6. Phẩm ly thế gian | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

6. Phẩm ly thế gian

Phẩm ly thế gian

Bấy giờ, Trong pháp-hội có một vị Đại-bồ-tát tên là NHẠO-VIỄN-LY-HẠNH nhờ uy-lực Phật, từ tòa đứng dậy, ở trong đại-chúng vì các Bồ-tát nói về A-lan-nhã-hạnh, phổ-cáo hết thảy các Bồ-tát rằng: “Bồ-tát xuất-gia ở A-lan-nhã nên nghĩ: Bởi nhân-duyên gì ta xa lìa thế-gian, tu diệu-hạnh thanh-tịnh ở A-lan-nhã? Các Phật-tử nhất tâm nghe kỹ! Tôi thừa Phật-lực, nay vì các vị phân-biệt diễn-thuyết về A-lan-nhã-hạnh!” Các Bồ-tát nói: “Quý hóa thay! Đại-sĩ đã vì bọn chúng tôi, cùng các vị cầu Bồ-tát-đạo đời mai sau, kính xin Đại-sĩ cứ nói cho, chúng tôi muốn nghe!”
 
Khi ấy, Bồ-tát Nhạo-Viễn-Ly-Hạnh bảo đại-chúng: “Hết thảy thế-gian có nhiều sự sợ-hãi, Bồ-tát xuất-gia vì chán những sợ-hãi nơi thế-gian ấy nên lìa bỏ cha mẹ cùng các quyến-thuộc, mà đến ở nơi A-lan-nhã, tu hạnh viễn-ly.
 
Thế nào là những sự sợ-hãi? - Hoặc có Bồ-tát nghĩ: “ “Ngã” (ta) là sợ-hãi, vì hết thảy phiền-não từ “ngã” sinh ra”. Hoặc có Bồ-tát nói: “Ngã-sở” (chỗ của ta) là sợ-hãi, vì hết thảy phiền-não từ “ngã-sở” sinh ra”. Hoặc có Bồ-tát nói: “Bảy thứ mạn” là sợ-hãi, vì các thứ mạn ấy đều không biết kính người thiện. Hoặc có Bồ-tát lấy “ba độc” kia làm sợ-hãi, vì do nó tạo ra vô lượng tội, phải sa-đọa vào các đường ác. [1] 
 
Hoặc có Bồ-tát lấy “năm dục” kia làm sợ-hãi, vì đam-trước sự vui thế-gian, sẽ phải sa vào tám nạn. Ví như ở đời có con rắn gọi là “thất-bộ-xà”, đương khi nó hại người, sức độc của nó rất mạnh, người ta đi ra qua bảy bước (thất bộ) bị trúng độc, thân-mệnh chết ngay. Sức của một con rắn độc còn làm tổn-hại người như thế, huống là năm con rắn cùng làm sự thương-sát, thời sức độc mạnh thêm, thân-mệnh khó toàn được! Năm dục của đời cũng thế, mỗi một thứ dục-lạc đều có thể dẫn khởi ra tám vạn bốn nghìn vi-tế trần-lao, mê-hoặc kẻ ngu-phu, làm cho họ sa-đọa vào địa-ngục, ngã-quỷ, súc-sinh, cùng các tai-nạn khác, chịu đại-khổ-não, huống là tham-đắm đầy-đủ các món “trần” khác? Vô số chư Phật như số cát sông Hằng ra đời, thuyết-pháp giáo-hóa, thời-gian vun-vút như ánh-sáng qua chỗ hở nhanh-chóng, mà kẻ ngu-phu hoàn-toàn không được trông thấy, vì thường ở trong các đường ác như ở nhà mình, ở trong nơi không được thong-thả như xem trong vườn hí-lạc. Thời quá-khứ có đức Phật muốn khiến chúng-sinh chán bỏ năm dục mà nói bài kệ rằng:
 
Ví như phi-nga thấy ánh lửa,
Bởi yêu lửa quá, đua nhau vào;
Không biết tính lửa có sức cháy,
Bỏ mệnh trong lửa đành tự đốt.
Phàm-phu trên đời cũng như thế,
Ham-thích sắc đẹp đi tìm-tòi;
Không biết sắc đẹp nhiễm vào người,
Lại bị lửa đốt, mọi khổ tới.
Ví như đàn hươu trong rừng-rú,
Ham được cỏ ngon nuôi sống mình;
Thợ săn giả tiếng con hươu mẹ,
Đàn hươu trúng tên đều chết cả.
Phàm-phu trên đời cũng như thế,
Tham đắm mọi tiếng nghe vừa ý;
Không biết tiếng kia nhiễm vào người,
Khổ báo ba đường trở lại chịu.
Ví như ong mật bay đi xa.
Dạo tới rừng xuân hút mọi hoa;
Vì thích mùi thơm nơi má voi,
Tai voi nhân đó trập lại chết.
Phàm-phu trên đời cũng như thế,
Ham thích mọi mùi hương thụ-dụng;
Không biết hương kia nhiễm vào tâm,
Sinh-tử luân-hồi nhiều kiếp khổ.
Ví như cá, rồng ở trong nước,
Bơi, lội, lặn, nổi tự vui-vẻ;
Vì tham mồi thơm bèn cắn câu,
Ham mùi, quên sống đều đến chết.
Phàm-phu trên đời cũng như thế,
Lưỡi ham mùi ngon giúp thân-thể.
Giết người, sống mình tâm thiên-lệch,
Cảm-báo tam-đồ khổ cực trọng.
Ví như voi trắng ở núi rừng,
Tự-tại cũng như sư-tử chúa;
Lòng dục loạn say thành mờ-tối,
Tìm-tòi voi cái sinh tham-nhiễm.
Hết thảy phàm-phu cũng như thế,
Tới chỗ ái-ân như voi cuồng;
Ân-ái ràng-buộc không ngừng thôi,
Chết vào địa-ngục khổ khôn lường.
Trai, gái trên đời tham-cầu nhau,
Đều bởi ham-đắm các sắc-dục;
Nhân, Thiên bởi thế nên ràng-buộc,
Sa-đọa ba đường trong tăm-tối.
Nếu lìa bỏ được tâm tham-dục,
Ở A-lan-nhã tu phạm-hạnh;
Quyết được vượt qua sinh-tử-khổ,
Chóng vào cung “vô-vi, thường-lạc”. [2] 
 
Hoặc có Bồ-tát lấy sự tham nhiều của làm sợ-hãi. Của báu nơi mình thường tìm, tích góp lại, mà không dám thụ-dụng, huống là đem bố-thí cho chúng-sinh nghèo thiếu? Đối với của báu của mình sinh tâm tham-trước lắm, còn đối với của báu của người lại muốn cho tổn-giảm. Bởi nhân-duyên ấy, sau khi mệnh mất phải sa-đọa vào đại-địa-ngục chịu vô-lượng khổ. Khổ-báo như thế gọi là quả-báo chính-cảm thứ nhất. Từ địa-ngục ra chịu thân súc-sinh, thân thường khổ nhọc, nước cỏ không đủ và phải qua trong nhiều thời đền trả sự tổn-hại của người trước. Mọi khổ như thế gọi là quả-báo chính-cảm thứ hai. Chịu tội ấy xong, sinh vào trong ngã-quỷ, nhân khổ đói khát vô-lượng, nghìn kiếp không nghe thấy tên thức ăn, nước uống; cổ nhỏ như kim, bụng to như núi, ví dù được thức ăn uống, theo nghiệp liền biến thành lửa. Thân khổ như thế gọi là quả-báo chính-cảm thứ ba. Hết tội ấy rồi, lại sinh về nhân-gian, nghèo cùng hèn-hạ, bị người sai khiến; đối với các của báu cầu gì khó được và đối với hết thảy thời, không được tự-tại. Dư-báo như thế gọi là “tương-tự-quả”. Hết thảy Bồ-tát thấy biết nhân quả phân-minh như thế, nên thường sinh tâm sợ-hãi muốn cầu giải-thoát. Bởi chỗ sợ-hãi ấy, nên xa-lìa quyến-thuộc và ở nơi A-lan-nhã. [3] 
 
Hoặc có Bồ-tát lấy tâm khát-ái làm sợ-hãi, vì đối với những khi chưa được hết thảy của báu, ngày đêm tìm-tòi, sinh tâm khát-ái. Hoặc có Bồ-tát lấy “ngã, ngã-sở-kiến” (chấp ngã) làm sợ-hãi, vì nó là chỗ nương-tựa của các phiền-não. Hoặc có Bồ-tát lấy các “pháp-kiến” (chấp-pháp) làm sợ-hãi, vì nó là chỗ nương-tựa cho sở-tri-chướng. Hoặc có Bồ-tát lấy sáu mươi hai kiến làm sợ-hãi, vì vào rừng tà-kiến thì khó ra khỏi được. Hoặc có Bồ-tát lấy “nghi” làm sợ-hãi, vì đối với pháp chân-chính sinh tâm nghi-hoặc. Hoặc có Bồ-tát lấy “đoạn kiến” (chấp dứt hẳn) kia làm sợ-hãi, vì chấp không có đời sau, gạt đi, cho là không có nhân-quả, sinh đại-tà-kiến phải đọa vào địa-ngục. Hoặc có Bồ-tát lấy “thường-kiến” (chấp thường còn) kia làm sợ-hãi, vì chấp thân của chúng-sinh trong năm thú, thường hằng quyết-định, theo nghiệp thiện, ác không biến-đổi. Hoặc có Bồ-tát lấy “tật-đố” (ghen-ghét) kia làm sợ-hãi, vì không chịu sự vẻ-vang của người, mang tâm-niệm ác. Hoặc có Bồ-tát thường lấy “điệu-cử” (xao-động) làm sợ-hãi, vì tâm không tịch-tĩnh, sinh tán-loạn. Hoặc có Bồ-tát lấy tâm “bất-tín” (không tin) làm sợ-hãi, ví như người không tay, tuy đến núi báu, nhưng hoàn-toàn không lấy được gì; người không có bàn tay tin-tưởng, tuy gặp Tam-bảo nhưng không được gì. Hoặc có Bồ-tát lấy “vô-tàm” (không thẹn) kia làm sợ-hãi, vì trong không thẹn-hổ, nên thường tạo các nghiệp ác, nghiệp-chướng vô-minh khó thấy được Phật. Hoặc có Bồ-tát lấy tâm “vô-quí” (không hổ) làm sợ-hãi, vì ngoài không thẹn-hổ, bỏ ân bội đức, phải sinh-tử luân-hồi và sa-đọa vào ba đường. Hoặc có Bồ-tát lấy “phẫn-hận” (giận-tức, oán-hận) làm sợ-hãi, vì nó hay làm tổn-hại mình và người, thành ra sự oán-kết lẫn nhau, trong nhiều kiếp, làm chướng-ngại đạo Phật. Hoặc có Bồ-tát lấy sự “vong thất” (quên mất) nhãng quên không nhớ kia làm sợ-hãi, vì đối với sự nghe pháp không ghi nhớ được, quên mất văn-nghĩa, thêm sự ngu-si. [4] 
 
Hoặc có Bồ-tát cho hết thảy những nghiệp đen tối bất thiện là sợ-hãi. Sao vậy? – Vì hết thảy nghiệp bất thiện là nhân sinh-tử, xoay chuyển trong ba cõi không thoát khỏi được, đối với vô-lượng vô-biên sợ-hãi ấy đều làm chướng-ngại thắng-pháp xuất-thế. Hoặc có Bồ-tát lấy “ngũ cái” [5]  làm sợ-hãi, vì năm thứ phiền-não ấy che-lấp tâm Bồ-đề của Bồ-tát. Hoặc có Bồ-tát lấy tâm ghen-ghét (tăng-ố) làm sợ-hãi, đối với các chúng-sinh không có tâm thương-xót, thành tu hạnh Bồ-đề hay thoái-chuyển. Hoặc có Bồ-tát lấy “phá-giới-cấu” làm sợ-hãi, làm nhơ-nhớp Thánh-pháp, khó được quả-báo chân-chính. Hoặc có Bồ-tát lấy “ưu-não” (lo-lắng phiền-não) làm sợ-hãi, vì vọng-tưởng mạnh làm mất nghiệp thiện. Hoặc có Bồ-tát lấy tâm “ác-tác” [6]  làm sợ-hãi, vì đối với chỗ tu thiện sinh tâm hối-tiếc. Hoặc có Bồ-tát nói sự “cuồng túy” (say cuồng) là sợ-hãi, vì không biết thiện, ác, không có tôn-ty. Hoặc có Bồ-tát lấy sự chết không đúng thời làm sợ-hãi, vì không an-trụ chính-niệm, quay về vô-thường. Hoặc có Bồ-tát lấy nghiệp vọng-ngữ làm sợ-hãi, vì kiếp kiếp đời đời có nói-năng gì, hết thảy chúng-sinh đều không tin, nhận. Hoặc có Bồ-tát lấy bốn món điên-đảo [7]  làm sợ-hãi, vì do bốn món điên-đảo ấy phải luân-hồi sinh-tử, khởi nghiệp phiền-não không cầu Phật. Hoặc có Bồ-tát nói “bạn ác” là sợ-hãi, vì theo bạn bất-thiện ấy mà tạo ra nghiệp ác. Hoặc có Bồ-tát lấy “ngũ-uẩn-ma” làm sợ-hãi, vì thân ngũ uẩn này từ phiền-não sinh ra, sinh rồi liền dấy lên vô-lượng phiền-não; nhân các phiền-não tạo nghiệp bất thiện, do các hoặc-nghiệp sa xuống hầm sâu lớn (các đường ác), bởi nhân-duyên ấy sinh ra sợ-hãi. Hoặc có Bồ-tát lấy “phiền-não-ma” làm sợ-hãi, vì đại, tiểu-phiền-não nối-tiếp sinh-tử, làm thoái tâm Bồ-đề, bị sa-đọa vào đường ác. Hoặc có Bồ-tát chán-ngán và lo-lắng về “tử-ma” (chết) làm sợ-hãi, vì phát tâm Bồ-đề chưa được tới chỗ bất-thoái, thân nát, mệnh mất, sinh tâm thoái-chuyển. Hoặc có Bồ-tát cho các Thiên-ma là sợ-hãi, vì họ-hàng Thiên-ma đầy-dẫy trong cõi Dục, làm chướng-ngại người tu đạo, thoái tâm Bồ-đề. Hoặc có Bồ-tát lấy tâm “vô-ký” [8]  làm sợ-hãi, vì đối với thiện-pháp không tiến tu được, luống qua thời-gian dài, lui mất thiện-nghiệp. Hoặc có Bồ-tát lấy tám nạn kia làm sợ-hãi, vì sa-đọa vào tám nạn ấy thời như từ chỗ tối lại vào chỗ tối; đêm dài sinh-tử khó gặp được ánh sáng. Hoặc có Bồ-tát quán địa-ngục kia làm sợ-hãi, vì một khi sa vào địa-ngục, thời trải vô-lượng kiếp chịu đại-khổ-não, khó được giải-thoát. Hoặc có Bồ-tát cho sự sa-đọa vào súc-sinh-đạo là sợ-hãi, vì trong giới bàng-sinh chịu báo ngu-si, trải vô-lượng kiếp khó thoát khỏi được. Hoặc có Bồ-tát thấy ngã-quỷ-đạo là sợ-hãi, vì trong hằng-sa kiếp chịu khổ đói khát, khó gặp được Phật, Pháp, Tăng. Hoặc có Bồ-tát tưởng sự sinh vào cõi Dục làm sợ-hãi, vì phiền-não tạp-khởi, tạo các nghiệp ác, bị sa-đọa vào ba đường. Hoặc có Bồ-tát cho cõi Sắc kia là sợ-hãi, vì “hữu-phú phiền-não” [9]  hay chướng-ngại tu Định. Hoặc có Bồ-tát cho cõi Vô-sắc là sợ-hãi, vì trong ba cõi, cõi ấy tịch-tĩnh quá, cũng như Niết-bàn, nên chúng-sinh vọng-chấp làm cứu-cánh, đến khi kiếp hết mệnh mất phải sa vào địa-ngục. Hoặc có Bồ-tát cho sự thường thường sinh-tử làm sợ-hãi, vì sinh vào nhà tà-kiến, khó ra khỏi được. Hoặc có Bồ-tát cho sự chán bỏ sinh-tử làm sợ-hãi, vì chết đây, sinh kia, thường chịu khổ-não, như thế làm chướng-ngại hạnh Bồ-tát cầu Niết-bàn. Hoặc có Bồ-tát cho giọng tiếng thế-gian là sợ-hãi, vì nó làm cho tâm thường tán-loạn, phương-ngại thiện-nghiệp. Hoặc có Bồ-tát lấy “tâm, ý, thức” [10]  làm sợ-hãi, vì những hành-tướng sở-duyên [11]  của nó không biết được. [12] 
 
Nếu ở nhà thế-tục, do những sự sợ-hãi ấy, ngày đêm nối-tiếp nhau nhiễu-loạn thiện-tâm, không thể chứng được pháp “không sợ-hãi”. Bồ-tát đời quá-khứ ở nơi A-lan-nhã đều chứng được pháp không sợ-hãi, tức là vô-thượng chính-đẳng chính-giác. Bồ-tát đời vị-lai ở nơi A-lan-nhã, đều sẽ được pháp không sợ-hãi, tức là vô-thượng chính-đẳng chính-giác. Các Đại-bồ-tát trong mười phương hiện-tại, ở nơi A-lan-nhã, dứt bỏ hết thảy chướng-ngại, được pháp không sợ-hãi, tức là vô-thượng chính-đẳng chính-giác.
 
Các vị nên biết! Tùy theo căn-khí, nên tu học về sự nhiếp-niệm thân-tâm ở nơi A-lan-nhã của các Bồ-tát trong ba đời, để điều-phục vọng-tưởng vĩnh-viễn không sợ-hãi, đạt tới cứu-cánh vô-thượng chính-đẳng chính-giác. [13] 
 
Lại nữa, Bồ-tát xuất-gia ở nơi A-lan-nhã nên làm nghiệp gì? Nên làm những niệm gì? – Ngày đêm thường suy-nghĩ như thế này: “Hết thảy sợ-hãi sở-hữu của thế-gian đều từ “ngã” sinh , vì hết thảy sợ-hãi, chấp trước vào “ngã” mà sinh ra hết thảy sợ-hãi, “ngã” là căn-bản, hết thảy sợ-hãi “ngã-ái” sinh ra, hết thảy sợ-hãi “ngã-tưởng” sinh ra, hết thảy sợ-hãi “ngã-kiến” sinh ra, hết thảy sợ-hãi “ngã” là trụ-xứ, hết thảy sợ-hãi nhân “ngã” mà sinh, hết thảy sợ-hãi phân-biệt sinh ra, hết thảy sợ-hãi phiền-não sinh ra, hết thảy phiền-não “ngã-ái” sinh ra”. [14] 
 
Nếu ta ở nơi A-lan-nhã không lìa bỏ được sự chấp-trước về “ngã, ngã-sở”, không nên ở trong A-lan-nhã ấy và không bằng trở về ở nhà bạch-y (tại-gia) còn hơn. Sao vậy? - Nếu người có “ngã-tướng” (ta), không nên ở nơi A-lan-nhã. Nếu người có “nhân-tướng” (người) không nên ở nơi A-lan-nhã. Nếu người có đủ cả hai chấp: “ngã, ngã-sở”, không nên ở nơi A-lan-nhã. Nếu người có “pháp-kiến” không nên ở nơi A-lan-nhã. Nếu người có đủ bốn thứ điên-đảo chấp ấy, không nên ở nơi A-lan-nhã. Các vị nghe kỹ! Nếu có người tu-hành y vào Niết-bàn-tướng, cũng không nên ở nơi A-lan-nhã, huống là còn khởi ra các tướng phiền-não. [15] 
 
Các vị nghe kỹ! Nếu có người không chấp-trước vào hết thảy tướng, nên an-trụ nơi A-lan-nhã, thế là đương ngồi trong “Vô-trước đạo-tràng” (nơi không chấp-trước), hết thảy các pháp đều “bất-khả-đắc”. [16]  Nếu người tâm điều-nhu được, không có tranh-luận, nên an-trụ nơi A-lan-nhã. Đối với nhân-duyên ở đời đều không chấp-trước, nên an-trụ nơi A-lan-nhã. Đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc mọi pháp, không còn nương-tựa vào nó, nên an-trụ nơi A-lan-nhã. Đối với hết thảy pháp có sự thấy biết bình-đẳng, nên an-trụ nơi A-lan-nhã. Đối với bốn uy-nghi điều-phục được tâm mình, nên an-trụ nơi A-lan-nhã. Bỏ được hết thảy các sợ-hãi, nên an-trụ nơi A-lan-nhã.
 
Các Phật-tử! Dùng lẽ yếu-ước mà nói thì những người đối với các phiền-não giải-thoát được, nên an-trụ nơi A-lan-nhã. Nếu người thành-tựu được nhân Niết-bàn, nên an-trụ nơi A-lan-nhã. Người khéo tu-hành bốn vô-cấu-tính, nên an-trụ nơi A-lan-nhã. Nếu người có tư-tưởng ít muốn, tri-túc, nên an-trụ nơi A-lan-nhã. Người có trí-tuệ, đầy-đủ đa-văn, nên an-trụ nơi A-lan-nhã. Nếu người tu-hành được ba môn giải-thoát, nên an-trụ nơi A-lan-nhã. Người dứt hẳn được phiền-não ràng-buộc, nên an-trụ nơi A-lan-nhã. Người quán-sát kỹ-lưỡng được mười hai nhân-duyên, nên an-trụ nơi A-lan-nhã. Người mà chỗ tạo-tác đã biện-giải xong, nên an-trụ nơi A-lan-nhã. Người đã bỏ được gánh nặng, nên an-trụ nơi A-lan-nhã. Người chứng-ngộ diệu-lý sâu-xa của chân-như, nên an-trụ nơi A-lan-nhã. [17] 
 
Các vị nên biết! Nơi A-lan-nhã các cây làm thuốc và gỗ lớn, nhỏ đều sinh nơi A-lan-nhã, mà từng không sợ-hãi gì, cũng không phân-biệt gì. Đại-bồ-tát ở nơi A-lan-nhã cũng thế, quán-sát thân-tâm mình như cây khô, tường vách, ngói sỏi…không khác, đối với hết thảy pháp, không có phân-biệt. Ta quán-sát thân tâm ta cũng như huyễn-mộng không thực, từng niệm từng niệm già-suy, hơi thở của ta ra rồi không vào được nữa; khi đó, do nhân thiện, ác, theo nghiệp mà chịu báo. Thân này vô-thường, chóng khởi, chóng diệt, thân này hư-giả, quyết không tồn-tại lâu được. Như thế, trong thân không có “ngã, ngã-sở” (ta, của ta), không có “hữu-tình” (chúng-sinh), không có “mệnh” (thân-mệnh), không có “dưỡng-dục” (nuôi-nấng), không có “sĩ-phu” (người sang, giỏi), không có “nhân” (người), không có “tác-nghiệp” (gây nghiệp), không có “hữu-kiến” (chấp có), mọi tướng như thế bản-lai không-tịch, cũng như hư-không, cũng như bọt nước. Niệm niệm thường nên thực-hành pháp quán như thế, thời hết thảy sợ-hãi đều được giải-thoát, như cây gỗ kia không có sự sợ-hãi. Khi ấy, các Bồ-tát được ở nơi đại-an-lạc không còn có sự sợ-hãi sinh ra, thế gọi là Bồ-tát ở nơi A-lan-nhã, cầu đạo vô-thượng chính-đẳng chính-giác. [18] 
 
Lại nữa, Bồ-tát xuất-gia ở nơi A-lan-nhã, suốt ngày đêm nên quán như thế này: “Nơi A-lan-nhã này là nơi an-vui tu-tập rành bốn vô-cấu-tính. Nơi A-lan-nhã này là nơi tu-tập rành hạnh tri-túc. Nơi A-lan-nhã này là nơi giải-thoát các phiền-não. Nơi A-lan-nhã này là nơi đầy đủ trí-tuệ, đa-văn. Nơi A-lan-nhã này là nơi điều-phục và đoạn-diệt phiền-não-chướng, sở-tri-chướng. Nơi A-lan-nhã này là nơi chứng-nhập ba môn giải-thoát. Nơi A-lan-nhã này là nơi chứng trọn tám pháp giải-thoát. Nơi A-lan-nhã này là nơi quán-sát rành mười hai nhân-duyên. Nơi A-lan-nhã này là nơi dứt-trừ được các nghiệp-chướng. Nơi A-lan-nhã này là nơi chứng quả Dự-lưu đầu tiên. Nơi A-lan-nhã này là nơi chứng quả Nhất lai thứ hai. Nơi A-lan-nhã này là nơi chứng quả Bất-hoàn thứ ba. Nơi A-lan-nhã này là nơi chứng quả A-la-hán thứ tư. Nơi A-lan-nhã này là nơi chứng quả Bích-chi-phật. Nơi A-lan-nhã này là nơi đã biện-giải xong được chỗ tạo-tác, được tự-tại. Nơi A-lan-nhã này là nơi bỏ được các gánh nặng, được nhẹ-nhàng an-vui. Nơi A-lan-nhã này là nơi được “nhị không chân-như”.
 
Nơi A-lan-nhã này là nơi tu vô-lượng đại-từ-tâm. Nơi A-lan-nhã này là nơi tu chứng vô-lượng đại-bi-tâm. Nơi A-lan-nhã này là nơi tu-tập rành “hỷ-vô-lượng”. Nơi A-lan-nhã này là nơi tu-tập rành “xả-vô-lượng”. Nơi A-lan-nhã này là nơi phát tâm Bồ-đề. Nơi A-lan-nhã này là nơi Bồ-tát tu-trì đến Thập-tín. [19]  Nơi A-lan-nhã này là nơi Bồ-tát tu-tiến tuần-tự đến Thập-trụ. [20]  Nơi A-lan-nhã này là nơi Bồ-tát tu thêm dần-dà đến Thập-hạnh. [21]  Nơi A-lan-nhã này là nơi Bồ-tát tu-hành dần-dà đến Thập-hồi-hướng, [22]  Nơi A-lan-nhã này là nơi tu-tập rành bốn thiện-căn. Nơi A-lan-nhã này là nơi tu-hành sáu pháp Ba-la-mật. Nơi A-lan-nhã này là nơi tu-hành từ Sơ-địa đến Thập-địa. Nơi A-lan-nhã này là nơi chứng được sáu căn [23]  thanh-tịnh. Nơi A-lan-nhã này là nơi chứng được Thiên-nhãn-thông. Nơi A-lan-nhã này là nơi chứng được Thiên-nhĩ-thông và Túc-trụ-trí (túc-mệnh), Sinh-tử trí-minh (lậu-tận), Thần-cảnh (thần-túc), Tha-tâm-thông.
 
Nơi A-lan-nhã này là nơi có tàm-quý (thẹn-hổ). Nơi A-lan-nhã này là nơi không phóng-dật (buông-lung). Nơi A-lan-nhã này là nơi tu năm căn. [24]  Nơi A-lan-nhã này là nơi chứng được vô-lượng, vô-biên Tam-muội. Nơi A-lan-nhã này là nơi được Hằng-sa Đà-ra-ni-môn, chứng tự-tại. Nơi A-lan-nhã này là nơi ngộ vô-sinh-nhẫn. [25]  Nơi A-lan-nhã này là nơi dứt sinh-tử, ra hẳn ba cõi. Nơi A-lan-nhã này là nơi được Bất-thoái-chuyển. Nơi A-lan-nhã này là nơi hàng-phục hết thảy mọi ma oán-địch, tiêu-trừ nghiệp-chướng, thấy Phật, nghe Pháp. Nơi A-lan-nhã này là nơi được “Bất-cộng tối-thượng pháp-môn” [26]  của Phật. Nơi A-lan-nhã này là nơi tu-tập “giới-uẩn” thanh-tịnh. Nơi A-lan-nhã này là nơi xuất-sinh “vô-lậu tam-ma-địa” (Định). Nơi A-lan-nhã này là nơi sinh Bát-nhã (trí-tuệ), chứng giải-thoát. Nơi A-lan-nhã này là nơi sinh “giải-thoát tri-kiến”. [27]  Nơi A-lan-nhã này là nơi được ba mươi bảy “Bồ-đề-phận-pháp”. Nơi A-lan-nhã này là nơi được giải-thoát mười hai “nhập”. [28]  Nơi A-lan-nhã này là nơi lìa hẳn mười tám “giới” [29]  hữu-lậu. Nơi A-lan-nhã này là nơi quán-sát mười tám “không” vi-diệu. Nơi A-lan-nhã này là nơi dung-thụ hết thảy các “pháp-không”. Nơi A-lan-nhã này là nơi sinh và tăng-trưởng mười thiện-pháp. Nơi A-lan-nhã này là nơi tăng-trưởng, kiên-cố tâm Bồ-đề. Nơi A-lan-nhã này là nơi chư Phật ba đời khen-ngợi. Nơi A-lan-nhã này là nơi hết thảy Bồ-tát cung-kính, tán-thán.
 
Nơi A-lan-nhã này là nơi đức Phật Tỳ-Bà-Thi (Vipassin) thành đạo ở dưới gốc cây Ni-câu-đà. Nơi A-lan-nhã này là nơi đức Phật Thi-Khí (Sikhin) thành đạo ở dưới gốc cây Thi-lỵ-sa. Nơi A-lan-nhã này là nơi đức Phật Tỳ-Xá-Phù (Vessabhù) thành đạo ở dưới gốc cây A-thi-bà-đa. Nơi A-lan-nhã này là nơi đức Phật Câu-Lưu-Tôn (Kakusandha) thành đẳng-chính-giác ở dưới gốc cây Vô-ưu. Nơi A-lan-nhã này là nơi đức Phật Câu-Na-Hàm-Mưu-Ni (Konàgamana) thành đẳng-chính-giác ở dưới gốc cây Ưu-đàm. Nơi A-lan-nhã này là nơi đức Phật Ca-Diếp (Kassapa) thành đẳng-chính-giác ở dưới gốc cây Sa-đà. Nơi A-lan-nhã này là nơi đức Phật Thích-Ca (Sàkya-muni) thành đạo ở dưới gốc cây Tất-bát-la. Các ông nên biết! Nơi A-lan-nhã có vô-lượng vô-biên công-đức thắng-lợi như thế! [30] 
 
Lúc đó, Bồ-tát Nhạo-Viễn-Ly-Hạnh vì đại-chúng nói bài kệ rằng:
 
Bồ-tát xuất-gia ở Lan-nhã,
Cần nên nghĩ gì, làm nghiệp gì?
Mọi sự sợ-hãi, thế-gian có,
Đều từ “ngã-kiến, ngã-sở” sinh.
Nếu đoạn-trừ được “ngã, ngã-sở”,
Hết thảy sợ-hãi không nơi dựa.
Nếu còn có tâm chấp “ngã-kiến”,
Rốt-ráo không thành Bồ-đề-đạo:
Niết-bàn thường-trụ đều vô-tướng,
Huống là phiền-não phi-pháp-tướng?
Không chấp các pháp và chúng-sinh,
Tâm không tranh-luận, tu chính-niệm;
Trong bốn uy-nghi điều-phục tâm,
Nên ở Lan-nhã thường tịch-tĩnh.
Dứt được phiền-não, tâm tri-túc,
Ở trong Lan-nhã nhà “không-tịch”;
Vào ba môn giải-thoát vô-tướng,
Ở nơi Lan-nhã lìa trần-cấu.
Hay quán mười hai nhân-duyên-pháp,
Tứ-đế, [31]  nhị-không: chân diệu-lý;
Tám pháp thế-gian [32]  không rung-động,
Bồ-tát như thế ở Lan-nhã.
Hay quán thân mình như gỗ khô,
Cũng như bọt nước, như huyễn-mộng;
Không chấp hai bên, [33]  tướng bình-đẳng,
Bồ-tát như thế ở Lan-nhã.
Tội-nghiệp ràng-buộc thân vô-thường,
Bản-lai giả-dối vốn không thực;
Chấp pháp, chấp ngã, chấp tội-tướng,
Ở trong ba đời “bất-khả-đắc”.
Thân mình, thân người không có hai,
Hết thảy các pháp cũng như thế;
Xem kỹ: pháp-tính không đi, lại,
Bồ-tát như thế ở Lan-nhã.
Chiên-đàn thoa mình và tán-thán,
Lấy dao cắt xẻo và mạ-nhục;
Đối hai người ấy không yêu, ghét,
Bồ-tát như thế ở Lan-nhã.
Xuất-gia thích ở A-lan-nhã,
Ngày đêm nên quán-sát như vầy:
Nơi Lan-nhã là chân-đạo-tràng,
Hết thảy Như-Lai thành chính-giác;
Nơi Lan-nhã là diệu-pháp-không,
Chính-pháp xuất-thế từ đấy sinh.
Nơi A-lan-nhã, Thánh tôn-kính,
Sinh ra Tam-thừa Thánh-đạo vậy.
Nơi Lan-nhã là nhà các Thánh,
Hết-thảy Thánh-Hiền thường ở đó;
Nơi Lan-nhã là cung Như-Lai,
Là chỗ mười phương Phật y-chỉ.
Nơi Lan-nhã là tòa Kim-cương,
Chư Phật ba đời đắc-đạo vậy.
Nơi Lan-nhã là cung Niết-Bàn,
Như-Lai ba đời viên-tịch đấy.
Nơi Lan-nhã là nhà “đại-từ”,
Bồ-tát ở đó tu từ-tâm.
Nơi A-lan-nhã là “bi-điền”,
Chư Phật ba đời tu tâm “bi”.
Nơi Lan-nhã là nhà “lục-thông”,
Bồ-tát ở đó dạo chơi khắp.
Nơi Lan-nhã là đại-vô-úy,
Dứt trừ hết thảy sự sợ-hãi.
Nơi Lan-nhã là Tam-ma-địa,
Các người cầu đạo được Định vậy.
Nơi Lan-nhã được Đà-ra-ni,
Những người trì chú được thần-lực.
Nơi Lan-nhã là nhà thiện-pháp, 
Tăng-trưởng hết thảy các thiện-pháp.
Nơi Lan-nhã là nhà Bồ-đề,
Bồ-tát tu đạo được nhẫn-pháp.
Nếu muốn vượt hẳn tam-giới-khổ,
Bồ-đề Niết-bàn nên tu chứng;
Quanh khắp pháp-giới lợi quần-sinh,
Nên ở nhà Bồ-đề Lan-nhã.
Tu về lục-độ, tứ-nhiếp-pháp,
Hồi-thí ba cõi và bốn ơn,
Mình, người đều vào thành Cam-lộ,
Đồng chứng “Nhất-như chân-pháp-giới”. [34] 
 
Khi Nhạo-Viễn-Ly-Hạnh Bồ-tát ma-ha-tát vì đại chúng nói pháp ấy rồi, đức Phật bảo: “Quý-hóa thay! Quý-hóa thay! Thiện-nam-tử! Ông vì đại-chúng và người cầu Phật-đạo đời mai sau, phân-biệt diễn nói về công-đức thù-thắng nơi A-lan-nhã, đem lại lợi-ích an-lạc cho hết thảy chúng-sinh trong hiện-tại và vị-lai xu-hướng Bồ-đề chính-chân giác-đạo, ông sẽ thành-tựu vô-lượng công-đức, mà nghìn đức Phật cùng nói cũng không cùng-tận được.
 
Lúc ấy, trong pháp-hội, Bồ-tát Trí-Quang, vô-lượng a-tăng-kỳ đại-chúng Bồ-tát, nghe công-đức tối-thắng nơi A-lan-nhã, liền được “Văn-trì Đà-ra-ni-môn”. [35]  Vô-lượng chúng-sinh phát-tâm vô-đẳng-đẳng, vô-thượng chính-đẳng chính-giác, được Bất-thoái-chuyển. Nghìn ức chúng-sinh xa-lìa trần-cấu, được pháp-nhãn-tịnh. [36] 
TOÁT-YẾU PHẨM LY THẾ GIAN

 Khi ấy, trong pháp-hội Đại-bồ-tát Nhạo-Viễn-Ly-Hạnh, thay Phật đứng lên phân-biệt về hạnh A-lan-nhã. Bồ-tát nói: “Thế gian có nhiều sự sợ-hãi. Vì chán sự sợ-hãi ấy, Bồ-tát xa thân-thuộc, đến ở nơi A-lan-nhã, để tu hạnh viễn-ly!”
 
“Các Bồ-tát cho những sự và những nơi sau đây là đáng sợ: ngã, ngã-sở, 7 mạn, 3 độc, 5 dục, tham-lam nhiều của, tâm khát-ái, ngã, ngã-sở-kiến, pháp-kiến, 62 kiến, nghi-hoặc, đoạn-kiến, thường-kiến, tật-đố, điệu-cử (xao-động) chẳng tin, không thẹn, không hổ, phẫn-hận (giận-bực, ân-hận), nhãng quên, hết thảy nghiệp bất thiện, ngũ-cái (5 thứ che lấp), ghen-ghét, phá-giới, ưu-não (lo buồn) ác-tác (làm ác), say cuồng, chết không đúng thời, nói dối, 4 món điên-đảo, bạn ác, ngũ-uẩn-ma, phiền-não-ma, tử-ma, thiên-ma, tâm vô-ký, 8 nạn, địa-ngục, súc-sinh, ngã-quỉ, Dục-giới, Sắc-giới, Vô-sắc-giới, thường sinh-tử, chán sinh-tử, tiếng thế-gian, tâm, ý, thức…Ở nơi thế-tục, do những sự sợ-hãi ấy ngày đêm nhiễu-loạn thiện-tâm, nên không thể chứng được pháp “vô-úy”. Các Bồ-tát trong ba đời dứt được chướng-ngại, chứng vô-thượng-giác đều là ở nơi A-lan-nhã!”
 
“Các Bồ-tát ở Lan-nhã thường nghĩ: “Hết thảy sợ-hãi đều từ “ngã, ngã-ái, ngã-tưởng, ngã-kiến” sinh ra. Nếu ai không bỏ được sự chấp-trước về “ngã, ngã-sở, ngã-tướng, nhân-tướng, pháp-kiến” không nên ở nơi Lan-nhã. Cho đến người tu-hành còn y vào Niết-bàn-tướng cũng không nên ở nơi Lan-nhã. Và, chỉ có những người không chấp mọi tướng, tâm điều-nhu được, không chấp nhân-duyên, không chấp 6 trần, thấy, biết bình-đẳng, điều-phục được tâm và bỏ được hết thảy sợ-hãi nên an-trụ nơi A-lan-nhã. Nghĩa là những người giải-thoát phiền-não, có nhân Niết-bàn, tu 4 vô-cấu-tính, ít muốn, tri-túc, có trí-tuệ, đa văn, được 3 giải-thoát, dứt phiền-não, quán 12 nhân-duyên, chỗ tạo-tác biện-giải xong, bỏ được gánh nặng, chứng-ngộ diệu-lý chân-như…nên an-trụ nơi A-lan-nhã!”
 
Dược-thảo, cỏ cây nơi Lan-nhã không sợ-hãi, không phân-biệt, Đại-bồ-tát ở đấy cũng thế. Đại-bồ-tát quán thân tâm mình như cây khô, như huyễn-mộng…, là vô-thường, nên trong thân không có “ngã, ngã-sở, hữu-tình, mệnh, dưỡng-dục, sĩ-phu, nhân (chúng-sinh), tác-nghiệp, hữu-kiến”; vì mọi tướng ấy bản-lai như hư-không, bọt nước! Quán-niệm được thế là không sợ-hãi, được an-lạc. Là Bồ-tát ở nơi Lan-nhã, cầu vô-thượng-giác!”
 
Nơi A-lan-nhã là nơi tu: 4 vô-cấu-tính, hạnh tri-túc, giải phiền-não, đủ trí-tuệ, đa văn, diệt 2 chướng, chứng 3 giải-thoát, 8 giải-thoát, quán 12 nhân-duyên, dứt nghiệp-chướng, chứng quả: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-Phật, được tự-tại, được khinh-an, được nhị không chân-như. Nơi A-lan-nhã là nơi tu 4 vô-lượng-tâm, thập-tín, thập-trụ, thập-hạnh, thập hồi-hướng, 4 thiện-căn, 6 ba-la-mật, thập-địa, chứng được 6 căn thanh-tịnh, chứng được sáu thần-thông.
 
Nơi A-lan-nhã là nơi có tàm-quý, không phóng-dật. Là nơi: tu 5 căn, chứng được vô-lượng vô-biên tam-muội, được Hằng-sa Đà-ra-ni-môn, ngộ vô-sinh-nhẫn, dứt sinh-tử, ra ba cõi, được bất-thoái-chuyển, hàng-phục mọi ma oán, tiêu-trừ nghiệp-chướng, thấy Phật, nghe Pháp, được pháp-môn bất cộng tối thượng, tu giới-uẩn thanh-tịnh, xuất-sinh vô-lậu tam-ma-địa, sinh Bát-nhã, chứng giải-thoát, sinh giải-thoát tri-kiến, được 37 bồ-đề-phận-pháp, thoát 12 nhập, lìa 18 giới, quán 18 không, dung-thụ các pháp-không, sinh 10 thiện-pháp, tăng-trưởng kiên-cố tâm bồ-đề, chư Phật ba đời khen ngợi, hết thảy Bồ-tát cung-kính, tán-thán.
 
Và, nơi A-lan-nhã là nơi đức Phật Tỳ-Bà-Thi, đức Phật Thi-Khí, đức Phật Tỳ-Xá, đức Phật Câu-Lưu-Tôn, đức Phật Câu-Na-Hàm-Mưu-Ni, đức Phật Ca-Diếp và đức Phật Thích-Ca thành đạo.
 
Bồ-tát Nhạo-Viễn-Ly-Hạnh nói xong, đức Phật khen Bồ-tát đã đem lại lợi-ích cho chúng-sinh và Bồ-tát sẽ thành-tựu vô-lượng công-đức, mà đến nghìn đức Phật cùng tán-thán cũng không cùng-tận.
 
Lúc đó, nhiều Bồ-tát được “Văn-trì đà-ra-ni-môn” và nhiều chúng-sinh hoặc phát tâm vô-thượng được bất-thoái-chuyển, hoặc xa lìa trần cấu được pháp-nhãn-tịnh.  
 Chú thích
 
[1]  Đoạn trên, từ chỗ “Bấy giờ”, đến chỗ “các đường ác”, Bồ-tát Nhạo-Viễn-Ly-Hạnh thay Phật nói về sự lìa bỏ thế-gian, tu hạnh A-lan-nhã. Thoạt tiên, Bồ-tát nói với đại-chúng hoan-hỷ cho Bồ-tát nói về hạnh ấy. Bồ-tát nói: sở-dĩ các vị tới ở nơi A-lan-nhã là do chán ngán những phiền-não đáng sợ ở thế-gian.

[2]  Đoạn trên, từ chỗ “Hoặc có Bồ-tát lấy 5 dục”, đến chỗ “thường lạc”, quán-sát riêng biệt về 5 dục ở đời. 5 dục này ví như 5 con rắn “thất-bộ-xà”, làm hại chúng-sinh rất nhiều. Chúng-sinh vì ham-đắm sắc, thanh, hương, vị, xúc mà phải luân-hồi sinh-tử.

[3]  Đoạn trên, từ chỗ “Hoặc có Bồ-tát lấy sự tham…”, đến chỗ “A-lan-nhã”, quán-sát riêng biệt về sự tham của. Người tham của bỏn-sẻn ngay nơi mình, còn đâu là có tâm bố-thí. Tham-lam phải chịu quả-báo chính-thức trong địa-ngục, ngã-quỉ, súc-sinh và cả khi trở lại làm người cũng phải chịu những quả-báo tương-tự như khi gây nhân (tương-tự-quả). Vì vậy phải xa-tránh.

[4]  Đoạn trên, từ chỗ “Hoặc có Bồ-tát lấy tâm khát-ái”, đến chỗ “ngu-si” là quán-sát rộng về các phiền-não.

[5]  Ngũ-cái: 5 thứ làm che-lấp tâm, tính không sinh được thiện-pháp: 1/ Tham-dục: tham-muốn. 2/ Sân-khuể: giận-bực 3/ Thụy-miên: ngủ-nghỉ. 4/ Điệu-hối: xao-động, phàn-nàn. 5/ Nghi-pháp: đối với pháp còn ngờ-vực, do-dự không quyết.

[6]  Ác-tác: Có nghĩa là trước làm, sau hối.

[7]  Bốn món điên-đảo: Tức 4 quỉ điên-đảo đã chú-thích ở số 19 Phẩm Yếm-Xả.

[8]  Vô-ký: Một trong 3 tính. Vô-ký là sự trung-dung của thể-tính trong sự-vật, không thể ghi nhận là tính thiện, cũng không thể ghi nhận là tính ác. Lại, cảm thiện-quả không thể ghi-nhận được, cảm ác-quả cũng không thể ghi-nhận được, đó là “vô-ký”. Thể-tính của vô-ký có 2: 1/ Hữu-phú vô-ký: thể-tính vọng-hoặc rất yếu-ớt, nên gọi là “vô-ký”. Song tự-tính vọng-hoặc ấy có thể che-lấp Thánh-đạo, nên gọi là “Hữu-phú vô-ký”. 2/ Vô-phú vô-ký: Yếu-ớt, mà chẳng phải tự-tính vọng-hoặc, không phải thiện, không phải ác, là “vô-phú vô-ký”.

[9]  Hữu-phú phiền-não: Ám-chỉ vào “Hữu-phú vô-ký”.

[10]  Tâm, ý, thức: “Tâm” có nghĩa là tập-hợp lại và phát-hiện ra, chỉ cho thức A-lại-gia thứ 8. “Ý” có nghĩa là suy-nghĩ, so lường, chỉ cho thức Mạt-na thứ 7. “Thức” có nghĩa là phân-biệt, chỉ cho Ý-thức thứ 6.

[11]  Hành-tướng sở-duyên: Hành-tướng: Tâm-thức đều có tính-năng cố-hữu của nó, tính-năng ấy du-hành trong tất cả tướng-trạng của cảnh-giới (tức là tướng-trạng do hành-động, tạo-tác mà có) nên gọi là “hành-tướng”. Sở-duyên: “Duyên” là dính-líu, là liên-lạc. Tâm-thức là “năng-duyên”, chỗ đối-tượng của tâm-thức là “sở-duyên”. “Hành-tướng sở-duyên” tức là những sự-vật do hành-động tạo-tác, là chỗ bị liên-lạc của tâm, ý, thức.

[12]  Đoạn trên, từ chỗ “Hoặc có Bồ-tát cho hết thảy những nghiệp đen-tối”, đến chỗ “không biết được” là quán khắp tất cả những tạp-nhiễm làm chướng-ngại chính-đạo.

[13]  Đoạn trên, từ chữ “Nếu”, đến chỗ “chính-giác”, chỉ bảo nơi Lan-nhã là nơi tránh xa sợ-hãi của Bồ-tát trong 3 đời.

[14]  Đoạn trên, từ chỗ “Lại nữa”, đến chỗ “sinh ra” là nói rõ nguyên-nhân phát-sinh ra sợ-hãi.

[15]  Đoạn trên, từ chỗ “Nếu ta”, đến chỗ “phiền-não” là nói muốn ở nơi Lan-nhã cần bỏ tất cả mọi chấp, ngay đến chấp là chứng được Niết-bàn cũng phải bỏ.

[16]  Bất-khả-đắc: Tựa như “vô-sở-đắc” (xem trên đã giải).

[17]  Đoạn trên, từ chỗ “Các vị nghe kỹ!” đến chỗ “A-lan-nhã” là nói những người có những công-đức, nên ở nơi A-lan-nhã.

[18]  Đoạn trên, từ chỗ “Các vị nên biết!” đến chỗ “chính-giác” là nên quán lý bình-đẳng làm cho tâm không sinh ra sự phân-biệt.

[19]  Thập-tín: 1/ Tín-tâm. 2/ Tịnh-tiến-tâm. 3/ Niệm-tâm. 4/ Định-tâm. 5/ Tuệ-tâm. 6/ Thí-tâm. 7/ Giới-tâm. 8/ Hộ-tâm. 9/ Nguyện-tâm. 10/ Hồi-hướng-tâm. Mười bậc này đều lấy đức “Tín” làm gốc, nên gọi là “Thập-tín”.

[20]  Thập-trụ: 1/ Phát-tâm-trụ. 2/ Trị-địa-trụ. 3/ Tu-hành-trụ. 4/ Sinh-quý-trụ. 5/ Phương-tiện-trụ. 6/ Chính-tâm-trụ. 7/ Bất-thoái-trụ. 8/ Đồng-chân-trụ. 9/ Pháp-vương-tử-trụ. 10/ Quán-đỉnh-trụ. Mười bậc này đều gọi là “Trụ”, nghĩa là chỗ ở của các vị Bồ-tát an-trụ tâm, đối với sự tu-hành về lục-độ chưa được rốt-ráo mầu-nhiệm, cho nên chỉ gọi là “Trụ”.

[21]  Thập-hạnh: 1/ Hoan-hỷ-hạnh. 2/ Nhiêu-ích-hạnh. 3/ Vô-khuể-hạnh. 4/ Vô-tận-hạnh. 5/ Ly-si-loạn-hạnh. 6/ Thiện-hiện-hạnh. 7/ Vô-trước-hạnh. 8/ Tôn-trọng-hạnh. 9/ Thiện-pháp-hạnh. 10/ Chân-thực-hạnh. Mười bậc này chú-trọng tu-hành về pháp lục-độ hơn các hạnh tu khác, nên gọi là “Hạnh”.

[22]  Thập Hồi-hướng: 1/ Cứu-hộ chúng-sinh, ly chúng-sinh tướng hồi-hướng (cứu-giúp chúng-sinh mà không chấp-trước về sự cứu-giúp). 2/ Bất-hoại hồi-hướng (không bao giờ thoái lui lòng cứu-giúp chúng-sinh). 3/ Đẳng chư Phật hồi-hướng (lòng từ-bi cứu-giúp chúng-sinh đã bằng chư Phật). 4/ Chí nhất-thiết-xứ hồi-hướng (lòng cứu-giúp chúng-sinh mọi việc đều chu-đáo). 5/ Vô-tận công-đức tạng hồi-hướng (tích chứa công-đức vô-tận). 6/ Tùy-thuận nhất-thiết kiên-cố thiện-căn hồi-hướng (thuận theo hết thảy căn lành bền-chắc). 7/ Đẳng tâm tùy-thuận nhất-thiết chúng-sinh hồi-hướng (đem tâm bình-đẳng tùy-thuận hết thảy chúng-sinh). 8/ Như-tướng hồi-hướng (làm các công-đức đều hồi-hướng về tự-tính chân-như). 9/ Vô-trước vô-phược giải-thoát hồi-hướng (không chấp-trước, không ràng-buộc, một lòng giải-thoát). 10/ Pháp-giới vô-lượng hồi-hướng (hồi-hướng về vô-lượng pháp-giới). Mười bậc này đều gọi là “Hồi-hướng”, vì những sự tu-hành của các vị Bồ-tát ấy, đều đem công-đức mà hồi-hướng cho hết thảy. 

[23]  Sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. “Căn” có nghĩa là căn-bản, chủ-động phát-sinh ra ngành-ngọn khác, như do mắt mà sinh ra sự nhận-thức của mắt (nhãn-thức) v.v…

[24]  Năm căn: 5 pháp căn-bản sinh ra các thiện-pháp khác: 1/ Tín-căn. 2/ Tinh-tiến-căn. 3/ Niệm-căn. 4/ Định-căn. 5/ Tuệ-căn.

[25]  Vô-sinh-nhẫn: An-trụ nơi lý không sinh-diệt bất động.

[26]  Bất cộng tối-thượng pháp-môn: Pháp-môn của Phật cao-siêu hơn hết không cộng-đồng với các hàng Nhị-thừa, như : 18 pháp bất cộng v.v…

[27]  Giải-thoát tri-kiến: Một trong 5 phần pháp-thân. Năm phần pháp-thân là: 1/ Giới: 3 nghiệp của Như-Lai lìa hết thảy lỗi trái. 2/ Định: chân-tâm tịch-tĩnh của Như-Lai lìa hết thảy vọng-niệm. 3/ Tuệ: chân-trí viên-minh của Như-Lai quán suốt pháp-tính, tức là căn-bản-trí. 4/ Giải-thoát: thân-tâm Như-Lai giải-thoát hết thảy sự ràng-buộc, tức là Niết-bàn-đức. 5/ Giải-thoát-tri-kiến: biết đã thực giải-thoát, tức là Hậu-đắc-trí. Bởi 5 pháp này mà thành thân Phật nên gọi là “Năm (ngũ) phần pháp-thân”.

[28]  12 nhập: 6 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý thiệp-nhập với 6 trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sinh ra “thức”.

[29]  18 giới: 6 căn, 6 trần và 6 thức. 18 thứ này, mỗi mỗi thứ đều có giới-hạn, địa-vị riêng-biệt của nó, không bị lẫn-lộn nên gọi là “giới”.

[30]  Đoạn trên, từ chỗ “Lại nữa, Bồ-tát xuất-gia ở nơi A-lan-nhã, suốt ngày đêm…”, đến chỗ “như thế”, quán-sát nơi A-lan-nhã đầy-đủ hết thảy công-đức, chư Phật cũng do nơi đây mà thành vô-thượng-giác.

[31]  Tứ-đế: 4 lẽ chân-thực: khổ, tập, diệt, đạo

[32]  8 pháp thế-gian: Tức 8 gió (bát phong) đã chú-thích ở trên.

[33]  Hai bên: Là đoạn và thường. Là hữu và vô. Là tăng-ích và tổn-giảm v.v…

[34]  Nhất-như chân-pháp-giới: Tức là “Nhất-chân-pháp-giới” hoặc “Chân-như pháp-giới”.
Toàn bài kệ trên nói lại ý-nghĩa nên quán-tưởng vô-thường, phá chấp-trước, tu muôn hạnh, thành chính-quả tại nơi A-lan-nhã.

[35]  Văn-trì Đà-ra-ni-môn: Tức là một trong 4 thứ Đà-ra-ni. 4 thứ ấy là: 1/ Pháp-đà-ra-ni (tức Văn-trì đà-ra-ni): đối với giáo-pháp của Phật, nghe, giữ (văn-trì) không quên. 2/ Nghĩa đà-ra-ni: đối với nghĩa của các pháp tóm giữ không quên. 3/ Chú-đà-ra-ni: y vào thiền-định phát ra lời bí-mật, có sự thần-nghiệm không lường, là “chú”. Đối với lời chú ấy tóm giữ không quên, là “Chú-đà-ra-ni”. 4/ Nhẫn-đà-ra-ni: đối với sự an-trụ trong thực-tướng của các pháp là “Nhẫn”, duy-trì sự an-trụ ấy (nhẫn) là “Nhẫn-đà-ra-ni”.

[36]  Đoạn trên, từ chữ “Khi” đến chữ “tịnh”, đức Phật khen Bồ-tát Nhạo-Viễn-Ly-Hạnh và nói về sự đại-chúng nghe pháp được lợi-ích.

("Kinh Đại thừa Bản sinh Tâm địa quán"
Hán dịch: Đường Bát Nhã
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6409396
Số người trực tuyến: