hãy kể ra 6 cõi trong luân hồi?

Lục là 6; đạo là con đường. Sáu cõi (gọi là lục đạo) là 6 cảnh giới khác nhau dành cho chúng sinh, tùy theo nhân quả thiện ác thế nào mà đầu thai về nơi ấy. Sáu cõi gồm có:

1. Địa ngục: là nơi  có những hình phạt nặng nề, đau đớn, dành cho những kẻ  làm nhiều việc ác, tội lỗi nặng nề.

2. Ngạ  quỷ: nghĩa  là  quỷ  đói, bụng rất to nhưng cổ họng rất nhỏ, không nuốt được  thứ gì, bị cơn đói hành hạ triền miên, là  cảnh  giới  của  những  chúng sinh tạo nhiều nghiệp tham lam.

3. Súc  sinh: là những  loài  thú vật, vì ngu si nên bị người  ta đánh đập hoặc giết ăn thịt, là cảnh giới của những chúng sinh tạo nhiều nghiệp si mê.

4. A-tu-la: là một loại thần tánh tình hung hăng nóng nảy, lại thêm tà kiến, si mê, tin theo tà giáo, là cảnh giới  của những  chúng  sinh  tạo nhiều nghiệp  sân hận.

5. Người: là  cõi  có  vui  buồn  sướng khổ,  thiện  ác, nhưng có thể gặp được Chánh pháp mà tu tập giải thoát  thành Phật. Đây  là  cảnh  giới  của  những chúng sinh biết giữ theo Ngũ giới.

6. Trời: là cõi được hưởng nhiều phước báu rất sung sướng, nhưng khi hưởng hết phước vẫn có thể sa đọa xuống những cõi khác thấp hơn. Đây là cảnh giới của  những  chúng  sinh biết tu Thập thiện nghiệp.

39. Khi học Phật Pháp, chúng ta thường nghe nhắc đến TAM HUỆ. Vậy Tam Huệ là gì?

TAM HUỆ  là 3 sự sáng  tỏ mà mọi Phật  tử đều phải trải qua mới đưa đến sự giác ngộ. Đó là VĂN HUỆ, TƯ HUỆ và TU HUỆ.

- VĂN: là lắng nghe giáo pháp, học hỏi ở thầy, bạn, hoặc học từ kinh sách.

- TƯ: là suy xét, nghiền ngẫm các giáo pháp ấy, xem đúng sai, lợi hại thế nào.

- TU: là áp dụng giáo pháp vào đời sống tu hành của mình, thực hành những điều Phật dạy.

40. Hãy trình bày mối liên hệ giữa Văn, Tư và Tu?

Văn, Tư, Tu là ba giai đoạn không thể thiếu trên đường tu tập.

Trước tiên, chúng ta phải tìm hiểu giáo lý của Đức Phật, như tìm một bản đồ để biết đường đi, không lạc lầm, mê tín. (Văn)

Sau đó, phải suy xét giáo lý ấy, vì Phật không hề áp chế con người, mà rất tôn trọng nhận thức của con người, giúp con người làm chủ trước khi quyết định tin theo một giáo thuyết nào. (Tư)

Cuối cùng là phải thực hành giáo pháp ấy thì mới có kết quả an lạc, giải thoát. Nếu chỉ học lý thuyết suông mà không thực hành thì suốt đời chúng ta vẫn cứ phiền não, trầm mình trong luân hồi sinh tử. (Tu)

41. Hãy giải thích hai chữ Nam-mô?

Tiếng Phạn gọi là Nam-mô (Namo); tiếng Trung Hoa dịch là Quy mạng, quy lễ hay kính lễ. Ý nghĩa: chỉ cho sự chí thành hướng về Đức Phật.

42. Bồ-đề là gì?

Tiếng  Phạn gọi  là  Bồ-đề; tiếng  Trung Hoa  dịch  là  trí huệ,  giác,  tri, chỉ trạng thái sáng suốt thấu rõ thật tánh của mọi sự  vật.  Bồ Đề  cũng  được  dùng  để  chỉ  quả  vị mà Đức Phật đã chứng đắc. Đức Phật thành đạo dưới gốc  cây  tất-bát-la,  nên  gọi  cây  đó  là cây  Bồ  Đề.

43. Hằng hà sa số là gì?

Hằng hà sa số nghĩa là số cát sông Hằng. Ý muốn nói số lượng nhiều không thể nghĩ bàn.

Sông Hằng là con sông lớn ở Ấn Độ, cát của sông này rất nhiều và mịn. Đức Phật thuyết pháp khi nói đến số  lượng nhiều không  thể tính đếm, nghĩ bàn cho được, thì Ngài dùng hình ảnh số cát sông Hằng để ví dụ.

44. Già lam là gì?

Tiếng Phạn gọi Già lam; tiếng Trung Hoa dịch là Chúng viên hay Tăng viên; nghĩa  là nơi chư Tăng an  trụ  để  tu học,  vì ngày  xưa  các tinh  xá  để  chư Tăng tu tập đều được xây dựng trong các khu vườn rộng. Ngày nay, Già lam được dùng để chỉ chung các nơi chùa chiền.

45. Sa môn là gì?

Tiếng Phạn là Sa môn; Tiếng Trung Hoa dịch là Cần tức. Cần là siêng năng; tức là dứt trừ; Sa môn nghĩa là người siêng năng thực hành các điều lành, dứt trừ các điều ác.

46. Hãy cho biết Tứ chúng là gì?

Tứ chúng là 4 hàng đệ tử của Phật. Gồm có: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc và Ưu bà di.

Tỳ kheo và Tỳ kheo ni là hai chúng xuất gia. Ưu bà tắc và Ưu bà di là hai chúng tại gia, dịch là Cận sự nam và Cận sự nữ, nghĩa là những người gần gũi Tam bảo, làm những việc hộ trì Tam bảo. Ngày nay thường gọi là cư sĩ nam và cư sĩ nữ.

47. Hãy cho biết Tứ hoằng thệ nguyện là gì?

Là 4 điều thệ nguyện rộng lớn của chư Phật. Bồ Tát khi phát tâm cũng phát 4 nguyện này.

- Chúng  sinh  vô  biên  thệ  nguyện  độ: chúng  sinh nhiều không tính đếm được, cũng nguyện độ hết.

- Phiền  não  vô  tận  thệ  nguyện  đoạn: phiền  não nhiều vô tận, cũng thệ nguyện dứt trừ.

- Pháp môn vô lượng thệ nguyện học: pháp môn của Phật nhiều không lường, cũng nguyện học hết.

- Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành: là tu tập cho kỳ được quả vị vô thượng để thành Phật.

48. Mười danh hiệu của Đức Phật là gì?

Mười danh hiệu của Đức Phật (gọi là Thập hiệu) chỉ cho 10 tính chất cao quý mà chỉ Phật mới đạt đến. Ngay  cả Bồ Tát,  các  vị Tổ  sư  cũng  không dám xưng tụng cho mình. Vì thế, bất cứ ai dám tự xưng một trong 10 thập hiệu này đều là tà ma ngoại đạo.

1. Như Lai: tức là bất sinh bất diệt, hoàn toàn đắc quả chơn như.

2. Ứng cúng: tức là bậc đáng được sự cúng dường của Trời, Người.

3. Chánh biến tri: tức là bậc có trí tuệ hiểu biết tất cả  (biến), hiểu biết một cách chân chánh (chánh).

4. Minh hạnh túc: là bậc có đầy đủ trí tuệ (minh), và đầy đủ giới đức, công hạnh độ sinh (hạnh).

5. Thiện thệ: là bậc đã làm xong các sự lành, vượt qua các nhiễm ô, không trở lại đường sinh tử nữa.

6. Thế gian giải: là hiểu rõ thế gian một cách tường tận, nhờ hiểu rõ nên giải thoát.

7. Vô thượng sĩ: là bậc không ai sánh bằng, không ai hơn được.

8. Điều ngự trượng phu: là bậc có năng lực chế phục tất cả mọi người, từ kẻ trí tới người ngu tối.

9. Thiên nhân sư: là bậc thầy dẫn dắt cả chư thiên và nhân loại theo đường tu chân chánh.

10. Phật Thế Tôn: là đấng giác ngộ, đầy đủ ba khía cạnh  tự  giác,  giác  tha,  và  giác hạnh  viên mãn, được thế gian tôn kính nhất.

(Trích "Đố vui Phật pháp dành cho thiếu nhi"
Biên soạn: Diệu Kim
Hiệu đính: Nguyễn Minh Tiến
Nguồn: NXB Tôn giáo 2015)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6407882
Số người trực tuyến: