Hơn 500.000 người tham dự Đại Pháp hội Naropa tại Ladakh
Ngày 16/9 – Ladakh (Ấn Độ). Đại Pháp hội “Sáu sức trang hoàng của Naropa” được tổ chức 12 năm một lần thu hút hơn 500.000 chư Tăng ni và Phật tử trên toàn thế giới đến tham dự. Đây là một trong những Pháp hội Phật giáo lớn và linh thiêng nhất khu vực Himalaya.
Đối với người dân thuộc dãy Himalaya, Pháp hội không những là biểu tượng của tâm chí thành, lòng từ bi mà còn là sự nhắc nhở về một di sản văn hóa, tâm linh vô cùng phong phú và độc đáo. Năm nay, theo lời thỉnh cầu tha thiết của cộng đồng Phật tử và tự viện vùng Himalaya cùng nhiều vùng miền khác nhau trên thế giới, đức Pháp vương Gyalwang Drukpa, bậc lãnh tụ tâm linh Truyền thừa Phật giáo Đại thừa – Kim Cương thừa Drukpa, đã đồng ý khoác trên mình Sáu Sức Trang hoàng Naropa tại Bảo tháp Naropa gần tự viện Hemis, Ladakh. Năm 2016 cũng là một năm đại cát tường khi Đại lễ kỷ niệm thiên niên kỷ Naropa đang được tổ chức tại nhiều trung tâm Phật giáo trên thế giới. Sáu Sức Trang hoàng bằng Xương là một trong những Bảo báu linh thiêng tối thắng nhất của vùng Himalaya, là Pháp khí biểu tượng cho rất nhiều pháp thực hành căn bản của Phật giáo Kim cương thừa. Kinh điển dạy rằng ai có nhân duyên được tham dự sự kiện đặc biệt này với động cơ thanh tịnh vì lợi ích của tất cả chúng sinh hữu tình sẽ đạt được giác ngộ và giải thoát.
Theo truyền thống Himalaya, tâm giác ngộ có thể thị hiện vô số sắc tướng khác nhau. Không chỉ hóa thân trong hình tướng người hay báo thân Phật, các bậc giác ngộ còn có thể thị hiện qua các xá lợi để mang lại ân phúc gia trì và giác ngộ qua kiến tức (cái thấy), nhĩ tức (cái nghe) và vị tức (hương vị). Bất kỳ người nào dù chỉ cần thoáng nhìn thấy các trang sức này cũng có thể đón nhận ân phúc gia trì đủ để đóng các cửa dẫn xuống ba đường đọa lạc – địa ngục, ngã quỷ, súc sinh. Chiêm bái Sáu sức trang hoàng với tâm chí thành mạnh mẽ cũng sẽ giúp chuyển hóa nghiệp trong đời hiện tại và chắc chắn có được tái sinh tốt đẹp trong đời sau.
Đức Naropa (1016-1100) là bậc Đại thành tựu giả người Ấn Độ từng được huyền ký bởi Đức Phật và được kính ngưỡng là hóa thân Quan Âm ứng hiện nhân gian. Là học giả thông suốt cả 10 môn khoa học, Ngài từng giữ chức Hiệu trưởng của đại học Nalanda và Đại học Vikramashila, hai trong ba trường đại học Phật giáo lớn nhất thời bấy giờ. Ngài cũng đồng giờ là bậc trấn cửa phương Bắc của trường Vikramashila. Dù Ngài là bậc biện tài vô ngại, có một lần Đức Kim Cương Thánh Mẫu Varja Yogini đã thị hiện trong hình tướng một bà cụ già xấu xí, chỉ ra rằng Ngài vẫn thiếu trải nghiệm tâm linh qua thực hành, và thúc giục Ngài lên đường tìm kiếm bậc Căn Bản Thượng Sư. Trải qua nhiều khó khăn tìm cầu Thượng Sư, Đức Naropa đã phải vượt qua mười hai thử thách lớn và mười hai thử thách nhỏ để tịnh hóa mọi nghiệp chướng cũng như thử thách lòng quyết tâm. Mỗi thử thách vượt qua là một lần Ngài phá bỏ những chấp chước mê lầm, trưởng dưỡng thêm trí tuệ hiểu biết để trực nhận ra chân lý vũ trụ, thể nhập tự tính Kim Cương Trì Vajradhara và đạt tới Thành tựu Giác ngộ Tối thượng. Ngay khi đạt tới Giác ngộ, chư Dakani từ cõi Thiên đã bay tới cúng dàng Ngài Sáu Sức Trang hoàng. Đức Naropa được tôn vinh là Đấng Chiến Thắng Mười Phương, bậc Kim cương Thượng sư Đại Thành tựu giả lẫy lừng với tầm ảnh hưởng không chỉ trong Phật giáo Ấn Độ thế kỷ XI mà còn trải rộng khắp tới tất cả truyền thống Phật giáo Đại Thừa - Kim Cương Thừa về sau này.
Đức Naropa
Được tôn kính là hóa thân chân thật của Đức Phật Quan Âm và Đức Naropa, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa là một danh nhân thế giới với những công hạnh vì nhân loại, một tác giả, nhà hành động vì môi trường và lãnh đạo phong trào bình đẳng giới được Liên hiệp quốc công nhận. Ngài cũng là bậc lãnh tụ tâm linh của Truyền thừa Phật giáo Đại thừa – Kim cương thừa Drukpa, khởi nguồn từ bậc Đại Thành tựu giả Naropa cách đây 1000 năm.
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa khoác 6 sức trang hoàng năm 2004
Đại Pháp hội Sáu sức trang hoàng của Naropa sẽ kéo dài 1 tháng với các sự kiện văn hóa đặc sắc được tin là có năng lực tâm linh mang lại kiến tức giải thoát (giải thoát qua cái thấy) cho đại chúng có phúc duyên tham dự. Tâm điểm Pháp hội này là lễ trưng bày Xá lợi Sáu Sức Trang Hoàng linh thiêng của Đức Naropa. Đặc biệt, vào ngày 19/9 sẽ có buổi lễ trưng bày bức tranh lụa Thangka khổng lồ thêu hình Đức Phật A Di Đà, một trong những Pháp bảo trân quý nhất trong vùng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử vùng Himalaya, bức tranh này được trưng bày cho đại chúng chiêm bái. Naropa 2016 cũng là Pháp hội vân tập rất nhiều bậc Thượng sư Truyền thừa Drukpa, với nhiều màn trình diễn văn hóa của các nghệ sỹ vùng Himaylaya. Từ ngày 23/9, chuyến Eco Pad Yatra lần thứ 8 (bộ hành sinh thái triều bái thánh địa) kéo dài trong 10 ngày sẽ được tổ chức với điểm khởi hành là Tự viện Chemdrey hướng tới Hồ Tiên Tri nổi tiếng ở Ladakh. Trên đường đi, thành viên của đoàn bộ hành sẽ ghé thăm và triều bái nhiều thánh địa linh thiêng tại khu vực Himalaya.
Các Phật tử và du khách trên khắp thế giới coi đây là sự kiện trọng đại và hiếm có không thể bỏ lỡ trong đời.
\
Các hoạt động văn hóa đặc sắc tại Pháp hội
- 165
Viết bình luận