Không phân biệt kẻ oán người thân
Không phân biệt kẻ oán người thân
Ngày xưa có một vị Đại Bồ Tát tên gọi là Tiên Thán, là một người giàu có không ai so sánh được. Tuy gia đình ông rất đỗi giàu sang sung túc, nhưng trong cuộc sống ông không hề xa xỉ vì thường được nghe lời giáo huấn của đức Phật. Ông hiểu rằng thế gian là vô thường, giác ngộ rằng tài sản không thể trường tồn, chỉ có công đức bố thí mới là cái gia tài mà ta có thể nương nhờ được.
Tiên Thán thường nói với người khác rằng:
– Nếu có người nào sống một đời sống khó khăn hoặc thiếu thốn nghèo nàn, tôi sẵn sàng hoan hỉ giúp đỡ người ấy.
Tuy Tiên Thán muốn làm việc thiện, muốn thực hành bố thí, nhưng lúc ấy thiên hạ thái bình, muôn dân an lạc, cuộc sống mọi người đều sung túc, nên Tiên Thán không tìm ra đối tượng cho ông bố thí.
Về sau, ông nghĩ rằng muốn bố thí không nhất thiết phải trực tiếp dùng đến tiền bạc. Bấy giờ trời đang nóng bức, có rất nhiều người ngã bệnh, thì săn sóc bệnh nhân, cung cấp thuốc men cho họ là việc đáng làm nhất.
Từ đó về sau, hễ chỗ nào có bệnh nhân rên siết, xa xôi tới đâu Tiên Thán cũng không ngại lao khổ mà đến tận nơi để an ủi săn sóc họ. Hơn nữa, ông còn phát tâm cung cấp hết mọi thứ thuốc thang. Năm này sang năm khác, nhiều năm rồi mà tinh thần phụng sự chúng sinh của Tiên Thán trước sau vẫn như một, không lười biếng, không than thở. Vì thế cả nước đều nghe nói tới đức độ của ông và mọi người đồng thanh khen ngợi rằng:
– Tiên Thán thật là một người hiếm có trên thế gian, ông là đại ân nhân của chúng ta, ông như cha mẹ đã sinh chúng ta ra đời lần thứ hai vậy!
Họ còn nói:
– Công đức của Tiên Thán cao hơn trời, dày hơn đất!
Rất nhiều người bệnh nhờ được Tiên Thán ân cần chăm sóc nên hồi phục sức khỏe mau chóng. Vì thế, những người bệnh từ bốn phương tám hướng đổ về tìm đến cầu cứu ông, ngày càng thêm đông.
Vì Tiên Thán bố thí một cách rộng rãi như thế nên tài sản của ông càng ngày càng suy giảm, và tới một lúc thì cạn kiệt hẳn. Không những không có một lời than thở, ông còn vui vẻ đi xứ khác làm ăn, phát nguyện rằng khi nào có tiền trở lại thì sẽ tiếp tục bố thí.
Đi được nửa đường thấy có rất nhiều cỗ xe đầy cả người bệnh, ông thấy điều lạ lùng bèn hỏi:
– Quý vị đi đâu vậy?
– Chúng tôi bệnh hoạn, muốn tìm tới ông Tiên Thán để cầu xin ông cứu giúp!
Tiên Thán nghe thế, không suy nghĩ gì thêm mà quay trở về, vay mượn nhà vua 5 trăm lượng vàng để chữa bệnh cho những chúng sinh đau khổ ấy. Nhờ Tiên Thán chân thành chữa trị cho nên tất cả những người ấy đều hoàn toàn bình phục.
Để tự sinh sống và để cung cấp thuốc men cho người khác, Tiên Thán tháp tùng rất nhiều nhà buôn cùng nhau ra nước ngoài làm ăn buôn bán. Lúc đi qua một con đường dài trên sa mạc, không có nước uống nên nhiều người trong đoàn ngã quỵ bất tỉnh, nhưng thật là không thể tưởng tượng được, ở trong cái sa mạc mênh mông không có một bóng người, Tiên Thán lại kiếm ra được một nguồn nước ngọt. Mỗi lần kiếm ra được nguồn nước ngọt mát mẻ trong trẻo như thế, Tiên Thán lại nhất định nhường cho mọi người uống thỏa thuê xong mới đến phần mình uống một chút.
Với đạo đức và phúc báo của mình, Tiên Thán làm ăn buôn bán rất thành công và dễ dàng. Các nhà buôn kia cũng nương vào phúc báo ấy mà kiếm được khá nhiều tiền.
Nào ngờ trên đường về, họ thấy Tiên Thán kiếm được tiền lời nhiều gấp mấy lần họ nên sinh lòng đen tối, sau khi bàn tính với nhau, họ quyết định đến một cái giếng cổ nọ sẽ đoạt lấy tiền của Tiên Thán và ném ông xuống cái giếng ấy.
Về tới bổn xứ, người ta lấy làm lạ không thấy Tiên Thán về chung với đoàn nhà buôn này. Nhà vua cũng hỏi họ:
– Không phải các ông cùng với Tiên Thán rời khỏi nước để ra xứ ngoài làm ăn hay sao? Sao Tiên Thán lại chưa về tới?
– Chúng tôi không biết, vừa ra khỏi xứ là ông ta tách ra khỏi đoàn chúng tôi rồi.
Thấy các nhà buôn trả lời một cách ấp úng, gượng gạo thì nhà vua đã hiểu rõ hết mọi sự, ông bèn bắt giữ những nhà buôn ấy lại và mặt khác sai người đi tìm kiếm mọi nơi.
Tuy bị xô xuống giếng nhưng người thiện luôn luôn có sự giúp đỡ của chư Phật, nên khi ở dưới đáy giếng trong ánh sáng lờ mờ, Tiên Thán thấy bên cạnh có một đường hầm. Ông ép mình lần theo đường hầm ấy mà bò ra, nhờ vậy ông thoát khỏi giếng sâu và thấy lại ánh sáng mặt trời.
Trải qua bảy ngày đêm, Thiên Thán về tới nước của mình, dân chúng rất mừng rỡ. Ông tay không đến gặp nhà vua, vua hỏi:
– Tại sao ông lại trì trệ như vậy mà không về nước liền? Và tại sao lại còn về tay không?
Tiên Thán khiêm tốn trả lời:
– Thần rất hổ thẹn, vì thần vô đạo đức, không có phúc báo nên làm ăn thất bại.
Nhà vua thừa biết Tiên Thán là người từ bi vị tha, không bao giờ nói ra lời nào có thể gây thiệt hại cho người khác. Vì thế vua cho triệu mấy nhà buôn kia tới, muốn dùng hình phạt tàn khốc bắt họ khai:
– Nếu các ông không thành thật thú tội, ta sẽ thẳng tay trừng trị. Người nào biết mình đã tạo lỗi lầm và biết nhận lỗi, ta có thể giảm nhẹ hình phạt cho người đó.
Khi thấy những dụng cụ tra tấn, người nào cũng hồn xiêu phách lạc, không ai dám giấu giếm gì nữa, họ đem chuyện mưu hại Tiên Thán ra khai hết đầu đuôi. Vua nổi giận ra lệnh đem tất cả ra chém chết. Tiên Thán biết được, vội vàng đến cung điện khấu đầu cầu xin nhà vua tha tội cho họ và thả họ ra khỏi tù. Nhà vua trả lời:
– Làm sao có thể khoan thứ cho phường ác độc xấu xa như thế? Nhất định phải trừng phạt kẻ ác để cảnh giác người khác.
Lời của vua không phải là không có lý, nhưng Tiên Thán vẫn một mực van nài:
– Thỉnh cầu bệ hạ, hãy thương xót những người ấy đã trong một giây phút mù quáng mà phạm tội. Tốt hơn hết là tha thứ cho họ và sau đó dạy họ sám hối sửa lỗi.
Tiên Thán như cha mẹ của mọi người, nên đối với mỗi cá nhân ông đều dùng tâm từ bi che chở mà đối đãi, không nỡ thấy họ phải chịu khổ. Tuy đó là những người tàn ác đã từng hại chính ông, nhưng ông cũng không suy tính so đo, cứ thế mà lo lắng cho họ. Tất cả kẻ oán hay người thân ông cũng đều coi bằng nhau, vì muốn cho họ có cơ hội sám hối và sửa đổi.
Những người lái buôn ấy tuy tội rất lớn và tâm địa cực kỳ ác độc, nhưng nếu biết sám hối thì cũng được cứu thoát. Mỗi người chỉ cần sửa lỗi thì bao giờ cũng còn có hy vọng vươn lên hướng thiện.
- 285
Viết bình luận