Thiền quán về khổ trong 6 đạo luân hồi | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Thiền quán về khổ trong 6 đạo luân hồi

Chúng ta tư duy về nghiệp, hay vô minh nghiệp chính là nhân và khổ là quả. Do tham, sân, si chúng ta tạo nên thiện nghiệp và ác nghiệp, và nhân của thiện nghiệp và ác nghiệp lại là nhân của 6 đạo luân hồi. Nhiều người hỏi rằng ai tạo nên luân hồi, có phải là một vị Trời, vị Đế thích, hay là Phật tạo nên cõi luân hồi này chăng? Chính mỗi chúng ta góp lại cái gọi là cộng nghiệp và tạo nên cõi luân hồi này. Trong giáo lý của Đức Phật chỉ rõ luân hồi sinh tử là do mỗi con người hay chính mỗi chúng sinh tự tạo nên. Sau đó cộng nghiệp của vô số chúng sinh đang trôi lăn tạo ra cõi luân hồi sinh tử và chịu biết bao khổ đau. Khi hiểu biết như vậy, chúng ta mới có chính kiến rằng không ai tạo nên luân hồi ngoài chính bản thân mình:

Chúng sinh nơi Địa ngục
Chịu cực hình thiêu đốt
Ngã quỷ đói hành hạ.
Bàng sinh ăn lẫn nhau
Người chịu khổ đoản mạng
Atula tranh đấu
Ganh tỵ suốt đêm ngày
Chư thiên khổ đau ấy
Năm tướng suy xuất hiện
Cõi luân hồi vĩnh viễn
Chẳng an vui bao giờ.

Đức Phật dạy rằng chúng ta phải thiền quán về nỗi khổ trong sáo đạo luân hồi trước khi quy y Tam bảo. Nếu chúng ta không chuẩn bị kỹ những vấn đề này  thì cho dù bạn có thể nhận mình là một Phật tử hay một hành giả chuyên nghiệp thì việc thực hành tu tập của bạn không có ý nghĩa gì cả. Vì thực tế cuộc sống của bạn không hề thay đổi theo chiều hướng tốt lên.

Thực hành thiền quán về khổ trong sáu đạo luận hồi giúp chúng ta mở rộng lòng mình, biết cảm thông, biết chia sẻ, biết yêu thương các chúng sinh đang phải chịu đau khổ. Trong kinh thường nói mục đích quán khổ là để phát tâm bồ đề với tất cả chúng sinh. Đây là mục đích đầu tiên trong việc quán khổ.

Mục đích thứ hai của pháp quán này là giúp chúng ta không sợ kiếp luân hồi. Hành xử của chúng ta, hoặc hoạt động của chúng ta trong đời sống hàng ngày thể hiện cách chúng ta đang bám chấp vào kiếp luân hồi và lúc chết, nếu Đức Phật có đến tiếp dẫn thì chúng ta cũng không muốn đi. Vì vậy quán khổ như vậy để chúng ta phát tâm xả ly, không bám chấp trong kiếp luân hồi. Nếu chúng ta biết rằng những điều mang tính thế tục đó là giả tạm trong đời sống luân hồi thì chắc chắn thì chúng ta sẽ không mong cầu nữa. Do vậy, quán được bản chất của khổ đau giúp chúng ta có chính kiến hơn và biết nhậm vận tìm cho mình những điều có ý nghĩa nhất trong đời sống thế gian.

Kinh Tứ niệm xứ (Smrti Upasthana) dạy rằng: “Sự đau đớn trong tám địa ngục hỏa thiêu và tám địa ngục hàn băng vượt ngoài sức nghĩ bàn; Ngã quỷ bị đói khát hành hạ; Súc sinh chịu cái khổ bị ăn tươi nuốt sống hoặc phải chịu cảnh nô lệ; loài Người chịu cái khổ của sinh, già, bệnh, chết; cõi Trời chịu cái khổ của sự chết, thoái chuyển và đọa vào ác đạo”. Nói tóm lại, không chỉ những khổ đau đầy rẫy các cõi luân hồi mà ngay cả những hiện tướng hạnh phúc và bình an ở đó cuối cùng cũng kết thúc bằng khổ đau. Vì vậy, hành giả cần phải nỗ lực tinh tiến tu tập để thoát luân hồi sinh tử. Bồ Tát Long Thọ dạy rằng: “Cõi luân hồi là cảnh giới của Trời, Atula, Người, Địa ngục, Ngã quỷ, Súc sinh, nơi bị nghiệp lực chi phối xoay vần luân chuyển. Phải hiểu rõ rằng tái sinh vào cõi luân hồi sẽ phải chịu trăm ngàn khổ đau”.

Cụ thể, bạn hãy quán niệm lần lượt như sau:

1. Khổ đau trong các cõi thấp

Thứ nhất là nỗi khổ trong cõi Địa ngục

Trong Địa ngục nóng, bạn bị thiêu đốt suốt ngày đêm bởi những ngọn lửa lớn ngụt trời, thân thể rực cháy như một hòn than trong bếp lò, bạn đau đớn cùng cực, gào hét không ra tiếng. Không những thế, do nghiệp cảm ra, bạn cùng những tội nhân khác còn đánh đập lẫn nhau chết đi sống lại hàng vạn lần, bị thiêu đốt, hay giam giữ trong hai ngôi nhà lửa lồng vào nhau mà không thể thoát ra,…Trong các địa ngục này, nỗi khổ đau trong Địa ngục Vô gián là kinh hoàng nhất.

Trong địa ngục nóng (nóng như nước đồng thiêu mình) đuợc bố trí thành 8 tầng. Mỗi tầng có một địa ngục chính ở giữa và 16 địa ngục phụ bao quanh. Tầng cao nhất là 500 năm tuổi và các tiểu địa ngục cũng 500 năm tuổi. Như vậy một tầng địa ngục mà chúng ta chịu nhẹ nhất là 8.500 năm, mà một ngày một đêm cuả địa ngục bằng 500 năm của cõi trần. Địa ngục tầng thứ hai là 8.800 năm và cứ thế tăng tiếp đến địa ngục cuối cùng là tuổi bằng một  tiểu kiếp.

Do vậy, trong Kinh có nói, thời gian ở cõi người được tính là ngắn ngủi như điện ảnh, hữu hoàn vô vô. “Điện ảnh” có nghĩa là như một tia chớp so với ở địa ngục. Đời mình cũng được tám mươi năm nếu không bị tai nạn gì, ai trường thọ thì có thể là đến chín mươi năm nhưng tám mươi năm hay chín mươi năm so với những kiếp trường trong địa ngục thì quả là quá ngắn ngủi.
 
Tiếp đến, bạn quán chiếu về Địa ngục lạnh, nơi có những ngọn núi tuyết phủ kín, âm u lạnh giá. Trời tối đen đến nỗi bạn không thể thấy được những chuyển động của cánh tay mình. Mặt đất là một cánh đồng băng, một cơn bão hoành hành ở trên cao và cuồng phong nhức buốt. Không có lửa, mặt trời, y phục hay bất kỳ cách nào để bạn sưởi ấm. Da thịt bạn nứt nẻ như thửa ruộng hạn hán, và bạn lạnh đến nỗi bị đóng băng không thể di chuyển. Mỗi giọt máu rơi xuống từ vết nứt nẻ trên thân thể vẫn gắn liền với ý thức của bạn nên khi nó đông cứng lại và nứt ra vì lạnh, bạn cũng gánh chịu trọn vẹn nỗi đau khổ tột cùng đó. Trong quan kiến Phật giáo, có tám địa ngục như thế, lần lượt mỗi địa ngục sau lại lạnh hơn địa ngục trước.

Thứ hai là nỗi khổ của Ngã quỷ

Do ác nghiệp keo sẻn, trộm cắp đã tạo, bạn có thể tái sinh làm loài quỷ đói với hình thù xấu xí, bụng to như cái trống, cổ nhỏ như cây kim, ăn uống toàn những đồ nhơ bẩn, hoặc bị đói cả ngàn năm không có gì để ăn. Hãy nghĩ đến cơn đói của bạn, thông thường, bạn không thể chịu được cảm giác cồn cào đó mà lập tức phải đi kiếm ngay một cái gì đó để lấp đầy bao tử. Vậy mà Ngã quỷ phải chịu đựng nỗi khổ đói khát gấp bội lần như thế trong hàng nghìn năm.

Có 36 loài quỷ hay còn gọi có 36 loại cô hồn thì có 36 kiểu thức ăn khác nhau. Tùy theo những nghiệp tạo khác nhau mà mỗi loài quỷ có những thức ăn khác nhau. Quỷ đói hay còn gọi pháp sư thành quỷ, chuyên giảng pháp sai hay vì lợi nên giảng pháp sai, khi đọa làm ngã quỷ. Chỉ khi nào có người thuyết pháp mới được no. Có một câu chuyện có thật viết về kiếp quỷ, đó là câu chuyện "Kỵ sĩ không đầu". Có một ông lái đò sinh được một người con bị câm và điếc. Một hôm, như thường lệ ông dậy sớm chuẩn bị đò đưa người qua sông. Khi ông đang chuẩn bị đò thì chợt thấy có một người kỵ sĩ phi ngựa tiến đến, trong tay người đó cầm chiếc đầu của mình, và máu tuôn chảy từ trên cổ xuống. Ông lái đò nhìn thấy cảnh đấy thì sợ quá, ngã lăn ra không nói được lời nào. Đúng lúc ấy, người con của ông lái đò từ đằng xa đi đến, ông lái đò ra hiệu cho người con chạy trốn đi nhưng ông không thể ra hiệu được. Người kỵ sĩ thấy cô con gái ấy đi đến thì hỏi cô đầu đã lìa khỏi cổ thì có thể liền lại được hay không. Cô gái tuy vừa câm vừa điếc này nhưng không sợ người kỵ sĩ. Cô vừa vuốt ve cái đầu vừa gật gật. Bỗng dưng chiếc đầu bay lên liền vào cổ người kỵ sĩ. Chính bằng lòng từ bi của cô gái câm này, chỉ một cái gật đầu của cô đã cảm thông đến loài quỷ, và có thể xóa được cái ảo tưởng úp chụp rằng họ bị mất đầu trong hàng nghìn năm trường.
 
Thứ ba là nỗi khổ của loài Súc sinh

Loài này phải chịu đựng năm loại khổ: nỗi khổ ăn thịt lẫn nhau, nỗi khổ do ngu si ám chướng, nỗi khổ chịu nóng lạnh, nỗi khổ chịu đói khát, nỗi khổ bị khai thác đọa đày hoặc sai làm việc nặng. Hãy tưởng tượng bạn tái sinh làm một loài thú trong tự nhiên. Cuộc sống của bạn không hề tự do như bạn nghĩ. Thực tế, các loài thú không lúc nào thảnh thơi vì phải chiến đấu sinh tồn, vừa lo kiếm ăn qua ngày vừa đề phòng bị kẻ khác ăn thịt. Nỗi khổ đói khát khi bạn không kiếm được thức ăn cũng không thua gì loài ngã quỷ.

Hãy tưởng tượng bạn tái sinh thành loài gia súc và gia cầm, có lẽ bạn sẽ được người nuôi no đủ hơn, nhưng cả đời bạn sẽ bị ngược đãi. Khi còn sức khỏe, bạn bị loài người khai thác: trâu bò phải kéo cày, gà vịt phải đẻ trứng,… và khi trở nên già cỗi không còn khả năng phục vụ nhu cầu con người nữa, bạn sẽ bị mổ bụng phanh thây để ăn thịt. Hãy thử cảm nhận nỗi đau đớn khi con dao bầu của người mà bạn đã phục vụ cả đời và gọi là “ông chủ” đâm vào cổ của bạn, hãy xem họ uống máu của bạn và xẻ toang thân thể bạn ra trước khi ướp gia vị và nướng bạn trên một cái lò than. Bạn có thể chấp nhận hành động này không? Nếu như súc sinh biết nói thì những lời oán thán của chúng hẳn kinh động cả đất trời. Bạn còn khổ sở vì sự ngu si, thậm chí không biết mình đang được dẫn đến đến nơi ăn cỏ hay lò sát sinh. Bạn chịu khổ vì lạnh và nóng; mùa hè thì mặt trời thiêu đốt, mùa đông thì chết vì giá lạnh. Bạn cần nhận thức một cách sâu sắc rằng mình sẽ khốn đốn đến mức độ nào nếu phải tái sinh làm một hữu tình như vậy!

2. Nỗi khổ trong ba cõi cao hơn

Thứ nhất là nỗi khổ của cõi Người

Cõi người chúng ta đang có là một may mắn. Trong 6 đạo, Đức Phật Thích Ca, bậc thầy gốc của chúng ta, người khai sáng đạo Phật, đã giáng sinh ở cõi người chứ không phải cõi trời. Trong lịch sử cuộc đời Ngài, Ngài đã từng bay lên cõi trời Đao Lợi để thuyết pháp cho thân mẫu. Nhưng chỉ một vài cõi Trời có cơ duyên nghe hiểu và thực hành giáo pháp, chứ không phải tất cả 33 cõi trời. Thế nhưng, thật may mắn cho chúng ta, hiện giờ trong cõi người, nếu ai biết nương vào giáo pháp của Đức Phật để thực hành thì họ vẫn được che chở, nâng đỡ, cứu độ.

 Trong kinh có nói rằng, Đức Phật lấy hình ảnh có một con rùa mù chìm dưới đáy biển, một ngàn năm mới nổi lên mặt biển một lần. Trong lần nổi lên ấy, nếu rùa mù tìm được một nơi nào để chui vào, nó sẽ thoát cảnh chìm đắm dưới biển sâu. Trong biển mênh mông đấy có một bọng cây khô mục, rỗng. Con rùa vừa mù vừa chậm chạp, làm thế nào khi nổi lên có thể chui được vào bọng cây? Đây là điều vô cùng khó. Được sinh làm kiếp người cũng khó như vậy. Trong kiếp người, mỗi chúng ta đã có được một thân người, chúng ta quán sát để thấy rằng thân người chúng ta chỉ mong manh tạm bợ. Chúng ta sống như thế nào nhưng không lấy gì đảm bảo. Ngày mai hay đời sau, cái gì đến trước, chúng ta không biết. Vì vậy, nếu quán sát được bản chất tạm bợ, mong manh giả tạm của thân người, thì chúng ta sẽ chọn cho mình chỗ nương tựa nào vững chắc, đảm bảo hơn là thân người mình đang có. Chỉ có một cách duy nhất là chúng ta hướng đời mình vào giáo pháp, nương vào Tam bảo. Đức Phật dạy rằng, mỗi ngày chỉ cần chúng ta bớt ra một chút thời gian, tĩnh tâm lại để nhớ về con đường tâm linh, bằng bất kỳ phương pháp nào như ngồi thiền, tụng kinh, hay trì chú,… thì chúng ta sẽ tự tạo cho mình hành trang bước vào cõi khác an lành hơn.

Tuy nhiên, quán về khổ của kiếp người không phải để chúng ta sống bi lụy, chán đời. Chúng ta học nỗi khổ của kiếp người để tìm ra cách chuyển hóa. Khổ trong Kiếp người mà chúng ta đang gánh chịu chính là kết quả của những hạt giống mà chúng ta đã gieo từ đời trước. Chúng ta quán sát khổ để đoạn trừ từ nhân của khổ chứ không khởi tâm oán trách.

Cõi Người có tám nỗi khổ sau:

a. Bốn nỗi khổ của thân

Sinh khổ: Sau khi đã vào bào thai mẹ và cho đến khi ra đời, bạn trải qua từng nỗi đau liên kết với năm giai đoạn phát triển bào thai và với từng thời kỳ thân thể phát triển. Khi ở trong bào thai, tưởng tượng bạn bị đặt trong một cái nồi sắt đầy những thứ nhơ uế khác nhau, nắp đậy tối om. Không cách gì bạn có thể ở lại đấy một ngày, vậy mà bạn phải ở trong cái thai đầy mùi hôi và bóng tối ấy trong chín tháng rưỡi. Khi sinh ra, bạn đau như là thân thể bị siết bằng đinh ốc. Khi bạn chui ra, bạn giống như bò bị lột da; và khi bạn được đặt trên một cái gối dù mềm mại đến đâu, cũng như thể bị ném trên gai. Khi gió thổi, bạn cảm giác như bị gươm đâm. Khi mẹ bế bạn vào lòng, cảm giác sẽ như một chú chim sẻ đang bị cắp trong móng diều hâu. Những điều ấy làm cho bạn kinh hãi.

 Già khổ: thân thể héo mòn, sức khỏe tàn tạ, các căn suy sụp, sự thưởng thức ngũ dục thoái hóa, mạng sống giảm dần, những giác quan, trí tuệ trở nên đờ đẫn, thân thể bạn cong xuống như cây cung; bạn ngồi xuống đứng lên một cách khó nhọc; tóc bạn bạc trắng; da nhiều nếp nhăn, bạn trở nên xấu xí như một kẻ ăn mày. Nếp nhăn và tóc bạc là những dấu hiệu báo hiệu rằng thần chết sắp mang bạn đi, và bạn sẽ phải trải nghiệm nỗi khổ đau vì phấp phỏng sợ lo cho cái chết sắp đến.

Người già sống dường như nặng nề. Mỗi ngày trôi qua, đôi khi rảnh rỗi thì ảo tưởng lại thời trẻ rồi tiếc nuối. Nếu không biết tìm cho mình chỗ nương tựa tâm linh thì cuộc sống của người già thật hiu quạnh.
 
Bệnh khổ: bạn đau khổ vì cơ thể thay đổi, bệnh tật dằn vặt, dày vò bạn từng phút từng giờ. Khi lâm bệnh, dù nặng hay nhẹ, bạn thấy mình mất đi sức lực và sự chủ động tự do tương đối vốn có vì những đau đớn lấn át khiến bạn không còn thiết tha, ham muốn bất cứ thú vui, sự hưởng thụ nào. Cơ thể gầy mòn, khô héo dù cho bạn đang tuổi xuân. Nếu bị bệnh nặng, bạn càng lo sợ vì sự sống đang rời xa mình. Bạn tiếc nuối những gì mình đang làm dở hay ân hận vì đã không thực hành Phật pháp, bởi cho đến lúc này, khi bệnh tật đã chế ngự thì bạn chẳng còn đủ sức khỏe và minh mẫn để thực hành. Nếu gặp một cơn bệnh đột ngột dẫn đến tử vong, bạn thậm chí không còn cơ hội để lại lời trăn trối. Khi thực hành quán niệm về Bệnh khổ, bạn cũng có thể quán chiếu chi tiết về từng loại bệnh, mỗi loại sẽ gây ra cho bạn những đau đớn và những bất hạnh khác nhau.

Bệnh khổ không cứ già hay trẻ, mỗi chúng ta ai cũng đều trải nghiệm. Những căn bệnh thông thường, một chút đau đớn mình đã thấy khổ, huống chi những căn bệnh hiểm nghèo, vô phương cứu chữa, sẽ đau đớn khổ sở đến mức nào. Nếu thiền quán sâu hơn nữa, mỗi lần vào bệnh viện, thấy người bệnh quằn quại đau đớn vì những căn bệnh như ung thư, xơ gan, hay bất kỳ căn bệnh nào mà bạn chứng kiến, hãy suy xét để có thể phát được tâm từ bi cảm thông và chia sẻ với những người đang bệnh và hiểu rằng đó là quy luật chung.

Chết khổ: Khi cái chết đến, bạn bắt buộc phải chia ly với thân thể mà bạn vẫn tự nhận là cái “tôi” của mình, với gia đình người thân, với tài sản và mọi sự sở hữu, tất cả đều phải bỏ lại. Khi chết, bạn phải trải qua nỗi đau đớn mãnh liệt của thân xác và sự sợ hãi khủng khiếp trong tâm. Khi cái chết đến, bạn không có cách gì ngăn chặn hay lảng tránh nó.

Thứ nhất, nỗi khổ của người chết là nỗi khổ cô đơn. Nếu không có niềm tin với giáo pháp, người chết sẽ vô cùng đau khổ vì muốn sống mà không được sống. Những người yêu thương sắp phải xa rời. Chính nỗi khổ đó khiến vong hồn không siêu thoát, nên Kinh nói nỗi khổ là cô đơn, khổ bởi không chấp nhận cái chết.

Thứ hai, cái chết giống như bạn chuẩn bị thay một áo mới, bỏ áo cũ. Dĩ nhiên áo mới tốt hay xấu phụ thuộc vào nghiệp của đời này. Về mặt tâm linh, chúng ta không bao giờ chết mà đi vòng quanh trong 6 đạo. Khi chết nghĩa là chúng ta từ bỏ thân tứ đại mình mượn tạm một thời gian. Thường chúng ta rất yêu quý thân này, chúng ta trang điểm, cho ăn uống đủ mọi sơn hào hải vị bởi chúng ta nhầm đó là thân tôi. Nếu ai đó nói xấu, trêu ghẹo, làm tổn thương nó là chúng ta sẽ phản ứng lại ngay.

b. Bốn nối khổ của tâm

Khổ vì yêu thương phải xa lìa (Ái biệt ly khổ): có nghĩa là bạn phải xa lìa những người, đối tượng hay hoàn cảnh mà mình yêu thích. Đây là nỗi khổ bạn có thể thấy phổ biến trong cuộc sống. Lúc sống mình thương quý con cái, vợ chồng, vậy mà vẫn phải xa cách. Sống trong sự xa cách chính là khổ. Để chuyển hóa được nỗi khổ này, chúng ta cần quán chiếu về vô thường và giảm bớt đi tâm ái luyến.

 Khổ vì oán ghét, hận thù mà phải gặp gỡ (Oán tắng hội khổ): Ngược lại với nỗi khổ trên, bạn lại càng khổ sở, ức chế, đọa đày khi phải gặp gỡ, chung sống với những người, đối tượng hay hoàn cảnh mà mình chán ghét. Bởi vậy trong đạo Phật có dạy bạn đừng ghét ai, bạn sẽ không có khổ oán tắng, đừng yêu ái quá để không có khổ biệt ly.

 Khổ vì mong cầu không được (Cầu bất đắc): Nguyên nhân của nỗi khổ này là do chính tâm không biết đủ của bạn. Dù có được những gì mình muốn, bạn lại tiếp tục mong cầu nhiều thứ tốt đẹp hơn nữa. Kết quả là bạn chẳng bao giờ thỏa mãn, luôn chạy theo vọng tưởng và những thứ mình không có.

Muốn thoát khổ cầu bất đắc, bạn phải quán chiếu về nghiệp. Những điều ngoài tầm tay, tức đời trước đã không gieo thì đừng mong hái quả, đừng mong cầu cái gì ngoài tầm tay mình. Đời người khổ vì chúng ta mong cầu quá nhiều, mà chủ yếu là mong cầu ngoài khả năng. Nên người thực hành phật pháp không nên mong cầu quá nhiều mà hãy để tùy duyên, nếu là duyên của mình thì sẽ được.

Năm ấm xúy thịnh khổ: Nỗi khổ chi phối tất cả khổ của loài Người là năm ấm xúy thịnh khổ, nghĩa là trong năm yếu tố tạo nên bản ngã (gồm Sắc thuộc phần vật chất và thân tứ đại, Thọ là cảm thọ, Tưởng là tư tưởng hình ảnh, tâm của chúng ta, Hành là sự vận hành dòng tâm, Thức là tâm thức tổng thể), nếu không thể hòa đồng mà lại có yếu tố nào thịnh quá sẽ khiến tạo nên sự mất cân bằng gây ra khổ đau thân tâm.

Chúng ta cần chiêm nghiệm lại về những loại khổ đau nói trên. Đó thực sự là những gì gắn liền với đời sống thường nhật của chúng ta. Chúng ta hàng ngày chịu đựng biết bao nỗi khổ như thế, nhưng dường như lại chẳng hề thấy mình đang đau khổ, hoặc giả có thấy thì cũng không biết làm gì để cải thiện tình hình. Giờ đây hãy quán chiếu về chúng, nhận ra rằng chúng đều sinh khởi từ trong tâm, và chúng ta chính là người có khả năng chuyển hóa chúng. Hiểu được sâu sắc về điều này, dần dần chúng ta có thể tự giải phóng mình khỏi những nỗi khổ đau ngay trong đời sống hiện tại.

Nỗi đau khổ của cõi A tu la

Cõi A tu la thấp hơn cõi Trời và là cảnh giới gần cõi Trời. Chúng sinh cõi này tuy cũng được hưởng đời sống vật chất sung sướng nhưng luôn có tâm đố kỵ, ganh ghét, dẫn đến nạn hay đi đánh nhau với chư Thiên cõi Trời. Họ cứ thế tranh đấu cả đời và thường bị thua cuộc, phải đối diện với sự thất bại, cái chết đau đớn trên chiến trường… Mưa tại cõi này thường tạo ra gươm đao nên cảnh giới A tu la cũng tràn đầy sự khổ đau.

Nỗi khổ đau của cõi Trời

Các chúng sinh cõi Trời tuy thọ mạng dài lâu, sung sướng thụ hưởng vật chất dục lạc, nhưng bởi quá no đủ thỏa thê nên dường như không bao giờ nghĩ đến nhu cầu tu tập tâm linh hay tìm nơi nương tựa vững chắc. Tuy tuổi thọ rất dài nhưng cũng có ngày chấm dứt, họ phải trải nghiệm sự đọa lạc xuống cõi thấp hơn khi hết phúc báo. Trước khi chết, năm tướng suy xuất hiện, những chúng sinh này bị chư Thiên bạn bè bỏ rơi và phải sống quãng thời gian cực kỳ cô độc khổ đau bởi sắp phải xa rời cảnh khoái lạc. Ngoài ra là những nỗi khổ bị vị Trời cao cấp hơn đe dọa, đẩy mình ra khỏi trú xứ, khổ vì bị thương tật què quặt trong các trận chiến với A Tu la…Cho nên, dù cảnh giới cõi Trời được tính là sung sướng nhưng lại chỉ mang tính tạm thời. Tuy nhiên để được sinh lên cõi Trời, chúng sinh cũng phải tạo nhiều nhân lành như phước thí cho người nghèo đói, luôn sống tốt không làm tổn hại đến ai, giúp đỡ tất cả mọi người khi cần thiết bằng tâm hoan hỷ, không vì danh lợi. Vì sinh lên cõi Trời không phải là hạnh phúc vĩnh cửu nên cõi Trời vẫn được tính trong Lục đạo bị thiêu đốt trong vòng lửa luân hồi sinh tử. Như vậy, nỗi khổ trên cõi Trời là nỗi khổ quên mất sự thực hành pháp, quên mất con đường tâm linh.

Trích ấn phẩm: "Bardo - Hành trình liễu sinh thoát tử"
NXB Tôn giáo, 2014

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6436756
Số người trực tuyến: