Căn bản Thượng sư – Người khai mở trái tim giác ngộ | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Căn bản Thượng sư – Người khai mở trái tim giác ngộ

Trong Phật Giáo Kim Cương thừa, chúng ta thường nhắc đến mối liên hệ Thượng sư - đệ tử. Thượng sư là bậc hướng đạo, dẫn dắt đệ tử, không phải trong môn khoa học thông thường mà là khoa học giải thoát khổ đau và luân hồi sinh tử. Một bậc Thượng sư không thể đơn giản là người chỉ biết giảng Pháp, bởi nhiều người có thể thực hiện điều này khá dễ dàng. Quan trọng nhất là người Thầy phải có những trải nghiệm chân thật, phải là bậc Thành tựu giác ngộ

Các bậc Thầy có nhiều cấp độ khác nhau

Nếu ta thực hành Kim Cương Thừa, bậc Thầy truyền giới cho ta được gọi là Khenpo. Và bậc Thầy dạy ta học đọc v.v... được gọi là Genyen, là người có vai trò giống như một thầy giáo. Và bất cứ bậc Thầy nào ban quán đỉnh, các hướng dẫn khẩu truyền và những lý giải về việc thực hành, tu tập của bản thân ta, trong tiếng Tây Tạng, được gọi là một vị Guru hoặc một vị Lama. Một vị Guru là một bậc thầy chỉ ra cho ta cách chứng ngộ được bản tính thực sự của tâm, hướng dẫn ta trong các hoạt động thực hành tu tập để đạt đến giác ngộ.

Lấy ví dụ như nếu ta chuẩn bị thực hiện một khóa nhập thất về pháp tu Đức Kim Cương Hợi Mẫu (Dorje Phagmo), ta sẽ đến gặp một bậc thầy là người sẽ hướng dẫn cho chúng ta về cách quán tưởng Đức Kim Cương Hợi Mẫu, cách thức ta nên thực hiện trong đợt nhập thất, và đặc biệt là cách làm thế nào để có thể chuyển hóa được tâm thông thường của chúng ta thành tâm Đại Thủ Ấn. Bậc thầy truyền khẩu hướng dẫn về việc thiền bậc cao nhất là Căn Bản Thượng Sư của ta bởi vì thông qua những hướng dẫn khẩu truyền của bậc thầy đó, thông qua sự hướng đạo của bậc thầy đó, cuối cùng ta sẽ đạt thành giác ngộ. Ta sẽ thực hành theo sự hướng đạo tâm linh của bậc thầy đó, không chỉ nhằm đạt được hiểu biết về ý nghĩa của việc thực hành, tu tập.


Đức Kim Cương Hợi Mẫu

Nhìn chung, Pháp có hai khía cạnh: một là khía cạnh trần thế bao gồm bố thí, trì giới, nhẫn nhục, nghiệp, nhân quả… Đó là các Pháp trần tục (tục pháp) hay còn gọi là các pháp tương đối. Khía cạnh thứ hai là Pháp tuyệt đối, đó là Đại Thủ Ấn. Khi chúng ta nói “Khenpo”, nhìn chung Khenpo là một người có học rộng, hiểu biết và là bậc thầy giảng dạy cho chúng ta về các lý thuyết Trung Quán Luận, Vi Diệu Pháp, triết học…

Căn Bản Thượng Sư là một bậc Thầy khai mở trái tim giác ngộ của ta         

Căn Bản Thượng Sư, trong tiếng Tây Tạng gọi là tsawei lama, là một bậc thầy mở trái tim giác ngộ của ta. Tôi đã theo học một vị Rinpoche và bậc thầy này đã truyền cho tôi các hướng dẫn khẩu truyền về Đại Thủ Ấn trong suốt thời gian tôi theo học, song mãi đến tận khi tôi được hạnh ngộ cùng một vị Rinpoche khác là bậc thầy đã dùng những tiếng bật ngón tay làm thức tỉnh bản tính thực sự của tôi. Có một mối liên hệ nghiệp mạnh mẽ, và việc bật ngón tay của bậc thầy này, hay ngắn gọn là mở ra trái tim giác ngộ vào thời điểm đó, là do sự gia trì, có mối liên hệ nghiệp mạnh mẽ, và ta sẽ đạt được giác ngộ. Đó là những gì ta gọi là Căn Bản Thượng Sư, hay theo tiếng Tây Tạng là tsawei lama. Song đến tận khi xuất hiện sự tỉnh thức, chúng ta cần phải thực hành, tu tập.


Đại Thành tựu giả Naropa

Lấy ví dụ như trong trường hợp của Đại thành tựu giả Naropa, người đã học từ nhiều bậc thầy (guru) khác nhau, cho đến trước khi Ngài gặp được ĐứcTilopa, Ngài vẫn chưa khai mở được trái tim giác ngộ của mình. Do Ngài Tilopa là người đã khai mở trái tim giác ngộ của Đại thành tựu giả Naropa, Ngài Tilopa là bậc Căn Bản Thượng Sư của Đại thành tựu giả Naropa. Đức Milarepa đã từng theo học nhiều bậc thầy Đại Thành Tựu pháp, song mãi đến tận khi Đức Marpa khai mở trái tim giác ngộ cho Ngài và do đó Đức Marpa trở thành bậc Căn Bản Thượng Sư của Đức Milarepa. Ngài Gampopa đã từng viết nhiều tác phẩm về truyền thống tu tập Kadampa, và Ngài cũng là một học giả uyên bác có nhiều bậc thầy vĩ đại và tuyệt vời của truyền thống Kadampa. Song mãi về sau này, chính Đức Milarepa mới là người khai mở trái tim giác ngộ của Ngài, và do đó Đức Milarepa là bậc căn bản thượng sư của Ngài Gampopa. Tác phẩm Sức trang hoàng châu báu của sự giải thoát của Ngài Gampopa trong thực tế được viết trước khi Ngài được hạnh ngộ cùng Đức Milarepa. Sau khi Gampopa khám phá ra rằng Đức Milarepa là bậc căn bản thượng sư của Ngài, Ngài đã thay đổi lời tựa cho tác phẩm đó và thêm vào đoạn: “Với sự gia trì của Đức Milarepa, tôi đã viết nghi quỹ (sadhana, trong tiếng Tây Tạng có nghĩa đen là “phương tiện thành tựu”) này. Và khi Ngài Gampopa kiểm tra lại cuốn sách, Ngài đã thêm một vài điểm và chữa rằng: “Theo ý kiến của Milarepa, bậc Thượng sư của tôi…”.

Đức Gamgopa

Ngài Phagmo Drupa thực sự là một hành giả tu tập rất uyên bác của truyền thống Sakyapa. Ngài Sachen Kunga Nyingpo, bậc thầy chính của Ngài, đã nói với Ngài rằng: “Con đã đạt thành giác ngộ và đã đến được địa đầu tiên của chứng ngộ.” Sau đó Ngài Phagmo Drupa đã đến gặp Ngài Gampopa và đã trả lời ngắn gọn khi được hỏi một số câu. Ngài Phagmo Drupa, với cảm hứng từ Ngài Gampopa, đã trở thành một trong những đại đệ tử của Ngài Gampopa, và Ngài Gampopa trở thành bậc căn bản thượng sư của Ngài Phagmo Drupa.

Song những gì tôi đã nói với các bạn liên quan đến bậc Căn Bản Thượng Sư “đích thực”. Từ giờ cho đến khi chúng ta đạt thành giác ngộ, dĩ nhiên là chúng ta phải lựa chọn một bậc thầy mà chúng ta cảm thấy tín tâm nhất để bậc thầy đó có thể giúp đỡ chúng ta trong việc thực hành tu tập.

Cách tốt nhất để theo học một bậc Thầy

Ngày nay, những gì tôi để ý thấy là khi một bậc thầy có lòng nhân từ, mọi người sẽ rất thích bậc thầy đó và cảm thấy rằng đây là sự tín tâm đích thực. Quan niệm đó thực sự rất mong manh bởi vì khi bậc Thầy đó không còn thể hiện sự nhân từ, sự tín tâm mà chúng ta có được sẽ tan vỡ. Lẽ dĩ nhiên, một cách để bắt đầu theo học các bậc thầy là chúng ta cần nhân từ như các bậc Thầy, đó là một kỹ năng để nhận các đệ tử bởi vì tâm của hầu hết các đệ tử đều là tâm con người thông thường. Bằng cách này, khi các đệ tử đã chứng ngộ được nhiều hơn, sự tín tâm của họ cũng sẽ tăng dần lên. Do đó, để bắt đầu thì như vậy là tốt. Song nếu các đệ tử trông đợi bậc Thầy lúc nào cũng phải thể hiện ra bên ngoài lòng nhân từ và tình cảm thương yêu, thì sự tín tâm đó rất mong manh, bởi vì mối quan hệ thầy trò đó rất nông cạn. Đối với những người như vậy, họ nên đọc cuốn sách do Ngài Gampopa viết có tựa đề là Bảo Man Thượng Đạo (the Precious Garland of the Sublime Path), tác phẩm này đưa ra những hướng dẫn sâu sắc và chính xác về việc kiến, thiền, hành đúng đắn để hoàn thiện việc thực hành tu tập tâm linh của một hành giả. Tác phẩm nêu rất rõ ràng sự khác biệt giữa ý thích cảm tính của chúng ta và sự tín tâm dành cho bậc thầy. Đây là một cuốn sách tuyệt vời có cách viết rất rõ ràng và thực sự đi thẳng vào vấn đề nói trên.

Dù thế nào đi nữa, khi chúng ta đã trưởng dưỡng được tín tâm đích thực dành cho người ta đã nhận làm bậc thầy, chúng ta hãy đừng bao giờ đặt ra điều kiện. Điều này đã được nói đến trong lời cầu nguyện của chúng ta:

Bằng việc không trưởng dưỡng tà kiến, dù chỉ trong giây lát,

về các hoạt động giải thoát của bậc Thầy vinh quang,

và bằng việc tín tâm coi tất cả những gì thầy làm là thiện

Xin sự gia trì của thầy vào trong tâm của con!

Đây là pháp thực hành sơ khởi (Ngondro) của chúng ta. Do vậy, dù cho bậc thầy làm bất cứ điều gì, chúng ta hãy xem việc làm đó là sự vi diệu và ta sẽ tự nhiên nhận được sự gia trì.

(Khai thị của Đức Kyabje Drukpa Choegon Rinpoche Chokyi Sengye

Trích ấn phẩm “Những hành giả Yogis của Truyền thừa Drukpa)

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6336032
Số người trực tuyến: