9. Phẩm công đức trang nghiêm
Phẩm công đức trang nghiêm [1]
Bấy giờ, Đại-bồ-tát Di-Lặc bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Như Phật nói ở nơi A-lan-nhã, công-đức thành-tựu sẽ được thành Phật, vậy Bồ-tát làm sao và tu các công-đức gì mà có thể ở trong nơi A-lan-nhã này được? Kính xin đức Thế-Tôn vì tôi mà giải-thuyết cho”.
Lúc đó, đức Phật bảo Đại-bồ-tát Di-Lặc: “Các ông, thiện-nam-tử! Cần tu học chỉ có một đức, là người ấy có thể ở nơi A-lan-nhã, cầu vô-thượng-đạo được. Một đức ấy là gì? Là “quán hết thảy căn-nguyên phiền-não, tức là tự tâm”, hiểu thấu pháp ấy là có thể chịu đựng ở nơi A-lan-nhã được. Sở dĩ thế là sao? Ví như chó dại bị người đánh đuổi, chỉ đuổi theo ngói, đá, chứ không đuổi theo người. Trong đời mai sau, ở nơi A-lan-nhã, người mới phát tâm cũng như thế. Nếu thấy sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, tâm người ấy nhiễm-trước, là người ấy không biết căn-bản phiền-não, không biết nguyên-nhân của năm cảnh [2] từ tự tâm sinh ra; đó tức là chưa thể ở nơi A-lan-nhã được bằng cách toàn-thiện. Bởi nhân-duyên ấy, hết thảy Đại-bồ-tát thích ở nơi tịch-tĩnh, cầu vô thượng-đạo. Nếu khi cảnh ngũ-dục hiện ra trước mắt, nên quán-sát tự tâm và nên nghĩ thế này: “Ta từ đời vô-thủy đến ngày nay, luân-hồi trong sáu thú, không có kỳ nào ra được là đều tự nơi vọng-tâm sinh ra mê-hoặc, điên-đảo, đối với cảnh ngũ-dục, tham-ái nhiễm-trước”. Bồ-tát như thế gọi là người có thể chịu đựng ở nơi A-lan-nhã. Nếu có người hỏi: “Chúng-sinh nào ở đời mai sau sẽ được thành Phật? Nên chỉ người ấy trong đời mai sau, thoát khỏi khổ trong ba cõi, phá bốn ma-quân [3] chóng thành Bồ-đề, chứng-nhập trí-tuệ Phật, hết thảy thế-gian: Thiên, long tám bộ…, đều nên cúng-dàng! Nếu thiện-nam-tử và thiện-nữ-nhân nào lấy tâm thanh-tịnh cúng-dàng vị chân-Phật-tử ở nơi A-lan-nhã như thế, được vô-lượng vô-biên phúc-đức. Như có người đem mọi thứ trân bảo cúng-dàng bi-mẫu được công-đức thế nào, thời công-đức kia cũng như thế không khác. Sao vậy? Người ấy sẽ được vô-thượng chính-đẳng chính-giác, quay xe chính-pháp, độ Nhân, Thiên-chúng, nối Tam-bảo-chủng khiến không đoạn-tuyệt và sẽ là chỗ quy-y cho chúng-sinh. [4]
Lại nữa, thiện-nam-tử! Có hai pháp ràng-buộc người tu hành, làm cho họ không chịu đựng ở nơi A-lan-nhã được: Một là, yêu thích đoạn-kiến tà-pháp. Hai là, yêu thích của báu, đồ vui.
Lại, thiện-nam-tử! Có hai hạng người không chịu đựng ở nơi A-lan-nhã được: Một là, hạng người đầy dẫy sự kiêu mạn. Hai là, hạng người ghét giáo-pháp Đại-thừa.
Lại, thiện-nam-tử! Có hai hạng người không nên ở nơi A-lan-nhã: Một là, hạng người tà-kiến, không tin lời Phật. Hai là, hạng người tự thân phá-giới, sách-dịch trì-giới. Những người như thế, không nên ở nơi A-lan-nhã, cầu đạo vô-thượng. [5]
Lại nữa, thiện-nam-tử! Người đủ bốn đức cần nên an trụ nơi A-lan-nhã. Những gì là bốn? Một là, danh-văn (nghe giỏi): tóm giữ điều nghe được không quên. Hai là, phân-minh: hiểu biết rành-rẽ nghĩa vi-diệu. Ba là, chính-niệm: luôn luôn không phóng-dật. Bốn là, tùy-thuận: như giáo-lý mà thực-hành. Thiện-nam-tử! Nếu có Phật-tử thành-tựu bốn thắng-đức như thế, cần nên an-trụ nơi A-lan-nhã, tu hạnh Bồ-tát, cầu đạo vô-thượng.
Lại nữa, thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia lại có bốn đức, trang-nghiêm tự-thân, ở A-lan-nhã, cầu trí tuệ Phật. Những gì là bốn? Một là, đại-từ. Hai là, đại-bi. Ba là, đại-hỷ. Bốn là, đại-xả. Thiện-nam-tử! Bốn pháp như thế, sinh ra hết thảy phúc-đức, trí-tuệ, đem lại lợi-ích an-vui cho vô-lượng chúng-sinh, chóng chứng pháp Đại-bồ-đề vô-thượng.
Lại nữa, bồ-tát xuất-gia lại có bốn đức, giữ giới thanh-tịnh, đạt đến Bồ-đề. Những gì là bốn? Một là, thường trụ trong bốn vô-cấu-tính. Hai là, thường làm mười hai hạnh Đầu-đà. Ba là, xa lìa tại-gia xuất-gia. Bốn là, bỏ hẳn lừa, nịnh, ghen-ghét. Thiện-nam-tử! Hết thảy Bồ-tát y vào bốn pháp ấy, khỏi hẳn sinh-tử, được Đại-bồ-đề. [6]
Lại nữa, thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia lại có bốn pháp tóm thâu hết thảy thiện. Những gì là bốn? Một là, giữ giới cấm thanh-tịnh, lại có sự nghe nhiều. Hai là, nhập các chính-định, đầy-đủ các trí-tuệ. Ba là, được sáu phép thần-thông, tu cả chủng-trí. Bốn là, phương-tiện thiện-sảo, lại không phóng-dật. Thiện-nam-tử! Bốn pháp như thế, các Bồ-tát trong ba đời cùng tu học, Phật-tử các ông cũng nên tu-tập, sẽ chóng chứng được đạo Bồ-đề rộng lớn vô-thượng.
Lại nữa, thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia đủ bốn pháp, đối với hạnh Bồ-tát được Bất-thoái-chuyển. Những gì là bốn? Một là, bố thí. Hai là, ái-ngữ. Ba là, lợi-hành. Bốn là, đồng sự. Thiện-nam-tử! Bốn hạnh như thế, là con đường đi tới Bồ-đề, là căn-bản lợi-sinh, hết thảy Bồ-tát đều nên tu học.
Lại nữa, thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia lại đủ bốn đức ở nơi A-lan-nhã, giữ giới thanh-tịnh, trang-nghiêm tự-thân. Những gì là bốn? Một là, quán-sát tự-thân không có bản-tính, để dẹp dứt hai chấp (ngã, pháp) chứng lý vô-ngã. Hai là, quán-sát tha-thân cũng không có bản-tính, để đối với kẻ oán, thân, lìa bỏ được sự yêu, ghét. Ba là, thân tâm khoái-lạc, để tâm và tâm sở-pháp không còn phân-biệt. Bốn là, được bình-đẳng-trí, để sinh-tử và Niết-bàn không có sự sai khác. Thiện-nam-tử! Bốn pháp như thế, hết thảy Bồ-tát nên tu-tập, Phật-tử các ông cũng nên tu-tập, sẽ đi tới đạo vô-thượng chính-đẳng Bồ-đề.
Lại nữa, thiện-nam-tử! Hết thảy Bồ-tát lại có bốn nguyện làm cho chúng-sinh được thành-thục và giữ-gìn ngôi Tam-bảo trải qua đại-kiếp-hải quyết không thoái-chuyển. Những gì là bốn? - Một là, thề độ hết thảy chúng-sinh. Hai là, thề đoạn hết thảy phiền-não. Ba là, thề học hết thảy pháp-môn. Bốn là, thề chứng hết thảy Phật-quả. Thiện-nam-tử! Bốn pháp như thế, Bồ-tát lớn, nhỏ đều nên học tập, vì nó là chỗ học của Bồ-tát trong ba đời!
Lại nữa, thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia lại có bốn pháp ở nơi A-lan-nhã, giữ giới thanh-tịnh. Những gì là bốn? - Một là, yêu-thích “không-tính”, vì “không-lý” hiển-lộ. Hai là, được sự không sợ hãi, vì chứng được chính-định. Ba là, đối với các chúng-sinh khởi ra bi-nguyện lớn. Bốn là, đối với hai thứ vô-ngã [7] , không có tâm chán-ngán. Thiện-nam-tử! Bốn pháp như thế là cửa quan-yếu của hết thảy Bồ-tát chứng-nhập Thánh-quả, vì y vào bốn pháp ấy dứt bỏ được hai chướng!
Lại nữa, thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia lại có bốn pháp, ở nơi A-lan-nhã, khéo giữ giới cấm, trang-nghiêm tự thân. Những gì là bốn? - Một là, bỏ hẳn ngã-kiến. Hai là, bỏ ngã-sở-kiến. Ba là, lìa đoạn, thường-kiến. Bốn là, hiểu-biết sâu rộng về mười hai nhân-duyên. Thiện-nam-tử! Bốn pháp như thế, trừ được sự hủy-phạm giới cấm, giữ-gìn tịnh-giới, trang-nghiêm tự thân.
Lại nữa, thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia ở nơi A-lan-nhã, lại quán bốn pháp, giữ được giới cấm, tu thêm diệu-hạnh, cầu đạt Phật-trí. Những gì là bốn? - Một là, quán-sát năm uẩn sinh-diệt. Hai là, quán-sát mười hai nhân-duyên như làng xóm trống. Ba là, quán-sát mười tám giới tính đồng pháp-giới. Bốn là, đối với pháp tục-đế [8] không bỏ, không ham. Thiện-nam-tử! Bốn pháp như thế, hết thảy Bồ-tát nên tu học và vì thế Phật-tử ở nơi A-lan-nhã nên một lòng tu-tập, cầu đạo vô-thượng!
Lại nữa, thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia ở nơi A-lan-nhã, đầy-đủ bốn pháp trì-giới thanh-tịnh, trang-nghiêm tự-thân. Những gì là bốn? - Một là, thành-tựu quán “bất kiến-thân”. Hai là, thành-tựu quán “bất kiến-ngữ”. Ba là, thành-tựu quán “bất kiến-ý”. Bốn là, xa-lìa sáu mươi hai kiến, thành-tựu quán “nhất-thiết-trí” [9] . Thiện-nam-tử! Nếu có Phật-tử thành-tựu bốn pháp thanh-tịnh như thế, hiện-thân chứng được “chính-tính ly-sinh” [10] , cho đến chóng chứng được vô-thượng Bồ-đề. Bởi nhân-duyên ấy, Phật-tử các ông quán bốn pháp-môn như thế, dứt bốn ác-đạo, chứng bốn bậc Niết-bàn, hết thuở vị-lai, độ các chúng-sinh, khiến chứng được đạo vô-thượng chính-đẳng, chính-giác! [11]
Lại nữa, thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia ở nơi A-lan-nhã, đầy-đủ tám pháp Tam-muội thanh-tịnh, trang-nghiêm tự thân. Những gì là tám? - Một là, ngồi một mình ở nơi A-lan-nhã, Tam-muội thanh-tịnh. Hai là, xa-lìa lời nói thêu-dệt, Tam-muội thanh-tịnh. Ba là, xa-lìa năm dục, Tam-muội thanh-tịnh. Bốn là, điều-phục thân-tâm, Tam-muội thanh-tịnh. Năm là, ăn uống tri-túc, Tam-muội thanh-tịnh. Sáu là, xa-lìa ác-cầu, Tam-muội thanh-tịnh. Bảy là, xa-lìa sự nhân nghe giọng tiếng khởi ra tham-ái, Tam-muội thanh-tịnh. Tám là, vì chúng nói pháp không cầu lợi-dưỡng, Tam-muội thanh-tịnh. Thiện-nam-tử! Cần nên tu-tập sẽ chóng chứng được vô-thượng chính-đẳng Bồ-đề!
Lại nữa, thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia ở nơi A-lan-nhã, lại có tám thứ trí-tuệ thanh-tịnh. Những gì là tám? - Một là, năm uẩn thiện-sảo [12] , trí-tuệ thanh-tịnh. Hai là, mười hai xứ thiện-sảo, trí-tuệ thanh-tịnh. Ba là, mười tám giới thiện-sảo, trí-tuệ thanh-tịnh. Bốn là, hai mươi hai căn [13] thiện-sảo phương-tiện, trí-tuệ thanh-tịnh. Năm là, ba giải-thoát-môn thiện-sảo phương-tiện, trí-tuệ thanh-tịnh. Sáu là, hay diệt hết thảy phiền-não thiện-sảo phương-tiện, trí-tuệ thanh-tịnh. Bảy là, hay diệt tùy phiền-não [14] thiện-sảo phương-tiện, trí-tuệ thanh-tịnh. Tám là, hay diệt sáu mươi hai kiến thiện-sảo phương-tiện, trí-tuệ thanh-tịnh. Thiện-nam-tử! Tám thứ trí-tuệ thanh-tịnh như thế, Bồ-tát các ông nên cần tu-tập, sẽ chóng chứng được vô-thượng chính-đẳng Bồ-đề!
Lại nữa, thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia ở nơi A-lan-nhã, lại có tám thứ thần-thông thanh-tịnh, trang-nghiêm tự thân. Những gì là tám? - Một là, đối với mọi sắc-pháp [15] không bị chướng-ngại, được Thiên-nhãn thiện-sảo phương-tiện, thần-thông thanh-tịnh (Thiên-nhãn-thông). Hai là, đối với cảnh thanh-trần (tiếng), không bị chướng-ngại, được Thiên-nhĩ thiện-sảo phương-tiện, thần-thông thanh-tịnh (Thiên-nhĩ-thông). Ba là, đối với các tâm, tâm-sở-pháp của chúng-sinh không bị chướng-ngại, được Tha-tâm-trí thiện-sảo phương-tiện, thần-thông thanh-tịnh (Tha-tâm-thông). Bốn là, ghi nhớ nơi sinh, nơi chết trong quá-khứ không bị chướng-ngại, được Túc-trụ-trí thiện-sảo phương-tiện thần-thông thanh-tịnh (Túc-mệnh-thông). Năm là, đi khắp vô-số cõi Phật trong mười phương không bị chướng-ngại, được Thần-cảnh-trí thiện-sảo phương-tiện, thần-thông thanh-tịnh (Thần-túc-thông). Sáu là, biết được lậu-nghiệp của chúng-sinh hết hay chưa hết không bị chướng-ngại, được Lậu-tận-trí thiện-sảo phương-tiện thần-thông thanh-tịnh (Lậu-tận-thông). Bảy là, diệt được hết thảy phiền-não không bị chướng-ngại, được Vô-lậu-trí thiện-sảo phương-tiện thần-thông thanh-tịnh. Tám là, hiện thấy hết thảy thiện-căn nơi tự-thân hồi-hướng chúng-sinh thiện-sảo phương-tiện thần-thông thanh-tịnh. Thiện-nam-tử! Tám thứ thần-thông thanh-tịnh như thế, các Bồ-tát trong mười phương đồng tu học, Bồ-tát các ông cũng nên tu-tập, sẽ chóng chứng được vô-thượng chính-đẳng Bồ-đề!
Lại nữa, thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia ở A-lan-nhã, hiện thân được tám thứ thanh-tịnh. Những gì là tám? Một là, thân-nghiệp thanh-tịnh. Hai là, ngữ-nghiệp thanh-tịnh. Ba là, ý-nghiệp thanh-tịnh. Bốn là, chính-tính [16] thanh-tịnh. Năm là, chính-niệm thanh-tịnh. Sáu là, Đầu-đà thanh-tịnh. Bảy là, lìa xiểm-nịnh thanh-tịnh. Tám là, một niệm không quên tâm Bồ-đề thanh-tịnh. Thiện-nam-tử! Nếu có Phật-tử ở nơi A-lan-nhã, đầy-đủ tám thứ thanh-tịnh như thế, hiện-thân thành-tựu vô-biên thiện-căn, không bị thoái-chuyển đạo vô-thượng chính-đẳng, chính-giác!
Lại nữa, thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia lại có tám thứ: Đa-văn (nghe, học nhiều) thanh-tịnh, trang-nghiêm tự thân. Những gì là tám? - Một là, tôn-kính Hòa-thượng, A-xà-lê, đa-văn thanh-tịnh. Hai là, xa-lìa kiêu-mạn, sinh tâm nhún-nhường, đa-văn thanh-tịnh. Ba là, tinh-tiến dũng-mãnh, đa-văn thanh-tịnh. Bốn là, an-trụ chính-niệm, đa-văn thanh-tịnh. Năm là, vì người cầu pháp, nói nghĩa sâu rộng, đa-văn thanh-tịnh. Sáu là, không ưa bảo-hộ mình, chê người, đa-văn thanh-tịnh. Bảy là, thường hay quán-sát hết thảy thiện-pháp, đa-văn thanh-tịnh. Tám là, lắng nghe chính-pháp, y như chỗ nói mà tu-hành, đa-văn thanh-tịnh. Thiện-nam-tử! Tám thứ đa-văn thanh-tịnh như thế, Bồ-tát các ông đều nên tu-tập, sẽ chóng chứng được Vô-thượng chính đẳng Bồ-đề! [17]
Khi đức Thế-Tôn nói những hạnh Bồ-tát như thế rồi, Ngài bảo Đại-bồ-tát Di-Lặc rằng: “Thiện-nam-tử! Sau khi Tôi nhập Niết-bàn chừng năm trăm năm lúc chính-pháp sắp diệt, vô-lượng chúng-sinh chán, bỏ thế-gian, khát-ngưỡng Như-Lai, phát-tâm vô-thượng chính-đẳng chính-giác vào nơi A-lan-nhã, vì đạo vô-thượng, tu-tập những hạnh-nguyện Bồ-tát như thế, đối với đạo Đại-bồ-đề được bất-thoái-chuyển. Vô-lượng chúng-sinh phát tâm như thế, khi mệnh-chung được sinh lên cung trời Đâu-suất, được thấy thân ông (Di-Lặc Bồ-tát) vô-biên phúc-trí trang-nghiêm, siêu-việt sinh-tử, chứng Bất-thoái-chuyển. Và, ở đời mai sau ngồi dưới cây Bồ-đề Đại-bảo long-hoa được vô-thượng chính-đẳng chính-giác.
Trong lúc đức Thế-Tôn nói pháp ấy, hai vạn năm nghìn vị Bồ-tát mới phát tâm, đối với hạnh Bồ-đề sắp bị thoái-chuyển, nghe được pháp như thế, phát tâm kiên-cố, qua ngôi Thập-tín đến ngôi thứ sáu trong Thập-trụ. Ba vạn tám nghìn Bà-la-môn tịnh-hạnh dứt hẳn tà-kiến, được đại-pháp-nhẫn và Đà-ra-ni. Bảy vạn sáu nghìn người đều phát tâm vô đẳng-đẳng, vô-thượng chính-đẳng chính-giác. [18]
TOÁT-YẾU PHẨM CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM
Đại-bồ-tát Di-Lặc bạch Phật: “Bạch đức Thế-Tôn! Bồ-tát tu công-đức gì mới có thể ở trong A-lan-nhã được?”
Đức Phật bảo Đại-bồ-tát Di-Lặc: “Chỉ cần tu một pháp là “quán hết thảy căn-nguyên phiền-não tức là tự-tâm”, là ở được nơi A-lan-nhã, cầu đạo vô-thượng. Nếu ai không biết căn-bản phiền-não, không biết nguyên-nhân của 5 cảnh từ tự-tâm sinh, còn nhiễm-trước vào 6 trần, chưa thể ở A-lan-nhã được. Đại-bồ-tát ở nơi tịch-tĩnh thấy cảnh ngũ-dục nên quán tự-tâm và nghĩ: “Từ trước tới nay bị luân-hồi lục-đạo đều do tự nơi vọng-tâm sinh ra mê-hoặc, điên-đảo, tham-nhiễm ngũ-dục”. Bồ-tát như thế là người ở được nơi A-lan-nhã, sau sẽ thành Phật và ai cúng-dàng vị ấy được phúc-đức vô-lượng”.
Có những hạng người không ở nơi A-lan-nhã được: hạng người thích đoạn-kiến, thích của báu, đồ vui, kiêu-mạn, ghét giáo-pháp Đại-thừa, ưa tà-kiến, không tin Phật, tự phá giới sai trì giới.
Những người ở nơi A-lan-nhã có những đức sau đây: Đầy đủ danh-văn (nghe giỏi), hiểu biết phân-minh, chính-niệm, tùy thuận. Có từ, bi, hỷ, xả. Thường trụ trong 4 vô-cấu-tính, thường làm 12 hạnh Đầu-đà, xa lìa tại-gia xuất-gia, bỏ hẳn lừa, nịnh, ghen ghét. Giữ giới nghe nhiều, nhập chính-định, đủ trí-tuệ, được lục thông, tu chủng-trí, đủ phương-tiện, không phóng-dật. Đủ bố-thí, ái-ngữ, lợi-hành, đồng-sự. Quán tự thân không bản-tính, quán tha-thân không bản-tính, thân-tâm khoái-lạc, được bình-đẳng-trí. Đoạn phiền-não, độ chúng-sinh, học pháp-môn, chứng Phật-quả. Thích không-tính, được vô-úy, khởi bi-nguyện, không chán hai thứ vô-ngã. Bỏ ngã-kiến, biết rộng 12 nhân-duyên. Quán 5 uẩn sinh diệt, quán 12 nhân-duyên như làng trống, quán 18 giới tính đồng pháp-giới, tục-đế-pháp không bỏ không ham. Thành-tựu: quán bất-kiến-thân, bất-kiến-ngữ, bất-kiến-ý và nhất-thiết-trí. (Phật-tử thành-tựu 4 pháp thanh-tịnh ấy, hiện-thân chứng được “chính-tính ly sinh”. Chóng thành vô-thượng-giác).
Đầy đủ 8 pháp tam-muội thanh-tịnh, 8 pháp trí-tuệ thanh-tịnh, 8 thứ thần-thông thanh-tịnh; hiện-thân được 8 thứ thanh-tịnh. Và, Bồ-tát lại có 8 thứ đa-văn thanh-tịnh, trang-nghiêm tự-thân.
Đức Phật lại bảo Đại-bồ-tát Di-Lặc: “Sau khi Tôi nhập-diệt chừng 500 năm có nhiều chúng-sinh phát tâm vô-thượng vào nơi A-lan-nhã, tu hạnh Bồ-tát được bất-thoái-chuyển. Nhiều chúng-sinh như thế, mệnh-chung sinh lên Đâu-suất, được gặp ông (Di-Lặc) chứng bất-thoái-chuyển và sau sẽ thành Phật”.
Khi nghe đức Phật nói Pháp ấy xong, 15.000 Bồ-tát phát tâm kiên-cố, qua Thập-tín đến ngôi thứ 6 trong Thập-trụ, 38.000 Bà-la-môn được đại-pháp-nhẫn và Đà-ra-ni, 76.000 người phát tâm vô-thượng-giác.
Chú thích:
[1] Công-đức trang-nghiêm: “Công” là công-năng trong việc lợi-ích, phúc-đức; công-năng ấy là đức của thiện-hạnh, nên gọi là “công-đức”. “Đức” còn có nghĩa là được, do công tu mà được, gọi là “Công-đức”. “Trang-nghiêm” có nghĩa là đem những cái hay, cái đẹp, tô-điểm cho đất nước huy-hoàng, hoặc đem những công-đức tô-điểm cho thân-thể nghiêm-trang, đẹp-đẽ. Nơi đây, các Bồ-tát đem công-đức tu được, tô-điểm cho tự-thân, quốc-giới, chúng-sinh được tốt đẹp.
[2] Năm cảnh: Tức sắc, thanh, hương, vị và xúc.
[3] Bốn ma-quân: 1/ Phiền-não-ma: tham, sân, si…, làm não-hại thân-tâm nên gọi là ma. 2/ Ngũ-ấm-ma: 5 thứ: sắc, thụ, tưởng, hành, thức hay sinh ra mọi khổ-não nên gọi là ma. 3/ Tử-ma: sự chết hay dứt thân-mệnh người ta, nên gọi là ma. 4/ Thiên-ma: cõi Tha-hóa-tự-tại-thiên hay làm hại việc thiện của người nên gọi là thiên-ma (ma nơi cõi trời).
[4] Đoạn trên, từ chỗ “Bấy giờ”, đến chỗ “chúng-sinh”, Bồ-tát Di-Lặc hỏi về công-đức tu của Bồ-tát, đức Phật thuyết-minh về một đức mà các Bồ-tát cần tu, đó là đức “quán hết thảy căn-nguyên phiền-não tức là tự tâm”. Nghĩa là, tâm thanh-tịnh không nhiễm. Người được thế là chân-Phật-tử, nên cúng-dàng.
[5] Đoạn trên, từ chỗ “Lại nữa”, đến chỗ “vô-thượng”, đức Phật thuyết-minh về hai lỗi mà người ở Lan-nhã cần xa tránh, như những người cho không có nhân-quả, chỉ một đời là hết v.v…
[6] Chỗ này còn một đoạn: “Lại nữa, thiện-nam-tử! Bồ-tát xuất-gia lại có 4 pháp khỏi hẳn sinh-tử được đại-bồ-đề”.- Vì không có những câu sau nữa, sợ lầm, nên không để trên chính-văn, mà ghi đây để tồn cổ (lời dịch-giả)
[7] Hai thứ vô-ngã: 1/ Nhân-vô-ngã: Cái ta tự-thể, tự-chủ là “ngã”. Người ta không hiểu thấu nghĩa 5 uẩn giả-hợp, cố chấp thân-thể con người là thực, có tự-chủ, tự-tại gọi là “nhân-ngã”. Nay hiểu rõ nghĩa 5 uẩn giả-hợp, thấu suốt đến chỗ thực không có thực-thể của con người là “Nhân-vô-ngã”. Đó là sự quán đạo của Tiểu-thừa để dứt phiền-não-chướng, chứng Niết-bàn vậy. 2/ Pháp vô-ngã: Cố chấp các pháp (sự vật) có thực-thể, thực-dụng là “pháp-ngã”. Nay hiểu rõ các pháp do nhân-duyên-sinh, thấu suốt đến chỗ thực không có tự-tính là “Pháp-vô-ngã”. Đó là quán-đạo của Đại-thừa Bồ-tát, để dứt sở-tri-chướng, mà được Bồ-đề vậy. Tiểu-thừa chỉ ngộ có “nhân-vô-ngã”, nhưng Bồ-tát ngộ cả 2 thứ vô-ngã.
[8] Tục-đế: Thực-nghĩa của việc thế-tục. Còn gọi là “Thế-đế”. Trái với Tục-đế là “Chân-đế”. Chân-đế là thực-nghĩa của chân-lý. Là thực-nghĩa mà các bậc Thánh nhân thấy. Còn gọi là “Thắng-nghĩa-đế”.
[9] 4 pháp trên là quán về thân, khẩu, ý và 62 kiến. Quán thân như-huyễn, không khởi ra sự chấp-trước về thân-kiến. Quán ngôn-ngữ tính không, không khởi ra 4 sự bất thiện về nghiệp khẩu. Quán ý, tức tâm, tâm sở đều do duyên-khởi, không có tự-tính, tức không khởi ra sự phân-biệt. Quán 62 kiến, bỏ hết thảy tà-kiến.
[10] Chính-tính ly-sinh: Còn gọi là “Thánh-tính ly-sinh”. Sinh vô-lậu-trí dứt trừ phiền-não, nên gọi là “Thánh-tính”. Thanh-văn, Duyên-giác vào ngôi Kiến-đạo, sinh được một phần trí-tuệ vô-lậu, dứt phiền-não-chướng; Bồ-tát sinh một phần trí-tuệ vô-lậu, dứt trừ cả hai chướng: phiền-não và sở-tri, nhân đó mà được một phần Thánh-tính, xa lìa hẳn sự sinh-khởi của dị-tính (phàm-phu), nên gọi là “Thánh-tính ly-sinh”. Chữ “Thánh” có nghĩa là “chính”, nên “Thánh-tính ly-sinh” tức là “chính-tính ly-sinh”.
[11] Đoạn trên, từ chỗ “Lại nữa thiện-nam-tử! Người đủ 4 đức…”, đến chỗ “chính-giác”, đức Phật thuyết-minh về Bồ-tát ở nơi Lan-nhã cần có 11 loại thuộc về 4 đức.
[12] Thiện-xảo: Có nghĩa là tốt lành, hay đẹp, khéo-léo, nhiệm-mầu.
[13] 22 căn: 1/ Nhãn-căn (Caksurindriya): mắt. 2/ Nhĩ-căn (Srotrendriya): tai. 3/ Tỵ-căn (Ghrànend-riya): mũi. 4/ Thiệt-căn (Jihvendriya): lưỡi. 5/ Thân-căn (Kày-endriya): thân-thể. 6/ Ý-căn (Manendriya). (Trở lên thường gọi là 6 căn). 7/ Nữ-căn (Strindriya): bộ sinh-dục của đàn bà. 8/ Nam-căn (Purusendriya): bộ sinh-dục của đàn ông. 9/ Mệnh-căn (Jivitendriya): thọ-mệnh của chúng-sinh. 10/ Khổ-căn (Duhkhendriya): đau khổ. 11/ Lạc-căn (Suk-hendriya): vui sướng. 12/ Ưu-căn (Daumanasyendriya): lo-lắng. 13/ Hỷ-căn (Saumanasyendriya): vui mừng. 14/ Xả-căn (Upekendriya): không vui không buồn. (Trở lên 5 căn thuộc về sự hưởng-thụ, thường gọi là 5 thụ). 15/ Tín-căn (Sraddhendriya): tin thực. 16/ Tinh-tiến-căn (Viryen-driya): gắng tiến. 17/ Niệm-căn (Smrrtindriya): nhớ nghĩ. 18/ Định-căn (Samàdhindriya): an-định. 19/ Tuệ-căn (Pra-jnedriya): hiểu biết. (Trở lên là ngũ-căn). 20/ Vị-tri-đương-tri-căn (Anàjnàtamàsyàmindriya): người tu 9 căn: ý, lạc, hỷ, xả, tín, tiến, niệm, định, tuệ trong Kiến-đạo, muốn biết lý Tứ-đế chưa từng biết, mà phát-khởi ra hành-động. 21/ Dĩ-tri-căn (Àjnendriya): người tu 9 căn kia trong Tu-đạo tuy đã biết rõ lý Tứ-đế rồi nhưng, lại vì dứt các phiền-não khác, nên đối với cảnh Tứ-đế thường thường phải hiểu biết. 22/ Cụ-tri-căn (Àjnàtàvindriya): người tu 9 căn kia ở trong vô-học-đạo đã biết trong sự biết rõ lý Tứ-đế, tức là đã có đầy-đủ về sự biết ấy. (Trở lên là 3 căn vô-lậu-căn).
[14] Tùy-phiền-não: Những phiền-não tùy thuộc vào căn-bản phiền-não. Căn-bản phiền-não có 6 là: tham, sân, si, mạn, nghi, ác-kiến, (ác-kiến có 5: thân-kiến, biên-kiến, tà-kiến, kiến-thủ, giới-cấm-thủ). Tùy phiền-não có 20: 10 tiểu-tùy: phẫn, hận, phú, não, tật, khan, cuống, xiểm, hại, kiêu; 2 trung tùy: vô tàm, vô quý và 8 đại-tùy: điệu-cử, hôn-trầm, bất-tín, giải-đãi, phóng-dật, thất-niệm, tán-loạn, bất-chính-tri.
[15] Sắc-pháp: Chỉ cho những pháp (sự-vật) thuộc ảnh-tướng, có đối-đãi, có hình-chất chướng-ngại. Duy-thức-học cho: nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, sắc, thanh, hương, vị, xúc và một phần pháp-trần thuộc về sắc-pháp.
[16] Chính-tính: Cũng gọi là Thánh-tính. Chủng-tử của vô-lậu-trí là “Thánh-tính”; xa lìa phiền-não là “Chính-tính”.
[17] Đoạn trên, từ chỗ “Lại nữa, thiện-nam-tử…đầy-đủ 8 pháp”, đến chỗ “chính-đẳng Bồ-đề”, đức Phật thuyết-minh về Bồ-tát ở nơi Lan-nhã có 8 pháp Tam-muội thanh-tịnh, 8 thứ trí-tuệ thanh-tịnh, 8 thứ thần-thông thanh-tịnh, 8 thứ thanh-tịnh nơi hiện thân và 8 thứ đa-văn thanh-tịnh. Được những 8 đức ấy sẽ chóng chứng vô-thượng-giác.
[18] Đoạn trên, từ chữ “Khi” đến chỗ “chính-giác”, đức Phật nói sau này ai thực-hành hạnh Lan-nhã sẽ được nhiều lợi-ích. Và đương thời, do nghe pháp, chúng-nhân cũng hưởng được nhiều lợi-ích.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh)
- 300
Viết bình luận