Cách thực hành Quy y Đức Phật Quan Âm hàng ngày
Theo định nghĩa đơn giản nhất, Quy là “quay về”, Y là “nương tựa”, đặt trọn niềm tin nơi Tam Bảo Phật Pháp Tăng. Trong Kim Cương thừa, Quy y chính là quay về nương tựa, trưởng dưỡng tâm chí thành hướng đến bậc Kim Cương Thượng sư - hiện thân của Tam Bảo, Tam Căn Bản và Tam thế Phật.
Song song với pháp tu Đức Phật Quan Âm để trưởng dưỡng lòng từ bi và tình yêu thương, bạn vẫn nên thực hành pháp tu mở đầu Ngondro. Vì thực hành Pháp tu mở đầu Ngondro giữ vai trò vô cùng quan trọng, là sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho phần tu tập chính - Đại Thủ Ấn Mahamudra. Đây không phải là những bài thực tập mang tính “vỡ lòng” cho người mới bước chân vào cửa đạo, mà thực sự là chìa khóa để mở cánh cửa giác ngộ cho những ai muốn bước vào ngôi nhà Phật pháp.
Phần đầu tiên bước vào bất kỳ Nghi quỹ thực hành nào đều là phần Quy y và phát Bồ đề tâm.
Đệ tử xin phát nguyện,
Quy y Phật, Pháp, Tăng
Đến khi thành chính giác,
Công đức lợi quần sinh.
Trước ba ngôi Tam Bảo,
Phật đạo nguyện tu thành.
(3 lần)
Bạn hãy quán tưởng tòa sen và đĩa mặt trăng, trên đó là chữ chủng tử «Shri». Khi chủng tử «Shri» hòa tan thành ánh sáng, quán tưởng đức Phật Quan Âm dần dần thị hiện, bên phải mình là chúng sinh cha, bên trái là chúng sinh mẹ, đằng trước mặt là kẻ thù, đằng sau là vô lượng chúng sinh trong sáu đạo luân hồi.
Con và chúng hữu tình đầy khắp hư không giới
Trên đỉnh đầu con hoa sen trắng
Giữa đài sen là Nguyệt luân thanh tịnh
Trên đó là chủng tử tự SHRI
Hóa thành Đức Quan Thế Âm thanh tịnh
Thân Ngài bạch sắc màu thanh khiết
Hào quang ngũ sắc chiếu sáng ngời
Mặt trang nghiêm miệng mỉm cười
Mắt từ soi chiếu muôn loài khổ đau.
Bạn và chúng sinh trong sáu đạo luân hồi cùng phát Bồ đề tâm đạt được giác ngộ vì lợi ích tất cả chúng sinh và cùng hướng lên Đức Quan Âm Tứ Thủ chí thành cầu nguyện.Trên đỉnh đầu bạn là tòa sen, an tọa trên tòa sen là Kim Cương Thượng sư bất khả phân với đức Bản tôn Quán Thế Âm, đức Phật của Lòng từ bi.
Bốn tay cứu độ cho đời
Hai tay chắp lại rạng ngời Mani
Khi quán tưởng Bản tôn Quan Thế Âm, bạn hãy tập trung vào viên ngọc như ý mà hai tay Ngài trì giữ. Ngọc như ý nêu biểu cho lòng từ bi và tình yêu thương siêu việt của đức Phật, tâm nguyện đưa chúng sinh đến bờ giác ngộ tối thượng. Lòng từ bi hay Bồ đề tâm có thể viên mãn mọi tâm nguyện thế gian và xuất thế gian của tất cả chúng sinh hữu tình. Tại sao lại như vậy? Nếu bạn muốn giúp đỡ một ai đó, bạn cần có lòng từ bi. Bạn mong nguyện đạt được giải thoát, bạn có trí tuệ nhưng nếu thiếu đi lòng từ bi, bạn sẽ không muốn giúp đỡ người khác. Bạn có thể là một triệu phú nhưng bạn không muốn bỏ ra dù chỉ một đồng để giúp đỡ người khác. Bạn chỉ có thể giúp đỡ người khác với lòng từ bi và tình yêu thương. Trong một gia đình, bạn nghĩ rằng mình không cần phải yêu thương mọi người trong nhà, chỉ cần cho họ tiền hay đồ ăn thức uống là đủ. Nhưng tình yêu thương vị kỷ kiểu như vậy không giúp bạn có được cuộc sống tích cực.
Chỉ khi bạn trưởng dưỡng được tình yêu thương chân thật, mọi người mới cảm nhận được năng lượng từ bạn. Còn nếu với tâm vị kỷ, ngay cả nếu có yêu thương người khác, bạn sẽ chỉ muốn kiểm soát cuộc sống của họ. Chúng ta mong cầu mọi người yêu quý mình. Nếu họ không làm theo ý chúng ta, chúng ta sẽ nhiếc móc, thậm chí gây gổ với họ. Nếu ai đó đánh bạn, bạn sẽ yêu thương họ nhiều hơn hay bớt yêu thương họ đi? Nhưng nếu có ai đó đối xử tốt với bạn, yêu thương bạn một cách vô điều kiện, bạn sẽ trào dâng niềm xúc động. Đó là lý do vì sao tất cả chúng ta đều tôn kính chư Phật và Bồ Tát. Chúng ta tôn kính Đức Phật Quan Âm không phải bởi Ngài yêu cầu chúng ta phải làm điều này hay điều khác mà bởi tình yêu thương vô điều kiện ban trải khắp Pháp giới hữu tình. Nếu bạn muốn điều phục các xúc tình tiêu cực, bạn cần trưởng dưỡng Bồ đề tâm và lòng vô ngã, vị tha. Lòng vị kỷ sẽ sản sinh ra sân giận, tật đố, kiêu mạn và vô số bất thiện nghiệp. Tâm vô ngã, vị tha sẽ phát khởi lòng từ bi, sự thấu hiểu và khoan dung đối với mọi người, từ đó giúp bạn tích lũy vô lượng thiện nghiệp, tịnh hóa tâm nhiễm ô. Chính bởi vậy, tâm nguyện đạt được giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh chính là cốt tủy của Pháp tu Quan Âm. Đó là lý do vì sao Phật Bản tôn Quan Âm trì giữ ngọc Mani như ý.
Thạch anh tràng hạt tay cầm
Bạch liên thanh khiết tay nâng một cành
Tay phải thứ hai của Đức Quan Âm cầm tràng pha lê nêu biểu cho tâm nguyện độ tha liên tục, không nhàm mỏi để giải thoát chúng sinh cả trong ba đường ác lẫn ba cõi lành không bỏ sót một ai. Tay trái của Ngài trì giữ hoa sen đang nở, nêu biểu cho tâm từ rộng lớn vô biên, viên mãn mọi tâm nguyện của chúng sinh. Tâm của chúng ta chỉ đủ để thỏa mãn một số ít người, bởi tình yêu thương của chúng ta là tình yêu thương có điều kiện.
Trang sức tua lụa ngọc ngà
Anh lạc ba chuỗi rạng ngời tôn nghiêm
Trên thân khoác tấm da nai
Từ bi cứu độ muôn loài chúng sinh
Một lòng tôn kính Thượng Sư
A Di Đà Phật tôn nghiêm đỉnh đầu
Với Sư tử Niết bàn tự tại
Hai chân Ngài kết gia phu
Lưng Ngài dựa mặt trăng tròn sáng
Thể hiện tâm không vướng bụi trần
Ngài là tinh túy ba đời Phật, là Bản thể tất cả chốn Quy y
Trên vương miện đỉnh đầu của Đức Phật Quan Âm bao giờ cũng là hình tượng của Đức Phật A Di Đà nêu biểu Báo thân Bồ Tát vào cuộc đời cứu độ chúng sinh nhưng không bao giờ rời tự tính, không bao giờ rời Pháp thân. Ngài cũng là một trong những đệ tử của đức Phật A Di Đà.
Bản tôn Quan Thế Âm
Sắc thân trắng thanh tịnh
Đỉnh đầu Di Đà ngự
Tôn nghiêm lực gia trì
Bi mẫn nhìn chúng sinh
Với đôi mắt hiền từ
Quy y tròn một niệm
Chí thành con đỉnh lễ.
(3 lần)
Các bạn hãy luôn giữ hình ảnh quán tưởng như vậy và thành kính quy y Đức Quan Âm trong suốt một ngày. Bạn sẽ đón nhận trọn vẹn năng lực gia trì của Ngài để trong từng giây từng phút, bạn đều có thể thực hành tâm linh hướng tới giác ngộ, giải thoát vì lợi ích bản thân và hết thảy chúng sinh hữu tình.
của Đức Kyabje Khamtrul Rinpoche Jigme Pema Nyinjadh)
Tham khảo thêm
Lợi ích của Bảy chi cầu nguyện trong pháp tu Phật Quan Âm
Giải thoát 6 ngục tù nhờ trì tụng chân ngôn Lục Tự Đại Minh
Nghi quỹ tu trì Đức Bản tôn Quan Âm Tứ Thủ- Viết bình luận
- 1996
Viết bình luận