Tâm từ bi là cội nguồn của hạnh phúc | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Tâm từ bi là cội nguồn của hạnh phúc

Đức Phật đã dạy: “Trưởng dưỡng động cơ tâm Bồ đề thanh tịnh là con đường chân chính chứng ngộ Phật quả. Nếu không có tâm Bồ đề thì hành giả sẽ không bao giờ chứng được Phật quả”. Không có một Đức Phật nào trong quá khứ đã chứng quả giác ngộ mà không trưởng dưỡng Bồ đề tâm, vì vậy những vị Phật của hiện tại và vị lai, bao gồm cả những người sẽ thành tựu tâm nguyện thành Phật, đều phải nương theo việc phát triển Bồ đề tâm để đạt tới Phật quả viên mãn.

Lòng từ bi hướng tới tất cả chúng sinh mẹ

Ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời đại nào, tâm từ bi vẫn vô cùng quan trọng. Đó là cội nguồn của cả hạnh phúc thế gian và hạnh phúc xuất thế gian của hết thảy chúng sinh. Mọi chúng hữu tình đều vốn sẵn bản chất từ bi, thậm chí kể cả hổ báo, chó sói cũng sẵn có bản chất này, điều này thấy được khi chúng cho con ăn. Trừ một số ít, còn ngay cả đến những người ích kỷ và độc ác nhất cũng quan tâm tới gia đình và bạn bè của họ bằng tình yêu thương và lòng bi mẫn.

Đối với bản thân chúng ta, chúng ta vô cùng tri ân cha mẹ đời này, đặc biệt với mẹ là người đã sinh thành và chăm sóc chúng ta từ khi mới chào đời cho đến ngày khôn lớn. Nếu như chúng ta không yêu kính mẹ mình thì thật đáng vô cùng đáng hổ thẹn và không thể chấp nhận được. Phẩm hạnh này cũng được dạy trong giáo pháp của Đức Phật.

Vậy thì khi quán tưởng và thực hành tâm từ bi, trước nhất chúng ta cần nghĩ tới tình yêu thương của người mẹ, và rồi dần dần phát triển tâm từ bi đó tới gia đình và những người bạn thân thuộc của chúng ta, rồi sau đó tới cả những người xa lạ mà chúng ta không hề quen biết, và cuối cùng là tới kẻ thù của chúng ta. Nếu chúng ta thường xuyên tu tập quán tưởng như vậy thì tâm Bồ đề - tâm Giác ngộ sẽ dễ dàng được trưởng dưỡng. Chính vì vậy mà trong mọi lời cầu nguyện đều được dẫn bằng câu “Tất thảy chúng sinh mẹ…”

Tình yêu thương và lòng bi mẫn thế tục rất hạn hẹp và có điều kiện

Tình yêu thương và lòng bi mẫn là gì? Tình yêu của một người mẹ đối với đứa con độc nhất của mình có nghĩa là bà luôn luôn mong cầu cho đứa con khỏe mạnh và không bao giờ đau ốm, và đứa trẻ sẽ luôn hạnh phúc và suốt cả cuộc đời không bao giờ phải chịu khổ đau. Người mẹ sẽ luôn luôn chất chứa mong nguyện che chở bảo vệ cho đứa con. Đó chính là “tình yêu thương”. “Lòng bi mẫn” là khi người mẹ thấy đứa con trai độc nhất của mình bị ốm, bà mong cầu rằng bệnh sẽ lành, đứa trẻ sẽ sớm bình phục. Lời mong cầu cho đứa con trai được chấm dứt tật bệnh đau khổ có thể được giải thích là “lòng bi mẫn”. Nhưng tình yêu thương và lòng bi mẫn đó là tình cảm thế gian và có sự phân biệt, bị thúc đẩy bởi vô minh, sân giận và tham ái. Thí dụ như thật dễ dàng để có tình yêu thương và lòng bi mẫn với gia đình của mình cũng như với bạn bè, và mong ước cho họ hạnh phúc, giải thoát khỏi khổ đau, song chúng ta lại không thể nào mong nguyện được điều đó cho kẻ thù của mình. Vì vậy mà tình yêu thương và lòng bi mẫn thế gian là tâm hạn hẹp và có điều kiện. Tình yêu thương và lòng bi mẫn được dạy trong Pháp Phật vô cùng bao la và rộng lớn; tình cảm đó hoàn toàn không phân biệt và không hề chịu sự chi phối thúc đẩy của sân giận hay tham ái. Tâm nguyện cho mọi chúng sinh đều đạt được hạnh phúc và sự an lạc, tâm nguyện cho mọi chúng sinh đều được giải thoát khỏi đau khổ và nguyên nhân gây ra đau khổ - đó chính là tình yêu thương và lòng bi mẫn vô điều kiện mà chúng ta đang bàn tới.

Chẳng có một chúng sinh nào lại không mong muốn được đón nhận tình yêu thương và lòng bi mẫn, cho dù là người thân hay kẻ thù, bạn bè hay người xa lạ. Mọi chúng sinh đều mong cầu được giải thoát khỏi khổ đau và được hưởng hạnh phúc. Tuy nhiên, thông thường chúng ta chỉ quan tâm tới bản thân chúng ta chứ không phải cho những người khác. Đó là bởi chúng ta không thể nào cảm nhận được những đau khổ của người khác.

Khi lợn, vịt hay những con vật khác bị giết mổ, chắc chắn chúng cảm thấy vô cùng đau đớn và sợ hãi, song chúng ta lại không hề cảm thấy phẫn nộ đối với hành động sát sinh dã man đó, bởi vậy chúng ta không khởi phát tình yêu thương và lòng bi mẫn tới chúng. Còn đối với bản thân mình, nếu chỉ bị đâm một cái kim vào người mình thôi, chúng ta có thể kêu thét lên vì đau đớn. Sự phân biệt và bất công trong cách đối xử giữa ta người là do chúng ta luôn thấy rằng mình cao hơn, quan trọng hơn những người khác. Chính vì vậy để phát triển tâm từ bi, chúng ta cần thường xuyên đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể trưởng dưỡng được tâm từ bi chân chính. Chúng ta cần luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, cần phải chấm dứt gây tổn hại đến những cuộc sống khác và bắt đầu giúp đỡ và lợi ích cho chúng hữu tình. Điều này vô cùng quan trọng.

Tâm dẫn khởi hành động giúp chúng ta phân biệt được hành động thiện hay ác

Đức Phật đã nói: “Động cơ phát khởi hành động là tốt hay xấu sẽ quyết định hành động đó thiện hay bất thiện, bất kể là nhỏ hay lớn.”. Chính vì thế mà động cơ và hành động được phân chia thành bốn nhóm:

1.     Động cơ tốt nhưng hành động không tốt;

2.     Động cơ xấu nhưng hành động tốt;

3.     Cả động cơ và hành động đều tốt;

4.     Cả động cơ và hành động đều xấu.

Đối với nhóm đầu tiên, chúng ta có thể lấy thí dụ một người mẹ muốn sửa đổi những hành động không tốt của con nên đã phạt con. Đối với nhóm thứ hai, thí dụ có thể là kẻ thù có thể mời chúng ta ăn một bữa thật ngon nhưng trong các món ăn lại có trộn sẵn thuốc độc. Đối với nhóm thứ ba, chúng ta có thể lấy thí dụ về một người thực hành công hạnh bố thì lợi ích người khác. Đối với nhóm thứ tư, chúng ta có thể thí dụ những kẻ hành động độc ác có chủ ý hãm hại người khác. Trong bốn nhóm động cơ và hành động này, tồi tệ nhất là các nhóm thứ hai và thứ tư vì được xếp vào những hành động hoàn toàn bất thiện và nhất thiết nên tránh xa. Nếu bạn thực hiện một hành động xấu với động cơ tốt thì cũng không hoàn toàn xấu. Còn nếu bạn thực hiện hành động tốt với động cơ tốt thì đúng là rất đáng được cổ vũ. Còn những ai thực hiện những hành động bất thiện với động cơ bất thiện thì nghiệp quả mà họ sẽ đón nhận chắc chắn sẽ là nghiệp ác và đầy đau khổ. Còn những ai có động cơ xấu nhưng hành động tốt hay ngược lại, thì nghiệp quả sẽ có một phần tốt và một phần xấu. Còn đối với những ai vừa có động cơ tốt vừa thực hành thiện hạnh thì chắc chắn sẽ có quả tốt.

Như vậy chúng cần phải tránh xa là những hành động bất thiện với động cơ bất thiện; những hành động bạo lực hoặc gây tổn thương như sát sinh hay đánh đập những người khác; những lời nói hoặc ý nghĩ xấu khiến cho người khác cảm thấy bất an, lo lắng, sợ hãi, sân giận hay những cảm xúc tiêu cực khác. Tất cả những điều này đều được coi là hành động bất thiện gây tổn thương tới những chúng sinh khác và vì vậy đã phạm vào lời nguyện Quy y. Chúng ta phải luôn luôn thực hiện những hành động chân chính và bất bạo lực.

Cho dù chúng ta có thể cảm thấy thương xót những chúng sinh đang đau khổ vì đói, thiếu quần áo, bệnh tật hay nghèo khó, chúng ta lại không có khả năng đồng cảm với những chúng sinh không phải chịu đau khổ vì những thiếu thốn vật chất. Điều này cũng là do thiếu tình yêu thương và lòng bi mẫn vô điều kiện. Nếu như quán chiếu thật sâu sắc, chúng ta sẽ hiểu rằng những người lúc này không đau khổ thì cũng sẽ phải chịu đau khổ trong tương lai vì bản chất của luân hồi là vô thường. Trong luân hồi, hạnh phúc luôn vô cùng ngắn ngủi. Cứ khi nào có được một chút hạnh phúc thì trạng thái đó sẽ rất nhanh chóng chuyển thành khổ đau. Cho dù một người có giàu có và quyền lực đến đâu hay có là một người nổi tiếng thì cũng vẫn phải đối diện với cái chết; chính vì thế mà chúng ta cần phải biết cảm thương tới mọi chúng sinh.

Đối với những người muốn trưởng dưỡng tâm từ bi, họ cần phải có động cơ lợi tha để thực hành công hạnh lợi ích hữu tình. Sự trưởng dưỡng tâm từ bi này không chỉ trên lời nói. Chẳng hạn như khi bạn nhìn thấy những người rất nghèo khó, chẳng có gì để ăn, chẳng có gì để mặc hoặc đang sắp chết vì thiếu thốn vật chất, sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu chỉ có nói rằng những người này thật vô cùng đáng thương, nhưng nếu chúng ta mang lại họ thức ăn và quần áo của chúng ta thì đó mới là cách thực tế hơn để giúp đỡ họ. Sự thực hành tâm từ bi trong mọi hoạt động của bạn không chỉ có ích đối với thực hành Pháp mà còn có ý nghĩa về mặt thế gian.

Tuy vậy, sự bố thí về vật chất chỉ có thể làm nhẹ bớt khổ đau trong nhất thời mà không thể mang lại sự an lạc bền vững và tối thượng. Chính vì vậy mà điều vô cùng quan trọng là phát triển tâm từ bi vô lượng tới mọi chúng sinh mẹ vô biên như hư không và mong cầu cho hết thảy được hạnh phúc, an lạc và giải thoát khỏi khổ đau. Đây không phải là điều không thể thực hiện được. Bằng cách phát nguyện lợi tha không phân biệt như vậy, bạn sẽ có thể giảm bớt những cảm xúc tiêu cực của chính mình và rồi cùng với động cơ lợi tha thanh tịnh, thì cho dù bất cứ hành động gì bạn thực hiện cũng đều là sự thực hành giáo pháp Đại thừa. Điều này sẽ dẫn bạn đạt tới mục đích tối thượng chính là Phật quả toàn giác, đó là nguồn cội cho lợi ích bản thân và hết thảy chúng hữu tình.

Để tiến xa hơn một bước, đối với những người mong nguyện phát triển tâm Bồ đề, họ cần phải thấu hiểu rằng mọi chúng hữu tình trong các đời trước đều từng là mẹ của mình. Hãy hình dung tới tình yêu thương của mẹ trong cảnh giới súc sinh, ngay đến chim chóc, côn trùng nhỏ bé hay những con vật khác, những con thú mẹ bao giờ cũng cho con của chúng tình yêu thương và sự chăm sóc cao cả nhất. Vậy người mẹ của chúng ta trong đời này yêu thương và chăm sóc chúng ta ra sao, thì tất cả những chúng sinh đã từng là mẹ của chúng ta cũng yêu thương và chăm sóc chúng ta đúng như vậy. Nếu suy nghĩ theo hướng đó, bạn sẽ phát khởi tâm nguyện đền đáp ân đức của những chúng sinh mẹ trong ba đời đang chịu khổ đau trong luân hồi, và để giải thoát cho họ chúng ta tha thiết muốn thành tựu Phật quả giải thoát. Như Đức Phật Di Lặc vị lai đã dạy: “Bồ đề tâm được phát triển vì lợi ích của những người khác, chỉ qua đó mới có thể thành tựu được giác ngộ tối thượng”.

(Khai thị của Đức Kyabje Khamtrul Rinpoche Shedrub Nyima

Trích ấn phẩm “Những hành giả Yogis của Truyền thừa Drukpa”)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6335916
Số người trực tuyến: