Tấm gương tu tập của 3 bậc Kim cương Thượng sư Tối thắng (Phần 1)
Những đệ tử trứ danh của Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa đời thứ I, Tsangpa Gyare Yeshe Dorje, có thể được chia làm hai nhánh: Dòng dõi quyến thuộc và các Pháp tử tâm linh. Đức Tsangpa Gyare có “2.800 đại Pháp tử siêu việt”, trong đó có mười ba vị chứng đạt phẩm hạnh siêu việt tự tại làm chủ sắc pháp và tâm pháp, và 100 đệ tử thành tựu hạnh lợi tha. Trong số đó, Đức Gyalwa Lorepa, Đức Gyalwa Gotsangpa và Đức Gyalwa Yang Gonpa, một đệ tử của Đức Gyalwa Gotsangpa, được tôn xưng là Gyalwang Namsum hay “Ba Kim cương Thượng sư Tối Thắng” để ấn chứng mức độ thành tựu tâm linh của các Ngài.
Đức Gyalwa Lorepa Wangchuk Tsondru
Đức Gyalwa Lorepa Wangchuk Tsondru đản sinh tại Yorpo Zhung Dragchen, trong dòng dõi của thị tộc Lo-nang. Đức Sherab Gyalshen, một hành giả Yogi theo truyền thống Nyingma, và bà Mesa Kyide, một phụ nữ có tín tâm sâu sắc, sống rất sung túc nhưng lại không có con. Bởi vậy, họ đã tới Lhasa, và sau khi dâng vô số đại phẩm vật cúng dường lên Đức Bồ tát Quan Thế Âm Avalokiteshvara, họ đã cầu nguyện sinh con. Đêm đó, người mẹ đã mơ thấy một mũi tên trang hoàng ngọc báu đã bay xuyên qua đỉnh đầu chui vào người bà. Sau khi thụ thai, bà luôn có những giấc mơ vô cùng tuyệt diệu - như một chiếc đèn lớn rực cháy tại huyệt ấn đường, rực rỡ soi chiếu khắp muôn phương. Vào năm 1188, năm Thân Dương Thổ, Đức Gyalwa Lorepa đã đản sinh cùng vô số điềm cát tường thù thắng.
Đức Lục Độ Mẫu Tara
Lên ba tuổi, Đức Lorepa đã được một Đạo sư truyền thừa Nyingma giáo dưỡng. Khi lên sáu, Ngài học đọc, học viết đồng thời có hiểu biết về nhiều Kinh điển, như kinh Bát nhã Ba la mật, mà chưa từng nghe bậc Thầy nào luận giảng. Khi Đức Lorepa lên bảy, mẫu thân của Ngài lâm trọng bệnh; Ngài ngồi phía trên đầu giường và cầu nguyện lên Tam Bảo, và Ngài đã có một linh kiến về Đức Lục Độ Mẫu Tara. Ngay sau đó mẫu thân của Ngài đã khỏi bệnh. Ngài không bao giờ chơi đùa với những đứa trẻ khác mà chỉ ngồi trên nóc nhà của mình, quán sát xem có sự khác biệt nào giữa những giấc mơ và những sắc tướng tương đối. Quan sát thấy những khổ đau của chúng sinh trong cõi luân hồi, Ngài thường bật khóc và một tín tâm dâng hiến mãnh liệt tới bậc Thượng sư và Pháp trào dâng trong Ngài. Ngài đã phát triển tâm đại bi vô lượng tới tất thảy chúng sinh, Ngài rất thích bố thí những vật dụng cần thiết cho những chúng sinh đang khổ đau.
Khi lên chín, Đức Lorepa đã tới Lhasa và nguyện cầu tới đức Quan Âm Avalokiteshvara Thập nhất diện. Tín tâm chí thành cầu nguyện đã giúp Ngài được ân hưởng rất nhiều năng lực gia trì. Sau đó, Ngài đã tới Tshel Gungthang và gặp Zhang Rinpoche, đạo sư mà Ngài vô cùng kính ngưỡng. Ngài mong nguyện được thụ đại giới nhưng điều kiện khi đó đã không cho phép. Vào tuổi mười bảy, Ngài cùng một vài người bạn tới Nyethang để thụ nhận giáo pháp từ Đức Tsangpa Gyare và bày tỏ tâm nguyện được xuất gia. Tuy nhiên Đức Tsangpa Gyare đã dạy rằng, “Phụ thân và gia đình của con sẽ không hoan hỷ. Con nên dùng phương tiện thiện xảo để tạo ra thiện duyên phù hợp”. Khi trở về nhà, Lorepa bèn giấu mình trong một hang động tại Namdruk trong vòng ba ngày. Sau đó, Ngài đã được quy y tại Kyormolung trước sự hiển diện của Đức Josey Beti Drachompa và đã được ban pháp danh là Wangchuk Tsondru. Ngài đã tới Namdruk một lần nữa để được gặp Đức Tsangpa Gyare, và mặc dù thân phụ của Lorepa cùng một số người khác đến đón Ngài về, nhưng Ngài đã từ chối. Một lần nữa, Ngài đã thỉnh cầu Đức Tsangpa Gyare cho phép Ngài ở lại, nhưng Đức Tsangpa Gyare đã khuyên Ngài nên trở lại nhà một lần nữa, và dạy rằng lần này sẽ chẳng có bất kỳ chướng ngại nào cả, do đó Ngài đã quay về nhà.
Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa đời thứ I, Tsangpa Gyare Yeshe Dorje
Cả Lorepa và phụ thân của Ngài đều theo Đức Tsangpa Gyare tới tự viện Namdruk, thụ nhận quán đỉnh. Vào mùa thu năm đó, Lorepa đã thụ cụ túc giới y. Sau khi thụ nhận trọn vẹn giáo pháp Mahamudra và Chakrasamvara, Ngài đã bước vào ẩn cư nhập thất miên mật ba năm. Khi đó, Lorepa đã nhận được tin phụ thân Ngài bị ốm. Trước khi về gặp phụ thân, Ngài đã nhận được ba lời khuyên từ Đức Tsangpa Gyare: “Nếu con cầu nguyện tới thượng sư, tất cả Pháp thực hành sẽ thành tựu; nếu con luôn tỉnh thức, mọi chướng ngại sẽ không thể ngăn trở con; nếu con không gây mâu thuẫn hay buông lời sáo rỗng thì đó sẽ là phụng sự tối thượng”. Chẳng bao lâu sau đó, phụ thân Ngài qua đời.
Đức Lorepa đã cử hành nghi lễ đám tang long trọng cho phụ thân, cúng dường tới chư tăng và bố thí ngũ cốc cùng rất nhiều tài sản tới những người dân địa phương. Ngài cũng đốt hết tất cả giấy nợ mà những người khác còn vay chịu gia đình. Khi quay lại thánh địa Namdruk, Ngài đã phát 13 thệ nguyện trước sự hiển diện của Đức Tsangpa Gyare:
1. Không trả thù ngay cả khi có người làm hại mình;
2. Không nhận bất kỳ phẩm vật cúng dường nào trừ khi những phẩm vật đó đã được cúng dường cho cộng đồng chư Tăng;
3. Không giao thiệp để xin thức ăn thậm chí ngay cả khi không có gì để ăn;
4. Ngồi trong tư thế thẳng trang nghiêm mà thậm chí không sử dụng đến một lá cỏ làm nệm ngồi;
5. Không buông lời sáo rỗng và chỉ tham dự vào những đàm luận tâm linh;
6. Không tới khu vực làng mạc mà chỉ cư trú ở những nơi ẩn cư hẻo lánh;
7. Chỉ đắp một tấm y;
8. Không đi giầy da động vật;
9. Chính thân đoan tọa bất động khi ngồi;
10. Tinh tiến tu tập thời khoá thường nhật mà không thoái thất để trưởng dưỡng những hạt công đức dù là nhỏ bé nhất;
11. Thực hành pháp Chakrasamvara giai đoạn phát triển và hoàn thành với bốn thời khoá hàng ngày;
12. Không giữ bất cứ thứ gì thừa thãi tới ngày tiếp theo, trừ khi trong khoá nhập thất.
13. Tôn kính tất cả mọi chúng sinh, kể cả những người phong hủi và hành khất hơn cả bản thân.
Đức Tsangpa Gyare đã dạy, “Không nhất thiết phải phát nguyện như vậy. Thậm chí Đức Phật cũng đã chỉ sám hối trong sáu năm. Bởi vậy con có thể chỉ cần trì giữ lời nguyện trong sáu năm”.
Đức Lorepa đã xả bỏ đời sống thế tục và dành trọn cuộc đời tu tập thiền định. Ngài đã bày tỏ với Đức Tsangpa Gyare mong nguyện tới các nghĩa địa ở Ấn Độ để thực hành pháp Ronyom hay “Pháp vị Bình đẳng”. Tuy nhiên, Đức Tsangpa Gyare đã khuyên Ngài ở lại bên Thượng sư và thụ nhận giáo pháp để tận diệt những thắc mắc trong khi Thượng sư còn tại thế. Bởi vậy Ngài đã ở lại Namdruk. Khi Đức Tsangpa Gyare lâm bệnh, Đức Lorepa đang cư trú tại Namdruk và đã thị giả phụng sự Đức Tsangpa Gyare. Trong suốt thời gian này, Ngài đã thụ nhận nhiều lời huyền ký từ Đức Tsangpa Gyare. Sau khi Đức Tsangpa Gyare thị hiện viên tịch, Đức Lorepa đã cử hành tất cả những nghi thức lễ tang. Như vậy, từ năm mười bảy cho tới năm hai mươi tư tuổi, Ngài đã hoan hỷ phụng sự Thượng sư theo ba cách: tu tập giáo pháp; cúng dường vật chất và phụng sự Đức Thượng sư. Sau đó, Đức Lorepa đảm trách giám luật trong một năm, trong khi Đức Onre Darma Senge ban truyền giáo pháp tại Namdruk. Ngài đã thiền định tại Jalung trong suốt mùa đông và quay trở lại Namdruk vào mùa xuân. Sau đó Ngài lại dành trọn vẹn ba năm nhập thất tại Tự viện Jalung.
Lorepa đã dành một năm tu tập tại Dewa Drolma, dưới đỉnh một vách núi ở Kharag. Vào mùa đông, tuyết dầy che phủ toàn bộ khu vực, Ngài không có cách nào để tìm kiếm củi đốt và nước. Trong thời gian đó, sức khỏe Ngài không được tốt. Tuy nhiên tất cả những chướng ngại trên đã giúp Ngài nhận ra rằng chẳng có gì ngoài khổ não miên viễn trong luân hồi sinh tử. Ngài đã cầu nguyện cả ngày lẫn đêm tới bậc Thượng sư với tín tâm dâng hiến mãnh liệt và đã có linh kiến về Đức Tsangpa Gyare. Tất cả những bất thiện tiêu cực đều được tịnh hóa và mọi nhân duyên bên ngoài, dù tốt hay xấu, đều được Ngài chuyển hoá thành những nhân cho xả bỏ giải thoát. Theo cách này, bản chất huyễn ảo của chân lý tương đối đều trở nên hiển lộ với Ngài. Ngài đã dành trọn năm năm thiền định tại Kharag.
Từ đó cho đến tuổi bốn mươi bảy, Đức Lorepa đã dành trọn thời gian tu tập thiền định tại những nơi xa xôi mà vật dụng thiết yếu vô cùng khan hiếm, như Semodo gần Hồ Namtsho ở phía Bắc Tây Tạng và khu vực đỉnh Kailash. Sau đó, Đức Tsangpa Gyare đã thị hiện trong một linh kiến và huyền ký rằng đây là thời điểm thực hành những công hạnh lợi tha vì lợi ích chúng hữu tình. Đức Kim cương Hợi mẫu Vajra Varahi cũng huyền ký rằng những công hạnh lợi tha sẽ nở hoa viên mãn. Mặc dù các Phật tử tín tâm đã cúng dường xây dựng một tự viện, Đức Lorepa đã từ chối chính thức duy trì một nơi cho các đệ tử vân tập.
Năm bốn mươi bảy tuổi, Đức Lorepa đã kiến lập tự viện Uri và bắt đầu chính thức trông nom tăng chúng tại nơi đây. Tất cả tăng chúng đều ẩn cư nhập thất trong suốt mùa hè và mùa đông sau khi thụ nhận giáo pháp thâm diệu vào mùa xuân và mùa thu. Hơn 100 chư tăng đã ở lại tự viện; số còn lại được cử đi thiền định trong núi và một số thiền định trong những am thất cô tịch tách biệt hoàn toàn với môi trường bên ngoài. Sau đó, Đức Lorepa tới Paro Taktsang ở Bhutan, thánh địa được Đức Liên Hoa Sinh gia trì và ẩn cư tu tập trong núi phía trên Taktsang trong ba năm.
Thánh địa Paro Taktsang, Bhutan
Vào tuổi năm mươi tư, Đức Lorepa đã bắt đầu công hạnh xây dựng tự viện Karpo Cholung, nơi có hơn 10.000 đệ tử vân tập trong mùa xuân. Ngài đã truyền trao giáo pháp rộng khắp. Hơn 800 trăm đệ tử đã được cử đi thiền định tại những thánh địa linh thiêng và những khu nhập thất trên núi. Hơn 500 vị đã an trú và thiền định trong những am thất hoang liêu cô tịch tại Cholung. Lorepa đã gửi tất cả những vật phẩm cúng dường vật chất mà Ngài đã nhận tới trụ xứ Tổ đình Ralung và Namdruk. Rồi Ngài tới Lhodrak thuộc miền nam Tây Tạng cùng với một số đệ tử. Từ Lhodrak, Ngài đến Bumthang ở Bhutan theo lời thỉnh cầu của Lama Saphugpa, tại đây Ngài đã kiến lập tự viện Tharpa Ling. Trên đường trở về, Ngài đã trùng tu tự viện được Vua Songtsen Gampo kiến lập vào thế kỷ thứ VII tại Khomthing, Lhodrak. Ngài cũng kiến lập tự viện Senge Ri và ẩn cư nhập thất tại đây trong suốt mùa hè và mùa đông. Vào mùa thu và mùa xuân, Ngài đã ban truyền giáo pháp tới các đệ tử vân tập tại đây.
Năm sáu mươi hai tuổi, Đức Lorepa đã quyết định truyền quán đỉnh Chakrasamvara tại tự viện Senge Ri. Những đệ tử đã hồi tưởng Ngài từng dạy rằng, những công hạnh Phật sự của Ngài sẽ viên mãn sau một đại lễ quán đỉnh và họ đã thỉnh cầu Ngài không truyền trao quán đỉnh trên mặt đất bởi sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ của Ngài. Tuy nhiên, Ngài không chấp nhận lời thỉnh cầu đó và đã truyền quán đỉnh tới 1.500 tăng chúng tại đây. Sau đó, Ngài đã ban truyền giáo pháp trong suốt một tháng rưỡi không ngừng nghỉ và khuyên chúng đệ tử hãy thực hành tất cả những giáo pháp đã được thụ nhận. Sức khoẻ Ngài dần một yếu hơn và Ngài đã gửi toàn bộ tài sản của mình cúng dường lên tự viện Namdruk. Sau đó, Đức Lorepa đã thị hiện viên tịch cùng vô số điềm cát tường thù thắng.
Những đệ tử của Đức Lorepa được tôn xưng là dòng “Drukpa Hạ”.
(Còn tiếp)
(Nguồn: Trích ấn phẩm "Những hành giả Yogi của Truyền thừa Drukpa")
Tham khảo thêm
Tấm gương tu tập của 3 bậc Kim cương Thượng sư Tối thắng (Phần 2)
Tấm gương tu tập của 3 bậc Kim cương Thượng sư Tối thắng (Phần 3)
- 607
Viết bình luận