7. Phẩm yếm thân | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

7. Phẩm yếm thân

Phẩm yếm thân [1]

Bấy giờ, Đại-bồ-tát Di-Lặc liền từ tòa đứng dậy, chễ áo vai hữu, gối hữu để xuống đất, chắp tay cung-kính bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Chúng tôi đã ngộ được việc Đại-bồ-tát xuất-gia, chán bỏ thế-gian, ở nơi A-lan-nhã, điều-phục tâm mình, tu hạnh vô-cấu. Song, Bồ-tát ấy ở nơi không-nhàn, tự thân mình nên làm pháp quán gì?

Khi ấy, đức Phật bảo Bồ-tát Di-Lặc: “Quý hóa thay! Quý hóa thay! Thiện-nam-tử! Ông vì chúng-sinh khởi ra tâm đại-bi, thỉnh-vấn Như-Lai về “nhập Thánh-trí-quán diệu-hạnh pháp-môn”. [2]  Ông nên nghe khéo, nay Tôi vì ông nói về vấn-đề ấy!” Bồ-tát Di-Lặc bạch: “Dạ, bạch Thế-Tôn! Chúng tôi nguyện muốn được nghe!” [3] 

Thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia ở nơi A-lan-nhã, khi cầu vô-thượng chính-đẳng chính-giác, thời trong lúc đi, đứng, ngồi, nằm nên quán-sát tỷ-mỷ: “Thân hữu-lậu này có ba mươi bảy thứ bất-tịnh uế-ác, [4]  là thứ không đáng yêu và là thứ không bền-chắc.

Nên quán thân này cũng như đồ gốm, bên ngoài dùng màu sắc sặc-sỡ như vàng bạc bảy báu tô-điểm khéo đẹp nhưng, bên trong lấy phẩn-uế mọi thứ bất-tịnh lấp nhét đầy-ních, rồi hai vai mang gánh đồ ấy đi, ai trông thấy cũng đều sinh lòng ưa-thích, mà không biết trong đồ ấy đựng đầy thứ bất-tịnh. Có sáu con rắn đen ở luôn bên trong đồ ấy, một con cựa-cậy thì đồ liền vỡ nát, sự độc hại, hôi nhơ tóe ra, không ai chịu nổi được. Người thế-gian trang-nghiêm thân mình, như đồ vẽ màu, đựng những thứ bất-tịnh kia. Ba món: Tham, sân, si là tâm-bệnh, ba bệnh: bệnh phong-hàn (cảm lạnh), bệnh hoàng-nhiệt (nóng, sốt, da vàng), bệnh đàm-ấm (ho đờm) là thân bệnh. Trong ngoài sáu bệnh hay làm hại thân-tâm, như sáu con rắn ở trong đồ nhơ; mỗi một con rắn cựa-cậy, đồ liền vỡ nát, thời mỗi một bệnh phát ra, thân tức vô-thường. Thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia ở chốn không-nhàn, quán-sát thân này gọi là “bất-tịnh-quán-tướng” thứ nhất.

Trong ngày đêm, Bồ-tát xuất-gia lại quán thân mình nhơ-nhớp chẳng sạch, cũng như chó chết. Sao vậy? – Thân kia cũng là thứ bất-tịnh nơi cha mẹ làm sinh-duyên.

Bồ-tát xuất-gia lại quán-sát thân mình như tổ-kiến là nơi yên ở của nhiều kiến trong đó, một hôm có con voi trắng đi đến bên tổ, cho mình cọ vào tổ, tổ liền vỡ rớt. Thiện-nam-tử! Tổ ấy là thân ngũ-uẩn, voi trắng là sứ-giả Diễm-ma-la, thân hướng về đời sau khi voi trắng phá tổ kiến.

Bồ-tát xuất-gia lại quán thân mình mà nghĩ rằng: “Nay thân ta này từ đầu đến chân, da, thịt, xương, tủy cùng hòa-hợp nhau làm thành thân mình cũng như cây chuối, ở trong không có thực.

Bồ-tát xuất-gia lại quán thân mình không có sức mạnh, da thịt mỏng che-phủ, như vữa tô-trát tường, ức vạn lông tóc như cỏ mọc trên đất, chút gió nhỏ nhẹ ra vào lỗ chân lông. Như thế, ai là người có trí-tuệ lại ưa thích thân này? Vì, từng sát-na, sát-na, sự suy-bại luôn luôn luân-chuyển!

Bồ-tát xuất-gia lại quán thân mình như nuôi rắn độc mà vời lấy hại. Nay ta tuy đem thức ăn uống quần áo giúp-đỡ nuôi lớn thân này mà nó không biết ơn, rốt-ráo lại làm cho mình phải sa-đọa vào đường ác.

Bồ-tát xuất-gia lại quán thân mình ví như kẻ thù-oán giả làm bạn thân, rình lúc thuận-tiện, đem thuốc độc làm cho mệnh-căn kia chết. Thân ta như thế, vốn không phải chân-thực, quyết đi đến chỗ vô-thường, nên bậc Thánh không yêu quý lắm.

Bồ-tát xuất-gia lại quán thân mình như bọt nước, tuy coi đẹp-đẽ như sắc ngọc lưu-ly, nhưng trong sát-na, nhân-duyên khởi, diệt không thường, vì nó là hữu-vi, nên từng niệm niệm không ở lâu được.

Bồ-tát xuất-gia lại quán thân mình như Càn-thát-bà-thành, [5]  tuy rằng hiện ra tướng-trạng mà không thực có. Nay thân ta cũng như thế.

Bồ-tát xuất-gia lại quán thân mình cũng như ảnh-tượng. Thân ta cũng thế, tuy có nhưng chẳng phải thực.

Bồ-tát xuất-gia lại quán thân mình ví như giặc oán cường-thịnh của nước ngoài. Nay thân ta cũng như thế, giặc oán phiền-não xâm-lược thiện-căn của ta.

Bồ-tát xuất-gia lại quán thân mình như nhà nát, tuy cố-gắng sửa-sang lại nhưng, quyết sẽ hỏng nát. Thân ta cũng như thế, tuy gắng yêu-mến nó, nhớ-nghĩ đến nó nhưng, nó quyết sẽ vô-thường.

Bồ-tát xuất-gia lại quán thân mình như ở gần nước oán-địch, nhân-dân thành ấp, thường mang lòng sợ-hãi. Nay thân ta cũng như thế, trong từng niệm niệm sợ giặc oán vô-thường.

Bồ-tát xuất-gia lại quán thân mình như rất nhiều củi bị lửa đốt cháy, mà lửa dữ ấy vẫn không chán, đủ. Thân ta cũng thế, lấy lửa tham-ái, đốt củi ngũ (năm) dục, tâm càng tăng-trưởng thêm cũng như thế.

Bồ-tát xuất-gia lại quán thân mình như con mới đẻ, từ-mẫu thương-xót luôn luôn gắng công săn-sóc, gìn-giữ. Thân ta cũng thế. nếu không gìn-giữ, thân-tâm bị bệnh, tức không thể tu chứng được.

Bồ-tát xuất-gia lại quán “bản-tính tự thân bất-tịnh”. Ví như có người chán-ngán và lo sợ màu than (đen), mới đặt mọi phương-tiện, lấy nước gột tẩy. Qua nhiều thời-gian màu đen vẫn như cũ và cho đến khi màu than (đen) hết, hoàn-toàn cũng không được ích gì. Thân ta cũng thế, là thân hữu-lậu bất-tịnh, giả-sử lấy nước bể cho đến hết đời vị-lai mà tẩy cũng vô-ích và cũng lại như thế thôi.

Bồ-tát xuất-gia lại quán thân mình như dầu tưới củi, lấy lửa đốt cháy, lại gặp gió lớn, thế mạnh không thể dập tắt được. Thân này cũng thế, là đống củi năm uẩn tưới dầu tham-ái, phóng lửa sân-khuể, sức gió ngu-si không thể ngừng được.

Bồ-tát xuất-gia quán nơi thân mình cũng như ác-tật, vì nó là chỗ ở của bốn trăm bốn bệnh [6] . Cũng như ruột già, là chỗ ở của tám vạn bốn nghìn con trùng. Là chỗ vô-thường, vì hơi thở ra không trở lại được, tức là vô-thường. Cũng như phi-tình thần-thức [7]  dễ thoát, vì đồng như ngói đá. Cũng như nước sông, trước sau mỗi sát-na, không tạm ngừng nghỉ. Cũng như ép dầu, đối với hết thảy mọi sự, đều phải chịu-đựng khổ-nhọc. Thân này như không có chỗ nương-tựa, cũng như con trẻ mất cha mẹ. Thân này như không có người cứu-hộ, cũng như con ễnh-ương bị rắn nuốt. Thân này như huyệt không đáy, vì tâm, tâm-sở-pháp [8]  không thể biết được. Thân này thường không tri-túc, vì đối với năm món dục-lạc, tâm không biết chán. Thân này thường không được tự-tại, vì bị đoạn-kiến, thường-kiến ràng-buộc. Thân này không biết sinh sự thẹn-hổ, vì tuy nhờ họ-hàng nuôi-nấng nhưng, vẫn vứt bỏ sự sống của mình. Thân này như thây chết, vì đối với ngày đêm tiếp nối đi gần đến diệt-hoại. Thân này chỉ để chịu mọi khổ, vì đối với hết thảy mọi chỗ không có gì là sự vui chân-thực. Thân này là chỗ nương-tựa của khổ, vì hết thảy mọi khổ y vào thân mà có. Thân này như làng trống, vì trong thân này không có chủ-tể. Thân này rốt-ráo không-tịch, vì do tính “biến-kế sở-chấp” [9]  dựng, vẽ càn ra vậy. Thân này như vang trong hang, đều là hư-vọng hiển-hiện. Thân này cũng như thuyền buồm, nếu không có thuyền-sư tức bị trôi-giạt. Và thân này cũng như xe lớn vận-tải của báu. Sao vậy? Vì nhờ ngồi trên xe Đại-thừa đến được Bồ-đề vậy. [10] 

Thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia ngày đêm quán-sát, cần mến tiếc thân này, vì còn muốn làm cho chúng sinh ra khỏi bể sinh-tử, đến bờ Niết-bàn.

Khi đức Thế-Tôn nói pháp ấy rồi, Ngài bảo Đại-bồ-tát Di-Lặc rằng: “Thiện-nam-tử! Tu hạnh như thế, là chỗ quán-pháp yếu-ước của người Phật-tử xuất-gia . Nếu có Phật-tử nào phát tâm Bồ-đề vì cầu vô-thượng chính-đẳng chính-giác, ở nơi A-lan-nhã, tu-tập ba mươi bảy quán như thế, lại dạy người ta tu tập pháp-yếu như thế, cùng giải-thuyết, viết chép, thụ-trì, đọc tập, xa lìa hết thảy sự chấp “ngã, ngã-sở”, dứt hẳn sự tham-đắm năm dục-lạc ở đời, sẽ chóng thành-thục được tín-tâm bất hoại, cầu Đại-bồ-đề, không tiếc thân mệnh, huống là các ngọc báu sở-hữu của thế-gian, thời hiện-thân quyết thành-tựu cứu-cánh hết thảy Kim-cương-trí-ấn của Như-Lai và đối với đạo vô-thượng quyết không thoái-chuyển; lục-độ, vạn-hạnh chóng được viên-mãn, chóng thành vô-thượng chính-đẳng chính-giác.

Lúc đó, trong pháp-hội, tám vạn bốn nghìn Bồ-tát mới phát tâm, quá chán thế-gian, được đại-nhẫn-lực, đối với đạo vô-thượng không còn thoái-chuyển. Trăm nghìn Bà-la- môn phát tâm Bồ-đề, thành-thục tín-căn, được bất-thoái-chuyển. Ba vạn sáu nghìn thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân xa lìa trần-cấu, được pháp-nhãn-tịnh. [11] 

TOÁT-YẾU PHẨM YẾM THÂN
 
Đại-bồ-tát Di-Lặc bạch Phật: “Bạch đức Thế-Tôn! Bồ-tát ở nơi A-lan-nhã, tự thân mình nên thực-hành pháp quán gì?”

Đức Phật bảo Đại-bồ-tát Di-Lặc: “Bồ-tát xuất-gia ở nơi A-lan-nhã, cầu vô-thượng-giác, trong khi đi, đứng, nằm, ngồi nên quán thân này có 37 thứ bất-tịnh, không bền và không đáng quý. Quán thân này như cái lọ, bên ngoài màu sắc sặc-sỡ, bên trong đựng đồ nhơ, có 6 con rắn độc. Thân này cũng vậy, tuy trang-điểm nhưng, tâm bệnh: tham, sân, si, thân-bệnh: phong, hoàng, đàm-ấm luôn luôn nhiễu-hại thân tâm. Đó là “bất-tịnh quán-tướng” thứ nhất.

Lại quán thân này nhơ-nhớp như chó chết, như tổ kiến sẽ vỡ, như cây chuối rỗng không không thực, như vữa tô-trát tường, như cỏ mọc trên đất, như nuôi rắn độc, như kẻ oán giả làm thân, như bọt nước, như thành Càn-thát-bà, như bóng dáng, như giặc oán, như nhà nát, như gần nước oán-địch, như củi bị lửa cháy, như con mới đẻ. Thân này là bản-tính bất-tịnh, như dầu tưới củi, lửa cháy gặp gió, như ác tật, như ruột già chứa vi-trùng, như hơi thở, như phi-tình thần-thức, như nước sông, như ép dầu, như ễnh-ương bị rắn nuốt, như huyệt không đáy. Thân này như không chỗ nương-tựa, không biết đủ, không được tự-tại, không biết thẹn-hổ. Thân này như thây chết, là gốc khổ, dễ chịu khổ, rốt-ráo không-tịch. Thân này như làng trống, như vang trong hang, như thuyền buồm không người lái. Nhưng, thân này lại là xe lớn vận-tải của báu. Cần phải mến tiếc thân này, vì còn muốn làm cho chúng-sinh ra khỏi sinh-tử, đến Niết-bàn!”

Đức Phật dạy tiếp: “Tu-hành như thế là pháp-yếu sở-quán của Phật-tử xuất-gia. Phật-tử nào phát tâm bồ-đề, cầu vô-thượng-giác, ở nơi Lan-nhã tu 37 quán như thế, lại dạy người tu và giải-thuyết, viết chép, thụ-trì, đọc tập, bỏ chấp-trước, dứt dục-lạc, chóng được tín-tâm bất-hoại; hiện-thân thành-tựu kim-cương trí-ấn, lục độ, vạn hạnh chóng viên-mãn và chóng thành Phật.

Được nghe phẩm Yếm-thân rồi, 84.000 Bồ-tát mới phát tâm được đại-nhẫn-lực bất-thoái-chuyển; trăm nghìn Bà-la-môn phát tâm bồ-đề và 36.000 thiện-nam, nữ xa lìa trần-cấu, được pháp-nhãn-tịnh.
 
Chú thích

[1]  Yếm-thân: Quán-sát thân-thể bất-tịnh sinh tâm chán-ngán.

[2]  Nhập Thánh-trí-quán diệu-hạnh pháp- môn: Môn quán có hạnh vi-diệu, nhiếp-dẫn hàng Đại-thừa Bồ-tát chứng-nhập Phật-trí.

[3]  Đoạn trên, từ chỗ “Bấy giờ”, đến chữ “nghe”, Bồ-tát Di-Lặc ngờ hỏi, đức Phật ưng-thuận giải-đáp về vấn-đề Bồ-tát ở nơi Lan-nhã cần tu về pháp quán gì.

[4]  37 thứ bất-tịnh uế-ác: Đây là nói về 37 pháp quán về thân-thể bất-tịnh. Theo các kinh nơi thân có 36 vật chia làm 3 loại, nay ghi thêm dưới đây để tiện sự quán-sát:

A.- Ngoại-tướng: Những tướng thuộc bề ngoài của thân có 12 vật: tóc, lông, móng, răng, dử mắt, nước mắt, nước dãi, nước bọt, đại-tiện, tiểu-tiện, ghét và mồ-hôi.

B.- Thân-khí: Những khí-cụ giữ thân-thể, có 12 vật: da-dầy, da mỏng, máu, thịt, gân, mạch, xương, tủy, mỡ lá, mỡ nước, óc và màng.

C.- Nội-hàm: Những vật hàm-tàng trong thân, có 12 thứ: gan, mật, ruột, dạ-dầy, lá-lách, bồ-dục (quả cật), tim, phổi, sinh-tạng, thục-tạng, đờm đỏ và đờm trắng.

[5]  Càn-thát bà-thành: Càn-thát-bà (Gandharva) Tàu dịch là “Hương-ấm”, là tên một người coi về kỹ-nhạc. Càn-thát-bà-thành, là cái thành do nhà huyễn-thuật (nhà kỹ-nhạc) hóa-hiện ra, coi như thực mà là giả. Còn gọi là “Thận-khí-lâu” hay là “Thận-lâu hải-thị” có nghĩa là ánh sáng mặt trời soi xuống bể, sắc bể giọi lên trên không, biến thành lầu gác, thành-quách, thiên hình, vạn-trạng, mà ngày xưa cho là vì con sò (thận) thần nó hóa-hiện ra như vậy, nên có tên ấy. Nói chung, đây chỉ về sự-vật có thực nhưng giả.

[6]  404 bệnh: Theo luận Trí-độ quyển 65 viết: “Thân này do 4 đại (đất, nước, gió, lửa) họp thành, nhưng chúng nó thường xâm-hại lẫn nhau. Trong mỗi một Đại có 101 thứ bệnh phát khởi. Có 202 thứ thuộc về bệnh lạnh (lãnh) do thủy-đại (nước) và phong-đại (gió) phát khởi. Có 202 thứ thuộc về bệnh nóng (nhiệt), do địa-đại và hỏa-đại phát-khởi”. Tổng cộng thành 404 bệnh.

[7]  Phi-tình thần-thức: “Phi-tình” chỉ cho những vật không tình-thức như đất, đá v.v… “Thần-thức” là chỉ cho những tâm-thức của hữu-tình, linh-diệu không thể nghĩ, bàn được. Thần-thức hệ-thuộc cho hữu-tình, mà đây nói thần-thức của phi-tình (phi-tình thần-thức) là ám-chỉ lý vô-ngã (không có cái ta).

[8]  Tâm, tâm-sở-pháp: Theo Duy-thức-học thời tâm gọi đúng là Tâm-vương hay Tâm-pháp, nó có 8 pháp tức là 8 thức: nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý-thức, Mạt-na-thức và A-lại-gia-thức. Và, có 51 pháp sở-hữu, tùy thuộc Tâm-vương gọi là tâm-sở-hữu-pháp, gọi tắt là Tâm-sở.

[9]  Biến-kế sở-chấp: Một trong 3 tính trong Duy-thức-học. Do vọng-tình của phàm-phu tính-toán, so lường hết thảy pháp (sự-vật), rồi chấp đó là thực, gọi là tính “Biến-kế sở-chấp”. Tỷ như người ta tìm thấy xương khỉ giống như xương người, người ta cho loài người là do loài khỉ tiến-hóa vượt bực mà thành.

[10]  Đoạn trên, từ chỗ “Thiện-nam-tử” đến chỗ “Bồ-đề vậy” là nói rõ về quán-sát thân hữu-lậu này là bất tịnh. Trong sự quán-sát này gồm có 37 pháp. Đặc-biệt pháp quán thứ 37, mặc dù thân này là bất-tịnh nhưng, phải có nó để tu tiến đến chỗ giác-ngộ.

[11]  Đoạn trên, từ chỗ “Thiện-nam-tử” đến chỗ “pháp-nhãn-tính”, đức Phật dạy thêm về sự quán thân của Đại-thừa là phải mến tiếc thân, vì còn phải độ-sinh. Tiếp đó, đức Phật kết-thành sự tu 37 quán sẽ chóng thành vô-thượng-giác. Đại-chúng nghe Phật nói về pháp môn này đều được lợi-ích.

("Kinh Đại thừa Bản sinh Tâm địa quán"
Hán dịch: Đường Bát Nhã
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6336335
Số người trực tuyến: